Nhiều người gọi Lý Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty gốm sứ Minh Long 1 là “vua gốm sứ Việt”, một nhà kinh doanh văn hóa, nhưng con người ông lại thật giản dị, cốt cách khiêm nhường, chừng mực, hiền hòa.
Ba đời giữ gìn nghiệp tổ, những cuộc cách mạng về gốm sứ của ông chính là niềm đam mê trọn đời làm thế nào để gìn giữ vẻ đẹp của làng quê, đất nước, của đời sống, con người.
Lừng lững bước đi giữa phong ba bão tố, bí quyết thành công của ông chính là hài hòa giữa triết lý sống phương Đông và quản trị, kỹ thuật hiện đại của phương Tây, để tạo nên một thương hiệu mà người Việt có thể tự hào.
45 năm với những cuộc cách mạng về công nghệ để trở thành “Vua gốm sứ Việt”
Được thành lập năm 1970, những ngày đầu mới thành lập, công ty chuyên sản xuất các mặt hàng gốm mỹ nghệ như hình tượng, hàng lưu niệm, bộ bình chén trà, bộ chén đĩa bàn ăn…
Năm 1995, chuyển đổi từ xí nghiệp thành công ty TNHH Minh Long I và công ty đã mạnh dạn làm cuộc cách mạng về công nghệ lần thứ nhất với việc đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất theo công nghệ hiện đại của Đức, Nhật và các nước tiên tiến khác để chế tác ra những sản phẩm chất lượng cao, cho ra đời nhiều dòng sản phẩm như Hoàng cung, bộ trà Hồn việt, Sơn hà cẩm tú…
Sau đợt áp dụng công nghệ lần thứ nhất với 98% sản phẩm được xuất khẩu, ông đã ý thức phải làm một cuộc đổi mới công nghệ lần thứ hai, để trở về thị trường nội địa. Không đợi khát nước mới đào giếng, biết nhìn xa là bí quyết để không “chạy theo” thời cuộc.
Sau một thời gian tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, cách trở lại thị trường nội địa ( từ năm 1996) của Minh Long I cũng hoàn toàn khác biệt, quốc tế hóa cả phần xác và phần hồn. Một mặt, ông mời các chuyên gia thiết kế nước ngoài, một mặt học hỏi qua các hội chợ, nơi hội tụ đủ điều hay, để biết thế giới đang tiến triển thế nào, biết phân khúc khách hàng nào lớn, phân khúc nào chưa có, từ đó gợi mở cho mình nhiều ý tưởng mới lạ.
Sở trường và cũng là sở đoản của Minh Long I chính là phủ sóng mọi phân khúc, từ Tây đến Ta, từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, với hơn 15.000 mẫu mã., diều này là rất khó cho sản xuất.
Đầu tư lớn nhất với ông Lý Ngọc Minh chính là kỹ thuật nung đồ sứ ở nhiệt độ rất cao bằng lò gas ở 1380 độ C. Nhập dây chuyền sản xuất từ Đức, xây dựng nhà máy mới trên diện tích 120.000 mét vuông ngay chính mảnh đất mà ông dựng nghiệp và sống ở đó, bên cạnh mảnh vườn trồng rau cho cả gia đình.
Ông đã mày mò, tìm kiếm, hết thất bại này đến thất bại khác, để làm chủ công nghệ. Trên thế giới, người Đức tự hào với kỹ thuật nung 1300 độ C, các sản phẩm sứ gia dụng tốt tại Việt Nam cũng chỉ ở mức 1280 độ C, trong khi đó, ông đã nghiên cứu và khám phá ra quy trình nung 1380 độ C, cao hơn cả kỹ thuật của người Đức.
Với nhiệt độ nung siêu cao như vậy, sản phẩm sứ đã tích hợp được những giá trị siêu việt như cứng, chắc, bền, an toàn, loại bỏ hoàn toàn các chất độc hại như chì và cadmium khỏi sản phẩm.
Bên cạnh đó, ông còn quyết liệt đưa công nghệ nano vào sản xuất. Nhờ kết cấu nano, các tinh thể kết hợp bền chặt trên bề mặt men, tạo ra khả năng không cho vết bẩn bám lại khi dùng. Gồng mình để giữ giá thành không tăng, giúp cho người dân thu nhập thấp có thể tận hưởng sản phẩm cao cấp. Gồng mình để đầu tư trong thời điểm khó khă nhất khi lãi suất ngân hàng lên cao vào thời điểm 2012. Gồng mình để bảo đảm tiền lương và mọi phúc lợi cho 2500 nhân viên, với một nhà máy mới vừa hiện đại vừa mang tính thẩm mỹ cao… có lúc ông tưởng chừng phá sản.
