Ứng viên thay thế bầu Đức ở VFF: 'Tôi kỳ vọng mang lại 10 triệu USD ngay năm đầu trúng cử'

Ứng viên thay thế bầu Đức ở vị trí Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính và vận động tài trợ Trần Văn Liêng kỳ vọng có thể mang lại 10 triệu USD cho bóng đá Việt Nam ngay năm đầu trúng cử.

Ứng viên thay thế bầu Đức ở vị trí Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính và vận động tài trợ Trần Văn Liêng kỳ vọng có thể mang lại 10 triệu USD cho bóng đá Việt Nam ngay năm đầu trúng cử.

Sáng 12/8, Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) khóa 8 (nhiệm kỳ 2018-2022) được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Trước khi bước vào Đại hội, VTC News có cuộc phỏng vấn ứng viên tranh cử chức Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính và vận động tài trợ Trần Văn Liêng (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ca cao Việt Nam)

- PV: Ông kỳ vọng gì trước thềm Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam?

Ông Trần Văn Liêng: Tôi kỳ vọng một cách tiếp cận mới trong khuynh hướng 4.0 rõ ràng. Chúng ta không thể nào làm theo cách cũ 20-30 năm trước đây. Vì thế, trong đề án tranh cử chức Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ của tôi, tôi muốn hàng triệu triệu người cùng tham gia vào bóng đá Việt Nam.

Tất nhiên, tôi không bỏ qua giới tinh hoa, giới doanh nghiệp, bởi họ rất tốt nhưng tôi vẫn kỳ vọng một cậu học sinh có thể nhịn 1 bữa ăn sáng, nhắn 1 cái tin để gửi 5.000 đồng vào cú đá rất đẹp của Quang Hải. Cái app nào cho phép làm như vậy, chúng ta có dũng cảm làm hay không? Nếu VFF dũng cảm thì 10 năm, 15 năm nữa, tôi tin bóng đá Việt Nam sẽ có một con đường rất sáng. Đó là kỳ vọng của tôi.

Ông Trần Văn Liêng ứng cử Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính, tài trợ. (Ảnh: Duy Thành)

- Ông đánh giá thế nào về ứng viên duy nhất cho chức danh Chủ tịch VFF lần này - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải?

Thực lòng tôi không biết nhiều về anh Hải. Qua báo chí tôi biết anh Hải là Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Đây là sự quan tâm rất rõ ràng của Chính phủ để hỗ trợ bóng đá phát triển.

Cá nhân tôi cho rằng, lãnh đạo có tầm rộng là đủ. Còn giới chuyên môn sẽ là những người hỗ trợ về kỹ thuật. Bao giờ một công thức thành công cũng là có một lãnh đạo và những người có giải pháp kỹ trị, thực sự có giải pháp.

Riêng về anh Hải, tôi nghĩ đây là một người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thể thao, một lãnh đạo tốt. Mặc dù thật lòng mà nói, bầu cử phải có vài ứng viên để tranh cử. Ban đầu không phải không có nhưng sau đó rút lui dần. Nói chung, giới bóng đá và người hâm mộ sẽ chào đón anh Hải thôi.

- Anh nói nhiều về giải pháp. Vậy với câu chuyện vé hiện tại, nếu được làm, anh sẽ tính sao?

Vé là câu chuyện cổ điển, dễ làm. Trước đây mỗi lần muốn về quê ăn Tết rất vất vả trong việc mua vé tàu, vé máy bay. Nhưng bây giờ không còn vấn đề này nữa.

Trong thời gian qua, phải nói Liên đoàn bóng đá Việt Nam không có thời gian chuẩn bị. Họ cũng không lường hết việc đội tuyển đá hay như vậy. Khi đội tuyển đá hay thì nhu cầu đột biến khiến VFF không xử lý kịp. Đây là một dạng xử lý khủng hoảng.

Trở lại với giải pháp. Đầu tiên tôi nói về nạn phe vé. Phe vé mới làm mọi thứ ồn ào thế.

Tôi hỏi bạn thế này. Khi bạn mua vé máy bay, ghi tên bạn rồi có chuyển vé cho ai được không? Tất nhiên là không! Hàng không không chịu. Nếu hủy thì trả tiền lại chứ không được chuyển nhượng. Nếu vé đi xem bóng đá cũng thế, có tên bạn rồi muốn chuyện nhượng cho ai cũng không được thì làm gì có phe vé, chợ đen, chợ đỏ. Hàng không trên thế giới là triệu triệu người, có ai phe vé máy bay không?

