Doanh nhân Nguyễn Hữu Khai từ trần
Theo nguồn tin Dân Việt, doanh nhân Nguyễn Hữu Khai từ trần vào lúc 10h14 sáng ngày 26.12 sau 1 năm phát hiện ung thư gan.
Sự ra đi của vị doanh nhân này là thông tin “đột ngột” đối với bạn bè, những người yêu quý ông bởi việc bị mắc bệnh ung thư gan được ông giữ kín đối với bạn bè, bằng hữu.
Theo dự kiến, lễ viếng và truy điệu được tổ chức trong ngày 27.12 và được an táng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Doanh nhân Nguyễn Hữu Khai sinh năm 1952, trong một gia đình đông anh em tại thôn Kinh Đào, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ông cũng chính là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Long. Không ít lần ông được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tôn vinh.
Năm 2006, Nguyễn Hữu Khai từng được Đài truyền hình KenJa - Nhật Bản bình chọn là một trong 10 doanh nhân nổi tiếng ở Việt Nam và 500 doanh nhân nổi tiếng châu Á.
Năm 2007, ông tiếp tục được vinh danh là "Ngôi sao Việt Nam", được Viện Hàn lâm khoa học Xêchênốp - Liên bang Nga phong tặng học vị tiến sĩ danh dự
Ông nhận được Huân chương Lao động hạng Ba, danh hiệu thầy thuốc ưu tú, và các huy chương, bằng khen của Chính phủ.
Cuộc đời ông Nguyễn Hữu Khai cũng từng được dựng thành phim truyền hình Đường đời.
Vượt sóng gió, khởi nghiệp lại ở tuổi 65
Năm 2005, lần đầu tiên bộ phim truyền hình dài tập “Đường đời” của đạo diễn Quốc Trọng, phát sóng. Cốt truyện lấy khuôn mẫu nhân vật từ ông Nguyễn Hữu Khai – Chủ tịch Tập đoàn Y dược Bảo Long ra đời đã nhận được nhiều sự chú ý của khán giả. Người ta vừa cảm thông lại vừa thán phục người đàn ông tài hoa nhưng có số phận ba chìm bảy nổi.
Nắm trong tay Tập đoàn Y dược Bảo Long với một cơ ngơi đồ sộ, vì những sai lầm trong tính toán, quản lý và quá tin người, võ sư Lương y Nguyễn Hữu Khai phút chốc trắng tay. Thậm chí còn bị vướng vào vòng lao lý. Thế nhưng, ngay khi ra tù, ông lặng lẽ gây dựng lại sự nghiệp từ hai bàn tay trắng với một ước mơ cháy bỏng: “Khôi phục thương hiệu Bảo Long”.
Bảo Long thành lập năm 1990. Trong suốt khoảng 10 năm sau đó, Bảo Long đã xây dựng được một mô hình khép kín từ gieo trồng, sản xuất đông dược, mỹ phẩm thảo dược, thực phẩm chức năng, khám chữa bệnh, văn hóa, giáo dục – đào tạo, du lịch điều dưỡng…
Dưới tập đoàn Bảo Long thời đó có 15 đơn vị thành viên. Sản phẩm đông dược của Bảo Long không chỉ phủ kín thị trường các tỉnh, thành phố trong nước mà còn thành lập chi nhánh tại Liên bang Nga, CHLB Đức để xuất khẩu sản phẩm. Hàng chục sản phẩm của Bảo Long được cấp giấy phép lưu hành ở Nga, Latvia, Ukraina, CH Czech
Đặc biệt, Trung Quốc, cái nôi của nền y học phương Đông cũng đã cấp giấy phép cho Bảo Long thành lập chi nhánh và lưu hành sản phẩm mang tên “Thanh Long” đặc trị bệnh tiểu đường.
Thời đó bệnh viện đa khoa Bảo Long của doanh nhân Nguyễn Hữu Khai đã điều trị thành công nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Kết quả này giúp thương hiệu, uy tín của Bệnh viện đa khoa Bảo Long và các cơ sở khám chữa bệnh Bảo Long đường đến với đông đảo công chúng trong ngoài nước.
