Mục tiêu trong 10 năm tới của Lavifood là sẽ vào Top 10 châu Á và Top 20 thế giới về chế biến rau củ quả
Là một gương mặt mới trong ngành chế biến rau củ quả của Việt Nam nhưng Lavifood đang cho thấy quyết tâm muốn thay đổi bộ mặt của ngành này với một kế hoạch vô cùng tham vọng: trong 10 năm tới, họ muốn lọt vào top 10 châu Á và top 20 thế giới trong ngành chế biến ra củ quả.
Đến năm 2026, dự kiến diện tích vùng trồng của Lavifood sẽ vào khoảng 33.100ha, sản lượng rau củ quả đạt 1 triệu tấn/năm và tổng doanh thu chạm cột mốc 1,5 tỷ USD/năm.
Lộ trình để họ thực hiện mục tiêu này đã được tiết lộ, Lavifood sẽ xây dựng 7 nhà máy bắt đầu từ năm 2015 đến 2023, lần lượt ở các tỉnh: Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Bình Thuận, Đắc Lắc, Quảng Trị và Hải Phòng.
Tuy nhiên, với việc nhà máy đầu tiên tên Lavifood ở Long An khai trương vào năm ngoái, còn nhà máy Tanifood – trung tâm chế biến rau củ quả lớn nhất Việt Nam, vừa khai trương ở Tây Ninh cách đây vài ngày, có vẻ thực tế đã chậm hơn 2 năm so với kế hoạch ban đầu.
Trong giai đoạn đầu, 2 nhà máy đầu tiên của Lavifood sẽ tập trung gia công nông sản cung cấp cho thị trường xuất khẩu tại châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và chỉ sau khi trở thành một nhà gia công sành sỏi, Lavifood mới chuyển qua xây dựng thương hiệu riêng cho các thành phẩm đầu cuối.
Chia sẻ với báo giới, ông Phạm Ngô Quốc Thắng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lavifood nói, “tất cả các doanh nghiệp lớn trên thế giới đều phải đi qua lộ trình này”, bởi chuyện làm thương hiệu không phải chỉ trong ngày một ngày hai.
Ông có thể cho biết khi nào nhà máy Tanifood sẽ chạy hết công suất và công ty đã tìm được người mua hàng cho năm tới?
Ông Phạm Ngô Quốc Thắng: Như mọi nhà máy khác, khoảng 5 năm nữa Tanifood chạy hết công suất, còn trong năm 2019, Tanifood sẽ chạy khoảng 30% công suất và chúng tôi cũng đã có khách mua hết hàng trong năm 2019.
Vậy đâu là sản phẩm và thị trường chủ lực của Lavifood?
Ông Phạm Ngô Quốc Thắng: Như các bạn đều biết, các tập đoàn sản xuất hùng mạnh trên thế giới đều phải đi từ gia công sau đó mới ra sản phẩm hoàn chỉnh. Ví dụ, các hãng máy tính lớn trên thế giới, trước đây họ cũng gia công, sau khi trở thành nhà gia công nổi tiếng rồi, họ mới sản xuất máy tính mang thương hiệu riêng.
Tương tự như vậy, trong giai đoạn đầu, 2 nhà máy của Lavifood sẽ chủ yếu gia công rau củ quả để xuất khẩu, sau khi đứng vững trên thị trường gia công, chúng tôi mới tạo ra sản phẩm mang thương hiệu riêng và tạo được tiếng vang cho nông nghiệp Việt trên thế giới. Ngược lại, các loại nước trái cây - rau củ đã đóng lon và chai, trái cây sấy… sẽ tập trung tấn công thị trường trong nước, bên cạnh xuất khẩu.
Thị trường xuất khẩu của chúng tôi tập trung vào châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc; hai thị trường chủ lực đang là Mỹ và Hàn Quốc. Lavifood khá hiểu thị trường Hàn Quốc, vì Giám đốc điều hành của chúng tôi cũng là người Hàn Quốc - ông Lee Yong Kyun. Trong nước, chúng tôi sẽ hợp tác với Co.op Mart, Big C và Satra Food.
Hoạt động chính của các nhà máy của Tanifood trong giai đoạn đầu cũng chỉ là gia công, vậy chúng có khác gì những nhà máy của các doanh nghiệp khác đã ra đời trước đó?
Ông Phạm Ngô Quốc Thắng: Mặc dù, chúng tôi không thể ngay lập tức nâng cao được giá trị nông sản Việt Nam, nhưng Tanifood sẽ góp phần giảm thiểu, chấm dứt tình trạng đổ bỏ nông sản vì giá rẻ, rủi ro từ thương lái, giúp nâng cao giá trị nông sản Việt Nam và cải thiện đời sống, thu nhập cho người nông dân tỉnh Tây Ninh từ 0,26 USD/m2 lên 3,6 USD/m2.
