Những lá thư không được gửi đi của Abraham Lincoln và bài học lãnh đạo của một trong những vị Tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ

Lincoln thất bại nhiều hơn là thành công, cuộc đời ông ấy không hề dễ dàng.


Lincoln thất bại nhiều hơn là thành công, cuộc đời ông ấy không hề dễ dàng.

Abraham Lincoln, người chỉ có gần một năm học tại trường công, nhờ việc tự học, ông đã trở thành một luật sư chuyên nghiệp, một trong những nhà văn và nhà diễn thuyết giỏi nhất lịch sử nước Mỹ, và là vị Tổng thống tôn kính của quốc gia này. Lincoln thất bại nhiều hơn là thành công, cuộc đời ông ấy không hề dễ dàng. Tuy nhiên, điều ông học được qua những thất bại và thành tựu có thể giúp phát triển các nhà lãnh đạo ngày nay. Sau đây là một vài bài học quan trọng chúng ta có thể lượm lặt được từ trường hợp của ngài Lincoln:

1. Hiểu rõ nhiệm vụ của mình

Hãy chắc rằng bạn biết tại sao bạn được chọn lựa cho vai trò lãnh đạo, bạn đang lãnh đạo ai, và mức độ thay đổi ảnh hưởng của bạn. Sự hiểu biết này quan trọng với cả hai nhiệm vụ ban đầu của Lincoln sau khi trở thành Tổng thống, đó là cứu Liên Minh và tuyên bố giải phóng vào năm 1862: giải cứu đất nước và thay đổi nó bằng cách bãi bỏ chế độ nô lệ.

2. Nhìn xa trông rộng

Hãy chậm lại và nhìn thật rộng vào toàn cảnh trước khi bắt đầu. Chắc rằng bạn biết điều gì là cấp thiết. Hãy chắc rằng bạn nhận ra mối quan tâm của những người khác và họ liên quan thế nào tới nhiệm vụ của bạn.

Lincoln biến mình thành một người khảo sát toàn cảnh bậc thầy trước khi ông đưa ra quyết định lớn. Dù là việc ông tiếp tục cuộc Nội Chiến thế nào, nghĩ về việc thống nhất đất nước sau khi xung đột ra sao, hoặc cách nào để bảo đảm bình đẳng hơn cho người Mỹ da đen, ông đều cẩn thận nắm bắt tình hình toàn cảnh, bao gồm cả đồng minh và đối thủ tiềm năng.

3. Tập trung vào không nhiều hơn ba việc

Tự hỏi bản thân điều gì cần được hoàn thành và điều gì chỉ bạn, ở cương vị là người lãnh đạo có thể làm để đạt được nó. Bằng việc tập trung vào một, hai hay ba khía cạnh quan trọng trong nhiệm vụ, bạn cho bản thân một cơ hội thành công lớn hơn là nếu bạn liên tục chia nhỏ năng lượng của bản thân cho 10 nhiệm vụ hoặc hơn.

Một khi những trách nhiệm mấu chốt này được xác nhận, hãy cho phép bản thân dời sự chú ý khỏi những điều không phải trọng tâm trong mục đích của bạn hay giao những vấn đề thứ yếu cho người khác - kể cả kẻ thù. Hãy nhận thức được bạn không thể làm tất cả mọi thứ, nói "không" với những việc không cần thiết, nói "có" với điều quan trọng nhất.

Lincoln học được bài học quan trọng này khi là một luật sư biện hộ cho các vụ án trước hàng trăm ban hội thẩm. Ông nhận ra rằng, hầu như tất cả các vụ án đều đi đến bước chỉ còn một, hai hay ba vấn đề quan trọng, và nếu ông có thể thắng ban hội thẩm ở những vấn đề này, ông sẽ giành chiến thắng tại phiên tòa. Ông cũng hiểu rằng bằng cách chỉ tập trung vào những vấn đề cơ bản ông có thể bỏ được những phần còn lại, theo đó khiến kẻ thù nguôi ngoai.

Những lá thư không được gửi đi của Abraham Lincoln và bài học lãnh đạo của một trong những vị Tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ - Ảnh 1.

4. Xin lời khuyên một cách khôn ngoan nhưng chịu trách nhiệm đến cùng

Lắng nghe nhiều ý kiến là điều quan trọng, nhưng đến cuối cùng, bạn phải chịu trách nhiệm cho quyết định của bản thân. Bạn sẽ quyết định nói "có" với một vài người cho bạn lời khuyên và nói "không" với một vài người khác nhưng trách nhiệm cuối cùng vẫn nằm ở bạn. Cho dù điều đó khiến việc làm lãnh đạo trở nên cô đơn.

