Công sở là một môi trường phức tạp với nhiều mối quan hệ chồng chéo. Nếu chúng ta không biết điều phối hành vi, bản thân dễ bị rơi vào những tình huống khó xử. Nếu bạn gặp phải tình huống oái ăm như bị đồng nghiệp nói xấu, bạn sẽ làm gì? Sau đây là một số bí quyết để giúp bạn đối phó với những đồng nghiệp "ăn không ngồi rồi" chuyên đi nói xấu sau lưng đồng nghiệp.
Im lặng là vàng
Sự thật ai cũng biết im lặng là cách tốt nhất để khiến xung đột không có cơ hội xảy ra. Nhưng ít người đủ khả năng kiềm chế và nhận thức được điều này trong lúc nóng giận. Nhất là khi vừa phát hiện ra thủ phạm đã nói xấu sau lưng mình. Nhưng trước tiên, bạn hãy xác minh xem đồng nghiệp của bạn nói có đúng sự thật hay không.
Nếu đúng như những gì đồng nghiệp nói với người khác, rằng bạn có những điểm không tốt như thế, cách đơn giản nhất là chỉ cần im lặng và sửa chữa những điểm xấu thành tốt trước mắt người hay nói xấu sau lưng bạn và những đồng nghiệp khác trong tổ chức. Nếu bạn thành công, người đi nói xấu sau lưng bạn sẽ bị biến thành nhân vật phản diện trong mắt mọi người.
Ngược lại, nếu những gì người khác nói về bạn hoàn toàn không chính xác thì bạn chỉ cần đơn giản im lặng và tiếp tục sống như mọi ngày. Cố gắng vui vẻ với mọi người. Đơn giản vì "vàng thật không sợ lửa".
Đối xử tốt với "kẻ lắm chuyện"
Đây là cách xử lý khá hay cho bạn sử dụng để khiến người nói xấu sau lưng bạn hoảng sợ. Đừng vội nghĩ điều này là sai.
Hãy tìm hiểu căn nguyên của việc người khác đi nói xấu sau lưng bạn là gì? Vì ghen tị, vì rảnh rỗi sinh nông nổi hay đơn giản vì bản chất của họ là thích “ngồi lê đôi mách”. Thông thường, những người như thế này sẽ rất đa nghi, có khả năng sáng tạo cao. Việc tốt nhất bạn nên làm là hãy cứ đối xử tốt với họ.
Khi bạn đối xử tốt, họ sẽ dùng tính đa nghi để nghi ngờ bạn, sau đó lại dùng khả năng sáng tạo để vẽ ra những điều họ cảm nhận về bạn – dĩ nhiên có xấu và sẽ kèm cả tốt. Theo thời gian, họ sẽ lại càng lo lắng nếu bạn phát hiện ra bạn đã biết cái sự việc mà ai-cũng-biết, đó là nói xấu sau lưng bạn. Nếu bạn vẫn cứ tiếp tục đối xử tốt, họ sẽ chuyển sang cảm kích vì tấm lòng cao thượng của bạn, có khi còn chuyển qua việc đi kể tốt và đính chính những việc đã nói về bạn với mọi người.
Hãy nhớ rằng, ai cũng có giá trị riêng, quan trọng là bạn có khả năng nhìn ra giá trị của họ và biết cách giúp họ phát huy giá trị ấy hay không mà thôi.
2 mặt 1 lời – “Face to face”
Đây luôn là hạ sách. Nếu người nói xấu sau lưng bạn đã gây tổn hại đến danh tiếng của bạn quá sức tưởng tượng, không thể dùng cách nhẹ nhàng để giải quyết vấn đề. Một người đồng nghiệp ăn nói linh tinh, đặt điều và không biết điểm dừng thì cách tốt là mặt đối mặt, hẹn người đấy đến một nơi có thể nói chuyện - chỉ hai người thôi. Sau đó nói thẳng những gì bạn đã biết cho họ nghe, nếu đã là một kẻ không-sợ-gì việc nói xấu người khác, bạn có thể sẽ cần đến một máy ghi âm để ghi âm toàn bộ cuộc trò truyện giữa hai người.
Kết thúc cuộc nói chuyện, nên gửi cho họ một lời cảnh cáo. Nếu kẻ nói xấu biết sửa đổi thì mọi việc đều ổn, còn nếu vẫn “ngựa quen đường cũ”, bạn chỉ cần gửi đoạn ghi âm cho họ nghe. Tâm lý học hành vi cho thấy, con người ai cũng muốn tạo dựng hình ảnh tốt đẹp trong mắt người khác bằng nhiều cách, có những người dùng đến cách làm xấu người khác để mình tốt hơn trong mắt nhiều người. Bởi thế, những người đã hay đi nói xấu sau lưng thì chắc chắn cũng sợ người khác làm xấu hình ảnh của họ. Tuy là hạ sách nhưng cũng có thể hiệu quả nhất cho những kẻ cứng đầu.
Ý Nhi/Theo Bright Side
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/bi-quyet-de-doi-pho-voi-dong-nghiep-thich-noi-xau-sau-lung-nguoi-khac-a61353.html