Ngụy - Ngô diệt Quan Vũ nhưng sót 1 tiểu tướng, không ngờ về sau là trụ cột của Thục Hán

May mắn thoát chết trong cuộc chiến từng lấy mạng Quan Vũ, nhân vật cao số này đã trở thành một trong những võ tướng trụ cột của triều đình Thục Hán về sau.


May mắn thoát chết trong cuộc chiến từng lấy mạng Quan Vũ, nhân vật cao số này đã trở thành một trong những võ tướng trụ cột của triều đình Thục Hán về sau.

Nếu nhắc tới võ tướng nổi tiếng thời Tam Quốc, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới nhân vật từng được mệnh danh là "vô địch thiên hạ" thời bấy giờ – Lữ Bố. 

Thế nhưng, một vị danh tướng chân chính hẳn nên là một người vừa có mưu lược xuất chúng, vừa có võ nghệ hơn người.

Nếu xem xét từ hai phương diện này, những người được mang danh võ tướng kiệt suất sẽ giống như Trương Liêu, Quan Vũ. Họ là những người lập được nhiều chiến tích kiệt tác, uy chấn Hoa Hạ, khiến cho quân địch chỉ vừa nghe danh đã khiếp đảm mà không dám giao chiến.

Nếu như Trương Liêu là một trong số những danh tướng hiếm hoi may mắn có được kết cục không quá bi thảm (lâm bệnh qua đời), thì cái chết của Quan Vũ lại khiến hậu thế mỗi khi nhắc tới không khỏi xót xa.

Trong trận chiến cuối cùng của cuộc đời Quan Vũ, Ngụy và Ngô đều cử tới vô số binh lính tinh nhuệ, hai phe đối địch này cũng tung ra rất nhiều danh tướng và mưu sĩ.

Vì lâm vào thế hạ phong, Quan Vũ dù liều chết cũng không thể đột phá vòng vây để trở lại Thục Quốc sau cùng phải chịu kết cục bị chặt đầu.

Thế nhưng trong trận chiến cướp đi sinh mạng của vị Võ Thánh ấy lại có một tiểu tướng may mắn chạy thoát. Nhân vật cao số này thậm chí còn trở thành một trụ cột của Thục Hán trong giai đoạn sau. Đó chính là Liêu Hóa.

Liêu Hóa và mối cơ duyên với Quan Vũ cùng tập đoàn chính trị Thục Hán

 Ngụy - Ngô diệt Quan Vũ nhưng sót 1 tiểu tướng, không ngờ về sau là trụ cột của Thục Hán - Ảnh 1.

Cùng với Khương Duy, Liêu Hóa là một trong những võ tướng nổi bật của tập đoàn chính trị Thục Hán sau này. (Ảnh minh họa).

Liêu Hóa (? - 264), vốn tên là Liêu Thuần, tự Nguyên Kiệm, là người quận Tương Dương thuộc Kinh Châu, cũng là một trong những danh tướng trọng yếu vào giai đoạn hậu kỳ của nhà Thục Hán.

Nếu nhắc tới mối cơ duyên của Liêu Hóa với tập đoàn chính trị Thục Hán, không thể bỏ qua một nhân vật quan trọng từng giữ vai trò trấn thủ Kinh Châu. Đó chính là Quan Vũ.

Cũng bởi Quan Vân Trường vừa có tài đánh bộ, lại rất giỏi thủy chiến, Lưu Bị đã quyết định cử ông làm người trấn thủ khu vực này.

Liêu Hóa xưa kia vốn là một thư lại ở Kinh Châu, theo Quan Vũ khi đã trung tuần. Ông phụng sự dưới trướng của vị tướng "uy chấn Hoa Hạ" cho tới khi Kinh Châu xảy ra sự biến.

Trong trận chiến cuối cùng của cuộc đời mình, ngay cả khi Quan Vân Trường sở hữu võ nghệ và mưu lược xuất chúng thì một mình ông cũng khó có thể đối đầu với sự liên thủ của Tào Tháo và Tôn Quyền, nhất là khi Tôn Quyền lại lựa chọn đánh úp.

Chính sự biến bất ngờ này đã khiến cho Quan Vũ bị đẩy vào thế hạ phong, dẫn tới kết cục thất bại và vong mạng.

Vì muốn Quan Vũ hết đường chạy trốn, Tôn Quyền còn phái Lục Tốn chặn đứng con đường trở về Thục quốc.

Giữa trùng trùng lớp lớp vòng vây khiến ngay cả Quan Vũ cũng phải bỏ mạng khi đó, Liêu Hóa đã may mắn thoát khỏi "thiên la địa võng" của quân địch và trở về dưới trướng Lưu Bị.

May mắn thoát nạn, nhân tài cao số trở thành võ tướng hàng đầu có công giúp vực dậy Thục Hán  

Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Liêu Hóa được xây dựng với thân thế là một tên tặc tử của loạn Khăn Vàng, sau này lên núi làm sơn tặc.

Năm xưa khi Quan Vũ trên đường trở về với Lưu Bị, đoàn xe của ông từng bị nhóm sơn tặc dưới trướng Liêu Hóa bắt giữ.

Sau khi biết được danh tiếng của vị tướng uy chấn Hoa Hạ này, Liêu Hóa đã đưa đoàn xe trả lại và xin theo hầu Quan Vũ nhưng bị ông từ chối.

Khi Lưu Bị đoạt được Kinh Châu, Liêu Hóa đã được bổ nhiệm làm thuộc hạ của Quan Vũ.

Trong lịch sử, Liêu Hóa thực chất là một nhân tài văn võ song toàn phụng sự dưới trướng Quan Vân Trường.

Sau khi Quan Vũ thất bại trong trận Phàn Thành, Liêu Hóa bị Đông Ngô bắt được. Để có cơ hội trở về với quân chủ của mình, Liêu Hóa buộc phải dàn dựng và khiến mọi người tin rằng ông đã chết.

Ngay khi có cơ hội, ông đã đưa mẹ mình chạy thẳng về phía Tây và gặp Lưu Bị khi đang dẫn quân đánh Đông Ngô báo thù cho Quan Vũ.

Sau khi Lưu Bị qua đời, Liêu Hóa từng làm cố vấn cho Thừa tướng Gia Cát Lượng và có tham gia chiến dịch Bắc phạt, lập không ít chiến công.

 Ngụy - Ngô diệt Quan Vũ nhưng sót 1 tiểu tướng, không ngờ về sau là trụ cột của Thục Hán - Ảnh 2.

Sau khi Quan Vũ qua đời, Liêu Hóa tiếp tục phụng sự nhà Thục Hán và lập được không ít chiến công. (Ảnh minh họa).

Trong tập "Hoa dương quốc chí" phần về Lưu Hậu chủ có đoạn ghi lại:

"Sau Trương Dực, Liêu Hóa cũng trở thành đại tướng quân. Bấy giờ, người đương thời thường truyền nhau câu nói: ‘Trước có Vương, Câu (Vương Bình, Câu Phù), sau có Trương, Liêu (Trương Dực, Liêu Hóa)."

Khi Lưu Thiện đầu hàng nhà Ngụy, Liêu Hóa theo Khương Duy quy hàng và bị đưa về Lạc Dương. Thế nhưng vì tuổi tác đã cao, Liêu Hóa đã qua đời trên đường bị áp giải.


Theo Trần Quỳnh

Thời đại

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nguy-ngo-diet-quan-vu-nhung-sot-1-tieu-tuong-khong-ngo-ve-sau-la-tru-cot-cua-thuc-han-a53898.html