Ông Trần Văn Liêng cho rằng với cách định danh người mua trên vé, tình trạng vé chợ 'đen' bóng đá gây bức xúc cho người hâm mộ sẽ không còn.
Sáng nay (8-12), trước giờ bỏ phiếu bầu các chức danh chủ chốt của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nhiệm kỳ 2018-2022, ứng viên Phó Chủ tịch tài chính và vận động tài trợ Trần Văn Liêng (Chủ tịch Vinacacao) đã chia sẻ về vấn đề giải quyết định tình trạng vé chợ "đen" AFF Cup 2018 khiến nhiều người hâm mộ bức xúc.
Theo ông Liêng, vé là chuyện “cổ điển", “rất dễ làm”: "Trước đây mỗi lần về quê ăn tết, mọi người thường rất vất vả, khổ sở để mua được vé tàu, vé máy bay và phải tìm ra chợ "đen" để mua. Nhưng bây giờ đã không còn. Tôi hỏi bạn, khi mua vé máy bay, ghi tên bạn rồi, bạn có chuyển nhượng hay bán lại được cho ai không? Không, vì các hãng hàng không đâu chịu, họ chỉ chấp nhận trả lại chứ không cho chuyển nhượng".
Từ dẫn chứng và phân tích trên, ứng viên Trần Văn Liêng nêu giải pháp định danh người mua trên vé.
"Như thế khi đi xem bóng đá, vé có tên bạn rồi thì gần như sẽ không chuyển nhượng được, khi đó không có chuyện vé chợ “đen” nữa. Còn nếu VFF không đủ nhân lực, vật lực để làm chuyện đó thì có thể đấu thầu chuyển nhượng số vé cho bên thứ ba để họ bán cho người hâm mộ. Cũng như bạn đi du lịch, bên trung gian là các trang web du lịch bán vé phòng khách sạn, nhà nghỉ cho bạn với giá hợp lý, thậm chí còn rẻ hơn mức giá nếu bạn trực tiếp giao dịch với khách sạn, nhà nghỉ đó", ông Liêng nói.
Các vé bóng đá do VFF phát hành thời gian qua chỉ có thông tin mệnh giá, vị trí ghế ngồi... nhưng không có tên người mua.
Tại đại hội VFF, ông Trần Văn Liêng là một trong 4 ứng viên Phó Chủ tịch tài chính và vận động tài trợ nhiệm kỳ 2018-2022. Trước thềm đại hội, hai trong số 4 người gồm ông Trần Liêng và ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng Giám đốc Tập đoàn Berjaya Việt Nam, đã trình bày đề án tranh cử trước công luận.
Là ứng viên đầu tiên công khai đề án tranh cử (tháng 4-2018), ông Trần Văn Liêng nêu giải pháp kiếm tiền về cho VFF là thành lập VFEco (một app ứng dụng di động). Đây là một cộng đồng được hỗ trợ và phát triển trên nền tảng công nghệ truyền thông 4.0 (YouTube, Facebook, Internet of things...), cho phép người hâm mộ, giới truyền thông dễ dàng tiếp cận các sản phẩm bóng đá qua thông tin tương tác là hình ảnh, các hoạt động bóng đá trong và ngoài sân cỏ, các game show bóng đá... Đây sẽ là cầu nối tạo tương tác giữa người hâm mộ, doanh nghiệp, cầu thủ nhằm tạo ra nguồn tài chính cho VFF.
Đối tượng hướng tới trong VFEco là những người yêu bóng đá Việt Nam. Với một chiếc điện thoại thông minh, người hâm mộ chỉ cần bỏ ra một khoản tiền nhỏ để tải app này là đã có thể đóng góp cho bóng đá Việt Nam.
"Mục tiêu của app là đạt 10 triệu người tham gia, mỗi người đóng góp 10 USD khi tải app và tổng số tiền thu về cho VFF và cho bóng đá Việt Nam là rất lớn", ông Liêng nói.
Đại hội VFF nhiệm kỳ VIII diễn ra từ 8h30 và dự kiến kết thúc 16h hôm nay (8-12), tuy nhiên công tác bỏ phiếu, kiểm phiếu mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Vì vậy cho tới 15h10, mới tiến hành bầu xong tân Chủ tịch. Các chức danh Phó Chủ tịch chuyên môn, Phó Chủ tịch tài chính và vận động tài trợ, Phó Chủ tịch truyền thông cùng 13 Ủy viên Ban chấp hành khóa mới sẽ được đại hội tiến hành bầu và công bố trước 18h hôm nay.
Theo An ninh Thủ đô
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ung-vien-pho-chu-tich-vff-neu-giai-phap-xoa-ve-bong-da-cho-den-a59394.html