Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam: Chúng tôi đến Việt Nam để kiếm tiền, không phải để tiết kiệm

Theo Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam Patricia Marques, thương hiệu cà phê hàng đầu thế giới không cần thay đổi để hòa hợp với văn hóa của người Việt bởi họ luôn muốn được thưởng thức một cốc Starbucks có hương vị giống với thức uống được bán ở bất kỳ cửa hàng Starbucks nào trên thế giới.

Theo Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam Patricia Marques, thương hiệu cà phê hàng đầu thế giới không cần thay đổi để hòa hợp với văn hóa của người Việt bởi họ luôn muốn được thưởng thức một cốc Starbucks có hương vị giống với thức uống được bán ở bất kỳ cửa hàng Starbucks nào trên thế giới.

Bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam

Tốt nghiệp chuyên ngành tiếp thị tại FPT vào năm 2017, Nguyễn Hoàng Đức (Jack), một chàng trai sinh ra và lớn lên tại Hà Nội quyết định gắn bó với Starbucks trong vai trò nhân viên pha chế cà phê (barista) tại thương hiệu cửa hàng cà phê cao cấp Starbucks Reserve ở phố Nhà Thờ (Hà Nội) sau một thời gian làm bán thời gian cho hãng này khi vẫn còn là sinh viên.

Chỉ mới đầu quân cho Starbucks một thời gian ngắn nhưng giờ đây, Đức là một trong những barista xuất sắc nhất tại thị trường châu Á của hãng cà phê đến từ Mỹ. Hồi tháng 5/2018, Đức giành quán quân cuộc thi vô địch pha chế cà phê Việt Nam (Starbucks Vietnam Barista Championship 2018) để có được tấm vé tham dự cuộc thi vô địch pha chế cà phê thế giới khu vực Trung Quốc và châu Á - Thái Bình Dương của hãng diễn ra hồi tháng 10 vừa qua.

Nguyễn Hoàng Đức (trái) giành quán quân cuộc thi Starbucks Vietnam Barista Championship 2018.

Vượt qua 3.000 barista, Đức gây nhiều ấn tượng khi đạt giải nhì của cuộc thi nhờ món đồ uống Pho-machiato, một thức uống có sự hòa quyện cà phê và hương vị món phở mà mẹ anh thường nấu với cảm hứng từ những gia vị nấu ăn truyền thống của Hà Nội như húng, quế, gừng, hồi, và vỏ cam, topping là tiêu đỏ.

Hiện nay, Đức đang háo hức chuẩn bị cho một chuyến đi dài qua trụ sở của Starbucks ở Mỹ và các nước có cửa hàng của Starbucks. Chuyến đi này hoàn toàn do Starbucks Việt Nam tài trợ nhằm giúp anh tăng thêm kiến thức, trải nghiệm và có cơ hội học hỏi, giao lưu với các barista xuất sắc khác của hãng trên toàn thế giới.

Chia sẻ với TheLEADER, bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam cho biết, nhiều năm trước khi mới vào làm việc cho Starbucks tại Carlifornia, bà cũng chỉ là một nhân viên pha chế cà phê, nhưng nhờ môi trường làm việc tốt, có nhiều cơ hội, bà được đào tạo một cách bài bản và dần leo lên được vị trí cao như ngày hôm nay.

Không chỉ riêng Patricia, nhiều nhân sự cấp cao của Starbucks hiện nay ở các thị trường khác trên thế giới cũng từng có xuất phát điểm là một barista.

“Chính vì lý do đó, tôi muốn công ty của chúng tôi sẽ tiếp tục phục vụ và đi theo hướng này, tạo ra một sự kết hợp tuyệt vời giữa một môi trường làm việc tốt và những con người có khả năng. Chúng tôi luôn nhạy bén để nắm bắt nhu cầu nhân viên và cố gắng đáp ứng nhu cầu của họ.

Như trong câu chuyện của Đức, nhiều nhân viên của chúng tôi vẫn muốn được tiếp tục thi đấu và tìm kiếm cơ hội, họ muốn học hỏi và đi theo con đường của những người đi trước. Những người thành công ở Starbucks không ngừng kể câu chuyện của họ và đó là cách mà văn hóa ở Starbucks được lan tỏa”, bà Patricia cho biết.

