Mặc dù trường đại học công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ vẫn dẫn đầu về top 1% điểm thi STEM nhưng Tsinghua lại đang tiến rất nhanh để vượt qua MIT trong vòng chưa đầy 5 năm tới.
Trường đại học Tsinghua ( Thanh Hoa) của Trung Quốc có một lịch sử khá thú vị. Ngôi trường này ra đời trong khoảng thập niên 1900 sau khi phong trào bài ngoại nổi lên tại Trung Quốc. Giờ đây, Tsinghu là một trường đại học nổi tiếng của Trung Quốc chuyên ngành về công nghệ, khoa học, kỹ sư và toán học.
Trong khoảng 2013-2016, so với những ngôi trường đại học khác trên toàn thế giới, Tsinghua đóng góp nhiều nhất về luận văn được top 1% những nghiên cứu trong môn toán học và máy tính trích dẫn sử dụng. Đây cũng là ngôi trường đóng góp nhiều nghiên cứu được trích dẫn nhất cho top 10% những bài luận văn điểm cao của STEM.
Mặc dù trường đại học công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ vẫn dẫn đầu về lượng nghiên cứu khoa học được trích dẫn trong top 1% bài luận điểm cao của STEM nhưng Tsinghua lại đang tiến rất nhanh để vượt qua MIT trong vòng chưa đầy 5 năm tới.
Nói một cách đơn giản, những ngôi trường của Trung Quốc như Tsinghua (Thanh Hoa) hay Peking University đang dần vươn lên trở thành những trường đại học tốt nhất thế giới.
Tại Trung Quốc, Tsinghua và Peking đều phát triển theo mô hình trường học thuật của Phương Tây và cũng cạnh tranh nhau khá ác liệt, tương tự như Oxford Cambridge của Anh. Trong khi Tsinghua là cái nôi của rất nhiều vĩ nhân như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào thì Peking University lại là nơi nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông từng công tác.
Trên thực tế kể từ năm 1995, chính phủ Trung Quốc đã đổ hàng tỷ USD với mục tiêu khiến các trường đại học tốt nhất của nước này đạt tiêu chuẩn cao nhất thế giới. Dự án đầu tiên là kế hoạch 211 hướng tới việc nâng cấp 100 viện nghiên cứu để bắt kịp nền giáo dục thế kỷ 21.
Kế hoạch mới nhất gần đây thì phải nói đến DFCP với mục tiêu nhằm vào nhóm những trường đại học top cũng như những viện nghiên cứu hàng đầu, nhằm phát triển mũi nhọn tiên phong cho giáo dục Trung Quốc.
Tuy nhiên cho dù là kế hoạch nào thì chúng cũng giống nhau, đó là đổ hàng tỷ USD đầu tư để đổi lấy chất xám. Chính phủ sẽ chi tiền cho các trường đại học thành lập những trung tâm nghiên cứu còn các trường sẽ cung cấp nhân lực cũng như đào tạo chất xám cho các trung tâm này.
Cách đây 30 năm, một công trình nghiên cứu chỉ được các trường đại học Trung Quốc trả khoảng 25 USD thì nay con số đã lên 165.000 USD, cao hơn 20 lần mức lương bình quân hàng năm của các giáo viên đại học.
Như một hệ quả tất yếu, đóng góp của các nghiên cứu Trung Quốc vào hệ thống STEM, nguồn trích dẫn chủ yếu của các bài luận tại trường đại học đã tăng từ mức 4% năm 2000 lên 19% năm 2016, cao hơn cả đóng góp của các học giả từ Mỹ. Trong đó, trường Tsinghua của Trung Quốc đóng góp nhiều luận văn nghiên cứu nhất.
Năm 2017, Tsinghua cấp 1.385 bằng tiến sĩ, cao hơn rất nhiều con số 645 của trường MIT. Tuy nhiên để có thành công này, Trung Quốc đã có cả một kế hoạch kéo dài 40 năm.
Tầm nhìn của Đặng Tiểu Bình
Quay ngược lại năm 1978, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã đề nghị gửi hàng chục nghìn học sinh đi du học ở nước ngoài.
"Chúng ta cần gửi hàng chục nghìn học sinh ra nước ngoài…Đây là một trong những giải pháp trọng điểm để nâng cao trình độ giáo dục khoa học trong nước", nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình nói.
Khi các quan chức Trung Quốc thời đó tỏ ra lo lắng vì những du học sinh này có thể sẽ không quay trở lại đất nước, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã tự tin cho rằng nhiều người sẽ quay trở lại phục vụ cho đất nước và ông đã đúng.
