Đã dần lộ diện đại gia "chống lưng" thương vụ An Quý Hưng mua lại cổ phần chi phối Vinaconex. Đây là một đại gia kín tiếng, nhưng rất nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản phía Bắc.
“Con đẻ” của đại gia Đào Ngọc Thanh
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Cotana Group tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thành Nam được thành lập từ năm 1993, do ông Đào Ngọc Thanh làm Chủ tịch HĐQT và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng.
Tại thời điểm đó, những dự án đầu tiên của Thành Nam chỉ là các công trình thi công xây dựng quy mô nhỏ. Sau 24 năm hoạt động, vào năm 2017, Công ty đã quyết định tái định vị hình ảnh công ty bằng cái tên mới "Công ty Cổ phần Tập đoàn Cotana". Đến nay công ty đã trở thành một tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực xây dựng với 20 công ty con, công ty thành viên và liên kết khác hợp tác làm nhiều dự án trong lĩnh vực xây dựng. Trong đó, Cotana., JSC đóng vai trò là công ty mẹ.
Nhắc đến cái tên Thành Nam, người ta nhớ đến đây chính là doanh nghiệp đã tham gia thi công khu nhà ở cao tầng đầu tiên của thủ đô tại Định Công, cũng là cái tên gắn liền với nhiều dự án khu đô thị lớn như Linh Đàm, Trung Hòa – Nhân Chính, Văn Quán, Việt Hưng… Thay vì những dự án quy mô nhỏ thời điểm ban đầu thì hiện giờ, các dự án xây dựng do công ty thực hiện đã đa dạng và ở quy mô lớn hơn, bao gồm từ các dự án dân dụng như biệt thự, nhà cao tầng đến khách sạn, trung tâm thương mại và các khu đô thị mới...
Trong năm 2017 với việc tập trung đầu tư vào dự án Ecogarden 43 ha, nằm trong khu đô thị An Vân Dương, thành phố Huế với tổng diện tích khoảng 1.400 ha, Cotana đã và đang khẳng định mình không chỉ là một nhà thầu xây dựng uy tín mà còn là một nhà đầu tư bất động sản giàu kinh nghiệm và năng lực tài chính.
Không dừng lại ở đó, Cotana Group còn mở rộng lĩnh vực hoạt động sang cả đầu tư và sản xuất các vật liệu xây dựng, nội thất... Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng trở thành cổ đông sáng lập của CTCP đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) - Chủ đầu tư khu đô thị sinh thái Ecopark, đồng thời hợp tác thành công với các đối tác tên tuổi trong ngành xây dựng như: Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) – chủ đầu tư của nhiều khu đô thị lớn tại Hà Nội, Bắc Ninh; Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng (COMA) với dự án đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên….
Theo BCTC hợp nhất Quý III/2018 cho thấy, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Cotana đạt 243,3 tỷ đồng, tăng 52,9% so với cùng kỳ năm 2017. Sau khi trừ đi chi phí, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của doanh nghiệp này ghi nhận lần lượt 147,6 tỷ đồng và 115 tỷ đồng, tăng tương ứng 77,9% và 73,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến ngày 30/9/2018, Cotana có tổng tài sản đạt mức 701,8 tỷ đồng, tăng 20,3% so với đầu năm, trong đó, hàng tồn kho tăng 39,6% lên mức 103,8 tỷ đồng, cùng với đó, nợ phải trả của Công ty cũng tăng lên mức 361,8 tỷ đồng.
Những bí ẩn về đại gia Đào Ngọc Thanh
Được biết, kể từ năm 1993 đến nay, Đào Ngọc Thanh (Sinh năm 1946) đã và đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Cotana Group. Tại đây, ông Thanh hiện đang nắm giữ 1.745.968 cổ phiếu CSC, tương đương 17,46% vốn điều lệ. Trong khi đó, con gái ông Thanh là Đào Thu Thủy - Phó Chủ tịch HĐQT nắm giữ khoảng 890.878 cổ phiếu, tương ứng 4,45% vốn CSC. Như vậy, ông Thanh và con gái nắm giữ gần 22% vốn tại CSC.
Bên cạnh đó, ông Thanh hiện đang giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT của CTCP đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (API) và là kiến trúc sư trưởng các dự án hiện nay của API.
Ngoài ra, ông Thanh còn được biết đến như cha đẻ, CEO của dự án Ecopark– Thành phố xanh lớn nhất Miền Bắc. Đây là dự án bất động sản có quy mô lớn phía đông, cách trung tâm Hà Nội 10 km, tiếp giáp với sông Hồng và sông bắc Hưng Hải – Một trong những dự án của Vihajico do ông Lương Xuân Hà và ông Đào Ngọc Thanh cùng nhau gây dựng.
