Dân gian có câu: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, nhưng điều này không còn đúng với thực tế hiện nay nữa. Ngày càng nhiều lao động đang làm thêm các nghề tay trái nhằm cải thiện thu nhập, bất chấp những rủi ro mà họ có thể gặp phải.
Vào ban ngày, Suzanne Graham chỉ là một nhân viên văn phòng bình thường như bao người khác. Nhưng khi đêm xuống, cô ấy không trở thành một hiệp sĩ đường phố như chúng ta vẫn hay thấy trên phim, mà phải vật lộn với đống bảng kê doanh thu, cũng như chuẩn bị bao bì đóng gói cho công việc kinh doanh của mình – Rebel Chocolate.
Bởi lẽ, Suzanne là một trong những người làm nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập. Cô có công việc kinh doanh riêng bên cạnh công việc văn phòng thường ngày. Trong khi đó, chồng cô lại làm fulltime cho một công ty startup. Suzanne cho biết: "Việc có hai nghề khác nhau giúp tôi đảm bảo về mặt tài chính. Nhờ vậy, chúng tôi có đủ tiền để trả các khoản vay thế chấp và chi phí ăn uống hàng ngày".
Sáng đi làm, tối cũng đi làm
Khi Suzanne không quá bận bịu với công việc quản lý dự án tại Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (khu vực Scotland), cô lại dành thời gian để giải quyết các vấn đề tài chính và marketing cho công ty của mình. Việc này gần như đã chiếm hết các buổi tối, những ngày cuối tuần, và cả những ngày nghỉ phép của cô. "Tôi làm bất cứ điều gì có thể trong thời gian cho phép".
Xu hướng làm việc này ngày càng trở nên phổ biến tại Anh. Theo báo cáo ước tính của công ty dịch vụ tên miền GoDaddy và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Doanh nghiệp, cứ 17 doanh nghiệp vừa và nhỏ thì lại có 1 doanh nghiệp do người lao động fulltime làm chủ. Còn trong cuốn Sách trắng được công bố bởi Trường Kinh doanh Henley, người ta đã thống kê rằng, có khoảng 25% người lao động làm thêm các nghề tay trái, từ bán đồ trang sức tại nhà cho đến làm DJ part-time.
Theo cả hai nghiên cứu này, lý do phổ biến nhất khiến mọi người làm thêm nghề tay trái là do đam mê hoặc để tăng thêm thu nhập. Thế nhưng, đối với Kathryn Tyler, cô đến với nghề tay trái một cách hoàn toàn tình cờ.
Công ty của cô có tên là Digital Mums, chuyên hỗ trợ các bà mẹ muốn quay trở lại làm việc. Cô thành lập công ty này khi đang là trưởng phòng truyền thông của một công ty sáng tạo. "Tôi và bạn tôi đã từng tham gia tư vấn truyền thông trên mạng xã hội theo hình thức freelance, nhưng các khách hàng vẫn cứ yêu cầu chúng tôi trực tiếp tiến hành dự án", Kathryn nhớ lại.
Bộ đôi đã tự hỏi rằng, liệu họ có thể huấn luyện các bà mẹ trở thành quản lý mạng xã hội, với một lịch làm việc linh hoạt cho phép họ được thuận tiện chăm con.
Dự án startup này dần dần phát triển nhờ vào khoản thu nhập cố định hàng tháng của Kathryn. Cô giải thích: "Nếu đây không phải là nghề tay trái thì tôi cũng không dám mở công ty Digital Mums này. Chỉ đơn giản là tôi không muốn mạo hiểm với tiền của mình, nhất là khi tôi không có bất kỳ khoản tiết kiệm nào."
"Vậy nên, tôi chưa từng nghĩ đến việc sẽ từ bỏ nghề nghiệp chính của mình."
Đối với Suzanne, việc duy trì công việc fulltime còn đem lại cho cô một lợi thế khác. Cô học được thêm nhiều kiến thức, mánh khóe ở văn phòng, rồi mang về áp dụng vào công ty nhỏ của mình. "Nghề nghiệp chính của tôi liên quan đến việc quản lý những thay đổi và khuyến khích mọi người tin tưởng vào chúng. Vì thế, tôi học được rất nhiều kỹ năng bán hàng hữu ích," cô chủ của Rebel cho biết.
Kathryn Tyler bên cạnh logo công ty Digital Mums của mình.
Những rủi ro tiềm ẩn về sức khỏe và hiệu quả công việc
Thế nhưng, không phải ai cũng có cái nhìn tích cực về vấn đề này. Chỉ có khoảng 38% số nhân viên được hỏi tỏ ra thích thú với nghề tay trái. Lo ngại lớn nhất của họ là nguy cơ làm việc quá sức. Bernd Vogel – giám đốc sáng lập của Trung tâm Lãnh đạo Henley giải thích: "Đam mê và sự yêu thích có thể bù đắp cho những nỗ lực mà bạn phải bỏ ra, nhưng chỉ được một khoảng thời gian thôi."
Thomas Ali – một thành viên của hội đồng lao động địa phương, đồng thời là người sáng lập ra công ty Freshly Spiced chuyên kinh doanh các bộ nguyên liệu nấu ăn – cho rằng, lối sống này đòi hỏi "một sự cân bằng hoàn hảo" để có thể duy trì được cả "sự chuyên nghiệp và hiệu quả".
