Đế chế Vạn Thịnh Phát và sự bí ẩn trong ‘giỏ hàng’ tỷ USD

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sở hữu khối đất vàng đồ sộ ở TP.HCM thông qua các thương vụ thâu tóm. Tuy nhiên giá trị khai thác các dự án này chưa đáng là bao khiến nhiều người bất ngờ.

Ngoài tòa nhà Time Square được Vạn Thịnh Phát trực tiếp đầu tư và đưa vào vận hành, những dự án còn lại trên phố đi bộ Nguyễn Huệ mà doanh nghiệp này nhận chuyển nhượng vẫn chưa khai thác hết công năng. Nhiều bất động sản giá trị khác ở TP.HCM của đại gia này cũng bị “treo” ngay sau khi bị thâu tóm.

Từ một trung tâm thương mại sầm uất, sau khi về tay Vạn Thịnh Phát, Union Square đóng cửa hai năm qua.
Từ một trung tâm thương mại sầm uất, sau khi về tay Vạn Thịnh Phát, Union Square đóng cửa hai năm qua.)

Giỏ hàng tỷ USD với nhiều dự án 'bất động'

Gần 1 km phố đi bộ Nguyễn Huệ kéo dài từ UBND TP.HCM đến Bến Bạch Đằng được đánh giá là vị trí vàng đối với bất kỳ dự án bất động sản nào. Giá đất ở khu vực này được đánh giá là đắt đỏ bậc nhất cả nước, thậm chí là ở khu vực châu Á.

Tuy nhiên, Vạn Thịnh Phát lại sở hữu đất vàng ở khu vực này tự nhiên như “đi chợ”. Tập đoàn gia đình của bà Trương Mỹ Lan đang có 5 dự án trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, chiếm gần 1/3 diện tích các dự án trên con đường đắt đỏ bậc nhất này.

Sau khi gây tiếng vang lớn khi khánh thành tòa nhà Time Square với khách sạn 6 sao đầu tiên ở TP.HCM, tập đoàn của bà Lan bắt đầu công cuộc “chinh phạt” thâu tóm đất vàng. Khởi đầu là Trung tâm thương mại Vincom A (nay được đổi tên thành Union Square) hồi tháng 6/2013.

Chỉ hai năm sau khi trung tâm này khánh thành, Vạn Thịnh Phát được cho là có liên quan đến nhóm cổ đông của ngân hàng Sài Gòn (SCB) và tập đoàn VIPD - đơn vị đã bỏ ra số tiền lên tới 10.000 tỷ đồng để mua lại dự án trên.

Union Square nằm ngay đầu tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, giáp 4 mặt tiền đường và gần kề với trụ sở UBND TP.HCM. Sau thâu tóm, từ một trung tâm sầm uất bậc nhất thành phố, tòa nhà này đóng cửa sửa chữa phần lớn diện tích, chỉ còn vài thương hiệu thời trang nổi tiếng trụ lại.

Thông tin cho biết Vạn Thịnh Phát đang điều chỉnh thiết kế, muốn biến Union Square thành khách sạn 6 sao. Ban đầu, dự kiến khách sạn sẽ hoạt động vào cuối năm 2016, nhưng một đại diện của tập đoàn này cho biết do mất thời gian điều chỉnh lại quy hoạch nên vẫn chưa có thời điểm khai trương.

Đế chế Vạn Thịnh Phát và sự bí ẩn trong ‘giỏ hàng’ tỷ USD
Biệt thự cổ 700 tỷ ở quận 3 sau khi về tay tập đoàn này cũng chưa có động thái gì mới. Hàng ngày, biệt thự này có 2 nhân viên bảo canh giữ.

Năm 2015, tập đoàn này cũng đã bỏ ra hơn 700 tỷ đồng (tương đương 35 triệu USD) để mua lại căn biệt thự cổ từ thời Pháp ở trung tâm quận 3. Căn biệt thự xây dựng trên khu đất 2.819,5 m2, nằm góc giao lộ Võ Văn Tần – Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Diệu. Nhưng sau khi mua xong, chưa thấy một kế hoạch khai thác gì mới với căn nhà hàng chục triệu đô này.

Dự án tháp SJC tọa lạc tại khu tứ giác giới hạn với 4 tuyến đường Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Thánh Tôn – Nguyễn Trung Trực cũng là một dự án "mua rồi để đó". Tập đoàn của đại gia Trương Mỹ Lan thâu tóm và khởi công dự án cuối năm 2016. Tuy nhiên, hiện khu đất này chỉ sử dụng làm bãi giữ xe.

Một dự án khác là Thuận Kiều Plaza được cho là đang hồi sinh sau gần 20 năm “chết đứng”.

Tòa nhà được Công ty CP đầu tư An Đông - thành viên của Vạn Thịnh Phát mua lại vào năm 2015. Khi đó, có thông tin Vạn Thịnh Phát chỉ lấy đất, đập lại xây mới nhưng đến nay chủ đầu tư mới chỉ "đổi áo" 3 tòa tháp từ màu hồng trắng sang màu xanh lá cây, sửa chữa lại phần trung tâm thương mại bên dưới. Cái tên Thuận Kiều Plaza cũng sắp biến mất khi tòa nhà này được đặt tên mới là The Garden Mall.

Đế chế Vạn Thịnh Phát và sự bí ẩn trong ‘giỏ hàng’ tỷ USD
Thuận Kiều Plaza chỉ mới đổi tên, thay màu áo và tầng thương mại.

