20 năm trước, một doanh nhân Việt nhỏ bé đã nói như vậy trước một thương gia nước ngoài. Thời điểm ấy, xí nghiệp may do ông làm giám đốc đang đứng trên bờ vực hiểm nguy. May Sông Hồng góp vốn với một đối tác thương gia nước ngoài. Vốn coi như người bạn, ông Thịnh đã hoàn thành việc xây dựng nhà xưởng mà chưa ký kết giấy tờ trong sự tin tưởng tuyệt đối. Vị thương gia kia đã bội ước và quay lại ép ngược Sông Hồng. Nhà xưởng xây xong để trống, thiếu vốn và máy móc thiết bị vận hành, cũng không có thị trường để xuất bán. Nhưng với bản lĩnh của người lính, ông đã không chấp nhận đầu hàng trước chiêu o ép này.
Ông Bùi Đức Thịnh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP May Sông Hồng. |
20 năm sau, người đàn ông ấy kể lại biến cố quá khứ bằng giọng điệu trầm tĩnh. Ở ông vẫn luôn toát lên vẻ điềm đạm và khí chất của người lính năm nào. Vị doanh nhân ấy là Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần May Sông Hồng. ''Đế chế'' 30 năm tuổi này hiện là một trong những doanh nghiệp may mặc dẫn đầu cả nước, đang rục rịch lên sàn HOSE cuối năm nay.
Hành trình tìm kiếm những khe sáng nhỏ nhoi
''Như thân cây non giữa sâu hút đại ngàn,run rẩy, nhọc nhằnlen tìm từngtia sáng nhỏ'', Ông Bùi Đức Thịnh đã viết về hành trình lớn lên của May Sông Hồng như vậy. Trưởng thành từ một người lính thuộc binh chủng tên lửa, ông xuất ngũ năm 1974, bắt đầu hoạt động đoàn thể rồi tham gia công tác chính trị ở Nam Định. Đến năm 1988, đúng vào thời điểm đất nước vừa bắt đầu đổi mới, ông được nhận một nhiệm vụ mới là thành lập và quản lý xí nghiệp may 1-7, tiền thân của May Sông Hồng.
''Một doanh nghiệp Nhà nước mà lúc ra đời chỉ có mấy chục chiếc máy đạp chân, chẳng đồng vốn dự trữ, vậy mà có mấy chàng trai dù chưa một lần kinh qua doanh nghiệp đã dám cả gan xin nhận sứ mệnh xây dựng cơ đồ'', vị Chủ tịch nhớ lại.
Sự khởi nghiệp ấy, được ông mô tả lại, gói trọn trong một chữ ''không''. Không vốn, không đất đai để xây dựng nhà xưởng, không công nghệ, thiếu cả nhân lực và thị trường.
Nhưng khó khăn không ngăn được người doanh nhân khoác áo lính ''kiên trì kiếm tìm từng khe sáng nhỏ'' để vươn lên. Trong rủi có điềm lành.Giữa cảnh nhà xưởng để không, một doanh nhân đứng tuổi người Đài Loan tên Jimmy Fu đã đưa ông Thịnh sang Hong Kong, Đài Loan, Thẩm Quyến để tìm hiểu thiết bị, công nghệ và nguyên liệu. Cũng chính từ đây, bí mật về việc sản xuất chăn đệm - lớp vỏ bọc khiến các doanh nhân nước ngoài thu lợi khủng khiếp ở thị trường Việt Nam đã được hé lộ.
Những năm 97, 98 là thời điểm cả nước chỉ có 6, 7 xưởng sản xuất bông, chủ yếu là của nước ngoài. Không chấp nhận thua kém, dù bị đối tác bội ước, ông Bùi Đức Thịnh và ban lãnh đạo công ty vẫn kiên quyết thành lập xưởng bông tấm đầu tiên của người Việt.
Nhắc đến lời bội ước năm nào, ông Thịnh thậm chí còn trân trọng và coi đó là một cú hích để Sông Hồng vượt lên. Một năm sau đó, dây chuyền sản xuất bông tấm đầu tiên trọn vẹn của người Việt Nam ra đời, ''đòi'' lại sự minh bạch, chất lượng và giá thành hợp lý cho người tiêu dùng Việt.
Sau hơn 30 năm hoạt động, từ một doanh nghiệp nhỏ bé, May Sông Hồng đã trở thành một đế chế hùng hậu, với gần 11.000 lao động. Sông Hồng hiện nằm trong top những doanh nghiệp xuất khẩu dệt may lớn nhất Việt Nam. Mỗi năm, doanh nghiệp này đạt trên dưới 3.000 tỷ VNĐ doanh thu.
Tăng trưởng doanh thu trong 5 năm gần nhất (đơn vị tính: tỷ Việt Nam Đồng). |
Về mặt hàng quần áo thời trang xuất khẩu, Sông Hồng là một trong top 5 công ty lớn hàng đầu Việt Nam về kim ngạch và giá trị xuất khẩu. Mảng chăn ga gối đệm hàng năm cũng đóng góp 15% - 20% doanh thu và 10% -15% lợi nhuận toàn công ty, đưa Sông Hồng thành thương hiệu top đầu trong ngành chăn ga gối đệm trên thị trường Việt Nam.
Lợi nhuận trước thuế trong 5 năm gần nhất (đơn vị tính: tỷ Việt Nam Đồng) |
Hiện May Sông Hồng có 20 xưởng sản xuất, tập trung chủ yếu trong địa bàn tỉnh Nam Định. Không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước, công ty còn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Canada, Mexico và các nước Trung Đông.
Triết lý kinh doanh từ đạo Phật
''Làm doanh nghiệp, nếu không tính toán lời lãi, thì e chẳng thực lòng, nhưng nếu quá cao trên lưng đồng bào của mình thì ắt hẳn Đạo Trời chẳng thuận'', vị Chủ tịch May Sông Hồng nói. Chữ tâm thiện lành của đạo Phật ấy đã trở thành triết lý xuyên suốt chặng đường đi tìm ánh sáng của doanh nghiệp dệt may này.
May Sông Hồng mang tâm huyết và niềm tự hào của một doanh nghiệp Việt. |
Mang cái tên rất Việt Nam, thương hiệu chăn ga gối đệm Sông Hồng ẩn chứa lòng tự tôn và tự hào dân tộc. ''Sản phẩm của chúng tôi tập trung vào chất lượng an toàn, giá cả cạnh tranh, mẫu mã đa dạng nhằm đáp ứng thị hiếu và sở thích, thói quen của người Việt. Hơn hết, đó là tâm huyết và niềm tự hào dân tộc của một doanh nghiệp Việt''.
Ông Bùi Đức Thịnh nói, đó là điều giản dị mà một doanh nghiệp có thể làm cho đất nước.
Năm 2018 là dấu mốc kỷ niệm 30 năm thành lập, cũng là thời điểm May Sông Hồng chuẩn bị lên sàn HOSE. Thị trường chăn ga gối đệm ngày càng tiềm năng khi dân số Việt Nam tăng ổn định, thu nhập được nâng cao. Lĩnh vực xuất khẩu hàng gia công cho các tập đoàn nước ngoài cũng đang phát triển mạnh trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ Trung căng thẳng, nên nhiều đối tác phương Tây chọn Việt Nam là điểm đến mới.
''May Sông Hồng sẽ tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất thông qua việc hiện đại hóa bộ máy nhân sự, nâng cao cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, đồng thời không ngừng mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu cũng như phát triển các kênh bán hàng mới'', ông Bùi Đức Thịnh tin tưởng nói.
Phạm Vân