Đằng sau hành trình 25 năm từ một cửa hàng điện tử tới một tập đoàn đa ngành khổng lồ của T&T Group

Đằng sau hành trình 25 năm từ một cửa hàng điện tử tới tập đoàn đa ngành khổng lồ của T&T Group 1

Năm 1986, Việt Nam chính thức khởi xướng công cuộc đổi mới nền kinh tế. Luật đầu tư nước ngoài năm 1987 và đặc biệt là luật doanh nghiệp tư nhân và luật công ty ra đời năm 1991 đã giải phóng cho kinh tế tư nhân phát triển.

Đứng trước cơ hội lớn của thời cuộc, không ít người đã chọn rời bỏ môi trường Nhà nước để chuyển sang mở doanh nghiệp của riêng mình. Năm 1993, ở tuổi 31, Đỗ Quang Hiển, cựu sinh viên khoa Vật lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng quyết định nghỉ việc tại Viện nghiên cứu công nghệ Quốc gia để mở hãng tư lấy tên công ty Công nghệ và Thương mại T&T.

Gọi là công ty, nhưng khi đó T&T mới chỉ là một cửa hàng nhỏ đặt tại số 40 phố Hai Bà Trưng, bán các mặt hàng điện tử, điện lạnh. Nhờ cơ hội tiếp xúc với các đơn vị sản xuất kinh doanh thời còn làm việc tại Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia, ông Hiển trở thành nhà phân phối độc quyền các mặt hàng điện tử, điện lạnh của các thương hiệu nổi tiếng Nhật Bản như National, Panasonic, Toshiba,… ở phía Bắc.

Đằng sau hành trình 25 năm từ một cửa hàng điện tử tới tập đoàn đa ngành khổng lồ của T&T Group 2

Với những người đã từng đi qua thời kỳ đất nước chuyển mình, hẳn vẫn nhớ như in những mặt hàng như quạt điện, máy sấy tóc, TV hay tủ lạnh có giá trị cao như thế nào, và đứng cao nhất trong nhóm này là đồ ‘made in Japan’. Đó cũng là những năm tháng phát triển rực rỡ với T&T của doanh nhân trẻ Đỗ Quang Hiển.

Tuy nhiên, đúng lúc T&T đang ở đỉnh cao thì khủng hoảng xảy ra. Năm 1998, một lượng lớn hàng điện tử, điện lạnh nhập lậu được kê khai thành máy tính để chỉ bị đánh thuế thuế 0- 5% tuồn vào thị trường với giá rất rẻ. Trong khi ấy, T&T hàng nhập chính ngạch với mức thuế 60% không thể cạnh tranh được. Lượng hàng tồn kho ngày một lớn khiến doanh nghiệp gánh món nợ thuế hơn 7 tỷ đồng. Ông Hiển được lên báo bất đắc dĩ với cái tiêu đề ‘chúa chổm’.

Đằng sau hành trình 25 năm từ một cửa hàng điện tử tới tập đoàn đa ngành khổng lồ của T&T Group 2

Trước tình cảnh đó, người lãnh đạo T&T tìm cách chu cấp cho nhân viên, giới thiệu sang công ty khác và chỉ dám giữ lại đôi ba người thân tín để cùng xoay sở.

Khủng hoảng rồi cũng qua, đến đầu những năm 2000, ông Hiển gặp cơ duyên khác với ngành sản xuất xe máy. Thời điểm đó, thị trường đang tràn ngập xe máy xuất xứ Trung Quốc. Một chiếc xe ‘Tàu’ có giá thành rất rẻ, chỉ từ 5 – 7 triệu đồng nhanh chóng chiếm lĩnh trên 70% thị trường xe máy Việt Nam khi đó.

Dù đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, song xe tàu cũng mang lại hệ lụy cho xã hội khi chất lượng hoàn thiện kém, dễ hư hỏng, không an toàn, gây ô nhiễm môi trường,… Trước thực trạng chung, Chính phủ đã có những biện pháp thắt chặt nhập khẩu xe máy từ Trung Quốc.

Đi theo chủ trương của Chính phủ, T&T Group đã quyết định táo bạo khi đầu tư 300 tỷ đồng để xây dựng nhà máy sản xuất động cơ, phụ tùng xe máy có quy mô lớn nhất Việt Nam. Trung bình một năm, T&T Group tung ra thị trường khoảng 700.000 xe gắn máy, trong đó 80% tiêu thụ trong nước và 20% xuất khẩu sang thị trường Châu Phi và Nam Mỹ.