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết dự án đã được cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo từ tầng 1 đến tầng 3 vào ngày 22/6/2016. Cụ thể là lùi mặt ngoài vào 3 m từ phía đường Hồng Bàng để tạo độ thông thoáng và trồng hoa cảnh, cây xanh.

Trong báo cáo của Sở Xây dựng, việc lùi mặt dựng bên ngoài này làm cho phần diện tích thương mại giảm từ hơn 12.000 m2 xuống còn 10.800 m2. Chủ đầu tư cũng xin lắp đặt thêm ba thang máy và năm thang bộ bên trong khối đế của tòa nhà (phần trung tâm thương mại). Riêng phần căn hộ cũng chưa có kế hoạch thiết kế lại hay mở bán.

Ngoài các dự án nằm trên "đất vàng", tháng 4/2016, Vạn Thịnh Phát cũng đã khởi công xây dựng dự án Saigon Peninsula 6 tỷ USD (phường Phú Thuận, quận 7), với tổng diện tích 118 ha bao gồm công viên đa chức năng, bến cảng du thuyền quốc tế, văn phòng, khu biệt thự, căn hộ, khách sạn… Tuy nhiên, hiện dự án này lại "án binh bất động".

Lòng vòng những 'đứa con' triệu USD

Hầu hết dự án đất vàng hay siêu dự án có quy mô vốn lớn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đều được xác định lòng vòng qua những công ty có liên quan. Đến nay, sự phức tạp của hệ thống Vạn Thịnh Phát cũng đặt các dự án này với nhiều sự suy diễn, phỏng đoán.

Vạn Thịnh Phát được sở hữu và điều hành bởi bà Trương Mỹ Lan cùng chồng là ông Eric Chu Nap Kee, một doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản tại Hong Kong. Tập đoàn này là trung tâm của một loạt công ty có sở hữu chồng chéo phức tạp. Một trong những đặc điểm chung hiếm hoi của các công ty trong hệ thống Vạn Thịnh Phát là hầu hết đều có quy mô vốn điều lệ rất lớn, từ vài nghìn đến vài chục nghìn tỷ đồng.

Đế chế Vạn Thịnh Phát và sự bí ẩn trong ‘giỏ hàng’ tỷ USD
Dự án Saigon Peninsula 6 tỷ USD được đầu tư bởi công ty trong hệ thống của Vạn Thịnh Phát.

Các công ty trong hệ thống Vạn Thịnh Phát không sở hữu tên gọi hay nhận diện chung, cũng như không có sự sở hữu tập trung mà sở hữu chéo lẫn nhau tương đối phức tạp. Nhiều người vì các công ty có liên quan trong hệ thống của tập đoàn này gần như là những “quản gia” đảm trách việc “đi chợ” và cai quản các dự án.

Các công ty trong hệ thống Vạn Thịnh Phát

Đế chế Vạn Thịnh Phát và sự bí ẩn trong ‘giỏ hàng’ tỷ USD
CTCP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát (VTP Investment Group) có vốn điều lệ 12.800 tỷ đồng

Đây là một trong những công ty trung tâm của hệ thống Vạn Thịnh Phát. VTP Investment Group có các cổ đông chính là bà Trương Mỹ Lan sở hữu 15% cổ phần, CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Group Holdings) sở hữu 41%. Bà Trương Mỹ Lan lại nắm giữ 80% cổ phần của VTP Group Holdings.

CTCP Tập Đoàn Sài Gòn Peninsula vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng

Đây đang là công ty có vốn điều lệ lớn nhất trong số các công ty có liên quan đến Vạn Thịnh Phát. Sài Gòn Peninsula là chủ đầu tư của dự án 6 tỷ USD Saigon Peninsula, còn được biết đến với tên gọi Dự án công viên Mũi Đèn Đỏ.

CTCP Tập đoàn Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD Group) vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng.

VIPD Group chính là công ty đã đứng ra mua lại trung tâm thương mại Vincom Centre A từ Vingroup với giá gần 10.000 tỷ đồng vào năm 2013. Trung tâm thương mại này sau đó được đổi tên thành Union Squre.

CTCP Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD) vốn điều lệ 11.000 tỷ đồng.

VIPD có tên gọi khá giống với VIPD, chỉ khác mỗi chữ “tập đoàn” và vốn điều lệ nhỏ hơn 1.000 tỷ đồng. Tên gọi ban đầu là CTCP Đầu tư và Xây dựng An Thái.

CTCP Đầu tư An Đông vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng

An Đông là chủ đầu tư của tổ hợp Trung tâm thương mại An Đông và khách sạn Windsor Plaza tại quận 5, TP.HCM.

Trên phố đi bộ Nguyễn Huệ còn một dự án “vàng” khác của Vạn Thịnh Phát nhưng không phải do tập đoàn này thâu tóm mà được chỉ định thầu. Đó là khu tứ giác vàng mặt tiền phố đi bộ Nguyễn Huệ - đường Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng - Ngô Đức Kế (quận 1), nằm cạnh tháp Bitexco, trung tâm văn phòng Sunwah, đối diện tòa nhà Times Square. Khu đất 4 mặt phố ở vị trí đắc địa này có diện tích 1,31 ha.

Thông tin về việc đầu tư vào tứ giác vàng này xuất hiện từ tháng 5/2016, khi Vạn Thịnh Phát có văn bản xin chủ trương UBND TP.HCM cho công trình xây cao tối đa 40 tầng tại đây.

 

Nguồn: https://zingnews.vn/de-che-van-thinh-phat-va-su-bi-an-trong-gio-hang-ty-usd-post771771.html

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/de-che-van-thinh-phat-va-su-bi-an-trong-gio-hang-ty-usd-a54236.html