Nhà sáng lập Giao Hàng Nhanh: Nếu cách đây 3 năm không đầu tư vào công nghệ thì bây giờ không còn cơ hội để cạnh tranh với Grab, Go Việt

Cách đây 3 năm, khi Lương Duy Hoài - CEO của SCommerce (trước đây là CEO của Giao Hàng Nhanh - GHN), đã cùng 2 “đồng đội” sang Singapore. Suốt 2 tuần liền, họ chỉ ngồi trên xe của tài xế để quan sát.


Cách đây 3 năm, khi Lương Duy Hoài - CEO của SCommerce (trước đây là CEO của Giao Hàng Nhanh - GHN), đã cùng 2 “đồng đội” sang Singapore. Suốt 2 tuần liền, họ chỉ ngồi trên xe của tài xế để quan sát.

Tốt nghiệp lớp kỹ sư chất lượng cao ĐH Bách khoa TP.HCM, Lương Duy Hoài (SN 1988) vào làm việc cho Thế giới di động. Với nền tảng công nghệ và tư duy sáng tạo, Lương Duy Hoài cùng 6 cộng sự sau đó không lâu đã quyết định lập startup trong lĩnh vực logistics.

Lặn lội sang Singapore 2 tuần chỉ để... "ngồi xe ôm" 

Tháng 6/2012, Công ty Cổ phần Dịch vụ Giao Hàng Nhanh (địa chỉ web là Giaohangnhanh.vn) ra đời bởi một nhóm sáng lập là cựu sinh viên Đại học Bách Khoa, TP. Hồ Chí Minh. Họ là 7 chàng trai có chung đam mê công nghệ thông tin, cùng nhận ra hệ thống bán lẻ và thương mại điện tử của Việt Nam đang gặp khó khăn. Với ước mơ áp dụng công nghệ cao, Lương Duy Hoài và 6 người bạn kỳ vọng có thể tạo ra sự thay đổi toàn diện trong ngành, và đưa GHN trở thành nhà cung ứng logistics hàng đầu tại Việt Nam.

Sau 1 năm hoạt động, Giao Hàng Nhanh (GHN) đã xây dựng mạng lưới 15 tỉnh thành với 825.000 đơn hàng, hơn 300 nhân viên. Năm tiếp theo, công ty tăng lên 2 triệu đơn hàng, 1.000 nhân viên. Đến đầu năm 2015, mạng lưới trải dài 700 quận huyện, đạt 3,5 triệu đơn hàng, 2.000 nhân viên.

Sự phát triển ấn tượng về quy mô số lượng trong 3 năm đầu đồng thời cũng gặp phải những thách thức và yêu cầu mới khác. CEO Giao Hàng Nhanh lúc này đã quyết định nhìn nhận và đánh giá lại nhu cầu của thị trường, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, cũng như đón đầu những xu hướng mới của ngành logistics khi TMĐT phát triển mạnh.

Quý 3/2015, khi nhận thấy sự tối ưu của mô hình giao hàng mà Grabvà Uber đang ứng dụng, Lương Duy Hoài cho rằng, mô hình này chắc chắn sẽ thay đổi cả ngành logistics.

“Lúc đó tôi nghĩ, bây giờ mình phải xây dựng mô hình tương tự hoặc mình sẽ thua ngay trên sân nhà trong vài năm nữa”, doanh nhân sinh năm 1988 kể lại.

“Tôi cùng cộng sự sang Singapore 2 tuần. Trong suốt 2 tuần đó, chỉ đặt xe chở hàng, đi chung với tài xế thôi chứ không chở đồ gì. Ngồi trên xe, chúng tôi quan sát xe vận hành ra sao, thu tiền thế nào, trả đồ như thế nào”, Hoài nói thêm.

Hai tuần sau đó, anh Hoài cùng cộng sự cho ra đời Ahamove - dịch vụ giao hàng tức thì bằng xe máy. Đến nay, Ahamove mỗi ngày xử lý 50.000 đơn hàng ở TP HCM và Hà Nội. Về mảng giao hàng tức thời theo nhu cầu, Ahamove và GrabExpress đang là 2 đơn vị lớn nhất, Duy Hoài cho biết.

“Cách đây 3 năm, chúng tôi đã xác định, mô hình giao hàng tức thời theo nhu cầu rất quan trọng. Sống chết vẫn phải làm. Vậy nên, giờ đây còn cơ hội để cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại”, Hoài nhìn nhận.

