Giáo sư Hồ Ngọc Đại: "Khi tôi làm giáo dục, tôi đưa ra một ý tưởng, là phải làm sao để mỗi người trở thành chính mình, không noi gương ai cả"

Tôi có một cái may là suốt một đời, từ 18 tuổi chỉ làm thầy giáo, dạy từ lớp 1 cho đến lớp tiến sĩ. Có những người gọi tôi là thầy nhưng tôi chỉ coi mình là bạn của họ thôi. Và sự thật là trong đời mình, tôi chưa bao giờ tự xưng mình là thầy. Nhiều người gọi tôi là thầy, tôi thường lờ đi hoặc trả lời ấp úng. Bây giờ, thỉnh thoảng, học sinh lớp 1 gọi, tôi mới xưng "thầy".


Tôi có một cái may là suốt một đời, từ 18 tuổi chỉ làm thầy giáo, dạy từ lớp 1 cho đến lớp tiến sĩ. Có những người gọi tôi là thầy nhưng tôi chỉ coi mình là bạn của họ thôi. Và sự thật là trong đời mình, tôi chưa bao giờ tự xưng mình là thầy. Nhiều người gọi tôi là thầy, tôi thường lờ đi hoặc trả lời ấp úng. Bây giờ, thỉnh thoảng, học sinh lớp 1 gọi, tôi mới xưng "thầy".

Bàn về lòng khoan dung, độ lượng, không phải ai cũng làm được vì trong nhiều trường hợp mất bình tĩnh, đề cao cái tôi mà người ta quên mất đối phương của mình là ai, bắt buộc người kia phải chiều lòng mình. Trong chương trình "Cất cánh" mới nhất được phát sóng trên VTV6, Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã chia sẻ rất nhiều về lòng khoan dung cũng như cách nhìn nhận cuộc sống của ông khiến nhiều người phải kính nể.

"Tôi có một cái may là suốt một đời, từ 18 tuổi chỉ làm thầy giáo, dạy từ lớp 1 cho đến lớp tiến sĩ. Có những người gọi tôi là thầy nhưng tôi chỉ coi mình là bạn của họ thôi. Và sự thật là trong đời mình, tôi chưa bao giờ tự xưng mình là thầy. Nhiều người gọi tôi là thầy, tôi thường lờ đi hoặc trả lời ấp úng. Bây giờ, thỉnh thoảng, học sinh lớp 1 gọi, tôi mới xưng "thầy". 

Vì tôi luôn cho rằng một người thầy là người mẫu mực ở mọi chuyện. Bản thân tôi luôn có những sai sót. Một cái hay trong sự nghiệp dạy học mà tôi đã và đang làm được là luôn cố gắng gần gũi với lớp trẻ. Lứa học sinh già nhất của tôi là lứa sinh viên khoa Triết học trường Đại học Tổng hợp có rất nhiều nhà văn thành danh như Hữu Thỉnh, Chu Lai… 

Vì thế, lần nào vào lớp, tôi thường nói rằng: "Bất cứ điều gì tôi nói, các bạn chấp nhận được thì chấp nhận còn không chấp nhận được thì thôi." Các anh ấy rất thận trọng, đều gọi "thầy" xưng "em".

Nói về điểm số, với tôi, điểm kém không nói lên điều gì cả, quan trọng là đứa trẻ có thích học hay không. Cho nên với trẻ em, tôi nghĩ rằng không cần phải dùng tới uy lực của thầy giáo mà cần tới sự đồng cảm, sự chia sẻ và quan trọng nhất là niềm tin của trẻ nhỏ đối với thầy giáo. 

Từ đó, người giáo viên mới có thể hiểu thêm và giúp đỡ học sinh mình. Sự giúp đỡ ấy còn giúp cho chính thầy cô giáo hiểu rõ hơn về bản thân mình. Tôi tâm niệm như thế đấy.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Khi tôi làm giáo dục, tôi đưa ra một ý tưởng, là phải làm sao để mỗi người trở thành chính mình, không noi gương ai cả - Ảnh 1.

