Xe công có thể mang đến cho người ngồi trong cảm giác... oai vệ. Nhưng cũng có khi lại mang đến không ít điều tai tiếng.
Tháng 6/2016, dư luận xôn xao trước thông tin Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh đi xe Lexus gắn biển xanh trị giá khoảng 5,7 tỷ đồng. Đáng nói hơn người dân phát hiện đó là xe tư nhân được gắn biển xanh sai quy định.
Sau khi báo chí phản ánh, chiếc xe trên phải lột biển xanh để trở về biển số trắng. Còn số phận Trịnh Xuân Thanh sau chiếc xe ấy khiến báo giới tốn không biết bao nhiêu chữ nghĩa khi loạt sai phạm của ông này bị đưa ra mổ xẻ.
Chắc hẳn, Trịnh Xuân Thanh nghĩ rằng xe sang gắn biển xanh mới đủ “oai”?
Xe biển xanh một thời của Trịnh Xuân Thanh |
Mười mấy năm về trước, vào năm 2004, dư luận cũng ồn ào quanh chuyện Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội “cưỡi 3.000 con trâu” đi làm. Ấy là khi Chủ tịch Hà Nội thời đó dùng chiếc xe Toyota Lexus LS 430 với giá 300.000 USD (giá trị sổ sách tại thời điểm đó là 4,037 tỷ đồng cả nguyên giá, phí và lệ phí tính đến khi chiếc xe được sử dụng). Trong khi, mức mua xe cho cấp Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội giá tối đa cũng chỉ 800 triệu đồng/xe dành cho đi từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác.
Còn ngày nay, chuyện xe công đi lễ chùa, đi ăn cưới, đi ăn tiệc, nhận xe DN biếu tặng... hầu như năm nào cũng xuất hiện trên đài báo, bất chấp trước đó có đầy văn bản nghiêm cấm, chấn chỉnh.
Rồi gần đây lại rộ chuyện xe công của Bộ Công Thương đón người nhà Bộ trưởng tận cửa sân bay. Sau đó, Bộ trưởng Công Thương đã phải có thư xin lỗi toàn thể nhân dân.
Không thể kể hết các dẫn chứng cho thấy, xe công từ chỗ là một phương tiện được trang bị để tạo thuận lợi cho quan chức và công chức làm việc, thì lại biến thành công cụ giải quyết khâu oai và lạm dụng của công.
Cả nước hiện có 39.425 chiếc xe công, để mua được lượng xe đó ngân sách phải bỏ ra tới 25,5 nghìn tỷ đồng. Đó là chưa kể, mỗi năm, ngân sách phải chi ra cả chục nghìn tỷ để “nuôi” xe công. Tính trung bình, mỗi chiếc xe công “ngốn” 320 triệu đồng/năm (gồm chi phí bảo dưỡng, xăng xe, lương cho lái xe,... ). Hơn 37.000 chiếc xe công tiêu tốn khoảng gần 13.000 tỷ/năm, bằng số thu ngân sách trong 1 năm của nhiều tỉnh như Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Giang,... cộng lại.
Vậy nên, khi tháng 10/2016, Bộ Tài chính tiên phong khoán xe công tới tận cấp Thứ trưởng (không trang bị xe công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại) thì nhận được không ít phản hồi tích cực. Một số cơ quan, đơn vị bắt đầu noi theo.
Dấn thêm một bước, tháng 7/2017 Bộ Tài chính liền đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô. Theo đó, Bộ Tài chính tính đến phương án “khoán xe công bắt buộc” đến tận cấp Thứ trưởng và tương đương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh... Đồng thời, giảm lượng xe phục vụ công tác chung của các cơ quan, đơn vị.
Theo phương án này, lượng xe công đến năm 2020 có thể giảm được tới 30-50% - một con số rất lớn.
Tuy nhiên, một năm sau bản dự thảo đầu tiên, đến bản dự thảo hồi tháng 9/2018, thì tính quyết liệt trong việc bắt buộc khoán xe công đã giảm hẳn.
Thay vì bắt buộc khoán xe công đến cấp Thứ trưởng và tương đương, thì việc này lại chỉ áp dụng đối với các chức danh ở đơn vị dưới cấp Sở, cấp Cục (như các Chi cục, Trung tâm,... ).
Không ít người theo dõi quá trình xây dựng Nghị định siết chặt việc quản lý, sử dụng xe công này đã tỏ ra bất ngờ khi ý tưởng to lớn ban đầu của cơ quan soạn thảo đã khác nhiều. Nhất là khi, việc đó có thể giúp ngân sách giảm chi cả ngàn tỷ đồng “nuôi” xe công mỗi năm, và cũng là để tránh việc lạm dụng xe công cho việc riêng, như đã xảy ra lâu nay.
Dẫu sao, một số quy định mới cũng sẽ hạn chế được phần nào tình trạng lạm dụng xe công. Theo đó việc quản lý xe phục vụ công tác chung được thực hiện theo phương thức giao cho một cơ quan, đơn vị sự nghiệp hoặc doanh nghiệp công ích quản lý xe tập trung để bố trí cho chức danh có đủ tiêu chuẩn khi đi công tác..
Xét cho cùng, xe biển xanh hay biển trắng, ô tô hay xe máy cũng chỉ là phương tiện. Trong lúc các phương tiện giao thông đang ngày càng đầy đủ hơn, tiện nghi hơn, thì nhận thức của những người sử dụng xe công cũng cần thay đổi.
Lương Bằng