So với các ứng dụng trên thị trường hiện nay, Tada có điểm nổi bật là sử dụng công nghệ chuỗi khối Blockchain để ghi dữ liệu thông tin về xe và tuyên bố không thu chiết khấu tài xế vĩnh viễn. Như vậy, tài xế sẽ nhận toàn bộ số tiền khách hàng thanh toán (trừ phí giao dịch nếu người dùng chọn thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc các phương thức khác) và nhiều khả năng giá cước sẽ rẻ hơn các ứng dụng khác.
Theo thông tin trước đó trên VnExpress, MVL hình thành năm 2012, bởi một nhóm nhà sáng lập chủ yếu là người Hàn Quốc. Tuy nhiên, công ty được đăng ký thành lập chính thức với trụ sở ở Singapore.
"Mô hình dịch vụ của chúng tôi tương tự với Uber và Grab nhưng công nghệ đằng sau thì khác biệt. Hai hãng này có giải pháp khá truyền thống. Đằng sau dịch vụ của họ là tập trung hóa cơ sở dữ liệu vào server. Tất cả dữ liệu được thu về đó và họ sử dụng cho riêng họ. Trong khi đó, dữ liệu của chúng tôi được lưu bằng công nghệ blockchain. Điều đó có nghĩa dữ liệu là sở hữu của tất cả người cung cấp, nên nó minh bạch và mọi người có thể sử dụng mang lại lợi ích cho mình", VnExpress dẫn lời CEO Kay Woo.
Tháng 7 vừa qua Tada đã ra mắt tại thị trường Singapore và đến tháng 12 là thị trường Campuchia. Ứng dụng gọi xe này từng lên kế hoạch vào Việt Nam trong tháng 7/2018 nhưng phải đến tháng 1/2019 kế hoạch này mới chính thức thành hiện thực.
Được biết vì không thu chiết khấu tài xế nên Tada sẽ tập trung vào các nguồn thu khác, mà cụ thể là các cơ hội kinh doanh B2B. Theo đó, startup sẽ thu phí liên kết từ dịch vụ bảo hiểm, các đơn vị kinh doanh xe qua sử dụng, bán quảng cáo,…
Các tài xế của Tada có thể chạy đồng thời cho ứng dụng gọi xe khác. Nếu làm tốt, họ sẽ được nhận điểm thưởng là token MVL. Loại token này được dùng trong hệ sinh thái MVL hoặc có thể mang bán trên các sàn chấp nhận giao dịch chúng.
Đại diện Tada cho biết sẽ không tham gia vào một cuộc chiến đốt tiền để chiếm thị phần mà thu hút khách hàng bằng giá cước rẻ.
theo Trí Thức Trẻ