Chính thức chuyển mình từ bia nội thành bia ngoại, các ông chủ người Thái đang sốt sắng tái cấu trúc Sabeco để nhanh chóng kiếm tiền trả khoản vay gần 5 tỷ USD mua lại công ty.
Tuy nhiên, không chỉ đối mặt với tình trạng kinh doanh ngày càng khó khăn, Sabeco cũng được Tổng cục Thuế lẫn Bộ Tài chính gọi tên.
Liên tục bị “đòi” nợ
Vào những ngày cuối năm 2018, Sabeco bất ngờ lùm xùm câu chuyện tiền bạc liên quan đến thuế. Theo đó, cuối năm ngoái, Cục Thuế TP.HCM bất ngờ có quyết định cưỡng chế, truy thu và phạt với số tiền lên tới 3.140 tỷ đồng, cưỡng chế bằng hình thức trích tiền từ tài khoản.
Tuy nhiên, ngay sau đó, trong công bố thông tin số 1560 của Sabeco với Ủy ban chứng khoán, Sabeco giữ nguyên và nhất quán quan điểm của mình từ năm 2015 khi Kiểm toán Nhà nước ban hành kết luận kiểm toán. Đó là Sabeco không có bất kỳ hành vi sai phạm nào trong việc kê khai, tính và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, và DN thực hiện đúng hướng dẫn bằng văn bản của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP.HCM trong những năm qua về vấn đề này.
Hiện việc truy thu và phạt thuế đối với Sabeco tạm dừng để chờ các bộ ngành và cơ quan xem xét.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu Sabeco bị “đòi” tiền. Trước đó, hồi tháng 4, Bộ Tài chính yêu cầu Sabeco phải nộp lại khoản lợi nhuận còn lại chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước. Về bản chất, đó là số tiền cổ tức 2.900 tỷ đồng cho cổ đông, trong đó nhà nước thu về khoảng gần 2.500 tỷ đồng.
Câu chuyện này cũng một thời được làm ầm ĩ với nhiều bên liên quan. Tuy nhiên, theo Sabeco, đại hội cổ đông mới là cơ quan quyết định về mức cổ tức hàng năm của từng loại cổ phần.
“Ban tổng giám đốc cho rằng đại hội cổ đông chưa phê duyệt quyết định chia cổ tức như đề xuất kiểm toán nhà nước nên công ty chưa có đủ cơ sở để ghi nhận khoản phải trả này, nên chỉ thuyết minh là ‘nợ tiềm tàng’ trên báo cáo tài chính. Tổng công ty đang trong quá trình xin ý kiến các cấp thẩm quyền về vấn đề này”, nghị quyết của công ty viết.
Như vậy, tổng số tiền đang “treo” trên đầu các ông chủ người Thái khi chân ướt chân ráo vào Sabeco là khoảng hơn 5.600 tỷ đồng. Nhưng có lẽ, điều này cũng không khiến ban điều hành lo ngại lắm, vì Sabeco “dư sức” để trả. Các ông chủ người Thái còn nắm trong tay 9.078 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, tính đến thời điểm cuối tháng 9.
Biến bia nội thành ngoại
Nằm trong tay người Thái đã lâu, nhưng mới đây Sabeco mới chính thức trở thành công ty ngoại sau khi đã được chấp thuận nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 100% vào đầu tháng 12 năm ngoái.
Ở thời điểm đó, tỷ lệ sở hữu của Sabeco bị giới hạn ở mức 49% nên ThaiBev phải thông qua một pháp nhân Việt Nam là Vietnam Beverage, chi ra khoảng gần 5 tỷ USD, mua lại 53,39% cổ phần Sabeco.
Đây là một thương vụ vay vốn ngân hàng để mua lại công ty. Sau khi được chấp thuận tăng tỷ lệ sở hữu, ThaiBev mới tiến hành cơ cấu khoản vay, biến Vietnam Beverage thành công ty nước ngoài. Bằng cách này, bia Sabeco chỉ còn cái tên là mang thương hiệu Việt.
Có thể thấy, trong hơn một năm vào Sabeco, các ông chủ người Thái đang ráo riết tái cấu trúc lại công ty.
Thực tế từ Đại hội cổ đông thường niên tháng 4 và đại hội bất thường vào tháng 7 đến nay, Sabeco đã thay đổi nhiều nhân sự ở vị trí Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Ban kiểm soát và các vị trí quản lý cấp trung. Lãnh đạo Sabeco cho biết sẽ thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp trong thời gian tới theo quy tắc của thế giới.
Sabeco cũng dự kiến sẽ tái cấu trúc công ty bằng cách cắt giảm tối đa chi phí, tăng hệ thống phân phối để tăng cường xuất khẩu. Năm 2017, sản lượng xuất khẩu bia của Sabeco đạt 28,6 triệu lít, gấp 4 lần so với năm trước đó.
Trước những băn khoăn về việc sự tồn tại của một thương hiệu bia Việt, người Thái cũng trấn an rằng sẽ giữ thương hiệu Sabeco. Thêm nữa, Sabeco cũng sẽ được hưởng lợi từ tiềm lực của hãng sản xuất ThaiBev trong khu vực.
Trong bối cảnh đó, tình hình kinh doanh của Sabeco lại có dấu hiệu giảm tốc. Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý III năm 2018, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 3.482 tỷ đồng, giảm hơn 6,4% so với cùng kỳ. Mặc dù doanh thu lũy kế trong 9 tháng tăng 7,7%, nhưng chi phí lại tăng 13,6%.
Trên thực tế, ThaiBev dự tính trong năm nay lợi nhuận sẽ giảm. Cụ thể, doanh thu dự kiến đạt 36.092 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.007 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ chia cổ tức sẽ tiếp tục được duy trì ở mức 35%, tương đương năm 2017. Cổ tức năm nay đã được trả hết bằng tiền mặt trong tháng 11 vừa qua.
Bản thân Sabeco cũng lý giải, mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt tăng lên từ đầu năm 2018 (từ 60% lên 65%) đã ảnh hưởng đáng kể đến kết quả hoạt động kinh doanh. Thêm nữa, ngành bia hiện tại chịu nhiều sức ép cạnh tranh, từ những thương hiệu bia nước ngoài, thêm nữa, giá cả nguyên vật liệu sản xuất bia cũng tăng mạnh do mùa vụ và thời tiết.
Trên thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu SAB hiện ở mức 244.000 đồng/cổ phiếu, đi cùng đà giảm của thị trường từ tháng 4 cho đến nay. ThaiBev mua vào cổ phiếu SAB ở mức giá cao kỷ lục 320.000 đồng/cổ phiếu.
Theo Vietnamnet
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/sabeco-thanh-cong-ty-nuoc-ngoai-5-ty-usd-su-gia-doi-cua-ty-phu-thai-a66406.html