Shark Việt: "Tôi từng xui vợ bỏ nghề giáo đi làm kinh doanh"

Chia sẻ tại Shark Tank Forum 2018, Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Giao thông (Intracom) cho rằng thế hệ trẻ ngày nay cần phải khởi nghiệp làm để thay đổi suy nghĩ “doanh nhân là kẻ chợ” của người Việt Nam.

Bỏ nhà nước ra khởi nghiệp, xui vợ làm kinh doanh

Là Chủ tịch HĐQT Intracom và cũng là một trong những nhà đầu tư tham gia chương trình thực tế Shark Tank, ông Nguyễn Thanh Việt cho biết từng xúi vợ bỏ nghề giáo viên để đi làm kinh doanh. “Năm 1990, tôi làm ở Tổng Công ty Xây dựng Thủy Điện sông Đà, còn vợ tôi là giáo viên. Giáo viên thì phải dạy thêm nên tôi bảo vợ ra làm doanh nghiệp để nuôi con, chứ cả hai vợ chồng đều đi thì con hỏng. Sau đó, bố mẹ gọi tôi đến hỏi rằng tại sao lại cho vợ đi kinh doanh để làm con buôn”.

Theo ông Việt, Chính phủ đã có Ngày Doanh nhân Việt Nam nhưng thực tế, vị trí, vai trò của doanh nhân lâu nay trong mắt kẻ sĩ rất thấp. “Họ thường gọi doanh nhân là kẻ chợ. Vì thế, ý thức hệ của chúng ta cần phải thay đổi, startup cần phải làm để thay đổi suy nghĩ này của người Việt Nam, để tất cả thành phần xã hội đều phải tôn trọng chúng ta, những người kinh doanh”.

Làm doanh nghiệp là phải luôn sẵn sàng xả thân, cần thiết thì cởi comple và cà vạt xuống làm cùng startup. Nguồn: VnSending.

Ông Việt khởi nghiệp ở năm 39 tuổi sau 17 năm làm cho doanh nghiệp nhà nước. Trả lời cho câu hỏi: “Tại sao lại khởi nghiệp khi đã là người nhà nước quá lâu rồi?”, ông Việt cho biết: “Tôi thấy tính cách của mình phù hợp với lĩnh vực tư nhân. Bởi, khi ta cần quyết định điều gì thì cần phải quyết định rất nhanh, quyết định chậm là hỏng việc. Nhưng khi còn ở nhà nước, muốn quyết định điều gì thì phải họp bộ tứ. Làm doanh nghiệp nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước, làm lợi 100 tỷ thì anh nhận bằng khen, nhưng làm mất 1 vài triệu anh có thể bị kỷ luật, cách chức và khai trừ Đảng”.

“Vì vậy, người làm lãnh đạo đơn vị nhà nước rất khổ tâm vì những quyết định của mình là chớp nhoáng. Nhiều khi người tham gia bàn bạc không hiểu được chuyện kinh doanh, bàn nhiều thì loãng, lộ kế hoạch. Lộ kế hoạch đồng nghĩa mất chiêu trò kinh doanh, khi đó làm sao kinh doanh được. Tôi nghĩ là chúng ta cần phải có quyết định. Nhiều người nghĩ vốn là quan trọng nhưng quyết định để không bỏ qua cơ hội ở thời điểm quan trọng là việc rất quan trọng”.

Phải sẵn sàng cởi comple, cà vạt để làm cùng startup

Là một trong những nhà đầu tư từng tham gia Shark Tank, ông Việt thường đánh giá cao những người lớn tuổi khởi nghiệp, những người đã nhiều lần thất bại, và một số startup có ý tưởng không quá đặc biệt. “Tôi nhìn startup ở một góc cạnh khác, đó là đam mê. Anh thất bại nhiều nhưng vẫn gọi vốn vì đam mê của anh không bao giờ tắt. Hay như kinh doanh rượu là việc đơn giản mà nhiều người khác đã làm nhưng bạn vẫn chọn, đó là sự khát vọng vươn lên”.

Tuy nhiên, khi đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, “shark” Việt lại muốn “sờ tận tay, day tận trán”. “Quan trọng là họ có làm thật không. Hơn nữa, theo tinh thần của Phật giáo, cộng sự là đi theo người ta để làm đến cùng, để thành công. Chúng ta đi làm doanh nghiệp là phải luôn sẵn sàng xả thân, cần thiết thì cởi comple và cà vạt xuống làm, như thế mới biết người ta khổ thế nào, chứ mình cứ ngồi bàn giấy, ra quyết định thì sẽ là thất bại”.

Theo ông Việt, đầu tư vào startup giống như dẫn dắt một đứa trẻ đi qua một cánh cửa. “Khó nhất của một doanh nghiệp là tiền, tài sản công nghệ, quản lý con người. Tại sao ngân hàng không cho bạn vay vì họ không thấy gì ở các bạn. Khi nhận vốn từ các shark, mọi quy trình, từ tính cách cho tới cách quản trị, của startup đó sẽ phải được thiết lập lại. Làm tới khi nào thành công thì buông tay, như việc dẫn dắt một đứa trẻ vậy. Bởi, thành công của chúng tôi không phải là tiền, mà sự thành công của các bạn”, ông Việt chia sẻ.

Theo NDH

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/shark-viet-toi-tung-xui-vo-bo-nghe-giao-di-lam-kinh-doanh-a55546.html