Kathryn cũng cho biết, những người có thêm nghề tay trái thường xuyên phải đối mặt với tình trạng kiệt sức. Điều này dễ dẫn đến việc vắng mặt ở công ty, hoặc đi làm trong tình trạng mệt mỏi, đau ốm, khiến công việc bị trì trệ và kém hiệu quả.
Ngoài ra, còn có nhiều mối lo ngại xoay quanh việc làm dụng thông tin, tài sản của công ty hay khách hàng.
Những người chủ lao động còn phải đối mặt với nguy cơ mất đi nhân viên của mình – những người đã quá mệt mỏi với cuộc sống sáng đi làm, tối cũng đi làm, hoặc những người quá thành công với việc kinh doanh riêng. "Đây thường là những cá nhân rất chủ động, sáng tạo, và độc lập. Họ có thể đóng góp rất nhiều cho công việc kinh doanh," Bernd Vogel đánh giá.
Suzanne Graham đã mở công ty Rebel Chocolate cùng chồng của mình.
Nghề tay trái không hề xấu, quan trọng là phải biết cách tận dụng nó
Giờ đây, vấn đề này không thể bị xem nhẹ, khi mà số lượng người có nghề tay trái đã tăng thêm 32% chỉ trong vòng một thập kỉ qua. Những người này đã đóng góp gần 14,4 triệu bảng Anh cho nền kinh tế trong nước. Vì thế, họ giữ một vai trò hết sức quan trọng không thể bỏ qua.
Vậy làm thế nào để cả đôi bên đều vừa lòng? Giám đốc nhân sự của Metro Bank – Danny Harmer – cho biết, công ty của bà có rất nhiều người làm thêm nghề tay trái ngoài giờ. "Thay vì giải quyết mọi thứ theo một cách phức tạp không cần thiết, chúng tôi chỉ đơn giản là yêu cầu nhân viên của mình đặt công việc tại Metro Bank lên hàng đầu mỗi khi đặt chân đến văn phòng."
Theo bà, chừng nào nhân viên cởi mở với sếp về vấn đề này, công ty sẽ "sẵn lòng" hỗ trợ cho họ. "Nhân viên sẽ thấy thoải mái hơn nếu bạn cho phép họ thỏa mãn các sở thích và tham vọng cá nhân."
Những nhân viên cảm thấy hài lòng sẽ làm việc hiệu quả hơn. Kathryn nhớ lại những thay đổi trong thái độ của cô khi Digital Mums mới được thành lập. "Tôi đã làm việc cho sếp của mình được 5 năm, và tôi không hề cảm thấy áp lực chút nào," cô chia sẻ. "Nghề tay trái cho phép tôi được học hỏi mỗi ngày, cũng như thay đổi tầm nhìn của tôi ở công ty. Vậy nên, tôi không còn cảm thấy chán nản như trước. Tôi đến chỗ làm với tràn đầy năng lượng."
Các nhân viên cũng sẽ tiếp thu thêm được nhiều kỹ năng thông qua những trải nghiệm khởi nghiệp của họ, và áp dụng chúng vào trong công việc văn phòng. Ông Bernd Vogel nghĩ rằng, những người làm thêm nghề tay trái đều phát triển một số phẩm chất nhất định, ví dụ như khả năng tự nhận thức, sự chủ động, kỹ năng xây dựng và quản lý các mối quan hệ.
Cũng theo Bernd Vogel, các chủ doanh nghiệp không nên cấm hoàn toàn việc nhân viên có thêm nghề tay trái. Ông cho rằng, "Công ty nào ngăn cản việc nhân viên làm thêm sớm muộn gì cũng sẽ thất bại. Bởi lẽ, những người này sẽ xem xét lại mối quan hệ của họ đối với công ty."
Bà Danny Harmer thì gợi ý rằng, các tập đoàn nên đưa ra thông điệp cho phép nhân viên làm nghề tay trái trong một chừng mực nhất định. "Hãy chia sẻ các câu chuyện kinh doanh với nhân viên của mình, mời họ đi ăn trưa để vừa tâm sự vừa học hỏi, và sử dụng truyền thông nội bộ để thiết lập sự cho phép."
Nếu triển khai một cách đúng đắn, điều này sẽ có lợi cho tất cả mọi người. Theo Bernd Vogel, các chủ doanh nghiệp nên loại bỏ kiểu tư duy cho rằng nhân viên không được phép chia sẻ lòng trung thành của mình với những công việc khác. "Lòng trung thành theo từng giai đoạn là một khái niệm mới cần được chấp nhận," ông cho biết.
Kathryn cũng đồng tình với quan điểm này. "Bạn có thể cho rằng nghề tay trái sẽ khiến tôi phân tâm khi làm việc, và tôi sẽ dành nhiều tâm huyết hơn cho việc kinh doanh riêng. Nhưng điều đó không hề đúng trong trường hợp của tôi," cô giải thích. Kathryn đã trở nên hết lòng hơn đối với công ty sau khi được sếp tạo điều kiện giảm giờ làm, nhờ đó cô có thể tập trung vào việc kinh doanh của mình.
Cô cũng nói thêm rằng, nếu bạn nghiêm túc với những nghề tay trái của mình, chúng cũng sẽ đền đáp lại bạn. "Tôi trả lời thư điện tử và các cuộc gọi kể cả vào ngày nghỉ, vì tôi rất biết ơn công ty đã cho tôi cơ hội được làm thêm ngoài giờ."
"Tôi rất hạnh phúc vì được cống hiến nhiều hơn."
Theo Ngọc Hà
Trí Thức Trẻ/Telegraph