Nhà sáng lập Giao Hàng Nhanh: Nếu cách đây 3 năm không đầu tư vào công nghệ thì bây giờ không còn cơ hội để cạnh tranh với Grab, Go Việt - Ảnh 1.

 

Công nghệ là 'DNA của doanh nghiệp'

Sự ra đời của Ahamove sau đó vào năm 2015 đến từ bài toán muốn tận dụng tối đa công suất của các xe vận tải hàng. Cụ thể, bài toán đặt ra là 70% xe vận tải chiều về là đi xe không, làm sao tận dụng tối đa công suất của phương tiện vận tải, giảm thiểu tối đa chi phí chạy xe không và tận dụng khung thời gian trống (theo viện nghiên cứu và phát triển xe Việt Nam). Ahamove ra đời với kỳ vọng giải quyết bài toán này: một nền tảng hoạt động trên hệ thống smartphone, kết nối nhu cầu của người dùng tới tài xế.

Trong chia sẻ với chúng tôi hồi tháng 8/2015 - khi Ahamove mới ra mắt, Lương Duy Hoài từng xác nhận: Chúng tôi là công ty công nghệ. Chúng tôi thu phí cho mỗi đơn hàng từ tài xế. Đây là khoản phí tài xế trả cho hệ thống công nghệ chúng tôi cung cấp. Ahamove là một sản phẩm công nghệ và thu phí cho dịch vụ công nghệ của mình."

"Khởi nghiệp vài trăm triệu nhưng ngay từ đầu đã đầu tư vào công nghệ 50% - dù chưa dùng tới" - Lương Duy Hoài.

Ahamove sau đó được tích hợp vào GHN, kết hợp truyền thống với hiện đại và đã tạo ra những con số ấn tượng.

Năm 2017, GHN có doanh thu 50 triệu USD và năm nay, con số dự kiến tăng lên 100 triệu USD. Theo Hoài, GHN hiện đứng top 2 trong lĩnh vực giao hàng thương mại điện tử và giao hàng tức thời. Mỗi ngày GHN xử lý 250.000 đơn hàng, với 8.000 nhân viên và gần 15.000 tài xế tự do, cùng hơn 100 kỹ sư công nghệ và 5 đối tác phần mềm. Mức đầu tư cho công nghệ của GHN năm nay là 80 tỷ đồng.

Hoài thừa nhận, GHN ra đời trong bối cảnh TMĐT phát triển. Bên cạnh đó, các mô hình kiểu như Uber, Grab xuất hiện cũng là những điểm thuận lợi của startup này. Một điểm nữa, anh Hoài nhấn mạnh, đó là sự đầu tư nghiêm túc vào công nghệ cho logistics ngay từ đầu của đội ngũ GHN.

“Bây giờ chúng tôi đang ở đây và không biết sang năm ra sao nhưng chúng tôi luôn coi công nghệ là 'DNA của doanh nghiệp'. Phải đầu tư vào công nghệ. Nếu không sẽ không thể cạnh tranh được. Nếu con số là hàng trăm thì con người có thể làm được nhưng nếu hàng nghìn, thì để công nghệ và đối tác cùng tham gia”, nhà sáng lập GHN chia sẻ.

Tháng 1/2017, Lương Duy Hoài chuyển giao vị trí CEO Ahamove cho Nguyễn Xuân Trường. Đến tháng 6/2017, Hoài tiếp tục thông báo rời khỏi vị trí CEO công ty GHN sau 5 năm thành lập, chuyển cho Nguyễn Trần Thi cũng là đồng sáng lập GHN.

Hoài khẳng định, việc chuyển giao này là "để tập trung vào việc phát triển thêm các dịch vụ smart logistics tại công ty mẹ Scommerce.asia (Services for commerce - dịch vụ cho thương mại), với sứ mệnh tiếp tục theo đuổi mục tiêu xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng smart logistics cho thương mại tại Việt Nam và SEA."


Thế Trần

Theo Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nha-sang-lap-giao-hang-nhanh-neu-cach-day-3-nam-khong-dau-tu-vao-cong-nghe-thi-bay-gio-khong-con-co-hoi-de-canh-tranh-voi-grab-go-viet-a59358.html