Có rất nhiều điều để nói khi nhắc đến cái tên Bob Parsons. Đó là vô số những cổ phiếu bất động sản giá trị, những trung tâm thương mại sầm uất, những khu du lịch phức hợp tại các địa điểm nổi tiếng khắp nước Mỹ… Nhưng đó cũng là một người có tình yêu cháy bỏng với sân golf, đến nỗi ông sẵn sàng “bỏ họp để đi đánh golf”.
Tuổi thơ cơ cực, khó khăn
Cũng giống rất nhiều tỷ phú tự thân khác trên thế giới, Bob Parsons có một tuổi thơ cơ cực với một gia đình nghèo khó, cha mẹ lại mê cờ bạc không dứt. Chính bởi thế, cậu bé Bob đã tự làm rất nhiều việc ngay từ khi còn nhỏ để giúp đỡ cha mẹ và kiếm tiền tự lo cho bản thân. Ông từng nói rằng chưa có một công việc nào mình chưa trải qua, từ giao báo, bán nhật trình, bơm ga, làm việc ở công trường hay nhà máy… Chỉ cần công việc đó kiếm ra tiền thì dù là thấp đến mấy ông cũng sẵn sàng làm.
Do điều kiện gia đình, Bob chỉ học hết phổ thông rồi gia nhập Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Tuy nhiên sau khi giải ngũ, ông đã quyết tâm quay lại việc học với việc theo học chuyên ngành kế toán tại ĐH Baltimore rồi từ đó mới chính thức bước chân vào sự nghiệp kinh doanh.
Để có được một gia tài đồ sộ như hiện nay, Bob Parsons đã phải rất vất vả vì không có quá nhiều nguồn vốn sẵn sàng cho ông thử thách. Nhưng hiện thực đã chứng minh Bob có một đầu óc kinh doanh sắc bén thiên phú.
Bob không gói gọn mình trong một lĩnh vực kinh doanh mà rất linh hoạt và nắm bắt thời cơ nhanh chóng. Ở lĩnh vực công nghệ thông tin, năm 1984 ông bắt đầu với công ty Parsons Technology chuyên bán phần mềm kế toán gia đình. 10 năm sau, công ty này đem lại cho ông 64 triệu USD sau một thương vụ mua bán. Ông cũng có 28% cổ phần tại GoDaddy – một công ty đăng ký tên miền internet và lưu trữ web.
Ở các lĩnh vực khác, Bob thành lập YAM Worldwide Inc, một công ty đa ngành nghề và hoạt động trong các lĩnh vực như thể thao (đặc biệt là golf), bất động sản, tiếp thị… Vào năm 2013, ông mua lại một công ty chuyên về PR và đổi tên thành BIG YAM chuyên hoạt động như một agency về quảng cáo và tiếp thị.
Năm 2016, ông đưa vào vận hành Sneaky Big Studio, nơi cung cấp các dịch vụ như phòng sản xuất âm nhạc, thu âm, các dịch vụ chỉnh sửa và hoàn thiện liên quan tới hình ảnh và âm thanh. Năm 2017, ông tiếp tục thành lập YAMWOOD Foundry, một công ty chuyên chế tạo các loại đồ dùng, nội thất, bảng hiệu, đèn… độc đáo cho các khu dân cư cũng như các dự án thương mại.
Ở bất kỳ lĩnh vực nào, Bob đều đầu tư rất khôn ngoan và gặt hái được thành công. Chẳng thế mà hiện nay, ở tuổi 68 ông đã sở hữu 2,7 tỷ đô la và đứng trong top 400 người giàu nhất thế giới.
Niềm đam mê bất tận với golf
Bên cạnh năng lực kinh doanh thì Bob Parsons còn nổi tiếng bởi tình yêu ‘cháy bỏng’ với golf. Chính bố là người đã dạy cho cậu bé Bob những cú vung gậy đầu tiên và dần dần nó trở thành sở thích của ông, đến nỗi “có thể bỏ họp để đi chơi golf”.
Không chịu để đam mê của mình bị phụ thuộc, năm 2013, ông đã mua lại sân golf 292 hecta The Golf Club Scottsdale (sau đổi tên thành Schottsdales National Golf Club). Không lâu sau đó, Bob chứng tỏ tham vọng lớn hơn khi mua luôn các bất động sản liền kề sân golf này để phục vụ cho dự định xây thêm một sân golf 18 lỗ thứ hai cùng một sân tập 9 lỗ và một nhà câu lạc bộ mới.
Đầu năm 2015, ông cho ra mắt Parsons Xtreme Golf (PXG), một công ty sản xuất gậy golf cao cấp, cung cấp tất cả các loại gậy cần thiết cho các golfer như gậy driver, gậy fairway, gậy hybrid, gậy sắt, gậy wedge, gậy gạt…
Tại Hội nghị golf châu Á Thái Bình Dương 2017 (APGS) diễn ra tại Đà Nẵng, Việt Nam, vị tỷ phú đã dành 1 giờ đồng hồ nói về quá trình kinh doanh của mình để có được khối tài sản khổng lồ như hôm nay, cũng như tình yêu đối với môn golf.
Ông Parsons cho hay: "Tôi say mê golf từ nhỏ và nó bắt đầu từ bố tôi, chính ông là người dạy tôi những bước cơ bản. Về sau khi có công ty của mình, tôi vẫn thường ra sân chơi golf với các cộng sự. Ban đầu tôi chơi rất tệ, nhưng càng ngày tôi càng tiến bộ. Giờ đây chúng tôi chơi golf nhiều hơn mỗi tuần, và thậm chí có thể bỏ họp để đi chơi golf".
Đối với Bob, việc sở hữu sân golf và công ty sản xuất dụng cụ golf không chỉ là nhằm mục đích kinh doanh mà còn để phục vụ niềm đam mê riêng của ông. Cậu bé Bob Parsons nghèo khó ngày nào giờ đã có riêng cho mình một cơ ngơi để phục vụ sở thích cá nhân theo đúng phong cách quý tộc mà môn thể thao này hướng đến.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế