Sinh năm 1954, đại gia Đào Hồng Tuyển từng là chiến sĩ trong binh đoàn tàu không số thời chống Mỹ. Rời quân ngũ vào những năm 80 với số tiền trợ cấp xin việc ít ỏi, Đào Hồng Tuyển ở lại TPHCM lập nghiệp.
Thời gian này, ông phải lang thang hè phố để bươn chải mưu sinh, với công việc là dọn chuồng lợn, bưng bia tại các quán nhậu.
Nhiều lúc, ông phải lang thang khắp Sài Gòn, ngủ trên vỉa hè, gara ô tô, công viên và trên chính ngoài thềm ngôi nhà tại TPHCM của mình bây giờ. Ông Tuyển cho hay, sau khi thành đạt ông đã mua lại căn nhà như một lời nhắc nhở bản thân về thưở hàn vi.
Vào những năm đầu thập kỷ 90, Đào Hồng Tuyển mua lại những nhà xưởng từ chế độ cũ và xây dựng nhà máy sản xuất nước giải khát, phân bón... Ông từng nắm tới 80% thị phần nước giải khát ở miền Nam và có một số sản phẩm nổi tiếng ở miền Bắc. Khi Coca và Pepsi đổ bộ vào Việt Nam, phần lớn nhà máy sản xuất nước giải khát của Đào Hồng Tuyển dừng sản xuất. Hiện nay một số sản phẩm của ông vẫn còn trên thị trường như nước khoáng Đảnh Thạnh, phân bón Bình Điền 2.
Ông từng giữ các chức danh như: Phó TGĐ Công ty Xuất nhập khẩu Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm chuyển giao và xuất nhập khẩu công nghệ, Phó chủ tịch Hội phân bón Việt Nam.
Bấy giờ, dù gặt hái được nhiều thành công, kiếm được hàng chục triệu USD từ nước giải khát và phân bón những ông Đào Hồng Tuyển vẫn là “người thường” vì các lĩnh vực này khá phổ biến và không có gì đặc biệt.
Về sau, Đào Hồng Tuyển ôm hàng chục triệu USD từ Tp.HCM ra miền Bắc, tự thành lập Công ty TNHH Âu Lạc mà ông là Chủ tịch HĐQT. Cũng từ ấy, ông Tuyển trở thành “quái kiệt” vì những việc làm động trời và điên rồ.
Thuở hàn vi, "chúa đảo" từng phải bươn chải mưu sinh với công việc dọn chuồng lợn, bưng bia tại các quán nhậu...
Năm 1997, dưới danh nghĩa là chủ tịch công ty TNHH Âu Lạc, ông Tuyển đã thực hiện một dự án được xem là điên rồ nhất vào thời đó là đổ 80 tỷ đồng để lấy đất lấp biển, xây dựng con đường độc đạo dẫn từ đất liền ra đảo Tuần Châu, 55 công trình giải trí và biệt thự, bến du thuyền lớn nhất thế giới.
Đây bước ngoặt giúp ông "phất" lên trong sự nghiệp: đưa diện tích khai thác trên đảo từ 98 ha lên gần 700 ha.
Ba năm sau, con đường hoàn thành, rồi trong 15 năm tiếp theo, ông Tuyển cho xây dựng 110 km đường quanh đảo, 55 công trình giải trí và biệt thự, bến du thuyền lớn nhất thế giới, đưa diện tích khai thác trên đảo từ 98 ha lên gần 700 ha.
Làm đường ra đảo Tuần Châu là việc làm động trời nhất, tạo nên thương hiệu "Chúa đảo" cho ông Đào Hồng Tuyển. Dù sau này, không "điên rồ" nữa nhưng ông Tuyển vẫn ghi tên mình trong danh sách những người "mỗi lần tới đều mang theo ồn ào".
Trong nhiều sự kiện đấu giá từ thiện, ông Tuyển thường nổi bật khi trả giá rất cao các đồ vật đấu giá. Không chỉ vậy, ông còn đấu giá căn biệt thự lên tới 12 tỷ đồng để ủng hộ cho đồng bào gặp bão lụt. Chuyện ông tặng biệt thự triệu đô cho GS Ngô Bảo Châu cũng thu hút được sự chú ý của dư luận. Và gần đây là hành động tặng siêu xe Rolls-Royce gần 40 tỷ cho người dân bị thiệt hại tại vùng mưa lũ Quảng Ninh, hay mời người dân vùng mưa lũ đến ăn ở miễn phí tại khách sạn 4 sao của mình.
Chiếc Rolls-Royce gần 40 tỷ được ông Tuyển ủng hộ cho người dân vũng lũ lụt.
Đến tháng 1/2015, người ta lại một lần nữa nhắc đến sự "ngông" của ông khi doanh nghiệp của ông Đào Hồng Tuyển đề nghị với UBND tỉnh Quảng Ninh về phương án điều chỉnh quy hoạch khu du lịch - giải trí quốc tế Tuần Châu (thành phố Hạ Long). Ý tưởng chủ đạo của phương án là đổ hơn 20 triệu m3 đất, đá, bùn, cát xuống vịnh Hạ Long phục vụ cho việc xây dựng 3 khu biệt thự lấn biển hình 3 đóa hoa.
Cũng giống như dự án Tuần Châu, dự án lấp biển lần này cũng ông Tuyển nhận không ít "gạch đá" từ dư luận cũng như giới chuyên gia.
Hiện tại, dự án này của ông Tuyển đã "nguội" đi. Nhưng điều đó không có nghĩa ông Tuyển chấp nhận đầu hàng. Biết đâu một ngày nào đó ông Tuyển sẽ trở lại với dự án này vì trước kia ông cũng đã phải vượt qua "cả một rừng chông gai và một biển đau thương" cùng những ý tưởng điên rồ để hoàn thành Tuần Châu.
Mới đây nhất, “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển đã hé lộ tham vọng đầu tư xây dựng hàng loạt dự án mang tính đột phá tại huyện Củ Chi. Trong đó, dự án Thành phố Mới (New City) và Đại lộ ven sông Sài Gòn (nối huyện Củ Chi với quận 1) được xem là nổi bật nhất.
Theo đó, dự án New City có diện tích khoảng 15.000 ha (gấp 15 lần diện tích dự án Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và Khu đô thị Thủ Thiêm cộng lại) thuộc các xã phía đông bắc huyện Củ Chi. Với quy mô này, sẽ hình thành một trung tâm đô thị mới của thành phố thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Trong thành phố mới, sẽ hình thành nên các khu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, tạo được công ăn việc làm, có đầy đủ dịch vụ và tiện ích phục vụ cư dân.
Trong khi đó, dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn (nối huyện Củ Chi về đến quận 1) tận dụng quỹ đất ven sông, với chiều dài khoảng 59 km, tốc độ xe dự kiến 100 km/h, sẽ chỉ mất khoảng 20-30 phút để đi từ Củ Chi về quận 1. Chủ đầu tư dự kiến thi công xong đưa vào sử dụng trong 18 tháng. Đại lộ này sẽ tạo điều kiện kết nối với quốc lộ 22, và các tuyến đường của tỉnh Bình Dương.
Nói về độ giàu có của mình, “chúa đảo” từng không ngần ngại thừa nhận rằng tổng tài sản của ông lên tới 2 tỷ USD. Tuy sau đó ông phủ nhận con số này nhưng nhìn vào khối tài sản, những dự án mà ông đang sở hữu thì ông vẫn được liệt vào hàng ngũ những doanh nhân giàu nhất Việt Nam.
Theo ANTT