Ông chia sẻ: “Muốn gốm sứ đạt đến chất lượng rất tốt, khó nhất là giải bài toán về năng lượng, phải chuyển năng lượng lò nung từ 1200 độ C đến 1380 độ C, đó quả là thách thức vô cùng khó khăn. Đích thân một chuyên gia Đức đã đến Bình Dương cùng chúng tôi làm dự án, nhưng mãi vẫn không “đóng” dự án được, ông phải trở về nước. Lúc ấy bắt buộc mình phải mở con đường máu, trở thành công ty đầu tiên trên thế giới phát minh công nghệ đốt một lần thay vì đốt hai lần như ở Đức.
Không phải họ dở hơn mình, mà nhờ mình vừa là ông chủ, vừa là người làm trực tiếp, là tổng công trình sư, tôi nói là không ông nào cãi lại được. Nói có vẻ đơn giản, nhưng 5 năm trước chúng tôi đã đầu tư … quá sức, tưởng như trên bờ vực phá sản. Vay tiền nhà băng tương đối, đầu tư quá lớn mà bán không được nhiều, vì lúc đó đời sống người dân còn nghèo, chưa có tiền mua sắm đồ sứ chất lượng, phải gồng mình để giữ giá thành.
Nhưng qua nghiên cứu, tôi thấy trình độ dân trí Việt Nam rất cao, rất sành điệu, phải đầu tư quyết liệt để đón đầu xu hướng tiêu dùng mới khi đời sống người dân khá lên. Vay vốn ngân hàng để làm lò đốt với công nghệ hàng đầu của Đức nhiệt độ 1380 độ, chính điều đó đã thúc đẩy Minh Long phát triển đột phá”.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, sản phẩm của công ty Minh Long I được Đảng và Nhà nước chọn làm tặng phẩm cho các nguyển thủ quốc gia và các hội nghị cao cấp của Nhà nước như Hội nghị APEC, Hội nghị ASEAN…
Mỗi lần xuất hiện trước các nguyên thủ quốc gia là mỗi lần ông lao tâm khổ tứ, để có thể sản xuất ra những tác phẩm mang đậm dấu ấn làng quê Việt, mà vô cùng sang cả trên bàn tiệc đón chào các vị khách quý.
“Công thức có một không hai” cho bộ nồi đất dưỡng sinh
Sau một hành trình vươn tới những đỉnh cao trong nghệ thuật gốm sứ, ông Lý Ngọc Minh lại làm một hành trình “ngược dòng” ngoạn mục, để mang lại sức sống mới cho dòng sản phẩm đậm đặc dấu ấn làng quê.
Đó là bộ nồi đất dưỡng sinh, với đủ các ưu điểm mà bất cứ bà nội trợ nào đều mơ ước: không nứt vỡ ở nhiệt độ cao, hoàn toàn sử dụng vật liệu thiên nhiên, giữ nguyên hương vị của món ăn và nước dùng trong veo, ngọt dịu…
Bộ nồi đất dưỡng lấy cảm hứng từ món cá kho nồi đất của mẹ và “đơn đặt hàng” của vợ, người chăm chút bữa cơm hàng ngày cho cả gia đình, ông đã cùng con trai bước vào hàng trình tìm ra một “công thức có một không hai”, cho ra dòng sản phẩm nồi đất dưỡng sinh bảo đảm vừa ngon, vừa lành cho tất cả mọi món ăn.
Bình sắc thuốc bằng nồi đất Minh Long giúp thuốc bắc sôi đều, ngấm sâu, không nồng mùi. Thuốc sắc ra bảo đảm giữ được tất cả mọi khoáng chất, không bị kim loại xâm lấn, nên uống ngọt dịu và thanh. Kết quả đó là bao năm dày công nghiên cứu các đặc tính vật lý, phân tử học. Nồi nhôm dùng một thời gian cũng bị lủng vì bị ăn mòn kim loại. Cho dù là innox chậm ăn mòn hơn thì thức ăn nấu ra vẫn có mùi tanh.
