Con đường nông sản, từ bờ Hậu Giang tới thị trường châu Âu

Vườn chanh không hạt là mảnh ghép then chốt trong mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, chung sống hài hòa với biến đổi khí hậu của HTX nông nghiệp Hiệp Phú, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.

Chiếc vỏ lãi lạch tạch lướt qua những liếp chanh không hạt xanh rượi. Hơn 20ha canh tác theo phương thức gối đầu, phân bổ sản lượng quanh năm cung cấp cho Hà Lan thông qua một đối tác thương mại. Vượt qua rào cản kỹ thuật tiêu chuẩn của thành viên trong khối EU là sự bảo chứng về chất lượng. “Chúng tôi là nhà cung cấp VIP”, ông Bùi Hoàng Bào (Sáu Bào) - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Hiệp Phú - nhắc đến Công ty The Fruit Republic, doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu với hợp tác xã. Đôi bên ngồi chung một xuồng. Hợp tác xã được đối tác hỗ trợ nhiều mặt, từ kỹ thuật cho đến vật tư nông nghiệp. Riêng phân bón bổ sung doanh nghiệp được cung cấp tương đương 60% giá thị trường. Cơ chế khuyến khích âu cũng là một hình thức giúp doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ rủi ro đầu vào. Hợp tác xã có đầu ra ổn định, có động lực để sản xuất theo quy trình tiên tiến, an toàn.

Dinh dưỡng chủ yếu của chanh không hạt là phân hữu cơ. Hợp tác xã tự túc một phần nhờ tận dụng cỏ, lục bình sinh sôi trong kênh. Trọng lượng sau khi phơi khô chừng 150 tấn, ủ cùng phân heo, nền chuồng vịt thu mua từ những trang trại chăn nuôi tập trung. Nền chuồng vịt là môi trường sống của vi khuẩn gây bệnh nấm hồng, khắc tinh của chanh không hạt. Thuốc đặc trị không được phép sử dụng do nước nhập khẩu lo ngại dư lượng chất cấm. “Phải can thiệp từ gốc”, ông Nguyễn Hùng Hưng (Năm Hưng), Phó Giám đốc HTX, lưu ý phương án sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình ủ, loại bỏ khuẩn nấm hồng. Chi phí xử lý rủi ro tại nguồn bao giờ cũng thấp nhất, hiệu quả cao nhất.

Trang trại 130 ha của HTX Hiệp Phú nằm kế Lung Ngọc Hoàng, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước quy mô 2.800ha thuộc tỉnh Hậu Giang. Quy mô đủ lớn để hợp tác xã thiết lập hệ thống cống hai lớp, xử lý phèn hoàn toàn sinh thái. Bình thường cống mở, nhận nước từ sông Cái chảy vào mạng lưới kênh đào rồi theo cống xả, đổ xuống hạ lưu. Phèn theo con nước rửa trôi. Tôm cá sống khỏe. Mùa nước đổ, cống kiểm soát lưu lượng, ngăn nước không tràn lên liếp. Tháng hạn, cống đóng, vừa giữ nước trong kênh phục vụ tưới tiêu, vừa ngăn mặn xâm nhập. Biển tiến đe dọa nguồn lợi thủy sản nước ngọt. “Kênh nhóc*cá, tôm càng xanh”, ông Năm Hưng nói. Nhưng hỏi sản lượng bao nhiêu thì lão nông này chịu thua. Tôm cá “nhi đồng” ngoài sông lớn bơi qua mắt lưới đặt tại miệng cống nhận nước, vào kênh. Khu vực cống xả trang bị mắt lưới nhỏ hơn, giữ lại lộc trời.

Nuôi cá là “nghề của chàng”. Ông Năm Hưng từng phát triển hệ thống ao nuôi cả chục hécta chuyên trị rô đồng. Thức ăn cho cá dồi dào, chủ yếu là phế phẩm thu mua từ những nhà máy chế biến thủy sản, kết hợp với nguyên liệu do đích thân Năm Hưng phối trộn theo công thức riêng. Cá có ăn, người cũng có ăn. Nuôi cá rô đồng hết ngon khi thức ăn công nghiệp bành trướng. Phế phẩm chế biến thủy sản trở thành đầu vào của những nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ông Năm Hưng mất mối mua nguyên liệu. “Người ta không ưa cá nuôi thức ăn công nghiệp”, lão nông nhắc lại quyết định treo ao.

Năm Hưng chưa sẵn sàng vui thú điền viên. Ông ngủ không thẳng giấc trong ngôi nhà của gia đình ngoài chợ Cần Thơ. “Không mần nông là tôi bịnh rề rề”, lão nông U70 mừng hết lớn khi lâm trường Mùa Xuân ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đồng ý cho thuê đất 30 năm, liền kề “rún cá” Lung Ngọc Hoàng. Nuôi cá, trồng tràm là cuộc chơi cuối đời. Hơn 60 tỉ đồng đã được ông Sáu Bào, Năm Hưng cùng các thành viên HTX đổ vào trang trại. Sổ đỏ, sổ hồng của nhiều thành viên hợp tác xã theo nhau vào nằm tại ngân hàng.

