Chuyên gia Võ Trí Thành: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động 3 chiều đến Việt Nam

Chuyên gia Kinh tế Võ Trí Thành tiếp tục đưa ra cảnh báo về 4 rủi ro trong thời buổi biến động hiện nay, nổi cộm lên quan điểm căng thẳng Mỹ - Trung thực chất là một đối đầu địa chính trị, và là một cuộc chiến lâu dài!


Chuyên gia Kinh tế Võ Trí Thành tiếp tục đưa ra cảnh báo về 4 rủi ro trong thời buổi biến động hiện nay, nổi cộm lên quan điểm căng thẳng Mỹ - Trung thực chất là một đối đầu địa chính trị, và là một cuộc chiến lâu dài!

 

Có thể nói, năm 2018 là một năm đầy biến động của nền kinh tế thế giới nói chung và thị trường tài chính nói riêng. Trong đó, Việt Nam không đứng ngoài lề, minh chứng là sự trồi sụt với biến động lớn của chỉ số chứng khoán sau 9 tháng đầu năm, và đến nay thanh khoản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi thực sự.

Nguyên nhân cho "khủng hoảng" dưới nhận định giới chuyên gia xoay quanh câu chuyện tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại, đặc biệt là tính bất ổn rơi vào căng thẳng giữa hai cường quốc Mỹ - Trung. Và, phát biểu tại hội thảo mới đây (ngày 29/11) được tổ chức bởi Chứng khoán Dầu khí (PSI), Chuyên gia Kinh tế Võ Trí Thành tiếp tục đưa ra cảnh báo về 4 rủi ro trong thời buổi biến động hiện nay, nổi cộm lên quan điểm căng thẳng Mỹ - Trung thực chất là một đối đầu địa chính trị, và là một cuộc chiến lâu dài!

4 rủi ro lớn cho nền kinh tế

Rủi to thứ nhất theo ông Thành là chính trị, cụ thể liên quan đến khu vực Trung Đông, Bắc Triều Tiên… bây giờ lại đến câu chuyện của Nga Ukraine. Và điều này sẽ tác động như thế nào? Bất ổn chính trị theo ông Thành, trước hết liên quan đến vấn đề dịch chuyển lao động, thực tế cũng đang cho thấy một làn sóng dịch chuyển lao động tại Mỹ.

Thứ hai, chính sách tiền tệ của các nước lớn, đặc biệt Hoa Kỳ đang chuyển sang một chính sách tiền tệ "bình thường" trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng ổn định, ông Thành đặt vấn đề. "Thế nhưng, diễn biến của kinh tế Mỹ đang đứng giữa 2 quan điểm đối lập, một bên là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) – ông Jerome Powell và bên còn lại là Tổng thống Donald Trump".

Được biết, quan điểm ông Jerome Powell thiên về một chính sách tiền tệ thắt chặt dần, tức chính sách tiền tệ "bình thường" hóa trở lại. Song, ông Donald Trump lại đưa ra một chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Dẫn đến kết quả, dự báo mới nhất ghi nhận FED sẽ giữ con số lãi suất 2,5-3,5% từ nay đến cuối năm 2019.

Vấn đề thứ ba, liên quan rất nhiều đến ngành dầu khí Việt Nam trong đó là Tập đoàn PVN là giá dầu. "Để ý thì tăng trưởng sản lượng của PVN năm 2018 rất thấp, trong khi đó nộp ngân sách thì đã vượt chỉ tiêu đề ra, lý do chính là biến động giá dầu", vị chuyên gia này nhận định. Riêng về giá dầu, nếu nhìn dự báo từ đầu năm đến nay thì hầu như không một dự báo nào nói giảm, tất cả đều kỳ vọng tăng. Thậm chí, từ tháng 10 sau khi Mỹ cấm vận trở lại với Iran thì giá dầu theo nhiều chuyên gia phải đạt mức 100 USD/thùng, ông Thành nói.