Đặt chân vào thị trường Việt Nam vào tháng 2/2013 với cửa hàng đầu tiên tại TP. HCM, đến nay, Starbucks đã có 39 cửa hàng trên bốn thị trường chính bao gồm Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng và Đà Nẵng trong đó có hai cửa hàng Starbucks Reserve. Dự kiến đến cuối năm 2018, Hà Nội và TP. HCM sẽ đều có thêm 3 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng của hãng này tại Việt Nam lên con số 45.

Được biết trong thời gian tới, Starbucks sẽ tập trung phát triển thị trường tại hai thành phố lớn là Đà Nẵng và Hải Phòng khi người dân ở đây đang có những dấu hiệu tích cực trước sự xuất hiện của một trong những thương hiệu cà phê lẫy lừng thế giới. Ngoài ra, việc đầu tư vào các tỉnh thành khác của Việt Nam chắc chắn sẽ có nhưng quan trọng nhất vẫn là vấn đề thời gian.

Bà Patricia còn cho biết, chiến lược của Starbucks trong thời gian tới là đầu tư các cửa hàng nằm ở cách xa trung tâm thành phố. Người đứng đầu Starbucks Việt Nam lý giải, Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng và cả Hải Phòng đang phát triển rất mạnh.

“Chúng tôi phải lớn cùng sự phát triển của thành phố. Trong năm ngoái, Hà Nội phát triển nhanh đến chóng mặt, thành phố đang mở rộng và người dân cũng dần chán với việc sống trong trung tâm thành phố. Họ đang có xu hướng tìm không gian mới cho gia đình, không gian sạch, xanh”, bà Patricia nói.

Khi các nhà đầu tư đang nhìn nhận được xu hướng này và dần xây dựng, cung cấp các dịch vụ tốt cho người dân ở các khu vực ngoại ô như trường học, khu vui chơi…, Starbucks cũng quyết định không đặt mình ngoài xu thế.

"Chúng tôi không tham gia cuộc đua ai mở được nhiều cửa hàng hơn"

Mặc dù thừa nhận rằng từ lâu vẫn bị gán là một hãng cà phê có giá cao ngất ngưởng nhưng bà Patricia khẳng định, so với một số hãng khác, mức giá mà Starbucks đưa ra không hề cao, số khách hàng tìm mua các sản phẩm của hãng cũng không ngừng tăng lên qua các năm.

Điều này cũng không quá khó hiểu khi thu nhập của người dân Việt đang dần tăng lên, tầng lớp trung lưu cũng xuất hiện nhiều hơn.

Chỉ chưa đầy hai tuần trước, hãng này vừa ra mắt thẻ thành viên và ứng dụng trên điện thoại thông minh như một phương thức thay thế cho thanh toán tiền mặt.

Khi nhiều hãng cà phê trên thế giới đến Việt Nam và rồi ra đi chỉ một thời gian sau đó, Starbucks vẫn quyết bám trụ và phát triển mặc dù phải cạnh tranh quyết liệt với những thương hiệu lớn trong và ngoài nước được người tiêu dùng ưa chuộng như Highlands Coffee, Trung Nguyên, Phúc Long, Urban café…

Theo lãnh đạo Starbucks Việt Nam, chiến lược của hãng là đầu tư lâu dài và đồng bộ từ việc tìm kiếm địa điểm đặt cửa hàng, quyết định thời điểm mở cửa hàng và đầu tư cơ sở hạ tầng, con người và dịch vụ.

“Chúng tôi không tham gia cuộc đua ai mở được nhiều cửa hàng hơn mà tập trung đầu tư chiến lược dài hạn trong vòng 20 – 30 năm thay vì chỉ mang tính tạm thời trong 12 tháng”, bà Patricia cho biết.

Theo đó, các cửa hàng của Starbucks phát triển trong dài hạn và lớn lên cùng với sự phát triển của thành phố nơi Starbucks đặt các cửa hàng. Ngoài ra, khi so sánh về giá thuê mặt bằng tại Việt Nam và các quốc gia khác, bà Patricia khẳng định, giá thuê ở Việt Nam không hề rẻ.

“Giá rẻ ư, không hề tồn tại! Chúng tôi đến Việt Nam không tìm các địa điểm có giá thuê rẻ để mở cửa hàng mà chúng tôi lựa chọn các địa điểm phù hợp. Chúng tôi không tiết kiệm tiền, chúng tôi kinh doanh để kiếm tiền”, bà Patricia cho biết.