Chính vì vậy nồi cơm điện của Nhật Bản họ đã tráng bên ngoài lớp kim loại hoặc lớp gang là 5-6 lớp gốm, lớp men. Nồi của Nhật giá rất cao, nấu cơm tốt, nhưng vẫn không ngon bằng nồi đất Minh Long chế tạo. Nồi đất của Minh Long không bị xâm thực kim loại, thức ăn chín sâu hơn. Ưu điểm nữa là không làm mất nước khi nấu, do nước sôi rất nhẹ, không bị bay hơi các chất tinh dầu, chất khoáng hiếm. Khi nấu cháo, hầm súp sẽ thấy lượng điện tiêu hao rất ít, vì nấu bằng bức xạ nhiệt
Hiện trên thế giới rất ít nhà sản xuất có thể làm được bộ nồi dưỡng sinh này, để đạt đến chất lượng cao như của Minh Long chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mười mấy năm trời nghiên cứu để giải quyết hai thách thức quan trọng nhất là rạn men và không bị bể ở nhiệt độ cao, ông Lý Ngọc Minh đã đi khắp nơi trên thế giới để tuyển nguyên vật liệu hiếm, vừa khó mua. Trong quá trình chế tạo, vượt qua nhiều kiểm soát ngặt nghèo về chất liệu, về kích thước.
Khác với các loại nồi sứ thông thường trên thị trường, nồi đất Minh Long chịu nhiệt ở mức 650 độ C, chịu được sốc nhiệt, khó nứt vỡ, lúc nấu nếu lỡ khô nước cũng không vỡ.
Bên cạnh dòng sản phẩm nồi đất, dành cho Tết năm nay, Minh Long còn ra mắt 6 dòng sản phẩm chén đĩa sứ phổ thông hoa văn rực rỡ đầy sắc xuân, giá chỉ từ từ 300 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng/ bộ. Hỏi ông vì sao để có được mức giá giảm “sâu” như thế?
Ông nói: “Những bộ chén rẻ đó là nhờ công nghệ 4.0 đó. Sản xuất khối lượng nhiều bằng tự động hóa, nên giá thành thấp. Triết lý kinh doanh của tôi là “Bán những sản phẩm vượt khỏi sự mong đợi cho người tiêu dùng là tốt cho sức khỏe, ăn ngon”. Chén Minh Long không chỉ để ăn cơm mà còn để thưởng lãm nghệ thuật, giá trị văn hóa, giới thiệu bạn bè nhờ có văn hóa, có nghệ thuật”.
Tết Mậu Tuất năm nay Minh Long còn có bộ sưu tập chó bằng sứ rất dễ thương. Chọn số 5 là số sinh hóa ngũ hành của người châu Á, 5 chú chó biểu tượng cho Đại Phúc, Đại Lộc, Đại Quý, Đại An, Đại Phát với những tính cách và vẻ ngoài rất khác nhau, sinh động và đáng yêu, như tinh thần của một nhà sản xuất luôn hướng tới tiêu chí nghệ thuật.
“Chúng ta đang đối diện với bệnh tật do văn minh con người, nhiều phát minh chưa được kiểm soát tốt, nhiều thực phẩm chế biến chỉ nhắm tới đẹp mắt, ăn ngon, giá thành thấp mà bất chấp hiểm nguy tiềm ẩn bên trong. Nuôi trồng thiếu dưỡng chất, phun thuốc trừ sâu, thuốc rầy… làm cho sản phẩm bị nhiễm độc, gây ung thư, tiểu đường, tăng xông máu… Với bộ nồi đất dưỡng sinh này, tất cả nguyên liệu đầu vào đều là thượng hảo hạng, hiếm mắc, gia công phức tạp, tốn nhiều công sức, đầu tư máy móc thiết bị rất hiện đại. Chi phí tốn rất nhiều lần, tăng mấy trăm phần trăm giá thành, trong khi giá bán thấp hơn nhiều.
Đó là do Minh Long hướng tới lợi ích lâu dài, mong muốn đem những thành tựu nghiên cứu của mình phục vụ cộng đồng. Hôm nay người ta có thể chưa biết nên nói đồ Minh Long mắc, nhưng ngày mai khi hiểu được người ta sẽ thấy rẻ. Tôi muốn bán những sản phẩm vượt sự mong đợi của khách hàng, để khi khám phá ra họ sẽ đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác…”. Ông Lý Ngọc Minh nhấn mạnh.
