“Làm ở Samsung, tôi chẳng có cơ hội nào khác!”

Erick Hyukjoong Kwon là một quản lý của Samsung Electronics từng làm việc tại Việt Nam. Kể từ khi ra trường đến nay (hơn 20 năm), anh chỉ làm duy nhất một công ty bởi: “Tôi chẳng có cơ hội nào khác!”.


Erick Hyukjoong Kwon là một quản lý của Samsung Electronics từng làm việc tại Việt Nam. Kể từ khi ra trường đến nay (hơn 20 năm), anh chỉ làm duy nhất một công ty bởi: “Tôi chẳng có cơ hội nào khác!”.

Tại Samsung Hàn Quốc, những người "không có cơ hội nào khác" như Erick rất nhiều. Không có cơ hội nào khác là bởi họ không tìm thấy một công ty tốt hơn, một niềm tự hào lớn hơn chứ không phải một mức thu nhập tốt hơn.

Nguyễn Yến Phương, một nhân viên Samsung tại Việt Nam cho biết: "Tại Hàn Quốc, ngoài việc có một mức thu nhập và chế độ đãi ngộ tốt, danh tiếng của tập đoàn số 1 tại đây là yếu tố rất quan trọng. Nhiều nhân sự gắn bó với Samsung vì họ có nhiều cơ hội phát triển và niềm tự hào cùng thương hiệu này, còn về thu nhập, có công ty khác có thể đem lại mức tốt hơn".

Trên thực tế mối lương duyên "không có cơ hội nào khác" của Erick với Samsung không chỉ từ những lợi ích vật chất. Khi vào Samsung làm việc vài năm, Erick được nhận học bổng tại Mỹ và chàng thanh niên này lúc đó đã có gia đình và con nhỏ.

Thế nhưng, thay vì phải nghỉ việc nếu muốn theo đuổi sự nghiệp học hành như nhiều công ty khác, Erick được phép mang cả gia đình sang Mỹ với sự đồng ý của Samsung. "Chỉ ở đây tôi mới được làm như vậy. Lúc ấy, con tôi 1 tuổi còn giờ nó đã 18. Ở Hàn Quốc, theo bạn thì tôi phải chọn công ty nào nữa?", Erik cười và chia sẻ khi được hỏi về lý do cứ làm mãi ở Samsung.

Còn Erin Lee làm việc tại Samsung hơn 15 năm. Cô gái này cũng trải qua nhiều công ty khác nhau nhưng trong cùng tập đoàn và cho biết: "Tôi được học hỏi rất nhiều thứ và chuyển sang các vị trí khác nhau với một văn hóa mà mình yêu thích nên cũng chưa nghĩ đến việc sang công ty nào khác. Ở Samsung cũng có rất nhiều ‘công ty khác’ mà". Erin hiện làm việc ở Samsung Electronics.

Điểm thú vị khác ở tập đoàn số 1 Hàn Quốc là những chương trình trách nhiệm xã hội, mà trong đó C-lab là mô hình khá đặc biệt. Tại đây, Samsung khuyến khích nhân viên của mình tạo ra những sản phẩm độc đáo không cần liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty (được tài trợ). Nếu có triển vọng, thậm chí họ còn cấp vốn cả triệu USD cho nhân viên của mình khởi nghiệp và tách khỏi Samsung. Trường hợp thất bại, họ có thể quay lại Samsung để làm việc tiếp.

 “Làm ở Samsung, tôi chẳng có cơ hội nào khác!” - Ảnh 1.

Tại Hàn Quốc, nhiều người khát khao được làm việc tại công ty này không chỉ bởi thương hiệu và thu nhập. Đó là bởi tại đây, họ được trao quyền để "làm hoặc tham gia vào những điều lớn lao".

Nguyễn Yến Phương – người mới làm việc tại Samsung được 4 năm và ở nhóm sản phẩm flagship chia sẻ: "Cảm giác được trở thành một phần dù nhỏ của những dự án khổng lồ, sản phẩm đình đám thế giới rất thích. Ở đó, mình không chỉ thấy tự hào mà còn học được nhiều thứ. Không có nhiều công ty như vậy để làm việc".

Tại Việt Nam, Samsung là nhà đầu tư nước ngoài số 1. Mỗi biến động với hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty này cũng tạo ra tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Chỉ riêng những nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên cũng đã tuyển dụng tới 110.000 công nhân; còn toàn bộ Samsung Việt Nam lên tới 160.000 người.

Và ngay cả với những công nhân Samsung ở Việt Nam, tỷ lệ gắn bó với công ty cũng ở mức cao hơn. Tỷ lệ chuyển việc hàng năm ở nhà máy của Samsung chỉ bằng 66% so với các công ty khác ở khu công nghiệp.

Nguyễn Thị Hải, một nhân viên làm việc tại nhà máy Samsung Bắc Ninh 6 năm chia sẻ mình chưa từng có ý định nghỉ việc tại đây. Trong thời gian làm việc, Hải được tạo điều kiện để học thêm bằng đại học và chuyển từ công nhân trong dây chuyền lên công việc tại khối văn phòng của công ty.

Tại Việt Nam, ngoài những đóng góp về kinh tế cho sự phát triển, Samsung thực hiện rất nhiều hoạt động cộng đồng cho mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục với các lớp học thông minh, thư viện thông minh… Và nói như Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: "Samsung muốn mình được coi là một doanh nghiệp Việt Nam chứ không phải là công ty nước ngoài".

Erick Hyukjoong Kwon – một quản lý của Samsung từng làm việc tại Việt Nam chia sẻ: "Tôi rất mong tới ngày Samsung tuyên bố tầm nhìn 100 năm tại đất nước các bạn. 100 năm đấy nhé, 100 năm thì không thể nào là một công ty nước ngoài được phải không? Chúng tôi muốn trường tồn ở Việt Nam và đóng góp nhiều hơn cho đất nước và người dân Việt Nam. Và tôi cũng muốn quay trở lại Việt Nam".


Theo Hoàng Ly

Trí thức trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/lam-o-samsung-toi-chang-co-co-hoi-nao-khac-a59983.html