5. Hãy cẩn thận với việc đánh đổi

Sẽ có những thứ được và mất từ những quyết định khó khăn. Điều quan trọng là bạn hiểu được những điều đó là gì cũng như ai sẽ bị ảnh hưởng để bạn có thể chia sẻ với những người liên quan khác. Ông học cách nói với người khác lợi và hại của một vấn đề hay tình huống quan trọng để họ hiểu được những nguyên tắc liên quan, mỗi hành động nhất định có ý nghĩa thế nào với họ và đất nước.

6. Hiểu được sức mạnh của việc không làm gì cả

Đưa ra quyết định mau lẹ khi tức giận là phản ứng tự nhiên, nhưng phản ứng này thường khiến mọi thứ trong cuộc sống tệ hơn. Một trong những điểm mạnh của Lincoln là hiểu được sức mạnh của việc không làm gì cả trong thời điểm nóng nảy. Ông hiểu được rằng khi đang nóng giận chúng ta không thể nào đưa ra quyết định sáng suốt. Kết quả là, ông luyện cho mình tính tự giác rằng sẽ không làm bất cứ điều gì trong những trường hợp như vậy.

Ngay sau trận chiến Gettysburg vào tháng 7 năm 1863, Lincoln đã rất tức giận khi vị tướng của Liên Minh, George Meade quyết định không truy đuổi tàn quân của quân đội miền Nam khi chạy về phía Nam. Vị tổng thống trút hết sự giận dữ của mình vào bức thư ông gửi cho tướng Meade. "Tôi không tài nào diễn tả hết được sự thất vọng của mình trong tình huống này." Ông kí tên rồi cho thư vào phong bì - nhưng lá thư không được gửi đi. Nhờ không làm gì, Lincoln đã có một quyết định tỉnh táo để không mạo hiểm bỏ xa miền Bắc khiến nhiệm vụ giải cứu Liên Minh của ông thất bại. Lincoln nhận ra, thể hiện cảm xúc nóng giận trong chốc lát thường gây ra thiệt hại cho thế giới, cho những người dõi theo bạn và cả sự nghiệp cao quý. Ngược lại, kiềm chế những cảm xúc của bản thân và chống lại sự cám dỗ từ việc hành động theo cảm xúc, đâu có gây ra thiệt hại gì.

7. Khi những lời phê bình ập tới, hãy giữ vững lòng mình

Điều này có thể không quá căng thẳng. Bạn phải liên tục cải thiện khả năng của bạn cho sự can đảm về mặt đạo đức khi đối mặt với những chỉ trích.

Ví dụ, khi Nội Chiến ngày càng dữ dội vào mùa hè năm 1864, Lincoln phải đối mặt với sự khiển trách từ mọi phía. Ở phía Bắc, nhiều người Mỹ yêu cầu chấm dứt việc chém giết này, cho dù hòa bình có nghĩa là người miền Nam được quyền giữ lại các nô lệ. Ông biết ông không thể quay lưng với những lời từ Tuyên bố Giải phóng; ông không thể để những người lính da đen, những người đấu tranh dũng cảm vì Liên Minh và sự tự do của người da đen, trở lại làm những nô lệ. "Tôi sẽ bị nguyền rủa mãi mãi nếu làm vậy. Thế giới nên biết tôi sẽ giữ lòng tin với bạn bè và cả kẻ thù của mình," ông giải thích.

Tuy nhiên, vì những ngày hè kéo dài với cuộc chiến không hồi kết, áp lực đặt nặng lên Lincoln để chấm dứt cuộc chiến bằng bất cứ giá nào ngày càng lớn đến nỗi ông đã soạn thảo một lá thư cho hay ông sẽ giải quyết các cuộc đàm phán hòa bình với Liên Minh. Nhưng, một lần nữa, ông không lập tức gửi lá thư đi. Thay vào đó, ông hỏi Frederick Douglass, một người theo chủ nghĩa bãi nô (người đã đến gặp Lincoln vì vấn đề khác) để xin lời khuyên về bức thư. Người lãnh đạo người Mỹ gốc Phi ấy khuyên đừng nên gửi bức thư, và Lincoln đã nghe theo lời khuyên ấy, cất lá thư đi và lại tiếp tục cống hiến để chấm dứt cuộc chiến mà sẽ bãi bỏ chế độ nô lệ mãi mãi.


Mai Phương

Theo Nhịp Sống Kinh Tế/QZ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nhung-la-thu-khong-duoc-gui-di-cua-abraham-lincoln-va-bai-hoc-lanh-dao-cua-mot-trong-nhung-vi-tong-thong-vi-dai-nhat-nuoc-my-a58945.html