Ông Dương Công Minh: 'Tôi làm quan không được mới đi làm giàu'

Kể về quãng thời gian khởi nghiệp khó khăn, phải phá sản và bán nhà, ông Dương Công Minh cho biết nó lại giúp ông rẽ sang con đường khác khi thấy cơ hội đến gần.

Kể về quãng thời gian khởi nghiệp khó khăn, phải phá sản và bán nhà, ông Dương Công Minh cho biết nó lại giúp ông rẽ sang con đường khác khi thấy cơ hội đến gần.

Bằng một giọng nói thuần Bắc Bộ, ông Dương Công Minh, cựu Chủ tịch HĐQT tập đoàn Him Lam, Chủ tịch Ngân hàng Sacombank, nói về tuổi trẻ của mình một cách giản dị, nhẹ nhàng trong cuộc tọa đàm về khởi nghiệp ở Hà Nội sáng nay, ngày 7/12.

Ông khuyên các bạn trẻ khi muốn khởi nghiệp phải hội tụ đủ 2 yếu tố: Điều kiện cần là phải đầy đủ kiến thức, kỹ năng, nhưng phải có điều kiện đủ là “máu lửa”, “có gan” thì mới thành công.

Lựa chọn làm quan và làm giàu

“Hồi đó tôi là người hội tụ đủ những yếu tố có thể làm quan. Nhưng tôi lại chọn tình yêu. Vì vợ mà tôi không thể làm quan được nữa và quay sang làm giàu”, ông Dương Công Minh bắt đầu buổi nói chuyện trước sự tò mò của các khách mời.

Tốt nghiệp đại học chính quy, gia đình cách mạng, học hết đại học thì đi nghĩa vụ quân sự, lại có người đỡ đầu làm trong ngành quân đội, ông Minh đánh giá mình có điều kiện rất thuận lợi để “làm quan”.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank. Ảnh: Lê Quân.

Tuy nhiên, ông cho biết người yêu của ông là con gái một quan chức chế độ cũ ở Sài Gòn. Trước sự can ngăn của đơn vị, cơ quan, ông vẫn nhất quyết cưới người mình yêu là vợ của ông bây giờ. Điều đó đồng nghĩa với việc ông khó có thể thăng tiến trên con đường “làm quan”.

“Điều kiện cần thì mình có, nhưng mình lại không có điều kiện đủ, thế nên tôi buộc phải chuyển sang làm giàu. Người Việt Nam đầu tiên ai cũng muốn làm quan, làm quan không được thì mới chuyển sang làm giàu. Tôi cũng như thế và bắt đầu từ đó”, ông Minh bắt đầu nói về con đường sự nghiệp mình.

Ông bắt đầu sự nghiệp bằng việc làm cho một cơ quan chuyên xuất nhập khẩu các sản phẩm của Bộ Quốc phòng ở phía Nam. Công ty này chuyên xuất khẩu nông, lâm, thủy sản; còn nhập khẩu công nghệ. Ông vẫn rất nhớ những kỷ niệm về xuất khẩu xoài đi Pháp, xuất chuối đi Anh, tôm cá mực đi Nhật và Hong Kong…

“Hết nghĩa vụ quân sự, tôi nghĩ chắc chắn đường làm quan của mình đứt rồi. Ra quân tôi ra quê ở Bắc Ninh, tình cờ gặp một người bạn dẫn đi biên giới Lạng Sơn chơi và phát hiện ra một hướng làm ăn mới”, ông chia sẻ.

Lớn nhất là bản lĩnh

Khi đến Lạng Sơn, ông Dương Công Minh nhận thấy thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam mua chuối rất nhiều. Ngay sau đó, ông cùng bạn đã tổ chức xuất khẩu chuối đi Trung Quốc.

“Đó cơ hội. Đầu tiên phải có ý chí, lý tưởng muốn làm giàu, nhưng phải có cơ hội mới thành công được. Tôi bắt đầu buôn chuối từ đó”, ông Minh nói.

Sau đó Trung Quốc hỏi mua xoài, ông lại bắt tay xuất khẩu xoài. Hồi đó xoài rất hiếm và không được sản xuất lớn như bây giờ, chủ yếu tự cung tự tiêu. Ông kể hồi đó đã xuất khẩu đi Pháp khoảng 5-10 tấn. Trong khi Trung Quốc lại có nhu cầu rất nhiều về xoài.

Năm đầu ông Minh cùng bạn xuất khẩu có lãi rất hấp dẫn, một lời một. Đến năm thứ hai thì tiếp tục duy trì.

Ông cho biết mình chỉ muốn xuất khoảng 10 xe xoài. Nhưng với món lời hấp dẫn lên đến 20 triệu/xe, vào khoảng năm 1988-1989 thì giá trị rất lớn, thế nên bạn ông đã vay mượn để huy động đến 110 xe xoài.

