Chàng trai 'bột bã mía' nhận 2 tỷ đồng trong Shark Tank Việt Nam

Mô hình nuôi tôm bằng bột bã mía là start-up duy nhất gọi vốn thành công trong tập cuối Shark Tank Việt Nam.

Xuất hiện trên chương trình “Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ” tập 16 ngày 24/2, Trần Phúc Hậu – người đại diện Công ty TNHH Thương mại Thủy sản Đại Thành - kêu gọi số vốn 2 tỷ đồng cho 20% cổ phần công ty.

Trần Phúc Hậu – người đại diện Công ty TNHH Thương mại Thủy sản Đại Thành - kêu gọi số vốn 2 tỷ đồng cho 20% cổ phần công ty. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Theo Hậu, một trong những vấn đề của hoạt động nuôi tôm biển là dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thức ăn dư thừa trong quá trình nuôi, phân tôm có thể tạo ra khí độc khiến tôm suy yếu, thậm chí chết đột ngột. Hay sự biến đổi môi trường dễ khiến tôm căng thẳng và nhiễm bệnh. Ngoài ra, các chủ trang trại vẫn chưa có biện pháp đặc trị một số vi khuẩn gây bệnh đường ruột cho tôm.

Hiểu rủi ro, bất cập trong ngành nuôi tôm, Hậu tạo ra bột bã mía vi sinh cho bà con nông dân. Khi bón trực tiếp bột bã mía vào ao nuôi, nó sẽ giúp hệ sinh vật phát triển thuận lợi, cải thiện môi trường nuôi, giảm chi phí đầu tư.

“Tôi học ngành Bác sỹ Đa khoa của Đại học Y khoa Cần Thơ. Nhưng sau hai năm, tôi quyết định nghỉ để thi vào Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh”, Hậu nói.

Mọi ao nuôi tôm đều phải sử dụng một loại vi sinh. Ưu điểm của bột bã mía so với các sản phẩm khác là lành tính, vi sinh chuẩn có thể phát huy hoạt lực và bột bã mía là nguồn cacbon hữu cơ cao.

Giá của bột bã mía là 5 triệu đồng một tấn. Năm 2016, Hậu bán 150 tấn và hiện tại bán 300 tấn. Lợi nhuận chiếm 15% doanh thu.

Bộ máy nhân sự chính của công ty chỉ gồm 2 người. Hậu thuê nhà xưởng để sản xuất trong 3 năm. Anh dự kiến năm sau công ty sản xuất 5 tấn bột một ngày.

Hậu cho biết, đồng bằng Sông Cửu Long có 300.000 hecta nuôi tôm, chiếm 80% diện tích nuôi tôm cả nước. Trên mỗi hecta, chủ trang trại bón khoảng 100 kg bột một lần và định kỳ 7 ngày bón một lần. Thông thường, người nông dân nuôi thâm canh một năm 2 vụ tôm.

Ông Trần Anh Vương muốn biết Hậu dự tính chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong tổng dung lượng thị trường 360.000 tấn một tháng tại đồng bằng Sông Cửu Long.

“Căn cứ vào năng lực bản thân, tôi dự tính năm sau công ty đạt 7 – 10% trong tổng cầu 360.000 tấn một tháng. Mặc dù thị phần còn thấp nhưng thị trường của tôi đã trải rộng khắp các tỉnh Đồng bằng Sông Cứu Long. Bằng cái tâm tạo ra giá trị thực cho khách hàng, tôi tin tôi sẽ làm được”, Hậu khẳng định.

Nếu thương vụ thành công, Hậu sử dụng số vốn 2 tỷ đồng để phát triển thị trường, hệ thống đại lý. Anh nói mỗi đại lý sẽ nhận tối 200 kg bột bã mía từ công ty. Sau khi bán lượng bột đó, họ sẽ lấy hàng tiếp. Ngoài ra, Hậu mong muốn xây dựng phòng thí nghiệm, nghiên cứu mở rộng sản phẩm.

“Tầm nhìn của tôi không dừng lại một sản phẩm mà hướng tới cả mô hình an toàn cho người nông dân. Hiện nay, các tổ chức nhà nước, sở thủy sản công nhận bột bã mía của tôi là sản phẩm đầu tiên, có chất lượng tốt nhất”, Hậu chia sẻ.

Thừa nhận bột bã mía không phải sở trường, bà Thái Văn Linh từ chối đầu tư. Lê Đăng Khoa cũng lắc đầu vì chưa thấy sự khác biệt nổi bật của sản phẩm, đồng thời nhận thấy đầu ra sản phẩm phức tạp.

Doanh nhân Phạm Thanh Hưng đề nghị đầu tư 2 tỷ đồng cho 49% công ty và muốn cùng Hậu phát triển dòng sản phẩm mới. Ông Nguyễn Xuân Phú đưa ra con số 2 tỷ đồng đổi lấy 45% cổ phần.

Trước tình hình đó, ông Trần Anh Vương quyết định bắt tay hợp tác cùng ông Hưng đầu tư 2 tỷ đồng cho 40% cổ phần, cùng điều kiện ông Vương có quyển biểu quyết 51% trong năm đầu tiên.

“Tôi rất tâm huyết với ngành sản xuất này, dù rất nhiều người phản đối. Mức cổ phần tối đa tôi đổi là 25%”, Hậu nói.

Sau câu nói của Hậu, ông Phú lập tức giảm tỷ lệ cổ phần xuống 30% cho 2 tỷ đồng.

Liên minh hai nhà đầu tư – ông Vương và ông Hưng - rót vốn 2 tỷ đồng cho 36% cổ phần, điều kiện ông Vương có quyển biểu quyết 51% trong năm đầu tiên.

Hậu nhận định bản thân rất cần mối quan hệ, tiếng nói của các nhà đầu tư, nhưng 36% cổ phần vẫn cao. Anh đề nghị ông Vương suy nghĩ lại, có thể nâng số vốn thành 3 tỷ đồng cho 36% cổ phần.

Ông Vương kiên định với con số ông đã đưa ra là 2 tỷ đồng đổi lấy 36% cổ phần. Bởi vậy, Hậu đồng ý đề nghị từ ông Phú.

Bùi Mến

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chang-trai-bot-ba-mia-nhan-2-ty-dong-trong-shark-tank-viet-nam-a6476.html