Những bước đi song hành với chính sách một lần nữa đưa T&T Group trở về những ngày tháng hoàng kim, đồng thời trở thành kim chỉ nam định hướng mở rộng của tập đoàn.

Đằng sau hành trình 25 năm từ một cửa hàng điện tử tới tập đoàn đa ngành khổng lồ của T&T Group 4

Năm 2005, quy chế thành lập ngân hàng mới được chuẩn bị và ban hành, yêu cầu các ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn chỉ được chọn một trong hai hướng, tăng vốn điều lệ để chuyển đổi thành ngân hàng đô thị hoặc phải sáp nhập, phá sản.

Chủ trương mới vô hình chung lại là cơ hội vàng cho những nhà đầu tư muốn tham gia vào lĩnh vực ngân hàng, khi cửa xin cấp phép thành lập mới đang ngày càng thu hẹp. Nắm bắt được cơ hội từ cơ chế mới, tập đoàn T&T Group đã đầu tư vào Ngân hàng nông thôn Nhơn Ái, chuyển thành ngân hàng đô thị với tên gọi mới là Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).

Trở thành Chủ tịch ngân hàng, ông Hiển đã chèo lái con tàu SHB vượt qua những con sóng dữ, như thời kỳ khủng hoảng tài chính hay bong bóng bất động sản giai đoạn 2008 – 2012. SHB còn là đơn vị hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý nợ xấu hiệu quả khi hồi sinh thành công Thủy sản Bình An (Bianfishco), công ty tài chính Vinaconex – Viettel hay sáp nhập Habubank. Từ một ngân hàng nông thôn nhỏ, SHB trở thành 1 trong 5 ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản đạt trên 300.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng.

Đằng sau hành trình 25 năm từ một cửa hàng điện tử tới tập đoàn đa ngành khổng lồ của T&T Group 5

Không phải ngân hàng nông thôn chuyển đổi nào cũng may mắn như vậy. Nhìn lại làn sóng đầu tư vào ngân hàng nông thôn sau hơn một thập kỷ, có thể thấy sự phân hóa rất rõ rệt. 11 ngân hàng chuyển đổi thời kỳ đó chỉ còn sót lại 3 ngân hàng, trong đó có SHB là vẫn hoạt động theo định hướng, hình thức pháp lý ban đầu. 9 ngân hàng còn lại chia thành 2 nhóm, nhóm ngân hàng yếu kém bị mua lại 0 đồng và nhóm ngân hàng bị sáp nhập.

Tới năm 2007, khi thị trường bất động sản và hỗ trợ nhà ở nhận được những hậu thuẫn lớn về mặt chính sách, T&T Group cũng bắt tay vào các dự án bất động sản tại Hà Nội và TPHCM, thành lập nên T&T Land. Công ty chuyển đổi mô hình từ Công ty TNHH T&T thành mô hình tập đoàn mang tên T&T Group.

Đến nay, T&T Group là nhà phát triển dự án hàng đầu Việt Nam với nhiều dự án bất động sản trên khắp cả nước với các loại hình từ căn hộ, nhà ở thương mại, khu đô thị, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, văn phòng cho thuê & Trung tâm Thương mại.

Đằng sau hành trình 25 năm từ một cửa hàng điện tử tới tập đoàn đa ngành khổng lồ của T&T Group 6

Càng về sau, những mảnh ghép trong bức tranh chung của tập đoàn càng theo sát từ những quyết sách của Chính phủ. Giai đoạn năm 2009, khi tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được đẩy mạnh, T&T Group là một trong những đơn vị tham gia năng nổ nhất.

Tập đoàn đầu tư mua cổ phần và trở thành cổ đông lớn, tham gia lập chiến lược quản trị của nhiều công ty, trải dài từ lĩnh vực sản xuất tới xuất nhập khẩu, logistics. Trong đó, nổi bật nhất có thể kể tới hoạt động tham gia cổ phần hóa vào bệnh viện Giao thông vận tải và cảng Quảng Ninh.

Không giống như định kiến tham gia cổ phần hóa chủ yếu là nhắm vào đất, sau khi trở thành cổ đông chiến lược của các doanh nghiệp cổ phần hóa, T&T Group ‘âm thầm’ phát triển một mũi nhọn riêng cũng được đánh giá là chủ trương quan trọng, đó là nông nghiệp công nghệ cao.

