Kantar World Panel có khảo sát về mức độ tiêu thụ trà và cà phê tại các thành phố lớn của Việt Nam.
Sự nổi lên của nhóm Millennials
Theo Kantar, với mức thu nhập, mức sống ngày càng cao cùng phần lớn dân số thuộc thế hệ Millennials, TP.HCM đang chứng kiến hàng loạt các chuỗi cà phê mọc lên như nấm mỗi ngày (và cũng đóng cửa không ít), từ những cái tên nổi danh toàn cầu, hay trong khu vực, đến các chuỗi cà phê trong nước, khởi nghiệp và các cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ.
Điều này ngoài việc mang lại cho thực khách Việt nhiều sự lựa chọn đồng thời cũng tạo ra sự cạnh tranh giữa các chuỗi doanh nghiệp. Một vài cái tên có thể kể đến như Starbucks, The Coffee Bean & Tea Leaf từ Mỹ, các chuỗi trà sữa nổi tiếng mà chủ yếu từ Đài Loan như Gong Cha, Koi Thé (hay có tên 50 Lan tại Đài Loan), The Alley hay một vài đại diện của Việt Nam như The Coffee House, Highlands, Trung Nguyên cùng vô số những hàng quán nhỏ lẻ khác.
Một số thương hiệu nhắm đến đối tượng trẻ trung trong khi một số lại tập trung vào độ tuổi trung niên. Có những chuỗi cửa hàng đến mua rồi mang đi trong khi một số khác lại là những địa điểm thoải mái để thực khách ngồi lại lâu hơn với không gian rộng rãi, trang bị đầy đủ các tiện ích công cộng. Người tiêu dùng Việt thường đến các quán cà phê với nhiều mục đích khác nhau.
Các bạn trẻ học sinh, sinh viên (Gen Z) thường chọn quán cà phê là nơi gặp gỡ bạn bè hoặc để thảo luận, học tập trong khi nhóm Millennials và nhóm tuổi lớn hơn có xu hướng đến đây cùng gia đình, làm việc hoặc thậm chí gặp gỡ với khách hàng, đối tác. Những thế hệ trẻ, đặc biệt là Millennials, với lối sống ra ngoài nhiều hơn sẽ là nhóm tiêu dùng chính định hình xu hướng cho thị trường đồ uống trà và cà phê cũng như là động lực chính thúc đẩy cho sự tăng trưởng của tiêu dùng bên ngoài.
Tiêu thụ trà gấp đôi cà phê
Đáng ngạc nhiên là tại TP.HCM, mức tiêu thụ trà bao gồm các sản phẩm uống liền (Ready-to-drink) và các sản phẩm pha chế tại quán (Ready-to-serve) gần gấp đôi so với cà phê, theo số liệu ban đầu từ Out-of-Home Panel của Kantar Worldpanel thực hiện tại TP.HCM. Vậy đâu là lý do khiến mức tiêu thụ của trà vượt xa cà phê?
Các loại thức uống từ trà có mức độ phổ biến hơn hẳn với hơn một nửa dân số sống tại TP. HCM có mua trong tháng 9 vừa qua. Trong khi đó, các loại cà phê chỉ tiếp cận được khoảng một phần ba dân số. Trong số các loại thức uống được ưa chuộng làm từ trà, trà sữa là lựa chọn được yêu thích nhất.
Tính trong tháng 9 năm 2018, trung bình cứ năm người sẽ có một người mua trà sữa ít nhất một lần. Xếp hạng tiếp theo là trà đào và trà xanh Nhật Bản (matcha) cũng là hai trong số các loại thức uống được người tiêu dùng yêu thích. Thậm chí, người tiêu dùng sẵn sàng chi với mức giá cao hơn cho top 3 thức uống này, với giá thành bình quân gấp 1,5 đến 2 lần so với các loại thức uống làm từ trà khác. Thêm vào đó, thị trường trà sữa Việt Nam đang bùng nổ trong những năm gần đây. Rất nhiều thương hiệu trà sữa nhượng quyền mọc lên, từ các góc phố đến trung tâm mua sắm, bởi các thương hiệu nước ngoài đầu tư mở rộng vào thị trường Việt Nam, đặc biệt tập trung tại các thành phố lớn.
Chính vì thế, thị trường trà sữa được mong đợi sẽ tiếp tục sôi động và phát triển thêm nữa với sự phong phú hơn về thương hiệu, hương vị cùng nhiều loại “topping” mới đặc sắc. Mặt khác, dù Việt Nam là nước sản xuất cà phê đứng thứ hai trên thế giới, nhưng cà phê lại không phổ biến đối với nhiều người tiêu dùng Việt bằng các loại thức uống từ trà. Tuy vậy, thức uống này lại thu hút một lượng khách hàng riêng biệt là những “tín đồ” uống cà phê thường xuyên.
Cà phê kiểu Việt truyền thống bao gồm cà phê đen và cà phê sữa là những sự lựa chọn phổ biến hơn hết. Nhưng bên cạnh đó, các lựa chọn hiện đại hơn, đến từ phương Tây như cappuccino, mocha và đá xay (frappe) cũng dần được biết đến nhiều, và đang chiếm khoảng ¼ doanh số phân khúc cà phê. Đây chắc chắn là một trong những điều cần để mắt đến trong thời gian tới để xem sự ảnh hưởng của những hương vị mới này đến hương vị cà phê truyền thống như thế nào khi mà số lượng chuỗi cà phê hiện đại ngày càng tăng lên.
Xét về địa điểm ưa thích khi đi cà phê, ba cái tên đã chinh phục phần lớn người tiêu dùng là The Coffee House, Phúc Long và Highlands. Một điều thú vị là tại các quán này, thức uống cà phê chỉ chiếm một nửa chi tiêu của thực khách, trong khi các loại đồ uống khác như trà, nước ép trái cây và nước giải khát lại chiếm một nửa còn lại. Thực tế này cho thấy chúng là những thức uống cũng không thể thiếu tại các quán cà phê.
Cho đến năm 2021, TP.HCM sẽ đứng thứ hai trong top 20 thành phố có tốc độ phát triển hàng đầu châu Á, chỉ sau Delhi (Ấn Độ) theo Oxford Economics. Điều này hứa hẹn những cơ hội lớn trong bối cảnh thị trường cạnh tranh sôi nổi với nhu cầu tiêu dùng cao nhưng người tiêu dùng lại dễ thay đổi, ít gắn bó hơn trước với bất kỳ thương hiệu cụ thể nào.
Những nhà đầu tư, chuỗi doanh nghiệp với tâm thế kinh doanh “bị động” hôm nay có thể thua trong cuộc chiến ngày mai nếu họ không theo kịp xu hướng thị trường và những nhu cầu đang thay đổi chóng mặt của người tiêu dùng về chất lượng, khẩu vị cũng như trải nghiệm theo hướng ngày một cao cấp hơn. Công thức thành công nằm trong tay những ai đầu tư cho các giá trị dài hạn, chủ động nắm bắt thông tin, nhanh chóng thích ứng với những thay đổi của thị trường và giữ trực giác nhạy bén trong việc tạo ra những cái mới, thú vị để hấp dẫn người tiêu dùng Việt.
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư