Việc bắt giữ bà Mạnh (46 tuổi) được cho là một cú sốc với Huawei bởi giới truyền thông Trung Quốc coi bà Mạnh là người có khả năng cao sẽ kế nhiệm cha mình - CEO Ren Zhengfei - điều hành công ty.
Ngày hôm nay, báo chí quốc tế đồng loạt đưa thông tin chấn động về việc nữ Giám đốc tài chính Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Châu) của Huawei bị bắt giữ tại Canada theo yêu cầu của phía Mỹ. Tờ The Globe and Mail trích lời một nguồn tin thân cận cho biết bà bị bắt vì cố tình vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ lên Iran. Hồi tháng 4, Wall Street Journal cho biết Mỹ đã mở cuộc điều tra về các hoạt động kinh doanh của Huawei bị nghi ngờ lách lệnh trừng phạt này.
Dù đã xác nhận về việc lãnh đạo cấp cao bị bắt giữ nhưng phía Huawei khẳng định qua thông cáo báo chí rằng chính công ty cũng không biết giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu đã làm gì sai trái dẫn đến việc bị bắt tại Vancouver (Canada) và có thể bị dẫn độ sang Mỹ.
"Chúng tôi được cung cấp rất ít thông tin liên quan đến các cáo buộc và không biết bà Mạnh đang vi phạm điều gì", Huawei cho biết. Nhà sản xuất smartphone Trung Quốc tin tưởng, hệ thống tư pháp của Canada và Mỹ sẽ đưa ra một kết luận cuối cùng.
Việc bắt giữ bà Mạnh (46 tuổi) được cho là một cú sốc với Huawei bởi giới truyền thông Trung Quốc coi bà Mạnh là người có khả năng cao sẽ kế nhiệm cha mình - CEO Ren Zhengfei - điều hành công ty. Ông Ren là người sáng lập Huawei và đã làm CEO từ năm 1988. Ông từng làm việc trong quân đội, chịu trách nhiệm về hệ thống viễn thông.
Bà Mạnh Vãn Châu đã chuyển đến Thâm Quyến cùng cha mình sau khi ông xuất ngũ. Năm 1993, bà gia nhập Huawei. Trong những năm đầu hoạt động, bà từng là một trong ba thư ký tại đây. Đầu thập niên 90 cũng là thời điểm Thâm Quyến - nơi đặt trụ sở Huawei - bắt đầu quá trình thay đổi chóng mặt, từ làng chài thành một trong những trung tâm năng động nhất của Trung Quốc.
Theo tiểu sử được đăng tải trên website của công ty, bà Mạnh đóng vai trò quan trọng trong quá trình quốc tế hóa của Huawei. Bà đứng đầu mảng kế toán quốc tế, từng làm giám đốc tài chính chi nhánh Hong Kong, giám sát thành lập các trung tâm dịch vụ toàn cầu và chịu trách nhiệm một chương trình hợp tác 8 năm với IBM nhằm đưa yếu tố quản trị nước ngoài vào công ty. Bà có bằng thạc sĩ Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung.
Dù vậy, vai trò của bà Mạnh trong ban lãnh đạo Huawei không nổi bật cho đến vài năm gần đây. Trước năm 2011, bà gần như không xuất hiện trước truyền thông.
The Globe and Mail đánh giá bà Mạnh đã trở thành tiếng nói quan trọng từ Trung Quốc. Trên thế giới, bà từng xuất hiện trong các buổi thảo luận, bên cạnh những diễn giả tên tuổi như Ben Bernanke – cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Bà cũng là hình ảnh tích cực đại diện cho một công ty có tốc độ tăng trưởng khổng lồ như Huawei. Trong một bài phát biểu tại Đại học Thanh Hoa năm 2016, bà ca ngợi Huawei là nơi có cơ hội tuyệt vời cho người trẻ, với môi trường làm việc không theo cấp bậc truyền thống.
Bà từng là thành viên Hội đồng quản trị Skycom Tech – công ty Hong Kong có giao dịch với Iran và đang được giới chức Mỹ để ý. Năm 2013, Reuters cho biết Skycom Tech có quan hệ mật thiết với Huawei hơn nhưng gì được tiết lộ trước đó.
Huawei bán smartphone và thiết bị viễn thông trên toàn thế giới. Gần đây, họ đang ngày càng bị Mỹ và nhiều nước khác giám sát chặt chẽ. Giới chính trị gia cảnh báo an ninh quốc gia có thể bị đe dọa khi sử dụng sản phẩm của Huawei. Mỹ thì luôn lo ngại Chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng công nghệ của Huawei để do thám người Mỹ.
Hiện nhà sản xuất smartphone đang ôm mộng trở thành một thương hiệu toàn cầu. Theo hãng nghiên cứu Gartner, Huawei đã vượt Apple để thành nhà cung cấp smartphone lớn thứ nhì thế giới. Trong quý III, hãng điện thoại đạt doanh số 52,2 triệu chiếc.
Phương Linh
Theo Trí Thức Trẻ/Tổng hợp