Đây mới chính là thứ đáng sợ đang "giết chết" giới văn phòng từng giây từng phút

Có lẽ giới làm công ăn lương đã quá khen với khái niệm "kiệt sức" (burnout) khi bản thân quá mệt mỏi với khối lượng công việc khổng lồ và không còn sức lực để tiếp tục. Thế nhưng, đó chưa phải là nỗi đau khổ tột cùng, khái niệm "brownout" còn kinh khủng hơn thế nhiều nhiều.

Trong công nghiệp, brownout là thuật ngữ được sử dụng khi lượng điện năng tụt giảm khiến các thiết bị ví dụ như bóng đèn chẳng hạn không còn sáng như mức sáng chúng được thiết kế. Trong thế giới thực, các nhân viên gặp phải brownout sẽ mất đi năng lượng làm việc, chán nản với công việc và tất nhiên họ chẳng còn thiết làm việc nữa. Bạn có biết hiện tượng này thường xuất hiện ở đâu không ? Trong môi trường nhà nước.

Ngoài ra, brownout thường gặp phải ở những nhân viên xuất sắc, những người làm việc rất tốt và nó đang là rào cản lớn với nhiều tập thể khiến họ chỉ giậm chân tại chỗ.

Tại sao brownout lại "giết chết" nhân viên

Nhiều người liên tưởng brownout với việc cạn kiệt thể lực. Thế nhưng, nếu nhận thấy rằng mình hoàn toàn khỏe mạnh, vẫn có năng lượng để làm việc nhưng không còn ý chí làm việc, bạn đã mắc phải hội chứng brownout. Theo thống kê tại Mỹ cho thấy cứ 1.000 người quản lý thì chỉ có 5% bị kiệt sức (burnout) trong khi đó có tới 40% mắc phải brownout, điều này khiến công ty thụt lùi và nhân viên không còn ý chí phấn đấu.

Khác với burnout vì có thể "chữa trị" bằng cách bổ sung năng lượng, tẩm bổ cơ thể, nghỉ ngơi vài ngày. Brownout mang tính dài hơi và có hiệu ứng lâu hơn nhiều, nó ảnh hưởng tới quá trình làm việc lâu dài của người mắc phải. Thứ khó khăn hơn nữa là những người quản lý rất khó phát hiện ra những nhân viên đang brownout do dấu hiệu không rõ ràng và hiệu quả công việc tụt giảm quá thấp để có thể xác định sớm.

Vậy, nếu đang mắc phải brownout hoặc muốn ngăn chặn brownout trong tổ chức, người quản lý cần phải làm gì ?

Thử thách khả năng của bản thân

Trong số các nhân viên xuất sắc, có tới 70% người cảm thấy nhàm chán với công việc. Không phải vì họ không làm được việc mà do thử thách quá ít, họ muốn chuyển tới những vị trí mới thách thức hơn, khó khăn hơn để thử thách bản thân. Hoặc, môi trường họ đang làm việc không cho họ có cơ hội để thể hiện hết năng lực của bản thân.

Tất nhiên, đưa cho nhân viên gấp đôi công việc họ cần làm chẳng giải quyết được vấn đề gì, thứ mà bạn giao cho họ là sự phiền toái, kiệt sức. Với những nhân sự xuất sắc, đừng yêu cầu họ làm nhiều, hãy hỏi ý kiến họ về những vấn đề phức tạp hơn, to lớn hơn và thậm chí là cả những vấn đề bạn đang gặp phải. Đừng nghĩ chỉ là nhân viên không lo được việc lãnh đạo, thử thách sẽ khiến họ tỏa sáng và giúp tập thể rất nhiều.

Hãy giao cho họ những trách nhiệm mới, thứ có thể phát triển và phát hiện tiềm năng thật sự của họ. Sau cùng, nếu những gì bạn giao cho họ quá dễ, họ sẽ sớm chán nản và từ bỏ tập thể mà thôi.

Phát triển tài năng của từng cá nhân

Những người làm việc tốt luôn có xu hướng phát triển, tìm thêm cơ hội để cải thiện bản thân. Nhiều người cho rằng nếu họ làm một công việc, họ chỉ cần biết những kiến thức liên quan tới công việc đó. Thế nhưng, sự tăng trưởng này tới từ nhiều nguồn khác nhau và đa phần nó chẳng có gì liên quan tới công việc.

Có thể một ngày đẹp trời, nhân viên của bạn đột nhiên muốn đi học thiết kế cho dù công ty bạn đang làm là về ngành y tế chẳng hạn. Đừng ngăn cấm, hãy cho họ cơ hội cải thiện bản thân. Biết đâu, trong định hướng phát triển của tập thể, họ có thể được tận dụng để làm những công việc phức tạp hơn?

Cho họ cơ hội vừa có ý là bạn ủng hộ họ và nó cũng khiến họ cảm thấy tập thể của bạn tốt, từ đó sẵn sàng đầu tư nhiều hơn để phát triển chung.

Cây gậy và củ cà rốt

Có rất nhiều người chẳng cần thưởng hay những hứa hẹn thăng chức để làm việc tốt hơn, họ làm tốt mọi thứ đơn giản chỉ vì họ muốn thế. Mặc dù vậy, không phải ai cũng như trên, họ cần có phần thưởng, cần có những đặc quyền để thấy sự nỗ lực của bản thân đối với tổ chức được đền đáp xứng đáng.

Tuy nhiên, bạn không có đủ tài lực để thưởng nhân viên mới? Đừng quá lo lắng, đôi khi chỉ cần một email khen ngợi, một cử chỉ quan tâm cũng đủ để những nhân viên xuất sắc thấy có động lực hơn. Đôi khi, xuất hiện trước mặt nhân viên xuất sắc với một tấm bằng khen có chữ viết tay của lãnh đạo, cũng là đủ để nhân viên xuất sắc nỗ lực hơn nữa với những công việc tương lai của tổ chức.

Đối với những người gặp phải brownout thì phải làm gì ?

Trước hết hãy tự hỏi bản thân, công việc quá dễ hay bản thân quá kém cỏi? Tất nhiên, đa phần sẽ là công việc quá dễ, đừng ngại ngần hỏi lãnh đạo về những thử thách to lớn hơn, trách nhiệm nặng nề hơn. Nếu họ không thể cung cấp những gì bạn cần, đừng ngại tìm công việc mới. Còn nếu bạn đang vào biên chế, hãy cân nhắc kỹ về vấn đề này.

Luôn ghi nhớ rằng, một nơi làm việc tốt sẽ là một nơi luôn có thử thách mới, luôn có những phần thưởng xứng đáng và là nơi luôn chắp cánh cho những ý tưởng của bạn bay xa hơn. Xử lý brownout không phức tạp, đáp ứng đủ 3 yêu cầu "thử thách - phát triển - vinh danh", brownout sẽ dần dần biến mất. Thứ phức tạp ở đây là xác định xem liệu bản thân có đang bị brownout hay trong tập thể đang có ai như vậy hay không. Bạn có đang gặp phải vấn đề này?

Ý Nhi/Theo Fastcompany

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/day-moi-chinh-la-thu-dang-so-dang-giet-chet-gioi-van-phong-tung-giay-tung-phut-a61157.html