Trong gia đình Do Thái, mỗi đứa trẻ đều phải gánh vác những công việc gia đình phù hợp với khả năng của mình.
Một thương nhân giàu có người Do Thái vì muốn cho các con mình có nhiều cơ hội lao động, nên cứ đến kỳ nghỉ hè, anh lại dẫn 7 cậu con trai của mình lên núi ở một thời gian.
Mùa hè đến rồi, một hôm, thương nhân hỏi các con: "Chúng ta cùng lên núi ở, các con thấy có được không?".
Những người con của anh đều đồng thanh đáp: "Được ạ!". Sau đó, chúng nhanh chóng thu xếp hành lí của mình.
Sau khi đến nơi, anh bắt đầu sắp xếp công việc: "Jerry, Tom giúp chú dựng hàng rào, đào rãnh nước; Lusy, July các con giúp cô cho bò ăn; Peter còn nhỏ, ở trong nhà chăm sóc hai em là được".
"Vâng ạ, thưa bố, con và Tom nhất định sẽ xây hàng rào chắc chắn"; "Chúng con cũng sẽ cho bò ăn no nê ạ…". Những đứa trẻ nhanh nhảu nói lên suy nghĩ của mình.
Hàng năm, sau mỗi lần trở về nhà, bọn trẻ đều nắm bắt được nhiều kĩ năng sống và nhận biết được nhiều loài động thực vật. So với những trẻ cùng lứa tuổi, bọn trẻ hiểu biết hơn rất nhiều, khả năng học hành cũng tốt hơn.
Trong gia đình Do Thái, mỗi đứa trẻ đều phải gánh vác những công việc gia đình phù hợp với khả năng của mình. Thông thường, trẻ trước tuổi đi học sẽ làm những việc như: giúp mẹ đổ rác, tự thu dọn đồ chơi, cho chó mèo ăn… Dần dần, cha mẹ còn phân công cho con làm những việc cố định như rửa bát, tưới hoa… Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo cả về chất lượng và thời gian được giao, trẻ sẽ được những phần thưởng xứng đáng.
Đa số, cha mẹ Do Thái rất nhẫn nại khi con cái bắt đầu làm việc. Họ luôn tận tình chỉ bảo cho con các kĩ năng cần thiết. Cho dù lúc đầu bọn trẻ khiến bố mẹ bận rộn, vất vả hơn như trẻ rửa bát không cẩn thận làm vỡ bát... tuy nhiên, lúc đó, cha mẹ sẽ không trách mắng hoặc yêu cầu con không làm nữa, mà từng bước hướng dẫn cách rửa bát đúng cách. Nếu trẻ có khả năng làm việc nhà cha mẹ sẽ không làm thay con nữa. Vì họ hiểu rằng, làm thay con sẽ tăng tính ỷ lại của con cái, thậm chí làm mất cơ hội phát triển tự nhiên của trẻ, không có lợi cho việc hình thành sự tự tin và bồi dưỡng tinh thần tự cường cho trẻ.
Ngoài ra, người Do Thái còn cho rằng, một người muốn thành đạt cần thông minh và chăm chỉ. Vì thế, họ coi bồi dưỡng tình yêu lao động cho con là để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con. Trong gia đình người Do Thái, nhiều trẻ em đã lao động từ lúc 2 tuổi. Họ để con cái tự làm những việccủa chúng, từ đó giúp trẻ rèn luyện khả năng khắc phục khó khăn, tạo dựng sự sự tự tin và ý thức độc lập.
Dưới đây là phương pháp mà bố mẹ Do Thái dạy trẻ biết yêu lao động:
Nguyên tắc sắp xếp việc nhà cho trẻ
Cha mẹ Do Thái khi sắp xếp việc nhà cho trẻ thường tuân theo hai nguyên tắc. Thứ nhất là nguyên tắc "Thúc đẩy", khi trẻ có ưu điểm ở phương diện nào hoặc thích công việc nào, cha mẹ sẽ sắp xếp những công việc có liên quan cho trẻ. Ví dụ khi trẻ rất thích xào rau, cha mẹ sẽ để trẻ xuống bếp thử tay nghề. Thứ hai là nguyên tắc "Bổ sung", khi trẻ có khuyết điểm ở phương diện nào, cha mẹ sẽ nhằm vào khuyết điểm đó để sắp xếp một số việc nhà có liên quan. Ví dụ khi trẻ nhút nhát, cha mẹ sẽ cố ý cho trẻ tự ra ngoài mua đồ.
Sắp xếp việc nhà phù hợp với trẻ
Bố mẹ Do Thái khi sắp xếp việc nhà cho trẻ sẽ đặc biệt chú ý bồi dưỡng tính hợp tác và tính độc lập của trẻ. Thông thường, cha mẹ sẽ sắp xếp cho trẻ một số việc mà trẻ có thể tự hoàn thành và một vài việc mà bố mẹ và trẻ có thể cùng hoàn thành. Như vậy, thông qua việc hoàn thành việc nhà, trẻ sẽ rèn luyện khả năng làm việc độc lập. Đối với việc mà cả bố mẹ và trẻ cùng hoàn thành, bố mẹ không những chỉ cho trẻ được những kĩ năng lao động, mà còn có thể giao lưu với trẻ nhiều hơn, tăng thêm tình cảm thân thiết trong gia đình.
Dựa vào ý nguyện của trẻ để sắp xếp việc nhà cho trẻ
Cha mẹ Do Thái thường sắp xếp việc nhà cho con cái là muốn con trong quá trình làm việc được rèn luyện và thích nghi với cuộc sống hơn. Vì thế, trước khi sắp xếp công việc nhà cho trẻ, họ thường hỏi và tôn trọng ý kiến của con, để con tự làm những việc mình thích. Cho dù trẻ làm không đúng, không quen, hoặc làm cho việc nhà càng rối thêm... cha mẹ cũng không bao giờ trách mắng con, họ còn khích lệ và khen ngợi con cái.
Ngoài ra, khi trẻ muốn hoàn thành một việc gì đó vượt quá khả năng của mình, cha mẹ thường không ngăn cản, mà chia việc đó thành nhiều phần để trẻ thực hiện từng chút một, khi trẻ thành công sẽ giao toàn bộ việc cho trẻ làm. Tóm lại, nền tảng bồi dưỡng lao động cho con cái chính là tôn trọng và cổ vũ, các bậc cha mẹ hãy vận dụng và học tập.
* Nội dung tham khảo cuốn sách: Phương pháp giáo dục con của người Do Thái- tác giả Trần Hân.
Yên Nhiên
Theo Trí Thức Trẻ/Tổng hợp