Khép lại thời kỳ đỉnh cao vào khoảng năm 2004 - 2008, khối tài sản cùng thương hiệu lẫy lừng mà vị thầy thuốc - doanh nhân dày công xây dựng này đã phút chốc tiêu tan sau cơn lốc của khủng hoảng suy thoái kinh tế thế giới những năm 2007 - 2010.
Chia sẻ với Dân Việt cách đây không lâu, doanh nhân Nguyễn Hữu Khai cho biết, “Cả đời tôi bôn ba thương trường, cũng đã từng chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế, những tưởng chỉ sáu tháng, cùng lắm 1 năm. Vậy mà lần này cứ kéo dài mãi. 1 năm, 2 năm, rồi 3 năm. Vẫn chưa thấy “lối thoát cuối đường hầm””.
Ngân hàng từ chối đáo hạn, Bảo Long đã vay lãi cá nhân với lãi suất gấp nhiều lần ngân hàng, có thời điểm tới hơn 20%/tháng, để cố gắng trụ lại, nào ngờ ngày càng khó khăn, mấy năm liền không gượng lên được. “Đau yếu” về tài chính vẫn không thể hồi phục, Bảo Long phải dứt lòng bán 3 đơn vị của mình cho tập đoàn Bảo Sơn để cứu các đơn vị còn lại.
“Thế nhưng, vì quá tin đối tác nên hợp đồng giữa hai bên chúng tôi làm không chặt và chỉ 11 ngày sau khi ký hợp đồng, họ phế tôi khỏi chức vụ Tổng Giám đốc. Rồi họ làm thủ tục thay đổi giấy chứng nhận doanh nghiệp, thay hết tên các thành viên cũ trong Ban lãnh đạo Bảo Long bằng người bên họ. Rồi họ mời các cơ quan truyền thông đến tuyên bố đã hoàn tất việc chuyển nhượng 100% tập đoàn y dược Bảo Long”, ông Khai chia sẻ
Thậm chí, thương vụ sang nhượng tài sản giữa tập đoàn Bảo Long và tập đoàn Bảo Sơn cho đến nay vẫn còn gây tốn nhiều giấy mực của báo giới, chỉ biết rằng vì thương vụ đó mà Bảo Long phá sản, ông Khai bị bắt vào tù giữa năm 2013 về tội danh “sử dụng trái phép tài sản”. Sau 26 tháng tù tội, tháng 8.2015, ông Khai được Chủ tịch nước ký lệnh đặc xá trả tự do.
“Khi tôi ra tù, anh em, bạn bè, đệ tử dù không khá giả nhưng đã tập trung lo cho tôi một cơ sở khám chữa bệnh với đầy đủ y cụ tại Mỗ Lao, Hà Đông. Tôi làm được nửa năm, khách đến chẩn trị đông lắm. Nhưng sau đó tôi nghĩ không thể việc sản xuất, nên lại về quê, An Mỹ, Mỹ Đức, Hà Tây cũ. Địa phương giúp tôi một trang trại chăn nuôi. Tại đây tôi mở phòng mạch kết hợp với sản xuất thuốc. Trong lòng tôi luôn nung nấu quyết tâm “phục thù”, “khởi nghiệp”, lập lại Bảo Long”, doanh nhân bày tỏ quyết tâm sau bao thăng trầm trong sự nghiệp.
Doanh nhân Nguyễn Hữu Khai
Khởi nghiệp lại ở tuổi 65 song ông Nguyễn Hữu Khai vẫn lạc quan rằng, dù ông không thạo về kinh doanh nhưng ông có duyên với người bệnh. Bởi vì trong cơn bão cạnh tranh của hằng hà sa số những sản phẩm Đông nam dược hiện nay, ông không hề mất một xu cho quảng cáo tuyên truyền nhưng vẫn nhiều đối tác tìm đến nhận bao tiêu cho sản phẩm.
Những danh hiệu trong nghề Y của ông như lương y, Thầy thuốc Ưu tú, các huân, huy chương ... vẫn còn nguyên giá trị. Người bệnh gần xa cũng vẫn chưa quên ông…
Theo Dân Việt
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/doanh-nhan-nguyen-huu-khai-chu-tich-y-duoc-bao-long-qua-doi-a62683.html