Với những kết quả kinh doanh không quá nổi bật, ngoại trừ thương vụ đình đàm với tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo tại khu đô thị Splendora Bắc An Khánh, cái giá 7.400 tỷ mà An Quý Hưng 'chốt hạ' phiên đấu giá cổ phiếu Vinaconex khiến giới đầu tư tò mò về ông chủ thực sự đứng sau.
Mua bằng được dù "hớ" 2.000 tỷ đồng
Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, chiều 22/11 đã diễn ra phiên đấu giá 254,9 triệu cổ phần (57,71% vốn điều lệ) Vinaconex (VCG) của tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Từ mức giá khởi điểm 21.300 đồng/CP, có 3 nhà đầu tư đăng ký mua trọn lô với mức giá lần lượt là 21.300 đồng/CP, 22.300 đồng/CP và 28.900 đồng/CP.
Kết quả, công ty An Quý Hưng đã trúng giá trọn lô cổ phần với giá cao nhất 28.900 đồng/CP. Tại mức giá này, nhà đầu tư đã phải bỏ ra 7.367 tỷ đồng, cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm SCIC công bố.
Mức giá 28.900 đồng/cp mà nhà đầu tư này bỏ ra thậm chí còn cao hơn tới 10.400 đồng so với mức giá đóng cửa cổ phiếu VCG trong phiên 22/11 (18.500 đồng/CP).
Như vậy là An Quý Hưng đã mua cổ phần Vinaconex với giá cao hơn 35,7% so với giá khởi điểm của SCIC và cao hơn giá đang giao dịch trên sàn 56,2%.
Động tác “mua bằng được” của An Quý Hưng khiến giới đầu tư tò mò An Quý Hưng là ai, không rõ cổ phiếu VCG có gì hấp dẫn mà lại khiến nhà đầu tư sẵn sàng mua hớ số tiền “khủng” đến vậy.
Sự tò mò này hoàn toàn có cơ sở, nhất là khi nhìn lại khoảng thời điểm này năm ngoái, SCIC từng chào bán 96,2 triệu cổ phần VCG, tương đương 22% vốn của tổng công ty này nhưng không thành công.
Hơn nữa, cũng trong chiều 22/11, phiên đấu giá trọn lô cổ phần VCG do tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Việt Nam (Viettel) cũng diễn ra thành công, nhưng giá bán chỉ xấp xỉ giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phần.
Vinaconex có gì?
Theo dữ liệu được VCG công bố trước khi đấu giá, đến 30/6/18, tài sản cố định theo sổ sách của doanh nghiệp chỉ khoảng 2,65 ngàn tỷ đồng.
Nguồn lực chủ yếu là 310ha triệu m2 đất ở khu công nghệ cao Hòa Lạc và Thạch Thất, gần 3.500 m2 đất tại Trung Hòa- Nhân Chính. Con số này khá khiêm tốn so với quỹ đất của nhiều doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng hiện nay.
Đó là chưa kể, những khu đất này được VCG đi thuê và kinh doanh (tự kinh doanh hoặc cho thuê lại) với kết quả kinh doanh hàng năm không có gì nổi bật.
Nguồn lực là tài sản khác mà VCG đang nắm giữ là 50% vốn của liên doanh Bắc An Khánh, chủ đầu tư khu Splendora ở Hoài Đức với diện tích khoảng 264 hecta. Dự án này đã được đầu tư cách đây hơn 10 năm và chỉ mới được đưa vào giai đoạn 1 (khoảng 47 hecta), giai đoạn 2 của dự án đang tạm ngừng từ cách đây khoảng 5 năm với những tranh chấp triền miên giữa chủ đầu tư và người mua nhà, cư dân.
Được biết, liên doanh đang thua lỗ trầm trọng (lỗ lũy kế khoảng hơn 1.300 tỷ đồng) và cần nguồn vốn rất lớn để có thể khởi động giai đoạn 2. Ngoài ra, dự án tạm dừng quá lâu và những điều chỉnh khi mở rộng Hà Nội có thể dẫn đến rủi ro pháp lý không lường trước, kể cả nghĩa vụ với Nhà nước để có thể tiếp tục đầu tư phát triển dự án.