Không như người đi trước, phương châm hoạt động của Lavifood là phải có thị trường rồi mới làm vùng trồng. Mô hình hoạt động của Lavifood sẽ theo công nghệ E-Farm: chúng tôi sẽ ra tìm khách hàng quốc tế, sau khi có đơn hàng, chúng tôi sẽ phân nhiệm vụ cụ thể cho từng nhà máy, rồi các nhà máy dựa trên đơn hàng mình được giao, đề nghị bà con gieo trồng các chủng loại rau củ quả với diện tích và số lượng phù hợp, cuối cùng chúng tôi sẽ cùng nông dân kiểm soát vùng trồng.
Nói nôm na, bà con nông dân sẽ trồng theo yêu cầu của nhà máy, nhà máy sẽ bao tiêu đầu ra. Tất nhiên, để được các nhà máy bao tiêu, người dân ở các vùng trồng phải canh tác theo quy trình và kỹ thuật mà đơn hàng yêu cầu.
Ông có thể cho biết chi tiết hơn về mô hình kết hợp này?
Ông Phạm Ngô Quốc Thắng: Nói như thế này, nhà máy và vùng trồng của người nông dân là hai mắc xích trong chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao hội nhập thị trường quốc tế - Mô hình điểm tại Tây Ninh do Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ sáng lập và điều phối.
Lộ trình của chuỗi giá trị này như sau: đầu tiên là xây dựng nhà máy, sau đó hoạch định vùng trồng. Nhà máy sẽ cung ứng cho bà con về giống, phân bón.
Về phân bón, thay vì trước đây nông dân mua của các nhà phân phối và đại lý, chịu đội giá từ 25% đến 30% cho chi phí marketing, sale; bây giờ, chúng tôi đàm phán trực tiếp với các công ty sản xuất phân bón, rồi mua với số lượng lớn giá rẻ hơn, sau đó công ty phân bón sẽ phân phối trực tiếp chủng loại cũng như số lượng phân về từng nông trại, theo đúng yêu cầu liều lượng của nhà máy.
Yêu cầu chất lượng nông sản từ các nhà máy của Lavifood như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Ngô Quốc Thắng: Yêu cầu tiêu chuẩn ban đầu của chúng tôi chỉ là VietGap, vì chúng ta không thể đòi hỏi người nông dân thay đổi lớn ngay lập tức. Nhằm có lộ trình nâng cao chất lượng phù hợp, hiện nhà máy có rất nhiều dòng sản phẩm tương ứng với chất lượng nông sản đầu vào chưa đồng đều của nông dân.
Ví dụ: nhà máy sẽ mua tất cả các kích cỡ trái cây, loại 1 sẽ làm hàng xuất khẩu – giá cao nhất, loại 2,3,4 sẽ làm sản phẩm đông lạnh, sấy cô đặc và nước ép – với giá thấp dần đều. Theo đó, sang năm, bà con nông dân muốn bán được giá cao, sẽ cố canh tác sao cho thu hoạch được càng nhiều size loại 1 càng tốt, như thế chất lượng nông sản sẽ ngày càng được chuẩn hóa.
Ông có sợ các nhà máy của Lavifood sẽ không có đủ nông sản đầu vào đủ chuẩn xuất khẩu trong thời gian đầu?
Ông Phạm Ngô Quốc Thắng: Tôi không sợ, vì như chúng ta biết, ở Việt Nam hiện nay có 1,6 triệu hecta đất trồng rau củ quả, sản lượng mỗi năm khoảng 27 triệu/tấn, trong khi chúng ta đang có 150 nhà máy chế biến mới chỉ xử lý hết 1 triệu tấn/năm, có nghĩa là nguyên liệu còn rất nhiều.
Thỏa thuận bao tiêu nông sản của chúng tôi không chỉ cho riêng tỉnh Tây Ninh hay Long An mà còn nhiều tỉnh lân cận khác như Đồng Tháp, Tiền Giang, Đồng Nai. Dự kiến trong 3 năm tới, tỉnh Tây Ninh sẽ hoạch định lại vùng trồng để làm cao có thể cung cấp đủ nông sản cho 30% công suất của nhà máy (công suất tối đa của nhà máy Tanifood là 60.000 tấn thành phẩm/năm), sau đó nâng dần lên 50% đến 70% công suất.
Việc nhà máy Tanifood đặt ở tỉnh Tây Ninh có khiến bà con nông dân Tây Ninh hưởng lợi từ nhà máy nhiều hơn những tỉnh khác?
Ông Phạm Ngô Quốc Thắng: Tất nhiên, theo chính sách của nhà máy Tanifood, bà con ở Gò Dầu nếu bán nguyên liệu cho nhà máy sẽ được giá cao hơn bà con huyện khác tại Tây Ninh, còn bà con ở Tây Ninh bán nông sản cho nhà máy cũng sẽ có giá cao hơn các tỉnh khác. Chúng tôi muốn bà con nông dân Tây Ninh tự hào vì Lavifood đã chọn vùng đất này để đặt nhà máy và ngược lại.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cam kết đồng hành cùng với người nông dân Tây Ninh trong 50 năm, cùng với họ, chúng tôi sẽ triển khai và quy hoạch các cùng trồng cho cây ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; sau đó bao tiêu đầu ra cho nông dân.
Xin cảm ơn ông!
Theo TheLeader