Một doanh nghiệp đạt đến tầm cỡ nhất định, mong muốn của lãnh đạo không còn đơn giản là tăng trưởng về lợi nhuận hay doanh thu, mở rộng thị phần. Thay vào đó, họ hướng đến những điều lớn lao hơn, khi lợi ích cá nhân không còn là vấn đề quá quan trọng, nhiều doanh nhân hướng đến khát khao của số đông và thậm chí là ước mơ của cả dân tộc.
Nói về ước mơ, không phải có thể dễ dàng thực hiện ngày một ngày hai, dù là tỷ phú USD. Để có thể theo đuổi ước mơ nhiều khi phải đánh đổi, phải nỗ lực hay thậm chí là bất chấp đi ngược dòng...
Dưới đây là những giấc mơ của doanh nhân Việt Nam, những giấc mơ với mục đích đưa Việt Nam ngày một phát triển hơn, đưa thương hiệu Việt Nam vươn xa tầm thế giới.
Ngày 2/9/2017 đánh dấu lễ khởi công nhà máy sản xuất ô tô Vinfast tại Khu kinh tế Cát Hải - Hải Phòng của Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC), sự kiện một lần nữa khơi dậy giấc mơ ô tô Việt Nam sau thất bại của ông Bùi Ngọc Huyên với Vinaxuki.
Ngay lập tức, Vinfast tuyên bố mục tiêu trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025, sản phẩm chủ lực là ô tô động cơ đốt trong, ô tô sử dụng động cơ điện và xe máy điện thân thiện với môi trường. Thời điểm đó, Vingroup cho hay sản phẩm đầu tiên sẽ ra mắt trong vòng 12 tháng tới và xe máy điện và sau 24 tháng là ô tô.
Lần trao đổi hiếm hoi với báo chí về Vinfast, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng hé lộ việc huy động khoản vay tới 1,5 tỷ USD để phục vụ giấc mơ ô tô này: "Chúng tôi có tham vọng về một thương hiệu ô tô cho người Việt Nam để có thể cạnh tranh với các hãng sản xuất ô tô trên thế giới. Chúng tôi cũng muốn phát triển một ngành công nghiệp có thể phụ trợ cho các ngành công nghiệp khác tại Việt Nam”.
Để thành công, Vinfast sẽ phải lựa chọn con đường khôn ngoan - “đứng trên vai người khổng lồ”. Công ty thực hiện ký kết hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thiết kế, cung cấp các giải pháp sản xuất xe, công nghệ, linh kiện, phụ tùng xe hơi như Bosch, Siemens, Ital Design, Torino Design...
Những “chiến tướng” trong và ngoài nước được mời về, như ông Võ Quang Huệ – Nguyên Tổng giám đốc Bosch Việt Nam hay cả Cựu phó chủ tịch General Motors, ông James B.DeLuca về điều hành dự án.
Vingroup cũng đã thuê những nhà thiết kế ô tô hàng đầu để đưa ra 20 mẫu xe bình chọn trực tuyến. Cuộc bình chọn thu hút tới 62.000 lượt tham gia, đưa ra 2 mẫu xe được yêu thích nhất gồm 1 sedan và 1 SUV đế sản xuất trong vòng 2 năm tới. Hành động mang tính quốc dân, thể hiện một điều: Vingroup muốn làm những chiếc ô tô của người Việt, do chính người Việt Nam lựa chọn.
Ngày 18/1, Vinfast công bố thông tin hoàn tất hợp đồng sản xuất mẫu xe với nhà thiết kế Pininfarina để sản xuất 2 xe mẫu Sedan và SUV có giá trị 5 triệu USD. Mẫu sẽ được kỳ vọng sẽ mang "bản sắc Việt - thiết kế Ý - kỹ thuật Đức - tiêu chuẩn thế giới".
Mẫu sedan Vinfast có lượng bình chọn nhiều nhất hồi tháng 10/2017. |
Vinfast đang gấp rút hoàn thành tiến độ cho ra mắt xe cuối năm 2018 |
Dự kiến 2 chiếc xe mẫu đầu tiên sẽ ra mắt công chúng vào tháng 10/2018 tại triển lãm Paris Motorshow 2018 và tháng 12/2018 tại Việt Nam.
Vinfast cho biết sẽ tiếp tục lấy ý kiến khách hàng sau khi hoàn thành 2 xe mẫu đầu tiên và sẽ bắt đầu nhận các đơn hàng từ đầu 2019, tiến tới xuất khẩu xe ra nước ngoài.
Doanh nghiệp này cũng đang gấp rút hoàn thiện nhà máy với kế hoạch đến tháng 7/2018 sẽ hoàn thành xây dựng 500.000 m2 nhà xưởng tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng).
Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, trong nửa đầu 2017, thị trường hành khách hàng không tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh với 30,3 triệu khách, tăng 19,5% so cùng kỳ 2016.
Với thị trường nội địa, các hãng hàng không Việt Nam tiếp tục mở rộng đường bay và tăng tần suất với 52 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM với 18 sân bay địa phương.
Cùng với thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng và dân số trẻ tác động lên xu hướng lựa chọn máy bay làm phương tiện di chuyển của người dân. Tỷ lệ khách hàng di chuyển bằng đường hàng không trong tổng dân số Việt Nam cũng tăng từ mức 0,5% năm 2012 lên 0,8% tại thời điểm 6 tháng năm 2016.
Sự phát triển nhanh của thị trường hàng không góp công không nhỏ từ những hàng hàng không giá rẻ mà Vietjet là đại diện điển hình ở Việt Nam. Giá vé máy bay các chặng nội địa trở nên rẻ ngang bằng với các phương tiện khác như ô tô, tàu hỏa trong khi thời gian di chuyển chỉ bằng 1/20-1/15.
Với Vietjet - người Việt Nam có cơ hội bay nhiều hơn |
Từ vị thế chân ướt chân ráo vào thị trường, chỉ sau 5 năm, Vietjet Air vươn lên dẫn đầu thị trường Việt Nam. Đây là con số rất đáng nể nếu so với các hãng hàng không giá rẻ khác trong khu vực.
Thị phần các hãng hàng không tại Việt Nam (CAPA) |
Trong một báo cáo mới nhất, Trung tâm Hàng không châu Á – Thái Bình Dương - CAPA dự báo, chi phí của VietJet sẽ còn giảm xuống trong tương lai vì đội tàu bay hùng hậu sẽ giúp nâng cao lợi thế về quy mô và quan trọng hơn là VietJet đang bổ sung thêm nhiều máy bay thận rộng. Khi mà mức độ cạnh tranh trên thị trường hàng không Việt Nam trở nên khốc liệt hơn nữa, quy mô và mức chi phí thấp của VietJet sẽ là 1 lợi thế cạnh tranh quan trọng.
Điều này sẽ tạo điều kiện cho nhiều người Việt Nam có cơ hội để bay hơn nữa, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí di chuyển đồng thời kích thích đầu tư và tăng trưởng kinh tế…
5 năm tới, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo Việt Nam sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình gần 14% và cán mốc 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.
“Tới đây hành khách Vietjet sẽ khác với hành khách của một số hãng hàng không giá rẻ khác vốn chỉ được bay những quãng ngắn từ 2 – 3 tiếng, nhờ sự kết nối với các hãng hàng không toàn cầu. Khách của Vietjet có thể bay tới bất cứ điểm nào trên thế giới”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet phát biểu tại APEC CEO Summit 2017.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nhung-giac-mo-doanh-nghiep-viet-tu-o-thuong-hieu-quoc-gia-vinfast-den-vietjet-bay-la-thich-a6135.html