“Tài sản” khác mà VCG nói riêng và các doanh nghiệp xây dựng nói chung là thương hiệu. VCG trước đây do Nhà nước nắm chi phối nên có những công trình có vốn ngân sách, đối với mảng xây dựng dân dụng thì VCG chưa thể so sánh với các doanh nghiệp tư nhân đầu ngành như CTD hay HBC, khi doanh số xây lắp hàng năm chỉ bằng 1/5; 1/6 các công ty tư nhân này.
VCG có cạnh tranh hiệu quả hay không khi Nhà nước thoái hết vốn vẫn là một câu hỏi lớn, nhất là đối với ngành xây dựng vốn phụ thuộc khá nhiều vào năng lực cạnh tranh trong đầu tư máy móc thiết bị, nội lực về chuyên môn của đội ngũ nhân viên. Lịch sử xây dựng công trình cấp nước Sông Đà với nhiều tai tiếng và hệ lụy có thể đặt VCG vào những rủi ro pháp lý và kinh tế liên quan đến bồi hoàn thiệt hại.
Một “giá trị” khác của doanh nghiệp và triển vọng ngành nghề. VCG hoạt động trong lĩnh vực xây dựng vốn liên quan nhiều đến thị trường bất động sản, gần đây, Chính phủ và NHNN đã có những động thái để hạn chế dòng vốn tín dụng chảy vào ngành này, đây là một bất lợi lớn. Ngoài ra, lượng căn hộ được xây mới quá lớn ở hiện tại (năm 2017 bằng 15 năm trước cộng lại – CBRE) đẩy thị trường bất động sản Việt Nam vào viễn cảnh không mấy sáng sủa trong 1 vài năm tới. Ngoài ra, việc Nhà nước thoái hết vốn và việc siết lại hiệu quả đầu tư công từ Chính phủ có thể gây khó khăn thêm cho riêng VCG về xây dựng hạ tầng.
Bởi vậy, các chuyên gia chứng khoán và M&A "nói vui" rằng thương vụ An Quý Hưng "mua hớ" cổ phiếu Vinaconex chẳng khác gì "vén tay áo xô". An Quý Hưng mua VCG với mục đích gì - câu trả lời đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.
Công ty TNHH An Quý Hưng là doanh nghiệp được thành lập vào năm 2001, có trụ sở tại Chương Mỹ (Hà Nội), hoạt động trong lĩnh vực xây dựng do ông Nguyễn Xuân Đông làm Tổng Giám đốc.
Tháng 4/2017, An Quý Hưng thực hiện tăng vốn lên 360 tỷ đồng và mới đây, vào ngày 12/11/2018, An Quý Hưng đã hoàn tất tăng vốn lên 500 tỷ đồng, trong đó chỉ có 2 cổ đông là ông Nguyễn Xuân Đông nắm giữ 78,4% cổ phần và vợ ông Đông – bà Đỗ Thị Thanh nắm giữ phần còn lại.
Kết thúc năm 2017, công ty An Quý Hưng có tài sản ngắn hạn gần 550 tỷ đồng, dài hạn 450 tỷ đồng và tổng cộng nguồn vốn gần 1.000 tỷ đồng. Năm 2017, công ty đạt 956 tỷ đồng doanh thu thuần và 62,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Theo giới thiệu tại website công ty, An Quý Hưng đã có kinh nghiệm thi công gần 60 dự án lớn, nhỏ cho các đối tác trong và ngoài nước, trong đó có tới gần 50 nhà máy có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Năm 2015, An Quý Hưng đã cạnh tranh với Thaigroup của "bầu" Thụy tham gia mua cổ phần khách sạn Kim Liên nhưng đã thất bại khi Thaigroup đã "bạo tay" chi hơn 1.000 tỷ đồng.
An Quý Hưng đã từng tham gia hợp tác đầu tư (hiện nay đã rút vốn) tại dự án tòa nhà hỗn hợp Văn Phú Complex tại Hà Nội cùng với Văn Phú Invest. Ngoài ra, An Quý Hưng còn thành lập ra công ty bất động sản An Quý Hưng Land chuyên phân phối các sản phẩm bất động sản.
H.Y (tổng hợp)
Theo Người đưa tin
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chi-bao-7-400-ty-mua-vinaconex-an-quy-hung-dau-tu-kieu-ven-tay-ao-xo-a56943.html