Trời cho tôm, cá nhưng chưa tát. Tràm thương phẩm 5 năm mới đủ tuổi. Chanh không hạt là giải pháp. Ghi nhận tại một số vườn chanh không hạt ở khu vực Bến Lức, Long An cho thấy chủ vườn phải dành một phần đất canh tác đào mương trữ nước, xen cài giữa các liếp chanh, giảm diện tích canh tác. Vườn chanh của Hiệp Phú thì khác. Mạng lưới kênh đào thủy lợi quy mô cho phép bố trí một cái mương nhỏ trên mỗi lô, nhận nước từ kênh phục vụ hệ thống tưới tự động. Phần diện tích canh tác rộng hơn trên cùng một công đất nâng cao năng suất, cải thiện lợi thế cạnh tranh. “Công (đất) người ta bằng khoảng 70% công mình”, ông Năm Hưng ước lượng. Dòng tiền ổn định từ vườn chanh trong ngắn hạn cân đối phần nào chi phí tiền lương cho hơn trăm công nhân thời vụ là người dân địa phương. “Năm nay vườn chanh thu 300 tấn. Doanh thu khoảng 10 tỉ đồng”, ông Năm Hưng dự tính năm tới sản lượng khoảng 400 tấn và 500 tấn vào 2020. Hàng dạt dao động trong khoảng 10%-15%, thương lái hốt hết.

Rừng tràm trồng gối đầu chuẩn bị thu hoạch đợt một. Triệu cây tràm hao hụt khoảng 20%. Giá thị trường 45.000 đồng/cây, hợp tác xã bán xô 25.000 đồng/cây. Tính rợ mỗi năm Hiệp Phú có đều 20 tỉ đồng doanh thu từ tràm, chưa kể mật ong. Cũng như cá tôm dưới kênh, mật ong tràm là lộc trời.

Nhìn qua năm mới, ông Năm Hưng thoáng ưu tư khi đề cập kế hoạch giao đất lâm trường bị dời lại. Hiệp Phú dư sức nhận thêm năm, bảy chục hécta, mở rộng sản xuất. Danh mục cây ăn trái đã được gởi đến từ một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, kèm theo lời đề nghị hợp tác bao tiêu đầu ra.

Thêm một cửa thị trường đã trổ, chờ Hiệp Phú.

 

 Vào ngày 12.12.2018, UBND tỉnh Hậu Giang cùng với Liên mình HTX Việt Nam, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ và Tạp chí Nhà Quản Lý tổ chức “Diễn đàn Kinh tế Xanh 2018 – Hậu Giang xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp định hướng thị trường trên nền tảng logistics”.

Hậu Giang nằm ở vùng châu thổ sông Mê Kông, đất đai trù phú, có nhiều sản vật nổi tiếng như lúa gạo, khóm Cầu Đúc, xoài, cá thát lát cườm... Tuy nhiên, đến nay Hậu Giang vẫn thiếu rất nhiều thứ để có thể tối ưu hóa giá trị nông sản và sản xuất những sản phẩm phù hợp với thị trường. Bài toán xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp hoàn chỉnh, từ khâu tổ chức canh tác an toàn, hiện đại tới việc mời gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sâu để tạo giá trị gia tăng cho nông sản, và nâng cấp hệ thống logistics, từ đường sá, kênh rạch, bến bãi, nhà kho cho tới các nền tảng công nghệ… đang rất cần sự chung tay của chính quyền, người dân, giới khoa học và đặc biệt là các nhà đầu tư. Diễn đàn được tổ chức trước thềm kỷ niệm 15 năm thành lập tỉnh là dịp để Hậu Giang thể hiện sự sẵn sàng và sự chào đón nồng hậu của mình tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước. “Các nhà đầu tư khi đến Hậu Giang được tạo điều kiện tốt nhất, từ chính sách miễn giảm thuế, tiền thuê đất tới việc hỗ trợ làm thủ tục. Với những ưu đãi và hỗ trợ ấy, chắc chắn suất đầu tư sẽ rất thấp”, ông Nguyễn Văn Quân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, chia sẻ. Ông Quân đưa ra một ví dụ cụ thể, đó là chỉ cần từ 15 đến 20 ngày là doanh nghiệp có thể được cấp phép đầu tư.

 

Tường Khuê/Nhà Quản Lý

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/con-duong-nong-san-tu-bo-hau-giang-toi-thi-truong-chau-au-a60178.html