Quản trị theo nguyên tắc “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của người quân tử
Theo ông, làm lãnh đạo phải là người luôn tiên đoán được tương lai, giống như cái la bàn để không lạc hướng. Mà tương lai thì vô thường lắm: “Muốn tiên đoán được, phải hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực kinh doanh của mình, có tình yêu với con người, với đất nước, và hiểu biết về thế giới ngày mai. Điều quan trọng nữa là phải có tài lực. Lúc nào cũng luôn tìm kiếm thì mới mong đến một lúc nào đó ngộ đạo. Đôi lúc muốn thành công cũng phải hơi tàn nhẫn, bởi chẳng có gì vẹn toàn mà không phải trả giá. Để có một bộ phim hay, một tác phẩm lớn, người nghệ sĩ cũng phải bao lần rơi nước mắt, mới lấy được tiếng vỗ tay. Khi nào nhức đầu quá, ông thường lấy truyện chưởng Kim Dung, sách Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần ra đọc, để tìm lại sự thảnh thơi, hào hứng”.
Trong những chuyến phiên lưu tìm kiếm nguồn đất đá, máy móc, nhiều lần ông đã từng gặp nạn.
Ông kể: “Tánh tôi làm gì cũng khảo sát tận nơi tận chỗ, để chủ động về trữ lượng, nguyên liệu đầu vào ổn định. Muốn ăn con gà ngon, phải biết con gà ấy được nuôi như thế nào. Tôi thường biến những cuộc tìm kiếm ấy thành những chuyến đi du lịch sinh thái! Có một lần lặn lội suốt dọc Trường Sơn hơn bốn ngàn cây số bằng chiếc xe hai cầu thuê, đến gần mỏ đất ở A Lưới, giáp với Lào thì trời đổ mưa, chỉ còn mênh mông nước, chẳng thấy đường đâu. Thế là phải cắt nước mà đi, hú hồn hú vía.
Lần qua Trung Quốc tìm mỏ đất, tôi được thả vào một chiếc lồng ọp ẹp xuống độ sâu 50 m không có đèn đuốc gì. Lúc ấy nghĩ dại nếu dây cáp đứt giữa chừng thì mình chỉ có nước chết thôi. Còn lang thang bằng xe honda, lội bộ vô rừng thì gần như thường xuyên, lúc ấy sợ nhất là gặp lũ…”
Có một điều ít ai biết, thời kỳ đầu giải phóng, ông đã từng bị đánh tư sản. “ Đã từng có những lúc tôi tưởng không thể quay trở lại với nghề. Đạp chiếc xe đạp tồi tàn ra mảnh đất hoang dài hơn một km này, gia đình tôi bắt đầu trồng bắp cải, đu đủ để sinh sống qua ngày. Nhưng tánh tôi làm gì cũng đam mê, học hỏi, chứ không làm càn. Học theo kỹ thuật của Đài Loan, nhưng trái táo dài hương vị như trái lê, rất ngọt và thơm của vườn nhà tôi được lái ở Sài Gòn về đặt mua, sau đó tôi còn chiết cây giống để bán. Đu đủ tôi trồng ngọt như ăn xoài vậy.
Tôi muốn chứng minh mình làm nghề nông giỏi, để các anh trên tỉnh thấy, cho tôi được trở lại với nghề gốm sứ. Tiếng lành đồn xa, anh Bảy Thanh, anh Ba Hà… những quan chức của tỉnh đến tham quan vườn bắp cải bạt ngàn của nhà tôi đã nói với tôi: “Tao thấy mày làm nghề nông cũng hay, cũng tốt, nhưng không phải nghiệp của mày, chủ trương của Đảng và Nhà nước đã thay đổi, mày hãy nghĩ lại và trở về với nghề gốm sứ đi”.
Đầu tư để vực dậy một nghề đã mai một vào thời điểm đó rất phiên lưu. Nhiều người bạn khuyên tôi: “mày có điên không? Làm thế nào cạnh tranh nổi với gã khổng lồ kế bên như Trung Quốc, rồi nhỡ lại bị đánh trắng tay lần nữa thì sao?”.
Quả thật để nuôi dưỡng lòng tin là khó nhất. Nhưng tôi nghĩ, con voi khổng lồ cũng có nhược điểm, người ta mạnh dùng sức, mình yếu thì dùng chước. Phải “học võ’ để có đẳng cấp”
Mục đích kinh doanh với ông là làm lợi cho mình, làm lợi cho mọi người, cả về vật chất và tinh thần. Ông học được điều đó từ hai người thầy của mình là Nguyễn Hiến Lê và Nguyễn Duy Cần: “Tôi đọc sách của hai ông nhiều lắm. Khi nào thất bại, gặp chuyện không may, tôi trở về với đạo Lão Trang, với Thuật tư tưởng của Nguyễn Duy Cần, để hiểu về chữ Dũng của thánh nhân, mới có thể chịu đựng nổi. Khi nào muốn tìm kiếm những chiến lược trong kinh doanh, trau dồi cái tâm, cái trí của mình tôi đến với Gương danh nhân, Gương chiến đấu, Gương hy sinh, Gương kiên nhẫn của Nguyễn Hiến Lê…
Triết lý của hai ông như ngày và đêm, như sáng và tối, tương hợp hài hòa. Những câu chuyện của Nguyễn Hiến Lê chính là cội nguồn thúc đẩy tôi làm hai cuộc cách mạng với gốm sứ, trong đó Hương sắc trong vườn văn là tác phẩm tôi yêu thích nhất bởi lối hành văn mộc mạc, trong sáng, giản dị, ẩn chứa nhiều triết lý.
