Tỷ phú Trung Quốc "lên voi, xuống chó" vì Sáng kiến “Vành đai, con đường”

Ye Jianming, một tài phiệt Trung Quốc đã vươn lên từ những năm 1990 để đứng đầu một công ty trị giá 44 triệu USD. Nhưng Ye dường như đã biến mất khi đế chế của tỷ phú này đang sụp đổ vì Sáng kiến “Vành đai, con đường”. >> "Bẫy nợ" bị lộ tẩy, đầu tư tư nhân Trung Quốc vào “Một vành đai, một con đường” rớt thảm >> Malaysia rút khỏi dự án Một vành đai một con đường: Trung Quốc sợ hãi tính lại "bẫy nợ" >> Bẫy nợ “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc đang nguy kịch


Ye Jianming, một tài phiệt Trung Quốc đã vươn lên từ những năm 1990 để đứng đầu một công ty trị giá 44 triệu USD. Nhưng Ye dường như đã biến mất khi đế chế của tỷ phú này đang sụp đổ vì Sáng kiến “Vành đai, con đường”.

Theo tờ The Independent, có tin đồn rằng Ye là con trai của một trong những người sáng lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, được biết đến với cái tên là hoàng tử của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA). (Nguồn: Photo illustration/AP Images)
Theo tờ The Independent, có tin đồn rằng Ye là con trai của một trong những người sáng lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, được biết đến với cái tên là hoàng tử của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA). (Nguồn: Photo illustration/AP Images)

Ở đỉnh cao của sự giàu có với tầm ảnh hưởng rộng lớn của CEFC China Energy, công ty năng lượng mà Ye xây dựng có mối quan hệ cực kỳ chặt chẽ với Chính phủ. Nhưng công ty này lại đang bị chính Chính phủ điều tra.

Theo CNN, Ye Jianming là người nổi tiếng không chỉ ở Trung Quốc mà trên toàn thế giới với vị trí thứ 2 trong danh sách Fortune Under 40 chỉ hai năm trước, cũng như trở thành cố vấn cho Chính phủ Séc.

Tuy nhiên, vận may của Ye dường như đã sụp đổ vào tháng trước khi các công tố viên từ Hoa Kỳ cáo buộc tổ chức phi chính phủ của Ye đã hối lộ các nhà lãnh đạo ở châu Phi để ăn chia hàng triệu USD.

Lần đầu tiên được biết đến cách đây 3 năm, khi Ye đột nhiên bắt đầu mua các doanh nghiệp ở Cộng hòa Séc, chẳng hạn như một công ty cổ phần của ngân hàng đầu tư J&T Finance Group, một tòa nhà ở Prague, một nhà máy bia, câu lạc bộ bóng đá lâu đời nhất của đất nước này là Slavia Praha, một nhà xuất bản và nhiều thứ khác.

Vì xưa nay, Cộng hòa Séc được biết đến là một nước không chào đón người Trung Quốc, nên điều này hoàn toàn bất ngờ. Khi ông Milos Zeman trở thành Tổng thống Cộng hòa Séc năm 2013, ông đã mở thêm nhiều con đường thương mại giữa Prague và Berlin, và năm sau đó, một công ty của Séc bắt đầu cung cấp các khoản vay trên khắp Trung Quốc.

Ngay lập tức, Ye đã tận dụng cơ hội này và trở thành cố vấn kinh tế đặc biệt cho Tổng thống Zeman, mặc dù điều này được giữ bí mật cho đến nửa năm sau khi ông được bổ nhiệm chính thức. Một thành viên phe đối lập của Nghị viện, ông Miroslav Kalousek, đã gọi điều này là vụ bê bối và có nguy cơ mất an ninh quốc gia.

Chức vụ này của tỷ phú Ye, cũng như việc Ye mua lại các doanh nghiệp Séc, báo hiệu rằng hai quốc gia hiện là đồng minh và Séc giúp Trung Quốc có chỗ đứng ở châu Âu.

Kể từ khi nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, muốn đưa hàng hóa Trung Quốc đi khắp thế giới thông qua Sáng kiến “​​Vành đai, con đường”, điều này đã mang lại cho Trung Quốc một đối tác trong Liên minh châu Âu, nơi Trung Quốc có giao dịch thương mại lớn nhất.

Theo ông Stephen Platt, một nhà sử học và giáo sư lịch sử Hoa Kỳ cho rằng, Trung Quốc thường dùng các doanh nhân để thúc đẩy lợi ích của đất nước, điều đó giúp gỡ bỏ bớt rủi ro và gánh nặng tài chính cho chính phủ Trung Quốc.

