Thời đỉnh điểm cao của 'ông trùm BOT' Tasco đạt được vào năm 2016 với mức cổ phiếu từng giao dịch là 12.000 đồng/cổ phiếu. Năm 2017, 2018, cổ phiếu của Tasco lao dốc khá nhanh mất tới gần 60% giá trị trên thị trường chứng khoán.
Bức tranh kinh doanh dần "ảm đạm"
Tasco đã công bố báo cáo tài chính quý 3 và kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018 với cả doanh thu và lợi nhuận giảm sâu so với cùng kỳ.
Cụ thể, tính riêng quý 3 doanh thu thuần đạt 164,4 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế giảm 9% còn hơn 39,2 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 41,2 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm doanh thu thuần đạt 759,3 tỷ đồng, giảm 46% so với 9 tháng đầu năm ngoái. Giá vốn, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh nên lợi nhuận sau thuế còn 80,5 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái và mới chỉ hoàn thành 39% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó.
Hiện cổ phiếu Công ty CP Tasco (HUT) được cho là “chạm đáy” chỉ còn dưới 5.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tasco lại vừa thông báo đăng ký mua thêm 3 triệu cổ phiếu HUT. Theo thông tin từ Sở chứng giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), dự kiến giao dịch trên sẽ thực hiện từ ngày 5/11 đến 29/11 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Nếu mua đủ số lượng đăng ký, ông Dũng sẽ nâng sở hữu tại HUT lên hơn 21,68 triệu cổ phiếu, tương đương 8,74% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Dưỡng, Tổng giám đốc cũng liên tục đăng ký mua vào cổ phiếu HUT. Sau 2 lần đăng ký mua, vị này đã sở hữu 393 nghìn cổ phiếu HUT, tương ứng 0,16% vốn.
Tuy nhiên, trước đó, Tasco đã từng có bức tranh kinh tế khá sáng lạn. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2016, doanh thu Tasco đạt 1.974 tỷ đồng, hơn gấp 3 lần cùng kỳ năm 2015; lợi nhuận gộp thu về từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 562 tỷ đồng. Doanh thu tài chính tăng gần 30 tỷ đồng; song chi phí tài chính cũng tăng 91 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 9 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 45 tỷ đồng.
Với những chỉ tiêu trên, 9 tháng đầu năm 2016 Tasco còn lãi sau thuế 298,2 tỷ đồng, tăng mạnh gần 8 lần cùng kỳ năm 2015. Nếu so sánh với chỉ tiêu lợi nhuận mà ĐHCĐ giao phó (380 tỷ đồng), thì Tasco đã hoàn thành 74% kế hoạch năm.
Thời đỉnh điểm cao nhất của HUT đạt được vào năm 2016 với mức cổ phiếu từng giao dịch là 12.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, sang đến năm 2017, 2018, HUT lao dốc khá nhanh, mất tới gần 60% giá trị trên thị trường chứng khoán. Năm 2017, lũy kế 9 tháng đầu năm, Tasco đạt doanh thu thuần 1.415 tỷ đồng – giảm 28%; Lợi nhuận sau thuế 224 tỷ đồng – giảm 25% so với cùng kỳ 2016. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 9 tháng đạt 1.263 đồng. So với kế hoạch lãi sau thuế 450 tỷ đồng trong năm 2017 thì Tasco hiện mới chỉ hoàn thành 50% chỉ tiêu đề ra.
Hàng loạt dự án BOT không lối thoát?
Việc triển khai đầu tư các dự án BOT của Tasco cũng thất bại nặng nề. Trừ tuyến BOT Quảng Bình, Tasco báo lãi 41 tỷ trong năm 2017, còn lại hàng loạt các dự án khác đang bị đình trệ, không lối thoát.
Thời điểm đầu năm 2017, trao đổi với Báo Lao Động, bà Trần Ngọc Lê - phụ trách truyền thông Cty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (một trong những nhà đầu tư chính của dự án BOT cầu Hạc Trì, Phú Thọ) cho biết, hiện nay doanh thu 1 tháng của dự án này chỉ gần 5 tyr đồng trong khi riêng tiền lãi ngân hàng đã là 10 tỷ đồng.
Việc mất cân đối trầm trọng trong phương án tài chính của dự án này khiến các nhà đầu tư có nguy cơ phá sản và bị siết nợ. Bà Lê cho biết, theo phương án tài chính ban đầu thời gian hoàn vốn chỉ hơn 17 năm nhưng với thực tế này thời gian hoàn vốn sẽ đội lên hơn 50 năm.
Ở một số dự án đã khởi công nhưng chưa thu phí, tình trạng thiếu vốn, sợ kém hiệu quả cũng khiến một số nhà đầu tư tháo chạy. Tiêu biểu nhất là dự án gần 12.000 tỷ đồng BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. Dự án này được khởi công từ tháng 10/2015 và dự kiến hoàn thành trước 31/12/2018.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư lần lượt tháo chạy mà đầu tiên là Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC chỉ đúng một tháng sau khi động thổ dự án. Việc SCIC rút đi khiến cho liên danh nhà đầu tư dự án từ chỗ 6 DN xuống chỉ còn 5 và không lâu sau đó một DN nữa là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng GT Phương Thành xin giảm tỉ lệ đầu tư từ 25% xuống chỉ còn 5%. Và tới tháng 3/2017, liên danh này chính thức ra khỏi dự án khi không thể huy động đủ vốn theo quy định và buộc Bộ GTVT chấm dứt hợp đồng.