Song, thực tế cho thấy điều ngược lại, chỉ trong vòng vài tuần giá dầu giảm mạnh 30%, hiện đâu đó giá dầu chỉ đạt khoảng 50-60 USD/thùng. Nhiều lý do được đưa ra; nào là Opec, nào là ứng xử của Nga… tuy nhiên có một nguyên nhân rất lớn khiến giá dầu giảm, theo ông Thành, liên quan đến nhìn nhận kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế thế giới, trong đó có Mỹ và Trung Quốc.

Điển hình cho đến mới đây nhất, trước bối cảnh Mỹ Trung, nhiều bên lại có dự báo giá dầu thời gian tới sẽ đi ngang, thậm chí giảm 15-17%. Bấy nhiêu đó đủ thấy giá dầu thực sự khó dự báo, vị này nhấn mạnh.

Chuyên gia Võ Trí Thành: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động 3 chiều đến Việt Nam - Ảnh 1.

Giá dầu từ tháng 10/2018 bắt đầu giảm mạnh.

rủi ro cuối cùng, cũng là rủi ro lớn liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Theo vị này, cuộc chiến Mỹ - Trung nhìn rộng là một đối đầu địa chính trị, tức là một cuộc chiến giữa một gã đứng đầu đang suy giảm với một gã đang vươn lên vị thứ thứ hai, bắt đầu thể hiện vị thế của mình trên trường quốc tế, bắt đầu khẳng định kinh tế thế giới không thể thiếu Trung Quốc.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động 3 chiều đến Việt Nam

Vậy nếu nhìn rõ thì Trung- Mỹ là cuộc chiến lâu dài, còn chiến thương mại thì chỉ ngắn hạn, là cuộc chiến giữa những kẻ đứng đầu, ông Thành khẳng định. "Cuộc chiến này là cuộc va đập chủ nghĩa Trump và chủ nghĩa Trung Quốc, mục đích hướng đến việc nhìn nhận lại trật tự kinh tế thế giới".

Riêng với Việt Nam, cuộc chiến này nếu nhìn đầy đủ phải thấy được tác động theo không gian ba chiều:

(1) Thứ nhất là tác động thương mại đầu tư.

(2) Thứ hai là thời gian tác động - ngắn hạn hay dài hạn.

(3) Và cuối cùng là ảnh hưởng gián tiếp cũng như trực tiếp gì đến Việt Nam, vì suy cho cùng Mỹ và Trung Quốc đều đang là đối tác làm ăn với nước ta.

Trong đó, riêng tác động trên khía cạnh thương mại có hai tác động, ngắn hạn là mặt tích cực chúng ta đều đã bóc tách thời gian gần đây, tức tận dụng cơ hội chuyển hướng thương mại. Đồng thời, về đầu tư cũng có chuyển hướng; dòng vốn Trung Quốc vốn đang chuyển vào Việt Nam và cuộc chiến này là một chất xúc tác làm mạnh hơn quá trình dịch chuyển. Hơn nữa, nhiều nước khác cũng đổi chiến lược do lo ngại về chiến tranh thương mại; đơn cử Hàn Quốc đang có xu hướng Nam hóa cho dòng vốn của mình, bao gồm chú trọng đến Ấn Độ và Asean để né chiến tranh thương mại. Và trong Asean, Việt Nam là điểm đến cân nhắc, đặc biệt tại một số lĩnh vực như bất động sản…

Tuy nhiên, song hành với mặt tích cực là những rủi ro tiềm ẩn, phải kể đến vấn đề môi trường, hạ tầng… Và hơn hết, trong hợp tác tài chính thì chính Việt Nam cũng không nên quá "hồ hởi", ông Thành nói.

Điều gì đang dẫn dắt kinh tế Việt Nam?

Nói về kinh tế Việt Nam, thời gian gần đây con số ghi nhận không đến mức quá tệ, nhưng nếu đi sâu hơn một chút thì xác suất màu xám đang gia tăng rất nhanh, diễn giả đặt vấn đề: "Điều gì đang dẫn dắt kinh tế Việt Nam?".

Chuyên gia Võ Trí Thành: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động 3 chiều đến Việt Nam - Ảnh 2.