Sau 40 năm, những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc như Tsinghua đã đón nhận một làn sóng trở lại của các du học sinh, những người có trình độ. Chính quyền Bắc Kinh cũng tạo những điều kiện vô cùng thuận lợi để thu hút thêm chất xám từ nước ngoài trở về.
Dù những trường đại học trong nước không thể cung cấp được điều kiện như nước ngoài nhưng những giáo sư có trình độ từ nước ngoài trở về cũng được trả mức lương 6 con số theo USD. Đó là chưa kể những gia đình trí thức muốn trở về quê hương để con cái họ tiếp xúc được với văn hóa Trung Hoa.
Sự trở lại của những nhân tài này đóng góp vô cùng quan trọng cho việc phát triển giáo dục. Ngoài những luận văn, công trình nghiên cứu, nguồn nhân lực này còn làm thay đổi cách giáo dục cũng như hệ thống quản lý tại các trường đại học Trung Quốc.
Năm 2012, Trưởng khoa quản trị kinh tế Qian Yingyi của trường Tsinghua, từng làm việc tại trường đại học Columbia, Yale, Harvard, Stanford hay Berkeley, đã thực hiện cuộc cải tổ nhân sự với toàn khoa. Theo đó, giáo viên được đánh giá dựa theo những công trình nghiên cứu, bài luận văn đóng góp 6 năm một thay vì chế độ thuê mãi mãi như trước đây.
Dần dần, chế độ này lan khắp các khoa toàn trường và giờ đây bất kể giáo viên hay học sinh của Tsinghua cũng phải làm việc cật lực để có thể ở lại. Nhờ đó, kết quả học tập tại Tsinghua tăng lên đột biến. Trong khoảng 2006-2009, Tsinghua chỉ đứng thứ 66 trong bảng xếp hạng toán học và công nghệ các trường đại học trên toàn cầu. Hiện nay, Tsinghua đứng đầu bảng.
Bệnh thành tích
Mặc dù đạt được nhiều thành công nhưng những trường đại học như Tsinghua của Trung Quốc vẫn còn chặng đường rất dài phải đi trước khi trở thành trung tâm giáo dục của thế giới. Định hướng phát triển của Tsinghua giúp ngôi trường có được thứ hạng cao trên bảng xếp hạng đóng góp tài liệu nghiên cứu cũng như luận văn nhưng chúng đang mang nặng tính lý thuyết.
Rất nhiều học viên ngành kỹ sư cho biết kỹ năng của họ từng đóng góp rất lớn cho sự phát triển của Trung Quốc nhưng giờ đây họ không thể theo kịp những tiêu chuẩn quá thiên về lý thuyết, học thuật tại Tsinghua.
Nhiều học sinh công nghệ cũng cho biết họ gặp khó khăn khi gọi vốn hay nhận được sự quan tâm cho những dự án mang tính thực tiễn nhưng không nặng về nghiên cứu lý thuyết. Hệ quả là nhiều công trình có thể đóng góp cho xã hội bị ngó lơ, thay vào đó Tsinghua lại tập trung quá nhiều nguồn lực cho các nghiên cứu mang nặng tính học thuật.
Một thách thức nữa đang khiến các nhà lãnh đạo giáo dục Trung Quốc đau đầu là bệnh thành tích. Thông thường việc nghiên cứu những đề tài học thuật cũ hay làm những bài luận văn dựa trên các luận thuyết trước đây sẽ dễ được công nhận hơn. Hệ quả là các học sinh, tiến sĩ đua nhau nhắm đến những đề tài cũ để được ghi nhận thay vì khám phá cái mới, đánh cuộc cả sự nghiệp cho sự phát triển thực sự của khoa học.
Một minh chứng rõ ràng là Trung Quốc đóng góp rất nhiều bài luận và công trình học thuật nhưng lại chỉ có duy nhất 1 giải thưởng Nobel về khoa học vào thập niên 1970, con số này còn thấp so với 23 của Nhật Bản và 282 của Mỹ.
Bên cạnh đó, rào cản về ngôn ngữ cũng là một vấn đề lớn khi hầu hết các nhà khoa học và báo cáo nghiên cứu trên thế giới được viết bằng tiếng Anh. Trong khi đó nhiều công trình nghiên cứu hay ý tưởng của Tsinghua lại được viết bằng tiếng Trung và rất khó để dịch ra được tiếng Anh do khác biệt về văn hóa.
Thêm nữa, ngành giáo dục Trung Quốc bị giới hạn khá nhiều bởi những đề tài cấm kỵ và đây là lý do khiến bảng xếp hạng của Tsinghua trên STEM không có những mảng khác ngoài công nghệ, toán học hay các môn khoa học. Chính điều này phần nào đã làm giới hạn sự sáng tạo của trường đại học Trung Quốc với những trường Phương Tây.
AB
Theo Thời Đại/Thời đại/Economist