Tuy nhiên chất lượng xoài thì đạt khoảng 10 xe đầu, còn 100 xe còn lại thì toàn bộ là xoài non, nhanh chóng bị thối. Từ đó ông Dương Công Minh bị lỗ hết sạch vốn, phá sản.

“Tất cả bạn bè biết tôi phá sản vì xoài thì mọi người gọi tôi là Minh xoài. Tôi phải bán nhà để trả nợ”, ông nói.

Tuy nhiên, chính việc bán nhà đã giúp ông Minh tiếp xúc với môi giới để làm thủ tục. Môi giới thường đòi giá rất cao khi giúp ai đó bán nhà, thường 1/7 giá nhà cho thủ tục. Chính vì thế ông thấy đây là một lĩnh vực hấp dẫn và quyết định tiếp tục kinh doanh.

“Tôi lại đi mày mò hỏi thủ tục như thế nào. Người Việt Nam chúng ta chưa có thể hiểu hết được thủ tục hợp thức hóa một căn nhà, vì nó rất khó. Tôi hỏi và làm cái này, lấy chỉ 1/10 mức giá nhà thôi. Tôi đã nhìn thấy cơ hội này”, ông nói.

Đây cũng là công việc khởi nghiệp thứ hai và giúp ông Minh gắn bó với lĩnh vực bất động sản, thành lập Công ty Him Lam vào năm 1994 - doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bất động sản đầu tiên tại TP.HCM lúc bấy giờ.

“Lúc đó không có tiền nhưng tôi đi vay nóng, vay lãi suất cao để làm. Tôi thuê kiến trúc sư, kỹ thuật vào làm. Chúng ta thấy cơ hội thì phải liều, không còn gì để mất cả. Cùng lắm là về âm, nhưng âm về tài sản, còn dương về kiến thức, trình độ, kinh nghiệm, bản lĩnh. Cái lớn nhất là bản lĩnh”, ông chia sẻ.

Ai biết nắm bắt sẽ thành công

Nói về khởi nghiệp, ông Minh cho rằng may mắn chiếm 30% sự thành công, nhưng lại cho chính chúng ta tạo ra, phải do mình tự vận động.

“Tôi vẫn hay nói với nhân viên câu “há miệng chờ sung”, nhưng há miệng dưới gốc cây sung mới có cơ hội. Muốn há miệng chờ sung thì phải mò ra gốc cây sung. Đi ngoài đường quả sung nó rơi cũng không vào mình đâu”, ông nói.

Ông Dương Công Minh nhấn mạnh muốn khởi nghiệp phải có điều kiện cần là kiến thức, nhưng điều kiện đủ là “gan to”.

“Kiến thức có, kinh nghiệm có, cơ hội có mà gan nhỏ thì cũng không làm được. Khi chúng ta thấy cơ hội rồi thì phải máu lửa lên”, Chủ tịch Him Lam nói.

Ông kể lại câu chuyện từng có một người bạn rất giỏi ở Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, có nghiên cứu ra một sản phẩm liên quan đến inox rất tốt, rất bền đẹp, nhưng lại không thành công. Người bạn này sau đó đến nhờ ông tư vấn, ông nhận định một cách hài hước là “thiếu máu lửa”.

“Cậu ra ngoài kiếm thêm 3 cô bồ. Khi nào cậu dám đem 3 cô bồ đó về khoe vợ thì mới có gan. Chắc chắn khi đó mới thành công”, ông Minh hài hước kể lại điều từng nói với người bạn.

Nói về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Minh nhấn mạnh sẽ có rất nhiều cơ hội cho những người trẻ khởi nghiệp. Cuộc cách mạng này sẽ giúp ứng dụng những công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh. Ai biết nắm bắt sẽ là người thành công và chiến thắng.

Sinh tại Quế Võ (Bắc Ninh), những năm 1984-1993, ông Dương Công Minh là sỹ quan công ty xuất nhập khẩu thuộc Bộ Quốc phòng. Giai đoạn 1994-1997, ông là Giám đốc xí nghiệp xây dựng - Công ty Thanh Bình cũng thuộc Bộ Quốc phòng.

Doanh nhân này hiện là ông chủ của Công ty cổ phần Him Lam - nơi có hơn 20 công ty con, công ty liên kết đủ lĩnh vực, từ bất động sản, tài chính ngân hàng, viễn thông, xây dựng đến sản xuất, thương mại dịch vụ, nhân lực, khai khoáng...

Hiếu Công

Theo Zing

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ong-duong-cong-minh-toi-lam-quan-khong-duoc-moi-di-lam-giau-a59224.html