Chiều 22/11, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Hà Nội đã có nhiều đột phá, sáng tạo trong cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sự minh bạch trong giải quyết công việc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng kiểm tra tại bộ phận một cửa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm - Ảnh: Dân trí
Hà Nội cũng đã thực hiện ngày càng có hiệu quả việc tinh giản bộ máy, tinh giảm biên chế. Điển hình như TP đã chuyển 106 đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ hoàn toàn về tài chính, cắt giảm 8.700 biên chế.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Dũng, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng cũng lưu ý Hà Nội một số vấn đề với mong muốn “đã tổ chức thực hiện rồi thì thực hiện tốt hơn, làm rồi thì làm tốt hơn để luôn luôn là TP đi đầu cả nước”.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu TP quan tâm hơn đến cổ phần hóa, thoái vốn ở các doanh nghiệp Nhà nước. Trong công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch, Hà Nội cần quan tâm đến sự đồng bộ, quan tâm đến đô thị hóa, nhất là những khu vực sau khi được mở rộng; tính toán tỷ lệ dân cư trong nội đô và ngoại đô cho phù hợp.
Thủ tướng cũng đề nghị, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, rà soát và cắt gọn thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
“Hà Nội đã đi đầu rồi nhưng mong đợi của người dân, doanh nghiệp thì TP sẽ ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn để cải cách, cắt giảm thời gian, chi phí. Đặc biệt thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là cần mạnh mẽ hơn trong việc chống tiêu cực, tham nhũng vặt”, Bộ trưởng Dũng nói.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Ảnh: Dân trí
Phát biểu tại đây, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đang “hẹn hò” với Tập đoàn Hồng Hải (Trung Quốc) đưa dây chuyền sản xuất iPhone về Việt Nam.
Trước cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, ông Vũ Tiến Lộc nhận thấy đây cũng là cơ hội cho Việt Nam. Bởi hiện nay đang có làn sóng dịch chuyển các nhà đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trong đó, miền Bắc và Hà Nội là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư.
“Hồng Hải đưa dây chuyền sản xuất iPhone về Việt Nam cũng là dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam” - ông Lộc nói và cho biết Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành "đại bản doanh" của các tập đoàn lớn trên thế giới.
Ông Vũ Tiến Lộc mong muốn Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để đón nhận làn sóng đầu tư mới – công nghệ cao trong thời gian tới. Lý do các nhà đầu tư lựa chọn TP Hà Nội được ông Lộc nhận định là có những bước chuyển mới trong cải cách hành chính, có khí hậu tốt, truyền thống văn hóa và gần thị trường Trung Quốc.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung chia sẻ, theo dõi quá phát triển của TP Hà Nội, ông không biết khen thế nào cho đủ. Cụ thể, Hà Nội đã chuyển từ trạng thái nhà đầu tư cần TP, sang trạng thái cần nhà đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Cung quan sát cho thấy việc giải quyết thủ tục hành chính của TP Hà Nội vẫn không nhanh bằng TPHCM. Ngoài ra, theo ông Cung một số sở ngành của Hà Nội vẫn có những nhiêu khê nhất định làm khó nhà đầu tư.
“TP Hà Nội vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Hà Nội có nhiều điều kiện để đi đầu, dẫn dắt các địa phương khác học tập làm theo”, ông Cung nhận định.