Kể về cơ duyên giúp ông gặp gỡ và kết thân với Nguyễn Hiến Lê, ông chia sẻ: “Tôi đã tình cờ được diện kiến và đàm đạo cùng ông trong một lần đi xuống miền Tây. Lúc ấy tôi đang trong tâm trạng bất an dữ lắm, áp lực thời cuộc khiến tôi chán nản, xách chiếc túi mà không biết đi về đâu. Tới Long Xuyên, nghỉ trong một khách sạn nhỏ, đọc sách hoài cũng chán, tôi lang thang đến căn biệt thự cổ của Nguyễn Hiến Lê.
Trời xui đất khiến thế nào mà tôi chưa kịp bấm chuông thì ông đang nằm tòn teng trên chiếc võng lại sai người mở cửa cho tôi vào. Hai thầy trò đàm đạo say sưa, ông kể tôi tôi nghe đang định viết Kinh dịch, tôi nói tôi cũng từng đem triết lý âm dương của Dịch ứng với sản xuất. Để cho men và đất tương thích với nhau, thì trong men phải có đất, trong đất phải có đá, từ đó tôi tạo ra một loại đất tương thích với men, và loại men tương thích với đất.
Ông nghe thú vị quá, mới lấy bản thảo cuốn Kinh dịch ra tặng tôi. Rồi ông nói với tôi rằng người vậy, sao không ra kinh bang tế thế? Tôi trả lời ông mình chỉ thích làm kinh doanh liên quan đến nghệ thuật. Sau này ông bị bệnh đau bao tử, tôi cũng thường cho người đem thuốc cho ông. Chúng tôi cũng thường trao đổi thư từ với nhau, kể chuyện về cuộc sống.
Ông là người mà cách sống đúng như sách ông viết, rất đạm bạc, không bị thời cuộc bên ngoài ảnh hưởng, chăm chút từng con chữ, cả đời như tằm nhả tơ…Những gì tôi làm được hôm nay tạm gọi là món quà đền đáp công ơn của hai người thầy đó”
Suy nghĩ về đạo của người quân tử, ông tâm tình: “Phẩm chất của người quân tử là giữ được đạo trung dung. Giữ được sự trung dung khó lắm, như quả lắc đồng hồ, nếu không đánh sang phải, làm sao đánh sang trái, mà phải đánh liên tục, chỉ cần lệch chút xíu là quả lắc đâu có chạy được.
Từng gặp sự phản bội trong kinh doanh, nhưng tôi luôn tâm niệm để người ta tốt với mình, trước hết mình phải thành thật, trải lòng. Cái tâm mình hại người không nên có, nhưng cái tâm mình phòng người thì không nên không có. Làm cho khách hàng tin, trước hết mình phải tự tin. Phút lâm chung, nếu biết suy nghĩ vẫn còn có cách. Kinh doanh là làm dâu trăm họ, ngày đêm phải dàn xếp làm sao để “các bà mẹ chồng” của mình yên ấm với nhau.
Thị trường khắc nghiệt lắm, một vài đối tác của tôi đã từng phá sản, nhưng họ vẫn quý tôi, vẫn chơi với nhau như bạn. Thói đời, khi mình thất bại người ta khinh, khi mình thành công người ta ganh ghét, đó cũng là bình thường. Sợ nhất là khi lương tâm mình cắn rứt. Nếu có ai đó hiểu lầm về mình, cho rằng mình quá khắt khe, thì rồi cuối đời họ cũng sẽ hiểu là mình đúng.
Sống và làm việc theo nguyên tắc “Tu thân, tế gia, trị quốc, bình thiên hạ” của người quân tử, theo tôi, trị quốc là trị được doanh nghiệp của mình, bình thiên hạ là đóng góp cho cộng đồng thế nào để phát triển những giá trị bền vững. Bất cứ doanh nghiệp nào làm ăn cũng phải nghĩ đến lợi nhuận, nhưng tôi luôn nỗ lực để sản phẩm của mình vượt khỏi sự mong đợi của khách hàng, bán những sản phẩm người ta mơ ước, đáp ứng nhu cầu tiềm ẩn của con người”.
