Chỉ 1.000m2 đất, ông nông dân từng là thầy giáo này mỗi ngày có thể thu 2kg trứng ruồi lính đen với giá thị trường hiện là 30 triệu đồng/ký. Đó là anh Phạm Văn Bé, ấp Đức Ngãi 1, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Không hẹn mà gặp, tôi cùng 4 doanh nghiệp đến nhà anh Phạm Văn Bé (ấp Đức Ngãi 1, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) xem mô hình cho ruồi lính đen “đẻ mùng” thu lãi siêu khủng.
“Thằng Bé nó bị khùng…!”
Ruồi đen hay ruồi lính đen (tên khoa học Hermetia Illucens) là loại côn trùng thuộc họ Stratiomyidae, tộc Hermetia, loài H.illucens. Ruồi lính đen trưởng thành có màu đen, dài 12–20mm, có vòng đời khoảng hơn 1 tháng, bắt đầu từ trứng, ấu trùng, nhộng, cuối cùng lột xác thành ruồi lính đen. Ruồi trưởng thành chỉ sống khoảng 3-5 ngày và hoàn toàn không ăn uống gì cho đến chết. Con cái trưởng thành đẻ từ 500 - 800 trứng. Ấu trùng ruồi đen làm thức ăn cho chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy sản và xử lý chất thải trong nông nghiệp, làng nghề.
Sau những ngụm rượu ngâm ruồi lâng lâng, anh Bé đưa đoàn doanh nghiệp đi học nuôi… ruồi xuống khu cho ruồi lính đen đẻ trứng. Trong một khu đất rộng khoảng 1.000m2 anh Bé cất nhà, cho vây kín bằng tấm nhựa, rồi chia thành 2 khu: Khu đẻ trứng và nhân nhộng ruồi lính đen.
Tại khu đẻ trứng, anh Bé cho bố trí hơn 50 chiếc mùng (ngang 2m, rộng 7m, cao ngang ngực) rồi dồn hàng tỷ con ruồi lính đen trưởng thành vào. Những chú ruồi lính đen dài khoảng 2mm lớp bu đen vạt mùng, lớp chen chúc nhau đẻ trứng vào những kẽ hở của những tấm gỗ được ghép lại và bố trí trong mùng.
Anh Hiệp - một doanh nghiệp tư vấn về dinh dưỡng sức khỏe từ Hà Nội vào, nhìn đám ruồi lính đen bò lúc nhúc trong mùng, ngỡ ngàng: “Lần đầu tôi thấy nuôi ruồi lính đen, và lại nuôi trong mùng. Tôi định vào mua vài ba cân trứng đem ra Hà Nội sử dụng. Đây là loại thực phẩm sạch và rất bổ dưỡng”.
Việc quy phục và nuôi ruồi lính đen trong mùng cho đẻ trứng được anh Bé kể khá ly kỳ. 7 năm trước, sau trận dịch, một số gà trong đàn gà hàng trăm con của thầy giáo làng Phạm Văn Bé đang nuôi bỗng dưng đổ bệnh. Bán tháo đàn gà không kịp, anh Bé vứt một số con chết ra bờ ao. Số gà chết này làm tổ cho đám ruồi xanh sinh sôi dòi bọ. Thấy đám dòi béo tròn lúc nhúc trong thân gà, anh Bé mang con gà ra cầu ao cá đặt lên rồi ngồi xem đám dòi rớt xuống ao làm mồi cho cá. “Tôi thấy đám cá nuôi rất thích ăn dòi. Cá bu đặc dưới con gà chờ dòi rớt xuống” - anh kể.
Điều quan trọng là sau những ngày ăn nhộng của ruồi xanh, đàn cá, sau đó là đàn gà vườn phát triển khá tốt. Anh Bé “ngộ” ra nên thử nuôi nhộng ruồi để làm thức ăn trong chăn nuôi. Anh bắt một số ruồi cho vào mùng rồi nuôi thử. Hầu hết, chúng ít đẻ và khi trưởng thành ruồi xanh đều chết. Tuy nhiên, anh lại phát hiện lẫn trong số ruồi nuôi có ruồi lính đen. Chúng phát triển rất tốt, nhất là việc đẻ trứng.