Từ ngày bé, tôi thấy nhiều trường hợp người lớn bắt nạt trẻ con nên tôi tức lắm. Tôi bảo mai sau lớn lên, tôi sẽ bảo vệ trẻ con. Tôi thấy trẻ con chẳng có lỗi gì cả mà tại sao người lớn cứ mắng mỏ. Có một lần, trên sóng truyền hình, tôi đã từng chia sẻ với phụ huynh học sinh là: "Trẻ em luôn luôn đúng". 

Trẻ em nhìn nhận vấn đề thế nào, cảm giác thế nào thì cư xử như thế, không hề có âm mưu, tính toán gì cả. Muốn dạy trẻ con thì trước hết bố mẹ phải chịu thua nó đã bởi nó cư xử như thế là nó có cái lý của nó. Trẻ biết mình thắng rồi sẽ bình tĩnh lại; khi ấy, bố mẹ mới bắt đầu giúp con xử lí lại vấn đề. Đứa trẻ được tôn trọng sẽ rất độ lượng, tha thứ hết, không chấp vặt như người lớn.

Vì tôi là nhà giáo nên tôi phải đọc nhiều. Khi đọc Kinh Thánh, Chúa Jesus có nói một câu với con chiên là: "Nếu nó đánh vào má trái của con thì con hãy đưa má phải cho nó đánh nốt". Ngày ấy, tôi đọc mà không hiểu gì.

Sau này, Lep Tônxtôi nhân chuyện lí giải việc không nên báo thù đã lấy câu nói của Chúa Jesus để nói rằng: "Cứ để cho người ta hả giận đi, tôi không cần trả thù, nếu nó đánh má trái rồi thì khi mình đưa má phải ra, không bao giờ nó đánh". Ông ấy nhìn nhận con người tinh tế hơn, sâu sắc hơn. Như thế, muốn có sự khoan dung, độ lượng, con người mình phải tự tin, trung thực, cao thượng.

Nhiều khi, tôi nói với các bạn trẻ là, nếu nó trêu, mình tức thì nó hả hê, còn nếu nó trêu, mình không tức thì nó sẽ tức thật sự. Trong cuộc đời mỗi người, ai cũng có điểm mạnh và ai cũng gây ra lỗi lầm. Vì vậy, tốt nhất, hãy chịu đựng một chút rồi đến khi một tích tắc qua đi, mọi chuyện sẽ trở lại bình thường, cuộc đời tươi đẹp hơn, chúng ta sống nhẹ nhàng hơn.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Khi tôi làm giáo dục, tôi đưa ra một ý tưởng, là phải làm sao để mỗi người trở thành chính mình, không noi gương ai cả - Ảnh 2.

Không ai trêu tức được tôi đâu vì tôi tin việc tôi làm là đúng. Nếu bây giờ, nó chưa đúng thì rồi sẽ có một ngày người ta công nhận nó đúng. Nhưng trước hết, mình phải sống tự tin, trong sạch, lành mạnh, sống trách nhiệm và có ích cho xã hội, cho mọi người, mọi chuyện sẽ qua hết.

Tôi nhớ ngày dạy lớp 10E, có một đợt vận động học sinh vào Đoàn. Tôi là Bí thư Đoàn nhưng tôi rất tôn trọng ý kiến học sinh mình, không nhiều em muốn vào Đoàn lắm nên lớp có ít đoàn viên nhất. Khi ấy, nhiều người trong Chi bộ phê bình tôi lắm, trách cứ sao tôi không vận động học sinh. Tôi nói rằng Đoàn là tự nguyện, học sinh không thích không thể bắt ép được. Trẻ em nó khác lắm.

Tôi nhìn cuộc đời không ai giống ai nên tôi không bao giờ nói học sinh này phải noi gương học sinh kia. Khi tôi làm giáo dục, tôi đưa ra một ý tưởng: Phải tạo điều kiện làm sao để mỗi người trở thành chính mình, không noi gương ai cả. Tôi đã từng nó với một phụ huynh rằng: "Cô đừng tự hào vì con cô đẹp trai giống con nhà hàng xóm. Bố nó xấu trai nhưng thà xấu giống bố nó còn hơn"."


V.D

Theo Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/giao-su-ho-ngoc-dai-khi-toi-lam-giao-duc-toi-dua-ra-mot-y-tuong-la-phai-lam-sao-de-moi-nguoi-tro-thanh-chinh-minh-khong-noi-guong-ai-ca-a55751.html