“Nếu các công ty phá sản, đó sẽ là vấn đề của nước kia và trong thời gian đó, Chính phủ Trung Quốc có thể tận dụng điều đó để truyền bá quan điểm tích cực về Trung Quốc và gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc”, tờ The Independent trích lời ông Stephen.

Vài năm trước, CEFC China Energy đã thành lập tổ chức phi chính phủ có tên Ủy ban Quỹ Năng lượng Trung Quốc trong Liên Hợp Quốc, được công nhận chính thức vào năm 2011. Cùng năm đó, tổ chức phi chính phủ này đã trở thành cố vấn của Liên Hợp Quốc.

Theo ông Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án Điện lực Trung Quốc tại Washington, chuyên gia tư duy chiến lược cao cấp, tổ chức phi chính phủ này đã tổ chức các hội nghị về Sáng kiến “​​Vành đai, con đường”. Tuy nhiên, nhiều người tham dự hội nghị không biết gì về Ye và tin rằng Ủy ban Quỹ năng lượng Trung Quốc trực thuộc chính phủ Trung Quốc.

CEFC China Energy đã tăng 25% giá trị mỗi năm kể từ khi tổ chức phi chính phủ này được lập ra trong Liên Hợp Quốc và các nhân viên của tổ chức này đã gặp các VIP “cực khủng” trên toàn thế giới.

Cụ thể, Ye đã đưa các nhà lãnh đạo thế giới lên chiếc Airbus của riêng mình, những người như Alan Greenspan, cựu lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ. Recep Tayyip Erdogan, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ.

Từ đó, các thỏa thuận thương mại của CEFC, ngày càng trở nên lớn hơn, chẳng hạn như cổ phần 900 triệu USD trong một mỏ dầu lớn, một thỏa thuận trị giá 680 triệu USD với một công ty dầu khí nhà nước Kazakhstan, được coi là một phần của sáng kiến ​​“Vành đai, con đường”.

Năm ngoái, CEFC China Energy tuyên bố sẽ mua 14% cổ phần của công ty dầu mỏ khổng lồ Rosneft của Nga với giá 9 tỷ USD. Thỏa thuận và chi phí khổng lồ này thường chỉ được thực hiện bởi Chính phủ.

Nhưng rắc rối cũng bắt đầu nhanh chóng sau đó, khi Patrick Ho Chi-ping, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ này bị các đặc vụ FBI bắt giữ và bị buộc tội vi phạm Luật Thực hiện hành vi tham nhũng tại nước ngoài cũng như rửa tiền.

Cụ thể, ông Ho bị buộc tội hối lộ 3 triệu USD cho các quan chức của Chad và Uganda, những nước ở Trung và Đông Phi.

Việc bắt giữ Ho là khởi đầu của sự kết thúc. Đến ngày 1/3 năm nay, trang tin Trung Quốc Caixin đưa tin rằng, CEFC China Energy đã vay thêm tiền để trả các khoản vay trước đây, các khoản phí mà công ty đã phủ nhận.

Ye được cho là đã bị giam giữ vài ngày sau khi thông tin này được công bố, và đã không ai nhìn thấy ông kể từ đó.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã được CNN hỏi về mối liên hệ giữa chính phủ Trung Quốc và CEFC China Energy. Trong một phản hồi bằng văn bản, một phát ngôn viên cho biết: “Tôi không biết gì về vụ việc mà bạn đề cập. Những gì tôi có thể nói là, Trung Quốc là một quốc gia được cai trị bởi pháp luật và chính phủ Trung Quốc đã liên tục yêu cầu các doanh nghiệp Trung Quốc tuân thủ luật pháp và quy định của địa phương khi họ hoạt động ở nước ngoài”.

Đến nay, Ye vẫn giữ chức cố vấn cho tổng thống Cộng hòa Séc sau khi mất tích. Một nhóm người của Tổng thống Zeman đã được gửi đến Bắc Kinh vào tháng 3 để xác định nơi ở của Ye, và người phát ngôn của ông Zeman nói rằng nếu, Ye bị kết tội, Ye sẽ không còn là cố vấn cho Tổng thống Zeman.

Về phần Ye, nơi mà ông đang ở hiện nay vẫn chưa được công bố. Những gì ông sẽ phải đối mặt, và liệu ông có phải chịu tất cả tội danh hay không cũng không ai rõ.

Hồng Vân (Tổng hợp)

Theo Dân Trí

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ty-phu-trung-quoc-len-voi-xuong-cho-vi-sang-kien-vanh-dai-con-duong-a59331.html