Để đạt được những thành tựu không ngừng trong nghiên cứu phát triển sản phẩm, 5 nguyên tắc hành xử trong kinh doanh được thấu suốt từ lãnh đạo cao nhất đến từng nhân viên, và được thực hành mỗi ngày.
Thứ nhất là làm bất cứ công việc gì cũng hướng tới Đơn giản, Hiệu quả. Với đối nội và đối ngoại, Minh Long đều giữ nguyên tắc ấy trong hành xử.
Nguyên tắc thứ hai là An toàn hai lần. Sản phẩm nào cũng được thử nghiệm đi thử nghiệm lại nhiều lần trong nhiệt độ khắc nghiệt rồi mới đưa ra thực tế. Cả con người và sản phẩm của Minh Long đều được “nung trong lửa đỏ và nước lạnh”, để có thể làm hài lòng bất cứ bà “mẹ chồng” nào khó tính nhất, như lời ông Lý Ngọc Minh thường tâm sự.
Vì theo ông, bất cứ khách hàng nào cũng là “bà mẹ chồng” khó tính hết. Cuộc đời doanh nhân cũng vậy, phải trải qua bao ngang trái, khó khăn, thử thách trong cuộc đời mới làm nên chuyện. Nhưng với tôi, dù thách thức, dù khó cách nào cũng phải Làm cho bằng được.
Để đạt được ba nguyên tắc trên, một mình làm không được, phải cần bạn bè, đối tác, nên nguyên tắc thư tư là Vui vẻ, thấu hiểu. Cần vui vẻ, cởi mở với đối tác, nhân viên, nếu chỉ ra lệnh người ta thì ai chịu giúp mình. Điều cuối cùng là Hợp tác chân tình, sòng phẳng với nhau, nhờ người ta cái gì cũng phải biết ơn, không được gian lận, ma lanh…
“Với tôi, tiêu chí quan trọng nhất là bảo đảm sức khỏe của người tiêu dùng, của nhân viên, và của chính mình. Sức khỏe là vốn quý nhất, nhưng lại bị con người khinh suất nhất. Lo lắng cho sức khỏe cộng đồng, quan tâm đến hình ảnh thương hiệu Việt, ngay từ xa xưa, khi chưa ai nói về môi trường, thì Minh Long đã nghĩ đến chuyện tận dụng hết phế liệu, phế thải, nước thải cũng thu hồi lại hết, không thải ra bên ngoài”, ông nói
Theo ông, không ai hiểu sản phẩm bằng mình, đó là đứa con mình đẻ ra, nhưng phải giáo dục nó, thổi vào nó giá trị văn hóa. Sản phẩm có văn hóa là cái mà người ta cứ tiếp tục phải khám phá hoài cái hay, cái đẹp tiềm ẩn. Nếu sản phẩm Minh Long 5-10 năm sau người ta vẫn tiếp tục khám phá, là nhờ người tạo ra nó đã ký thác vào đó rất nhiều điều vô giá.
Gìn giữ những giá trị gia đình để tạo nên sức mạnh mới cho Minh Long
Tình yêu gốm sứ trong ông được truyền lại từ đời ông nội, vốn là người Phúc Kiến, Trung Quốc, đã sinh sống ở Bình Dương từ thủa khai sinh lập địa. Ông Nội để lại cho bố ông mấy căn lò ở ngã ba Cây Thị xã Chính Nghĩa. Cha mất sớm, mẹ phải vừa làm gốm, vừa tảo tần buôn bán nuôi bầy con nhỏ dại. Ban ngày đi học, ban đêm về mấy anh em phải cắt giấy hoa kiếm tiền phụ mẹ.
Một hôm buồn ngủ quá, ông vô tình đạp ngã cây đèn, dầu hôi bùng lên cháy cả quần áo mẹ, làm bà bị phỏng chân phải đi nhà thương. Biến cố nhớ đời khiến trái tim ông luôn day dứt không yên. Thương mẹ đứt ruột, ông quyết đứng ra làm chủ, cai quản mấy lò gốm thay mẹ. Lúc ấy ông vừa tròn 16 tuổi.