Chuyên gia Võ Trí Thành.

Trước khi hạ hồi phân giải vấn đề, chúng ta cần đồng ý rằng con số kinh tế Việt Nam thực tế đang rất khả quan. Tăng trưởng vẫn đáp ứng được chỉ tiêu đề ra, nước ta đang được nhiều chuyên gia thế giới nhận định tốt và dự báo tiếp tục đi lên. Tổng đầu tư thuần cũng ghi nhận con số tích cực mặc dù tiến độ giải ngân có phần chậm. Tư nhân, dòng vốn FDI cũng tăng tốt…

Tuy nhiên, đằng sau những gì chúng ta nghe là một màu xám, ông Thành nói, "Nếu thành thật nói với nhau thì tăng trưởng 2018 không hơn gì 2 năm 2016-2017".

Ghi nhận, Việt Nam hiện tăng trưởng có nông nghiệp, thời gian gần đây mảng này ghi nhận khả quan. Cùng với đó, tăng trưởng nước ta cũng đang phụ thuộc vào công nghiệp chế biến. Ngược lại, mảng từng được đáng giá cao là dịch vụ, theo ghi nhận đến cuối quý 3, mảng này không còn "đóng góp" cho GDP cả nước, tức không cao hơn tốc độ tăng trưởng trung bình của cả nền kinh tế. "Tức, dịch vụ bắt đầu thấp hơn tăng trưởng trung bình GDP", chuyên gia phân trần. Thực tế cũng ghi nhận, du lịch đã bắt đầu đi xuống từ tháng 9-10, và kéo theo đó là dịch vụ như ăn uống…

Một vấn đề khác cũng được bóc tách thời gian qua, tăng trưởng FDI mặc dù tốt nhưng phần lớn lại đến từ Samsung và Formosa! Với những luận điểm trên, ông Thành nhận định Chính phủ đang vừa phải ứng xử với các vấn đề hiện tại của xã hội, vừa phải chạy đua với xu thế cải cách 4.0, mà trong thời gian ngắn lại phải ổn định kinh tế!

Tỷ lệ doanh nghiệp đóng cửa cao nhất từ trước đến nay

Trong đó, câu chuyện cải cách môi trường kinh doanh vẫn chưa đến hồi kết, khi riêng năm 2018, cứ một 100 doanh nghiệp lập ra thì đến khoảng 74 doanh nghiệp tạm dừng, đóng cửa, phá sản – con số cao nhất từ trước đến nay. "Câu hỏi đặt ra là gì, phải chăng gia nhập thị trường dễ nhưng chơi trên thị trường thì khó?", chuyên gia cho biết thêm.

Như vậy, kinh tế thế giới chững lại, và Việt Nam không đứng ngoài cuộc, ông Thành cho biết, bao gồm 3 vấn đề chính:

Thứ nhất, trong cái chững lại của kinh tế toàn cầu có tính chu kỳ, và cái đáng để Việt Nam quan tâm chính là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đồng thời liên quan nhiều nhất nước ta là Hoa Kỳ và Trung Quốc đang giảm rất nhanh. Thậm chí, Trung Quốc còn giảm nhanh hơn mức họ đang giảm, thực tế Mỹ cũng vậy. Đánh cược tăng trưởng kinh tế tại Mỹ quý 4 này có thể dưới 3%, so với mức tăng rất nhanh của hai năm về trước.

Thứ hai, thị trường cho thấy nhiều dự báo còn xấu hơn, đơn cử trong kịch bản "nhẹ" thì vào khoảng nửa năm sau – năm 2019 – thị trường chứng khoán thế giới sẽ có một điều chỉnh lớn. Thực tế, từ đầu năm đến nay biến động đã "nhấp nhô" 3-4 lần rồi, ông Thành nói.

Thứ ba, nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tài chính, mà điển hình ở đây là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang lan rộng.

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chuyen-gia-vo-tri-thanh-chien-tranh-thuong-mai-my-trung-tac-dong-3-chieu-den-viet-nam-a58050.html