Theo tìm hiểu, Vihajico được thành lập vào năm 2003, có trụ sở chính đặt tại Khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Đến nay, sau 15 năm thành lập và phát triển, Vihajico hiện có vốn điều lệ 708 tỷ đồng, do 9 cổ đông, bao gồm 2 cá nhân và 7 pháp nhân góp vốn sáng lập và có 3 lãnh đạo cao nhất là ông Lương Xuân Hà, Ông Đào Ngọc Thanh và bà Đặng Ngọc Bích.
Trong số này, hiện ông Đào Ngọc Thanh đang giữ vị trí Tổng Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Vihajico. Bên cạnh đó, Ông Thanh cũng là người đại diện vốn góp cho 3 cổ đông sáng lập tại Vihajico, đó là CTCP Tư vấn Đầu tư và Thương mại Nam Thanh (CTCP Tư vấn và thương mại Cotana), CTCP Tư vấn Xây dựng Nam Thành Đô, CTCP Đầu tư và Xây dựng Thành Nam (Cotana., JSC). 3 pháp nhân này đều thuộc Tập đoàn Cotana và sở hữu tổng cộng 10% cổ phần Vihajico, với 70,8 tỷ đồng.
Vihajico đang có gì?
Sau khi được cấp phép độc quyền phát triển dự án Ecopark từ năm 2003, Vihajico đã có những bước tiến đáng kinh ngạc trong việc tạo lập Ecopark thành một Khu đô thị mới hàng đầu Việt Nam với các giá trị cốt lõi tập trung vào thiên nhiên, văn hóa và con người.
Theo giới thiệu, dự án có tổng diện tích 500ha tại tỉnh Hưng Yên, trong đó 104 ha dành cho không gian cây xanh và nước. Tổng vốn đầu tư theo công bố là 800 triệu USD.
Trong suốt hơn một thập kỷ qua, Vihajico chỉ phát triển một dự án duy nhất là Ecopark, tất cả tâm huyết, công sức của những người sáng lập đều dồn cả vào Ecopark. Vì thế, Ecopark được giới chuyên gia đánh giá là một dự án thành công về nhiều mặt. Với những điều đã làm được, tại lễ trao Giải thưởng quốc gia Bất động sản Việt Nam năm 2018, Vihajico đã xuất sắc nhận giải thưởng danh giá “Nhà phát triển Bất động sản uy tín nhất” và “Dự án khu đô thị tốt nhất” cho khu đô thị Ecopark.
Ở một diễn biến khác, doanh nghiệp này một lần nữa gây chú ý khi được UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ lập quy hoạch và đầu tư xây dựng đô thị Hòa Lạc vào 2016.
Theo đó, UBND Thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các sở, ngành liên quan hướng dẫn Liên danh Công ty cổ phần đầu tư thương mại Thu Hà, Công ty CFLD (Singapore) Investment Pte.Ltd và Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) nghiên cứu, đề xuất ý tưởng mới (nếu có) lồng ghép, bổ sung vào đồ án Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc.
Tuy nhiên, sau 2 năm lên kế hoạch, đến nay vẫn chưa có nhiều thông tin về việc triển khai dự án này.
Phiên đấu giá cổ phần Vinaconex (VCG) của SCIC đã diễn ra thành công ngoài mong đợi khi Công ty TNHH An Quý Hưng chi ra 7.367 tỷ đồng để sở hữu 57,71% cổ phần, mức giá này cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm SCIC công bố.
Ngày 4/12/2018, thông tin từ SCIC cho biết, An Quý Hưng đã thanh toán đủ tiền mua lô cổ phần trúng đấu giá Vinaconex. Chưa đầy 1 tuần sau đó, ông Nguyễn Xuân Đông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Vinaconex. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện vốn điều lệ của An Quý Hưng chỉ ở mức 500 tỷ đồng, đồng thời Công ty này có tài sản ngắn hạn gần 550 tỷ đồng, dài hạn 450 tỷ đồng và tổng cộng nguồn vốn gần 1.000 tỷ đồng. Không nằm ngoài sự phán đoán, thông tin này đã được ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Cotana (Cotana Group) xác nhận khi cho biết ông có thâm gia "một ít" trong việc mua cổ phần Vinaconex qua cuộc trao đổi bằng điện thoại với phóng viên của Tạp chí Nhà đầu tư. Bên cạnh đó, ông thanh cũng cho biết ông Nguyễn Xuân Đông là người đại diện cho nhóm 5-6 cổ đông trong thương vụ này. "Đây là cuộc chơi lớn nên phải tập hợp đông anh em, chủ yếu làm trong lĩnh vực xây dựng và có nhiều kinh nghiệm", ông Thanh cho biết. Khi được hỏi về danh tính các cổ đông, ông Thanh tiết lộ, trong tháng 1/2019 sẽ tiến hành Đại hội cổ đông, khi đó danh tính các cổ đông tham gia sẽ lộ diện. HĐQT sẽ thay đổi hoàn toàn. |
Ánh Phượng
Theo SHTT
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tiem-luc-cua-dai-gia-dung-sau-thuong-vu-chi-ngan-ty-thau-tom-co-phan-vinaconex-manh-co-nao-a62949.html