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (giữa) không ứng cử tiếp nhiệm kỳ tới. (Ảnh: Duy Thành)

Về phân phối vé, nếu Liên đoàn bóng đá Việt Nam không có đủ nhân lực thì cách làm nhanh nhất, dễ nhất là đấu thầu. Tất nhiên VFF lấy một giá hợp lý để chuyển nhượng phần tổ chức bán vé cho một bên thứ 3. Giống như bạn làm khách sạn, Agoda bán cho bạn, bạn khỏi cần đi marketing cái khách sạn của bạn ở một khu phố nào đó.

Tóm lại, có nhiều giải pháp lắm, nhưng giải pháp đầu tiên phải tính tới là định danh trên vé để không còn chuyện phe vé nữa. Hãy nghĩ tới giải pháp, không nên nói quá nhiều về nó nữa.

Về số lượng vé, VFF cũng không thể quota hóa được vì chúng ta không biết đâu là con số hợp lý. Vừa rồi tôi có đọc bài báo, thấy công an bắt 1 người phe vé có liên quan tới VFF. Đó là một nỗi nhục. Bao nhiêu người hâm mộ tha thiết muốn coi đá banh, muốn vào xem, tự nhiên có 100 vé bán ở ngoài dính líu tới cán bộ mình. VFF phải làm rõ. Đây là chuyện nhỏ nhưng làm bùng chuyện lớn.

- Ông có biết nhiều về các đối thủ của mình?

Tôi luôn ủng hộ cái mới thắng ở Đại hội này vì tôi luôn ủng hộ cái mới. Không phải làm cuộc đại cách mạng nhưng chúng ta phải thừa kế và tiến hóa. Những ứng viên nào có tư tưởng mới, tôi rất ủng hộ.

Tôi sẽ huy động giới doanh nhân ủng hộ để viết một cái app cho chạy thử nghiệm trong 3 tháng. Ứng dụng đó đúng như đề án tranh cử của tôi là dành cho công chúng.

Ông Trần Văn Liêng

Trong 4 người ứng cử chức danh Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính và vận động tài trợ, hai anh kia (ông Cấn Văn Nghĩa – nguyên Giám đốc khu Liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình và ông Lê Văn Thành – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc (TGĐ) Công ty CP Động Lực) không có đề án nên tôi không biết ý các anh ấy thế nào. Còn tôi và anh Nguyễn Hoài Nam (Tổng giám đốc tập đoàn Berjaya Việt Nam) quen biết nhau từ hồi hàn xỉ, cafe vỉa hè và anh em chia sẻ được nhiều cái mới cho bóng đá Việt Nam.

Tôi chủ trương làm app 4.0 để hàng triệu triệu người tham gia và ủng hộ chính sách lập quỹ bóng đá. Tôi mong muốn vận động quỹ bóng đá và quỹ này được quản lý bởi luật quản lý quỹ. Cái này chưa ai tính tới. Chính phủ mình có luật mới về quỹ. Tiền không bao giờ để trong tay của người chủ quỹ mà trong tay ngân hàng giám sát. Ngân hàng giám sát có điều lệ quỹ và được chi theo điều lệ. Đó là quy định của Chính phủ và quỹ bóng đá cũng nằm trong đó.

Đường lối từ Chính phủ rất rõ. Những đề án đi cùng khuynh hướng như vậy thì tôi cho rằng, Đại hội nên sáng suốt ủng hộ.

- Nếu trúng cử, việc đầu tiên ông làm là gì?

Tôi sẽ huy động giới doanh nhân ủng hộ để viết một cái app cho chạy thử nghiệm trong 3 tháng. Ứng dụng đó đúng như đề án tranh cử của tôi là dành cho công chúng.

Thứ 2 là lập quỹ bóng đá cho giới doanh nhân, mạnh thường quân.

Tài sản của bóng đá là tình yêu. Tình yêu có lúc lên lúc xuống. Có lúc phẳng lặng không có gì cả, lúc lại rất hot. Những app ứng dụng sẽ đáp ứng kịp thời trong những bối cảnh như vậy.

- Ông kỳ vọng vào con số cụ thể nào?

Tôi kỳ vọng 1 người 1 USD, 10 triệu người 10 triệu USD. Trong nhiệm kỳ có 4 năm, tôi tính năm đầu quỹ này phụ thuộc nhiều vào thành tích của đội tuyển. Những năm tới tôi có thể không đoán được thế nào nhưng năm 2019, tạo quỹ 10 triệu USD chắc chắn được.

Nhưng tôi cũng lưu ý, tôi không chống lại những gì đang làm. Tôi làm trên tinh thần kế thừa và phát triển, nghĩa là những gì các anh khóa trước làm tốt mình phải tiếp tục làm tốt hơn nữa và thổi bùng lên cách làm mới.

- Xin cảm ơn ông!

Hà Thành

Theo VTC

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ung-vien-thay-the-bau-duc-o-vff-toi-ky-vong-mang-lai-10-trieu-usd-ngay-nam-dau-trung-cu-a59391.html