Trước khi 'đắt hàng', Vinaconex bết bát thế nào?

Bất chấp kinh doanh bết bát, lợi nhuận và tài sản cùng 'lao dốc', Vinaconex vẫn khiến nhà đầu tư ngạc nhiên khi 'đắt hàng' đến không ngờ.

Bất chấp kinh doanh bết bát, lợi nhuận và tài sản cùng 'lao dốc', Vinaconex vẫn khiến nhà đầu tư ngạc nhiên khi 'đắt hàng' đến không ngờ.

“Game” thoái vốn nhà nước là cụm từ được nhắc rất nhiều trong năm 2017. Chỉ cần có kế hoạch thoái vốn, các doanh nghiệp nhà nước đều nhận được sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư.

Ai sẽ thâu tóm được khối cổ phiếu khổng lồ của Vinaconex?. (Ảnh: H.H)

Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là ví dụ điển hình nhất cho việc hưởng lợi lớn từ “game” thoái vốn này. Tiếp sau đó là Nhựa Bình Minh. Vì vậy, khi công bố tin thoái vốn nhà nước, Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) được chú ý hơn.

Tuy nhiên, trước khi phiên đấu giá cổ phần diễn ra, có nhiều ý kiến “lo lắng” cho Vinaconex bởi hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinaconex không được thuận lợi như Sabeco hay Nhựa Bình Minh. Và lo lắng của nhà đầu tư không phải là thừa.

Cuối năm ngoái, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) tổ chức đấu giá cổ phần VCG của Vinaconex. Tuy nhiên, đợt chào bán không thành công.

Sắp tới đây, một phiên đấu giá mới sắp được tổ chức, nhà đầu tư tiếp tục lo ngại bởi sau thất bại hồi cuối năm ngoái, Vinaconex không những không cải thiện được tình hình mà các chỉ số kinh doanh thậm chí còn bết bát hơn.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý 3/2018, lợi nhuận sau thuế của Vinaconex giảm sâu từ 260 tỷ đồng hồi quý 3/2017 xuống chỉ còn 185 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 368 tỷ đồng, giảm mạnh từ 623 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ có vậy, tài sản của công ty này cũng “bốc hơi”. Tại thời điểm 30/9/2019, tổng tài sản của Vinaconex chỉ đạt 20.170 tỷ đồng, giảm 1.459 tỷ đồng, tương ứng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nợ tại Vinaconex là rất lớn. Ở thời điểm cuối tháng 9 năm nay, nợ phải trả của công ty này lên đến 12.453 tỷ đồng, cao gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Điều đáng nói, vốn chủ sở hữu bất ngờ giảm nhẹ từ 7.858 tỷ đồng xuống chỉ còn 7.717 tỷ đồng.

Đứng trước những thông tin kém lạc quan này, nhà đầu tư lo ngại một phiên đấu giá ế ẩm tiếp theo có thể diễn ra. Thế nhưng, Vinaconex khiến thị trường chứng khoán ngạc nhiên khi “đắt hàng” đến không ngờ. Chỉ 4 nhà đầu tư đăng ký đấu giá “ôm trọn” lô cổ phiếu mà SCIC bán ra.

Cụ thể, ba doanh nghiệp đó là Công ty TNHH An Quý Hưng, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Thăng Long JTC, Công ty TNHH Đầu tư Star Invest và một cá nhân là ông Nguyễn Văn Đông đăng ký mua trọn gói lô cổ phần Vinaconex, tương đương tổng giá trị tối thiểu là 5.430 tỷ đồng.

Sự quan tâm lớn nhất của thị trường hướng về phía ông Đông. Ông Đông sinh năm 1980, trú tại Thừa Thiên Huế. Trước giao dịch, nhà đầu tư cá nhân này không nắm giữ cổ phần VCG nào. Theo bản đăng ký, ông Đông sẽ sử dụng nguồn vốn tự có và các nguồn vốn hợp pháp khác để mua lại lượng cổ phần nói trên.

Hòa Bình

Theo VTCnews

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/truoc-khi-dat-hang-vinaconex-bet-bat-the-nao-a55302.html