Đầu năm 2017, chưa rút ra khỏi dự án nào nhưng công ty được mệnh danh là “trùm BOT” - Tasco cũng mới quyết định dừng đầu tư vào lĩnh vực này sau gần 10 năm gắn bó để đổ tiền vào lĩnh vực khác. Lý giải về điều này, đại diện công ty cho biết đã đổ khoảng 15.000 tỷ đồng vào lĩnh vực BOT với tỉ suất sinh lời khoảng 11,5%/năm và mức lợi nhuận này được đánh giá là không đột phá trong khi vốn chủ đầu tư bị “giam” quá lâu.
Điển hình nhất phải kể đến “làn sóng” phản đối BOT Tân Đệ đặt trên quốc lộ 10, thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Tại dự án này, người dân cho rằng trạm BOT Tân Đệ đã hết hạn thu phí, việc Công ty Tasco vẫn duy trì hoạt động của trạm thu phí này để hoàn trả vốn quốc lộ 10, đoạn tránh thị trấn Đông Hưng (huyện Đông Hưng, Thái Bình) là vô lý, bởi người dân không đi qua tuyến đường này nên họ sẽ không đóng phí.
Chỉ 2 tuần sau đó, tiếp tục “làn sóng” phản đối đó lây lan sang BOT Mỹ Lộc (Nam Định) trên tuyến QL21B, cũng là đường tránh thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định). Người dân cho rằng, làn đường rộng 5m trên QL21B, đoạn từ vòng tròn Big C Nam Định đến trạm thu phí Mỹ Lộc dài 3,9 km là BT, không phải là BOT.
Chính vì sự vô lý của 2 BOT này, nhiều lái xe đã lập chốt để phản đối việc thu phí. Vậy là suốt 3-4 tháng nay, các trạm BOT này buộc phải xả trạm, ảnh hưởng lớn đến doanh thu của Tasco.
Dự án BOT Quốc lộ 10 Hải Phòng đã thi công xong cơ bản toàn bộ tuyến vào cuối năm 2017 nhưng chưa hoàn toàn giải phóng mặt bằng nên chưa thể thực hiện thu phí. Dự án BOT Đông Hưng, công ty chưa thực hiện thi công xong vì vướng mặt bằng, do đó dự án kéo dài thêm 3 tháng…
Chuyển hướng đầu tư
Tháng 1/2018, Tasco quyết định thoái vốn nhanh tại Tổng công ty Thăng Long (nơi đơn vị này là một trong những cổ đông lớn nhất).
Cùng đó, đến tháng 6/2018, Tasco công bố quyết định của Hội đồng Quản trị về tăng vốn điều lệ Công ty TNHH T’ HOSPITAL lên 158,6 tỷ đồng. Mục đích để thực hiện dự án Bệnh viện tại khu đất nhận chuyển nhượng từ Công ty TNHH Tập đoàn Hải Châu Việt Nam.
Tuy nhiên thực tế cho thấy Tasco không còn thu hút các nhà đầu tư. Cụ thể, Quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth vừa bán ra 450.000 cổ phiếu HUT giảm số lượng cổ phần nắm giữ xuống 3.004.526 cổ phần, tương đương 1,2% vốn điều lệ. Tiếp đó, Công ty CP Quản lý Quỹ VinaCapital cũng bán 500.000 cp HUT giảm tỷ lệ sở hữu xuống 1,03%.
Năm 2015, kết luận số 229 của Thanh tra Bộ Xây dựng về công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng của Công ty Cổ phần Tasco giai đoạn 2009 - 2014 và các Dự án đã chỉ ra nhiều sai sót trong công tác quản lý và triển khai các dự án của Công ty. Đó là trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế và dự toán như: Thiết kế bãi đúc cấu kiện, bãi chứa vật liệu một số vị trí không thể hiện cao độ hiện trạng; một số bản vẽ chưa thể hiện cao độ đáy ống khoan lõi và ống siêu âm; tính thừa một số khối lượng thi công, lập dự toán xây dựng công trình chưa căn cứ vào thành phần, nội dung, tính chất công việc thi công và biện pháp thi công được duyệt để vận dụng định mức cho phù hợp và một số nguyên nhân khác dẫn đến làm tăng dự toán giá gói thầu trên 7,2 tỷ đồng.
Hai dự án được thanh tra là dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội có tổng giá trị đầu tư 1.023 tỷ đồng và dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Phủ Lý - Nam Định có tổng giá trị đầu tư 3.800 tỷ đồng. Đây là hai dự án được đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng chuyển giao (BT).
Theo VietQ
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/hanh-trinh-tu-dai-gia-nghin-ty-den-vung-lay-cua-ong-trum-bot-tasco-a53974.html