Cơ duyên đã đến, anh Bé chấp nhận xin “về vườn”, gác lại sự nghiệp 27 năm đứng lớp và một suất biên chế trong ngành giáo dục. “Nói gì thì nói, tôi vẫn là nông dân và rất mê làm nông. Theo nghề giáo mấy chục năm viết đơn xin nghỉ tôi đau lắm. Chung quy, tôi thấy cái nghề nuôi ruồi lính đen lấy trứng quá sáng sủa” - anh trần tình.
Theo anh Bé, nuôi ruồi lính đen không khó, quan trọng là nguồn thức ăn và giữ nhiệt độ ổn định (25 - 37°C). Hầu như không có rủi ro, vì thời gian sinh sản trứng chỉ khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, có một điều cực kỳ quan trọng khác quyết định sống còn của nghề nuôi ruồi lính đen là phương pháp tác động để ruồi lính đen “xác định giới tính” nhằm tăng năng suất đẻ trứng.
Lợi nhuận gấp… 600 lần lúa
Thức ăn cho ấu trùng ruồi lính đen chủ yếu là rau, củ, quả đã hư hỏng. Số lượng phế phẩm này thường xin ở chợ. Ấu trùng (dòi) của ruồi đen là loại côn trùng phàm ăn. Chỉ với 1m2 ấu trùng có thể ăn tới 40kg phân lợn tươi mỗi ngày và cứ 100kg phân có thể sản xuất ra 18kg ấu trùng.
Trước khi ghé nhà anh Bé, tôi gặp ông Ba Bắc -trưởng ấp Đức Ngãi 1, anh Bé gọi bằng cậu. Nghe hỏi chuyện anh Bé nuôi ruồi, ông Ba Bắc cười khì: “Thằng Bé nó bị khùng. Ai đời, biết bao giáo viên mơ cái biên chế còn không có, nó có mà xin thôi. Ngặt nỗi, nó nuôi ruồi nghe đâu cũng ngon lắm. Thôi kệ, ở đời được này, mất kia…”.
Sau khi giới thiệu khá tỉ mỉ những chú ruồi lính đen cần cù đẻ trứng, anh Bé đưa chúng tôi sang khu nhân nhộng. Ông Nguyễn Tuấn Vũ - Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp công nghệ cao Việt Úc (TP.HCM), cùng theo đoàn cho biết, hiện HTX của ông cũng đang nhân giống nhộng ruồi lính đen và bán ra thị trường. Con giống và kỹ thuật ban đầu ông phải nhờ anh Bé hỗ trợ. “Tiềm năng nuôi ruồi lính đen rất lớn. Sản phẩm trứng ruồi đen rất giàu dinh dưỡng. Việc nuôi ruồi lính đen không chỉ nhắm vào kinh tế mà còn cải thiện môi trường” - ông Vũ cho biết.
Ông Vũ cho biết thêm, thành phần của ấu trùng ruồi đen, gồm: 42% protein, 34% chất béo. Đặc biệt, protein của ấu trùng ruồi rất giàu lysine. Trong chất béo của ấu trùng ruồi đen có tới 54% là axit lauric - một axit có tác dụng tiêu diệt virus có vỏ bọc bằng lipid (như virus HIV, sởi) cũng như Clostridium và các protozoa gây bệnh.
Theo anh Bé, hiện mỗi ngày cơ sở của anh sản xuất được 2kg trứng ruồi lính đen. Giá thị trường hiện nay 30 triệu đồng/kg. Cơ sở này còn có thể tăng khối lượng trứng lên gấp đôi nếu có đơn đặt hàng. Tuy nhiên, cơ sở chỉ bán ra thị trường một lượng nhỏ, còn giữ lại để làm giống.
Trại chủ yếu bán trứng cho các cơ sở chăn nuôi để họ tự tạo nhộng ruồi lính đen. Anh Bé tính, 1kg trứng ruồi lính đen có thể nhân thành 4 - 4,5 tấn nhộng. Hiện, một số trại chăn nuôi gia cầm đến mua trứng lính ruồi đen rồi tận dụng các phế phẩm nông nghiệp, như: Bả hèm bia, đậu, phân heo, gà… nuôi thành nhộng làm thức ăn cho gia cầm. “1kg nhộng ruồi lính đen có thể tăng 400kg thịt gà. Nếu đem nhộng làm thức ăn cho gia cầm sẽ giảm được 1/3 chi phí thức ăn”- anh Bé tính.
Theo Dân Việt
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/thay-giao-bo-nghe-ve-que-nuoi-ruoi-lay-trung-ban-30-trieu-ky-a66184.html