Đúng với phong cách “không thích nói nhiều mà muốn khẳng định bằng việc làm”, người ta không thấy Chủ tịch Hiển tuyên bố gì, chỉ thấy T&T Group của ông lặng lẽ sở hữu chi phối hàng loạt doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp như Vigecam, Vinafor, Vegetexco, Unimex, Vinafoods... với tổng số tiền bỏ ra khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.

Vài năm trước, đầu tư nông nghiệp đã từng là ‘mốt’ khi hàng loạt doanh nghiệp lớn trong nước tuyên bố rót tiền vào phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Mặc dù vậy, theo thời gian, số lượng doanh nghiệp còn trụ lại không nhiều, những đơn vị thành công lại càng ít. Với T&T Group, tập đoàn cho thấy chiến lược bài bản khi đang khép kín chuỗi cung ứng của mình trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, từ xuất nhập khẩu, cảng biển cho tới bán lẻ.

Đằng sau hành trình 25 năm từ một cửa hàng điện tử tới tập đoàn đa ngành khổng lồ của T&T Group 7

Đằng sau hành trình 25 năm từ một cửa hàng điện tử tới tập đoàn đa ngành khổng lồ của T&T Group 7

Tháng 3/2018, T&T Group cho ra mắt thương hiệu T.Vita - thương hiệu nông nghiệp công nghệ cao của tập đoàn. Trong ngày công bố sản phẩm, ông Hiển cho biết, T&T Group sẽ xây dựng thương hiệu nông nghiệp công nghệ cao với mong muốn trở thành công ty tiên phong trong việc tạo dựng và phát triển một nền nông nghiệp xanh bền vững.

25 năm hình thành và phát triển, T&T Group từ một cửa hàng bán lẻ hàng điện tử chỉ có vài chục nhân viên, nay đã trở thành một tập đoàn đa ngành khổng lồ quy mô 70.000 con người. Tính đến tháng 10/2018, Tổng tài sản của Tập đoàn đạt trên 35.000 tỉ đồng, vốn điều lệ 15.000 tỉ đồng. Song song với kinh doanh, tập đoàn cũng đầu tư mạnh mẽ vào thể thao với thành công là CLB Bóng đá HN T&T.

Câu chuyện của T&T Group vẫn đang được viết tiếp. Vị chủ tịch tập đoàn quan niệm, kinh doanh với ông là “duyên số”, là “cái nghiệp” vận vào người mình. Vì lẽ đó, ông luôn dành toàn bộ tâm huyết, đam mê cho cái nghiệp này.

Đằng sau hành trình 25 năm từ một cửa hàng điện tử tới tập đoàn đa ngành khổng lồ của T&T Group 9

Chương tiếp theo trong câu chuyện đó sẽ là sân chơi toàn cầu. Năm 2017 - 2018 là hai năm T&T Group liên tục bắt tay các tập đoàn lớn trên thế giới để hiện thực hóa mục tiêu trở thành tập đoàn đa lĩnh vực, khẳng định vị thế, tên tuổi trên thế giới. Đó là cái bắt tay với tập đoàn Bouygues của Pháp để xây dựng hạ tầng, với Food City của Nga để phát triển nông nghiệp, với Boskalis của Hà Lan để phát triển cảng biển, hay Eikawa để phát triển lĩnh vực y tế.

Chủ tịch T&T Group đánh giá, hợp tác với tập đoàn nước ngoài lợi nhuận sẽ ít đi, nhưng đất nước sẽ có thêm nhiều dự án lớn bền vững, chất lượng xứng tầm thế giới. Với doanh nghiệp, cái được là kinh nghiệm quản trị, năng lực điều hành chuyên nghiệp sẽ được tích lũy. Đây là con đường phát triển ngắn nhất, nhanh nhất nhưng cũng bền vững và hiệu quả nhất mà T&T Group đang theo đuổi.

Đằng sau hành trình 25 năm từ một cửa hàng điện tử tới tập đoàn đa ngành khổng lồ của T&T Group 10

Đằng sau hành trình 25 năm từ một cửa hàng điện tử tới tập đoàn đa ngành khổng lồ của T&T Group 11

đTheo TheLeader

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/dang-sau-hanh-trinh-25-nam-tu-mot-cua-hang-dien-tu-toi-mot-tap-doan-da-nganh-khong-lo-cua-tt-group-a55462.html