Để thoát khỏi đói nghèo không còn cách nào khác là phải nghiên cứu để chế ra những men màu cao cấp hơn cho đồ sứ. Cùng với một người bạn lập công ty, xây dựng phòng thí nghiệm, cái tiến mẫu mã hoa văn, tìm ra công thức chế tạo màu men tây rực rỡ sáng đẹp hơn khiến cho sản phẩm giá cao hơn nơi khác mà người mua vẫn rất đông. Nhiều người còn tìm tới dành nhau đặt tiền bao tiêu toàn bộ sản phẩm của lò gốm, mới phát hiện ra chủ lò gốm là hai ...cậu nhóc. Đó là vào năm 1970, khi ông mới 20 tuổi.
Mẹ ông ít học nhưng rất giỏi kinh doanh, bản lĩnh, quyết đoán, cần cù. Dù nhà nghèo nhưng bà vẫn dồn hết tiền bạc cho ông theo đuổi nghề gốm. Bao nhiêu lần thí nghiệm thất bại mẹ vẫn tin tưởng động viên ông. Năm Mậu Thân cháy sạch nhà cửa, 5 mẹ con ở một cái chòi, nhưng bà vẫn quyết giữa lấy mấy nóc lò. Tính cách nhẫn nại, tận tụy của ông có lẽ ảnh hưởng từ người mẹ.
Ông chia sẻ: “Mẹ tôi luôn dạy tôi phải đi trước, làm sớm hơn dự báo của mình, không để bão tới mới lo dựng nhà, chịu khó thức khuya dậy sớm. Còn cay đắng, trả giá cho thất bại trong đời tôi thì nhiều lắm. Không trải nghiệm, không làm nhiều thì không thể tìm ra màu men xanh trời chìm ẩn trong một không gian ba chiều, mà người Trung Quốc gọi là Vũ quá thiên thanh (màu xanh sau cơn mưa) đã mai một, hay màu đỏ sơn (đỏ cung đình).
Phải xăm mình lao vào dòng chảy, dù chưa biết là nóng hay lạnh. Nhiều người nói tôi sao quá đa đoan, nhưng tôi thấm thía một điều là việc gì cũng phải học tới nơi tới chốn. Cuốn sách của tôi là cuốn sách đọc ngược, lấy kinh nghiệm thực tiễn để soi rọi, nghiên cứu, chứ không triết lý cao siêu. Tôi luôn có mặc cảm là học hành không bài bản, nên cố gắng làm việc bài bản, cha con học lẫn nhau, để có thể xây dựng nhà xưởng theo hướng mới. Đó là mơ ước của tôi”.
Điều gì đã khiến cho các con ông sau khi du học ở nước ngoài đều trở về nước để kế nghiệp cha, và chấp nhận cuộc sống “tứ đại đồng đường”? Chính là nhờ cách giáo dục của cha mẹ, người đã gìn giữ cho các con những giá trị gia đình. Vợ ông ảnh hưởng triết lý Khổng Mạnh, dạy con rất tỉ mỉ về cách sống, cách ứng xử. Là người chịu đựng, hy sinh, bà lo chu toàn hết chuyện nhà, để ông dồn hết tâm sức cho sự nghiệp.
Gốm sứ Minh Long đang tái cấu trúc lại chính mình để chinh phục thế giới ở một đẳng cấp cao hơn. Thoát khỏi tầm vóc một công ty gia đình, bốn người con của ông sau khi du học nước ngoài về đều tụ lại ở mảnh đất thiêng Bình Dương, tiếp sức cho ông trong tái cấu trúc lại công ty, thổi vào sức sống hiện đại và tươi trẻ hơn cho một thương hiệu dẫn đầu của ngành gốm sứ, để vươn tới sự trường tồn.
Nói về con mình, ông mỉm cười hạnh phúc: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Các con tôi chịu trở về, nối nghiệp cha 99% là may mắn, vì mình đẻ con ra đâu biết con sẽ chọn lựa con đường sự nghiệp nào. Dựa vào năng khiếu và tính cách từng người để giao việc, con cả là Lý Huy Sáng hiểu biết bao quát nhiều chuyện, lãnh phần kinh doanh, giải quyết thường trực trong công ty. Người con trai thứ hai là Lý Huy Đạt hiểu biết khoa học vật lý, hóa, đảm trách kỹ thuật. Con gái thứ ba Lý Kha Trân có tố chất thẩm mỹ, đảm trách vai trò tư vấn thiết kế. Còn cậu út Lý Huy Bảo nhạy bén về lãnh đạo, giao tiếp, nói chuyện khiến người ta vui… quản lý về sản xuất, vì đây là môi trường nhiều thế hệ rất phức tạp”.
