Tiền bạc không phải là giải pháp cho mọi vấn đề. Đôi khi, chúng ta cần có một chiến lược cụ thể để quản lý tài chính tốt hơn trước khi bắt tay vào công việc kiếm tiền.
Chiến lược tài chính cá nhân của bạn là gì? Nếu bạn hỏi câu này một vài năm trước, chắc chắn có người sẽ cười bạn: "Để mai tính”.
Đây hoàn toàn là một bước đi thiếu khôn ngoan. Nếu bạn không có một chiến lược tài chính cá nhân, bạn sẽ chẳng bao giờ giàu được. Một thanh niên trung bình sẽ kiếm được khoảng 40.000-50.000 USD mỗi năm và phải dành 20.000-40.000 USD để trả nợ thời sinh viên.
Thế nhưng, cũng có những người kiếm được gấp 7 lần số tiền trên. Điều này đúng với mọi lứa tuổi. Sự khác biệt giữa người kiếm được nhiều và người kiếm được ít là rất lớn.
Khi nhận ra điều này, bạn cần có thái độ nghiêm túc hơn về vấn đề tiền bạc. Tuy nhiên, đừng quá tập trung vào việc kiếm tiền. Đây là một sai lầm mà rất nhiều người trong số chúng ta thường mắc phải. Chúng ta cứ nghĩ rằng tiền là giải pháp cho mọi thứ.
"Mọi vấn đề đều có thể giải quyết được khi có tiền trong tay." Xin lỗi vì đã làm bạn thất vọng, nhưng điều này sẽ không bao giờ xảy ra đâu! Số tiền bạn sở hữu luôn tỉ lệ thuận với số vấn đề bạn phải đối mặt.
Kiếm tiền là việc rất quan trọng. Nó không chỉ ảnh hướng đến tài khoản ngân hàng của bạn mà còn cả sự nghiệp của bạn nữa. Càng giỏi và càng nhiều kinh nghiệm, bạn sẽ càng dễ kiếm tiền hơn.
Mặc dù vậy, chúng ta cần ngừng nghĩ rằng tiền có thể giải quyết được mọi vấn đề. Chúng ta nên có một chiến lược để quản lý tiền bạc tốt hơn, để có thể bứt phá ra khỏi nhóm những người có mức thu nhập trung bình. Để làm được điều đó, có 5 quy tắc quan trọng sau mà bạn cần nhớ.
Đừng thèm muốn quá nhiều thứ
Ai cũng biết một điều: kiếm tiền thì tốn nhiều thời gian hơn là tiêu tiền. Bạn phải làm việc hàng nghìn giờ đồng hồ để tạo ra một số tiền nhất định. Sau đó, bạn tiêu chúng vào một chiếc ô tô mới, một kì nghỉ sang chảnh, một chiếc đồng hồ, hoặc bất cứ thứ gì mà bạn thèm muốn.
Chúng ta đều biết chuyện này. Thế nhưng, ta vẫn cứ tiêu tiền như nước. Đây có thể là một lời khuyên cũ rích, nhưng cách dễ nhất để tăng thêm thu nhập là không tiêu hết số tiền mình làm ra.
Lời khuyên này hoàn toàn có lý, bởi lẽ, muốn tự do, bạn cần phải giảm bớt nhu cầu của mình.
Hiểu được cách thức vận hành của nền kinh tế
Khi nào lãi suất thường tăng? Khi nào thì nó hạ? Trái phiếu là gì? Lạm phát là gì? Khi nào thì xảy ra lạm phát? Chu kỳ của thị trường là gì?
Tại sao nền kinh tế lại sụp đổ? Nợ là gì? Ai in tiền? Tại sao họ lại in tiền?
Còn nhiều câu hỏi khác nữa, nhưng chắc bạn cũng hiểu vấn đề ở đây là gì. Bạn không nhất thiết phải trở thành một nhà kinh tế học, nhưng bạn cũng nên tìm hiểu về lĩnh vực kinh tế, bằng cách đọc những cuốn sách như quyển A Random Walk Down Wall Street của Burton Malkiel (tựa Việt: Bước Đi Ngẫu Nhiên Trên Phố Wall). Đây là một bản tóm lược tuyệt vời về cách thức vận hành của nền kinh tế cũng như quy trình đầu tư.
