Vào tháng 3 năm nay, Công ty Cổ phần Di động trực tuyến M-Service, doanh nghiệp sở hữu ví điện tử Momo, công bố công bố khoản đầu tư trị giá 28 triệu USD từ quỹ Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng Đầu tư toàn cầu Goldman Sachs. Đến thời điểm hiện tại, đó vẫn là khoản đầu tư kỷ lục mà một mô hình khởi nghiệp Việt từng nhận từ nước ngoài.
Dữ liệu của Momo cho thấy, tới tháng 10/2018, họ có 10 triệu khách hàng, hơn 10.000 đối tác thanh toán, hơn 20.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc và liên kết trực tiếp 15 ngân hàng lớn tại Việt Nam cùng 30 ngân hàng nội địa (qua cổng Napas) và thẻ quốc tế.
Ý tưởng táo bạo của những người chưa từng làm công nghệ tài chính
Trước khi cán những mốc ấn tượng ấy, đội ngũ sáng lập Momo đã trải qua hành trình hơn 10 năm. Ý tưởng về Momo xuất hiện với bà Nguyễn Thị Minh Hiền, người sáng lập dự án Momo, trong một chuyến công tác tại Bangladesh cách đây hơn 10 năm, khi bà nhận thấy người dân chuyển tiền bằng điện thoại di động. Vào tháng 10/2007, nhóm sáng lập Momo gồm 4 người hình thành để tạo ra ví điện tử. Trụ sở của họ là một căn phòng khoảng 25 m2, và công cụ làm việc là 4 máy chủ.
Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Di động trực tuyến M-Service, kể rằng sự nghi ngờ, lo lắng của mọi người là thách thức lớn nhất đối với dự án. Mọi người nghĩ đó là một ý tưởng hão huyền. Ngay cả những người thân thiết từng rất tin tưởng họ giờ cũng băn khoăn. Vốn nhỏ, chưa có sản phẩm, không có kinh nghiệm làm ứng dụng tài chính và thậm chí chưa biết làm thế nào để tạo ra sản phẩm, nhóm sáng lập chẳng có gì để thuyết phục mọi người.
Bất chấp thực tế ấy, nhóm sáng lập vẫn miệt mài nghiên cứu để tìm cách tạo ra sản phẩm. Dạng ban đầu của Momo là công cụ chuyển tiền, nạp tiền qua số điện thoại di động. Yếu điểm của nó là chỉ những người sở hữu SIM của Vinaphone mới có thể sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, sau mỗi lần cập nhật phiên bản mới, người dùng phải thay SIM.
Cảm nhận của người dùng đối với Momo là quá ít tiện ích, dịch vụ quá mới, khó sử dụng. Hiểu được thực trạng, nhóm sáng lập quyết tâm tiến nhanh để dự án không chết yểu. Họ quyết định thực hiện một ván cược lớn đối với số phận của Momo. Theo trình tự thông thường, họ sẽ phát triển ứng dụng trên web trước khi chuyển sang phiên bản dành cho thiết bị di động. Nhưng để tạo đột phá, nhóm sáng lập quyết định tập trung luôn vào phiên bản di động. Đó là quyết định vô cùng mạo hiểm, bởi hồi ấy không ai biết tương lai của điện thoại thông minh sẽ thế nào.
Một cửa hàng chấp nhận thanh toán qua ví điện tử Momo. Ảnh: Momo |
Không chỉ tuyển lập trình viên giỏi, nhóm sáng lập Momo còn thuê kỹ sư công nghệ giỏi bên ngoài phát triển sản phẩm. Đích thân người phụ trách công nghệ cũng phải tự viết những dòng code. Cứ sau mỗi lần ra tính năng mới, họ cho mọi người dùng thử để nhận phản hồi.
“Mục tiêu của chúng tôi là người dùng phải thích khi trải nghiệm ứng dụng. Ưu tiên của chúng tôi là sự đơn giản. Chúng tôi muốn mọi người có thể sử dụng app trong vòng 30 giây”, ông Diệp nói.
Quan hệ hợp tác với Ngân hàng Ngoại thương vào năm 2012 cùng với giấy phép chuyển tiền là hai yếu tố giúp Momo chuyển tiền từ ngân hàng tới các vùng xa xôi.
Trong tháng 6/2014, Momo lần lượt xuất hiện trên kho ứng dụng dành cho điện thoại Android và iOS, trở thành ví điện tử đầu tiên có phiên bản dành cho thiết bị di động. Hàng trăm ngàn lượt tải Momo đã xuất hiện trong tháng 6, đưa nó vào nhóm 5 ứng dụng tài chính có số lượt tải cao nhất dành cho điện thoại. Sau đó, tốc độ phát triển người dùng của Momo tăng theo cấp số nhân. Cùng với tốc độ ấy, hàng loạt văn phòng của Momo xuất hiện ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh với vài trăm nhân sự.
Phó Chủ tịch HĐQT Ví MoMo, ông Nguyễn Bá Diệp, nhấn mạnh rằng Momo luôn hướng tới sự đơn giản, để người sử dụng có thể hiểu thao tác trong vòng 30 giây. Ảnh: Momo |
Sau khi đạt những con số khả quan, Momo nghĩ tới chuyện thu hút vốn đầu tư của quỹ ngoại. Ông Phạm Thành Đức, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Di động trực tuyến M-Service, kể rằng các quỹ ngoại thẩm định rất kỹ từng chi tiết của công ty. Thậm chí họ còn thuê thám tử theo dõi từng thành viên trong ban điều hành Momo để xác định mức độ đáng tin cậy.
"Sau này họ mới kể chuyện theo dõi. Chắc là chúng tôi đáng tin cậy nên các nhà đầu tư mới quyết định rót vốn", ông Đức kể.
Vươn tầm quốc tế
Nhờ dịch vụ đa dạng, lượng người dùng lớn nhất và có tốc độ phát triển nhanh tại Việt Nam, ví MoMo là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách danh giá cùng Ant Financial thuộc tập đoàn Alibaba, JD Finance (Trung Quốc), Baidu (Trung Quốc), Robinhood (Mỹ), Adyen (Hà Lan). Ở Việt Nam, Ví MoMo liên kết trực tiếp với hầu hết các ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, VPBank, OCB, Eximbank, TPBank, VIB Bank, ACB, BIDV, Shinhan Bank, SCB, Agribank, VRB, BaoViet Bank, Sacombank. 30 ngân hàng nội địa khác và thẻ quốc tế liên kết thông qua cổng Napas.
MoMo cũng áp dụng các công nghệ xác thực tiên tiến như xác thực hai lớp, xác thực bằng vân tay hay nhận diện khuôn mặt, ứng dụng tự động khóa khi quá thời gian sử dụng hay không sử dụng.
Kim Cương
Theo Kinh tế & Tiêu dùng
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/khoi-dau-bap-benh-va-tran-danh-lieu-linh-de-thoat-hiem-cua-vi-dien-tu-momo-a59084.html