Như vậy, ông đã có ý thức chuẩn bị từ rất sớm về thế “kiềng ba chân” khá vững chắc cho những nhà lãnh đạo của tương lai, và không quản lý theo kiểu gia đình trị.
Là một nhà quản trị bản lĩnh, Lý Huy Sáng còn là một photograppher có hạng. Toàn bộ hình ảnh trong các mẫu quảng cáo ấn tượng của Minh Long đều do Sáng thực hiện. Ba anh em, mỗi người một cá tính, sở thích, cách nhìn và giải quyết sự việc khác hẳn nhau.
Nếu Sáng và Đạt mê kỹ thuật, thì Trân và Bửu lại rất mê âm nhạc, hội hoạ. Sự phối hợp chặt chẽ giữa ba anh em đều dựa trên một nguyên tắc cốt lõi: Khách hàng là trên hết. Ba anh em được giáo dục từ nhỏ sự tôn trọng lẫn nhau, từ tôn trọng mới dễ dàng chia sẻ.
Đôi khi quá cảm xúc, Trân bỏ qua những quy định về giá thành, khiến cho Sáng luôn phải nhắc chừng em về hiệu quả thương mại. Là người làm việc trực tiếp với bộ phận “chất xám” của công ty, Trân được các nghệ nhân và hoạ sĩ trẻ coi như bạn. Không khí trao đổi về mẫu mã lúc nào cũng sôi nổi như một cuộc đàm đạo về nghệ thuật. Cái khó nhất với Trân là thay đổi cách nghĩ, không vẽ những gì mình thích, mà vẽ những gì thị trường thích.
Sống với thiên nhiên giúp con người thanh nhã, trầm tĩnh, sự hồn nhiên cũng được giữ gìn. Ngắm nhìn gia đình ông quây quần bên nhau trong khu vườn nhỏ nơi “vùng đất thiêng” từ thời dựng nghiệp do chính vợ ông trồng cấy, gương mặt ai cũng thanh thản, nhẹ nhàng, chẳng hề có nét vội vã lo âu, dù áp lực công việc vô cùng lớn mới hiểu thế giới tinh thần phong phú và tình yêu thương đã giúp họ hoá giải mọi ưu phiền.
Để hướng con vào việc nối nghiệp cha với ông là cả một nghệ thuật: “Trước tiên là phải dẫn dụ con cùng chơi để con thấy thích thú, chấp nhận có mất mát, hư hỏng. Phải tôn trọng con và biết lắng nghe. May mắn trong gia đình các cháu đều yêu thương nghệ thuật, văn hóa, cái đẹp, lễ phép, gia giáo Á Đông, dù khả năng mỗi đứa mỗi khác, để học hỏi cùng nhau trong một sân chơi.
Để tạo không khí gia đình, tôi luôn duy trì bữa ăn chung với gia đình buổi trưa, và mỗi năm gia đình đều đi du lịch chung với nhau một, haii lần. Qua những chuyến đi xa dài ngày tình cảm gia đình gắn bó hơn, mang lại những kỷ niệm nhớ đời, làm cho mỗi thành viên luôn nghĩ về nhau.
Là một doanh nhân cũng có máu nghệ sĩ, khi ra ngoài không tránh khỏi cạm bẫy, nhưng tôi luôn hướng về một mái ấm, để không đi lạc đường. Trừ khi đi công tác xa, chưa bao giờ tôi qua đêm ở bên ngoài. Tối nào cũng về nhà, muộn nhất là 10 giờ, vì tôi biết có người đang trông chờ, mặc dù bà xã ít khi thúc giục, nhắc nhở. Cha là thầy, là tấm gương, mình sống sao thì con mình sẽ sống vậy, Tôi cũng ít say sưa, chỉ uống chút rượu khi vui”.
Trong nhà ông, gia tài quý nhất là một thư viện với rất nhiều sách quý, nơi cất giữ những bộ sưu tập về sản xuất gốm sứ do cha con tìm kiếm suốt mấy chục năm qua trên thế giới để khi cần có thể tra cứu ngay.
Ông muốn xây dựng Minh Long trở thành một hình ảnh không chỉ đẹp cho gia đình, giòng họ, mà cho đất nước, cho đại cuộc, trở thành niềm tự hào của Việt Nam với bạn bè thế giới. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, nhưng theo ông, phải tận nhân lực, mới mong tri thiên mệnh.
Theo Kim Yến/TheLeader
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/vua-gom-su-viet-ly-ngoc-minh-va-dao-cua-nguoi-quan-tu-a6345.html