Vấn đề là, các kiến thức về lĩnh vực kinh tế này sẽ giúp bạn tránh bị hoảng loạn. "Ôi không! Thị trường sụp đổ rồi! Tôi phải làm gì bây giờ?" Hoảng hốt sẽ không giúp gì được cho bạn cả.
Hạn chế nợ cá nhân
Vay tiền thì không xấu, nhưng nợ cá nhân có thể hủy hoại toàn bộ đống tài sản của bạn.
Nếu muốn bắt đầu một công việc kinh doanh hoặc triển khai một dự án bất động sản lớn, bạn sẽ phải đi vay tiền. Tuy nhiên, vay tiền cũng cần sự khôn ngoan. Cũng giống như đầu tư, nó cũng có các quy luật nhất định.
Dù vậy, có một điều chắc chắn là, đừng bao giờ vay tiền để mua xe, đồ điện tử, hay bất cứ thứ gì có thể hao mòn về giá trị.
Nếu khoản vay đó liên quan đến việc thành lập và phát triển công ty, đầu tư bất động sản, hay học hành, bạn phải suy nghĩ thật kỹ trước khi thực hiện. Hãy nhớ, vay tiền không hề miễn phí.
Tiết kiệm hết mức có thể
Chiến lược tài chính của bạn có thể phụ thuộc vào độ tuổi, tính cách, nơi ở, học vấn, kinh nghiệm,… Người sống ở Manhattan thì khó có thể mua được một căn hộ. Nó quá đắt, vì vậy, thuê sẽ là một lựa chọn khôn ngoan hơn. Tuy nhiên, sẽ hợp lý hơn nếu bạn mua nhà ở một thành phố có giá bất động sản thấp. Trong trường hợp đó, việc thuê sẽ đắt hơn nhiều. Dù bạn làm gì, bạn cũng cần đảm bảo là mình có đủ tiền mặt để đầu tư khi có cơ hội.
Vậy tiết kiệm bao nhiêu là đủ? Điều này tùy thuộc vào bạn. Hãy chọn một con số mà bạn cảm thấy thoải mái nhất.
Có chiến lược ngắn hạn
Chúng ta là những nhà đầu tư dài hạn, chứ không phải để kiếm tiền ngày một ngày hai. Nhưng chúng ta cũng cần có một khoản thu nhập hàng ngày để chi trả cho các loại hóa đơn. Vậy ta phải làm gì? Câu trả lời là: chiến lược ngắn hạn.
Chiến lược tài chính ngắn hạn có thể dựa vào việc bồi dưỡng kỹ năng và tạo ra các nguồn thu nhập khác nhau. Bạn cũng nên đầu tư vào giáo dục, bởi vì càng có nhiều kỹ năng thì bạn càng kiếm được nhiều tiền.
Thêm vào đó, đừng quá dựa dẫm vào một khoản tiền lương duy nhất. Thay vào đó, hãy tìm nhiều cách để tạo ra thu nhập. Điều này sẽ làm giảm thiểu các rủi ro. Nếu một nguồn thu nhập của bạn biến mất, bạn sẽ vẫn còn những cái khác.
Rõ ràng, đây không chỉ là những quy tắc để kiếm tiền hiệu quả. Đúng là bạn cần có nhiều nguồn thu nhập khác nhau, nhưng trước khi làm điều đó, hãy tập trung vào số tài sản mà bạn đã có và cải thiện kỹ năng của mình.
Câu hỏi quan trọng nhất mà bạn có thể hỏi bản thân, đó là: Liệu mình có thể tạo ra của cải không?
Nếu câu trả lời là không, bạn cần biến nó thành có, và coi đây là ưu tiên hàng đầu của mình. Hãy tìm hiểu xem những người thành đạt đã làm thế nào. Bạn cũng có thể đọc sách, nghiên cứu các nhà đầu tư, thử nghiệm, nói chuyện với những người giàu có,…
Khi bạn tìm được cách để tăng thêm thu nhập thay vì tiêu bớt nó, đó cũng chính là lúc giá trị tài sản của bạn gia tăng.
Theo Ngọc Hà
Trí thức trẻ
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/kiem-tien-khong-kho-quan-trong-la-phai-nho-5-quy-tac-sau-de-thanh-cong-a62960.html