Kể từ giữa tháng 11/2018 đến nay, giá cao su tự nhiên thế giới có sự hồi phục mạnh mẽ từ mức 132,1 Yên/kg lên mức 191,8 Yên/kg ngày 16/1, tương tương tỉ lệ tăng hơn 45%. Được biết, trong 5 năm trở lại đây, giá cao su thế giới từng đạt đạt mức đỉnh 365 Yên/kg cuối tháng 1/2017.
Diễn biến giá cao su từ giữa tháng 11/2018 đến đầu tháng 1/2019. Nguồn: TradingView |
Với xu hướng hồi phục tích cực của giá cao su tự nhiên, nhiều nhà đầu tư bày tỏ kì vọng tích cực vào những doanh nghiệp sở hữu diện tích trồng cao su lớn. Một trong số đó là vườn cao su của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, Mã: HNG).
Thống kê từ quý II/2014 đến quý III/2018, tổng doanh từ bán mủ cao su của HAGL Agrico đạt gần 1.132 tỉ đồng, tương đương mức doanh thu bình quân 63 tỉ đồng mỗi quý. Trong cơ cấu doanh của HAGL Agrico, doanh tu từ bán mủ cao su chiếm tỉ trọng bình quân 7,3%. Đáng chú ý, có những quý doanh nghiệp này không ghi nhận từ doanh từ bán mủ cao su (quý IV/2014 và quý I/2016).
Doanh thu từ bán mủ cao su theo quý của HAGL Agrico. Nguồn: Phan Quân tổng hợp |
Trong 4 quý gần đây, doanh thu từ bán mủ cao su cảu HAGL Agrico chỉ chiếm dưới 8% trong cơ cơ cấu doanh thu của HAGL Agrico. Như vậy, doanh thu từ mủ cao su chỉ chiếm một tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp “bầu” Đức.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018 của HAGL Agrico, tính đến ngày 30/9/2018, tổng chi phí phát triển và vườn cây cao su và cọ dầu là 9.124 tỉ đồng, giảm 1.645 tỉ đồng so với thời điểm 31/12/2017.
Chưa hết, thời điểm 31/12/2016, khoản chi phí phát triển vườn cây cao su và cọ dầu của HAGL Agrico đạt hơn 11.830 tỉ đồng. Nếu so sánh với tổng mức đầu tư vào mủ cao su và cọ dầu của “bầu” Đức, khoản tiền thu về từ bán mủ cao su trong gần 5 năm gần còn khiêm tốn, đạt gần 10%.
Nguồn: BCTC |
Được biết, mảng trồng và khai thác cao su được HAGL đầu tư mạnh từ năm 2008 tại Lào, Campuchia và Việt Nam. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu khai thác vào năm 2012 (tương ứng với lứa trồng cao su đầu năm 2007), giá cao su thế giới đã liên tục đi xuống từ mức 526,4 Yên/kg tháng 2/2011 về mức đáy 145,1 Yên/kg vào tháng 12/2015.
Với việc chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá cao su liên tục giảm, HAGL Agrico từng lỗ gộp trong mảng khai thác cao su vào năm 2015 và 2016. Cụ thể, doanh thu từ bán mủ cao su năm 2016 đạt 114 tỉ đồng, trong khi giá vốn hàng bán đạt 142,8 tỉ đồng, dẫn đến lỗ gộp từ mảng cao su của HAGL là 28,8 tỉ đồng.
Với triển vọng không mấy tích cực trong những năm trước đó, kế hoạch kinh doanh năm 2018, HAGL Agrico đặt chi tiêu kinh doanh mảng cao su với diện tích khai thác 15.957 ha, dự kiến thu được 17.691 tấn mủ khô, góp phần mang lại doanh thu khoảng 520 tỉ đồng và lợi nhuận gộp 34 tỉ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu từ bán mủ cao su đạt gần 124 tỉ đồng, thực hiện 23,8% chỉ tiêu năm, Giá vốn hàng bán mủ cao su đạt 125 tỉ đồng, dẫn đến lỗ gộp từ mảng cao su gần 1 tỉ đồng.
Hiện nay khấu hao với vườn cây cao su của HAGL được thực hiện dựa trên Công văn số 1937 năm 2010 của Cục Tài chính Doanh nghiệp và Quyết định số 221 năm 2010 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hướng đẫn tỉ lệ trích khấu hao vườn cây cao su theo chu kì khai thác 20 năm. Với việc khai thác cao su bắt đầu từ năm 2012, một phần diện tích cao su của HAGL Agrico đang được trích khấu hao tại năm thứ 7.
Tuy nhiên, đối với phần diện tích cao su khác, với việc gia tăng số năm khai thác từ 1 đến 11 năm, tỉ lệ trích khấu hao của HAGL Agrico đối với vườn cao su sẽ gia tăng. Điều này làm tăng sức ép về chi phí khấu hao cho doanh nghiệp.
Khấu hao vườn cao su của 'bầu' Đức. Nguồn: BCTC |
Trong báo cáo triển vọng ngành năm 2019 được CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) công bố mới đây. Công ty chứng khoán này đánh giá kém khả quan đối với ngành Cao su tự nhiên.
Thứ nhất, giá cao su được dự báo sẽ khó phục hồi trong năm 2019. Nguyên nhân là tình trạng dư cung tiếp diễn và hàng tồn kho cao su đang ở mức cao; sự suy yếu của các đồng nội tệ các nước sản xuất cao su lớn so với đồng USD.
Thứ hai, tình trạng dư cung tiếp diễn làm giá cao su ở mức thấp. Theo dự báo của ANRPC, nguồn cung của cao su trong năm 2019 đạt 14.696 triệu tấn, tăng 5,8% yoy trong khi nguồn cầu đạt 14,73 triệu tấn, tăng 3,6% so với năm 2018 do Mỹ áp thuế suất cao lên lốp ô tô Trung Quốc. Tuy nhiên tình trạng dư cung được dự báo sẽ kết thúc trong thời gian 2021 - 2022 do diện tích trồng mới cao su từ năm 2013 đến nay giảm mạnh do giá bán thấp.
Dự báo một năm 2019 không mấy khả quan đối với ngành Cao su tự nhiên. Ảnh minh họa |
Phan Quân
Theo Kinh tế & Tiêu dùng