Khi Việt Nam vẫn được nhiều người trên thế giới biết đến là một nước xuất khẩu cà phê và khẩu vị của người Việt so với Mỹ không hề giống nhau, người ta vẫn đặt ra câu hỏi liệu Starbucks có phải thay đổi gì để thích ứng với khẩu vị của người Việt.

Theo Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam, việc phải thay đổi như thế nào khi bắt đầu kết hôn với một thị trường mới với văn hóa, tính cách con người và ẩm thực khác nhau vẫn là một câu chuyện bí ẩn.

Thế nhưng, bà Patricia khẳng định, đối với Starbucks nói riêng và một số doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở nhiều mảng khác nhau tại Việt Nam thì việc thay đổi là không cần thiết.

Chẳng hạn như Zara vẫn giữ nguyên mô hình kinh doanh của mình như hoạt động ở các nước khác khi mới đến Việt Nam, không có bất kỳ thay đổi nào. Giờ đây, hãng thời trang này đã phát triển mạnh và giành được một chỗ đứng khá vững ở Việt Nam.

“Các bạn có cơ hội tiếp cận với sản phẩm của những hãng thời trang hàng đầu thế giới. Khách hàng Việt chào đón họ và chấp nhận nó một cách vui vẻ. Điều này chứng tỏ người tiêu dùng Việt rất yêu thời trang và muốn tiếp cận với thời trang thế giới”, bà Patricia lấy dẫn chứng.

Tương tự như câu chuyện của Starbucks, sau 5 năm làm việc tại Việt Nam, bà Patricia cho rằng người Việt Nam muốn mua một cốc Starbucks có hương vị giống phiên bản gốc.

“Người Việt không muốn chúng tôi thay đổi công thức đồ uống. Họ rất muốn được thưởng thức một cốc Starbucks có hương vị giống với thức uống được bán ở bất kỳ cửa hàng Starbucks nào trên thế giới như Mỹ, Hongkong, Singapore hay Nhật Bản”, lãnh đạo Starbucks Việt Nam cho biết.

Như vậy, về đồ uống, không hề có sự khác nhau giữa thị trường nước này và nước kia. Starbucks cũng không cần thay đổi để hòa hợp với khẩu vị của người Việt. Sự khác nhau giữa các thị trường có chăng là về vị trí đặt cửa hàng, diện tích cửa hàng…

Chẳng hạn ở Nhật Bản, các cửa hàng Starbucks thường có diện tích nhỏ hơn rất nhiều vì đất có sẵn để mở cửa hàng ở Nhật thường nhỏ hẹp. Ở Hongkong, các cửa hàng starbucks sẽ được đặt ở các tầng trên cùng của tòa nhà vì người Hongkong thường đi mua sắm theo chiều dọc.

Ngoài ra, đồ ăn phục vụ tại các thị trường khác nhau cũng khác nhau vì chủ yếu được chế biến theo ẩm thực địa phương. Chúng tôi lắng nghe và tìm hiểu rất kỹ khẩu vị của khách hàng như thế nào. Nguồn nguyên liệu khác nhau nên thực phẩm cũng không thể giống nhau được.

Nói về thách thức khi làm kinh doanh ở Việt Nam trong những năm qua, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam cho rằng thách thức là rất lớn nhưng không phải vì lý do là làm kinh doanh ở Việt Nam. Chẳng hạn chuỗi cung ứng trong năm nay có nhiều biến động mạnh so với 10 năm về trước nên việc quản lý như thế nào cho tốt cũng là một câu hỏi khó.

“Kể cả các thị trường giàu có như Singapore hay Hongkong cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trong Starbucks, mỗi bộ phận sẽ phải đối mặt với những khó khăn khác nhau. Nhưng cũng chính những thách thức đó khiến Starbucks có thể lớn lên. Tôi rất may mắn là có một đội ngũ hỗ trợ đắc lực giúp tôi tìm ra các giải pháp thay vì phải xoay sở một mình”, bà Patricia chia sẻ.

Đặng Hoa

Theo TheLeader

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tong-giam-doc-starbucks-viet-nam-chung-toi-den-viet-nam-de-kiem-tien-khong-phai-de-tiet-kiem-a56355.html