Ở góc độ người làm trong lĩnh vực công nghệ, theo quan sát của ông, công nghiệp 4.0 tại Việt Nam đang diễn ra như thế nào?
Mọi thứ đang diễn ra nhanh chóng, nhận xét ban đầu của tôi là vậy. Công nghiệp 4.0 đã được Chính phủ nhìn nhận, các doanh nghiệp bắt đầu sử dụng và toàn bộ 90 triệu dân Việt Nam cũng đang có những sản phẩm, dịch vụ từ nền công nghiệp này trong tay.
Tôi muốn nói rằng 4.0 đã đến Việt Nam với các công nghệ mới một cách rất tự nhiên. Nếu như ở 3 cuộc cách mạng trước, các chủ thể được chủ động sử dụng khi nào, ở đâu, vào vấn đề gì thì đối với công nghiệp 4.0, nó sẽ len lỏi, chạm vào các ngóc ngách của cuộc sống rất tự nhiên mà chúng ta thậm chí còn không nhận biết được. Đấy là sự khác biệt lớn nhất.
Điều này để thấy rằng chúng ta cần kế hoạch rất tốt để thích nghi, sử dụng, khai thác tốt nhất.
Có rất nhiều định nghĩa về công nghệ 4.0, với ông, nếu chỉ giới hạn trong một câu, sẽ là gì?
Để đơn giản, dễ nhớ, tôi thường khái quát thành cụm từ ABCD, là những chữ cái đầu tiên trong bảng aphabet. A là Artificial intelligence – trí tuệ nhân tạo, B là Big Data – dữ liệu lớn, C là Cloud computing – điện toán đám mây và D – Digital transfomation – sự chuyển đổi số.
Tại Việt Nam, mỗi khi nói đến cuộc cách mạng lần thứ 4, người ta thường nhắc đến cơ hội bứt phá để vượt lên. Với cuộc đua này, chúng ta có gì trong tay?
Thực ra khi chúng ta muốn làm việc gì, việc đầu tiên và quan trọng nhất phải là nhận thức, rồi tiếp đến là khả năng thực hiện, cuối cùng là kế hoạch để đạt được mục tiêu đấy.
Bước đầu tiên thì Việt Nam đã có rồi. Chưa bao giờ sự quyết tâm, thông điệp từ Chính phủ và các doanh nghiệp lại rõ ràng như vậy.
Còn về tiềm năng thì, Việt Nam có một lực lượng lao động trẻ, chiếm khoảng 1/4 dân số với khả năng học, tìm hiểu liên quan đến công nghệ. Đội ngũ lao động này được đánh giá là hàng đầu trên thế giới về tiềm năng và kỹ năng.
Bằng chứng là những giáo viên, học sinh được Microsoft đưa ra nước ngoài giao lưu, thi thố... đạt được kết quả rất cao. Việt Nam là một trong số những quốc gia được Microsoft đánh giá là có khả năng nắm bắt về công nghệ tốt nhất trên thế giới.
Như vậy, Việt Nam có tầm nhìn, định hướng, và năng lực rồi. Bây giờ, câu chuyện sẽ là chúng ta sẽ làm thế nào để triển khai. Đây thật sự là điều mà Chính phủ, doanh nghiệp và toàn dân phải nhìn lại, xem xét những cái gì có làm được để hiện thực hóa mục tiêu.
IDC đánh giá chỉ trong vòng 2 năm tới, khoảng 60% GDP của khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ tới từ dịch vụ và các giải pháp công nghệ số, tăng gấp 10 lần so với hiện nay. Vì vậy, Việt Nam phải làm thật nhanh vì các nước khác cũng nhìn thấy cơ hội đó; chưa kể, họ có trình độ phát triển tốt hơn chúng ta.
Microsoft đã đầu tư những gì cho trí tuệ nhân tạo?
Tập đoàn luôn có tầm nhìn khá dài. Thời của CEO đầu tiên - Bill Gates, sứ mệnh của Microsoft là mỗi gia đình sẽ có ít nhất một chiếc máy tính để bàn. Đến giờ, dưới thời của CEO thứ 3, ông Satya Nadella thì tầm nhìn là làm sao cho mọi người và mọi tổ chức trên hành tinh được trao sức mạnh để đạt được nhiều thành tựu hơn.
Microsoft tích lũy những thặng dư dựa trên những sự phát triển của các tổ chức, cá nhân, xã hội và sự giàu có của hệ thống đối tác sau này. Để đạt được mục đích, chúng tôi xây dựng ra hệ thống sinh thái nền tảng để các công ty phát triển, cụ thể là phần mềm.
AI là một lĩnh vực mà Microsoft đầu tư rất nghiêm túc. Đối với hệ thống sinh thái trên nền tảng đám mây Azzure, chúng tôi đã đưa ra dịch vụ có hàm lượng trí tuệ nhân tạo rất cao, liên quan đến nhận dạng giọng nói, chữ viết, hình ảnh.
Một điểm khác biệt là tập đoàn có các AI country plan. Nghĩa là tại mỗi nước, Microsoft cần phải có kế hoạch đưa AI vào cuộc sống. Trong đó luôn có câu chuyện làm việc với Chính phủ để đưa ra tư vấn xây dựng lộ trình, hành lang pháp lý. Bởi lẽ, AI dù là cơ hội nhưng cũng ẩn chứa rất nhiều rủi ro.
Mặt khác, nói đến AI thì không thể thiếu hệ thống điện toán đám mây. Hiện Microsoft đang sở hữu hệ thống điện toán đám mây lớn nhất thế giới. Chúng tôi hoạt động dựa trên niềm tin thị trường và khách hàng. "Trust" – lòng tin là từ khóa cao nhất. Tính riêng số tiền để bảo đảm an ninh thông tin hệ thống đám mây, mỗi năm, Microsoft chi khoảng 1 tỷ USD cho an ninh mạng (cyber security).
Nhắc đến vấn đề an ninh, Microsoft cũng là công ty bị hacker tấn công nhiều nhất, sau Chính phủ Mỹ?
Đúng rồi. Hàng ngày Microsoft nhận được hơn 50.000 cuộc tấn công. Và chúng tôi phải chủ động xây dựng hệ thống phòng bị cho mình và khách hàng.
Luật An ninh mạng có hiệu lực bắt đầu từ năm 2019 có ảnh hưởng đến Microsoft tại Việt Nam?
Thời điểm này tôi không phải là người trực tiếp có thể bình luận về Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, dựa vào những thông tin chính thức và hiểu biết của chúng tôi, luật nhằm mục đích bảo vệ đất nước, đưa ra môi trường làm việc công bằng, đảm bảo, không bị thất thu thuế.
Microsoft với tính tuân thủ pháp luật, minh bạch cao về nguồn thu, tin rằng chắc chắn các luật đưa ra sẽ không bao giờ ngăn cản mà chỉ ủng hộ an toàn bền vững. Tôi hoàn toàn tin tưởng là một công ty minh bạch, có công nghệ giúp các nước có thể chuyển đổi như chúng tôi sẽ không bị ảnh hưởng gì.
Nói đến công nghệ 4.0 không thể không nói đến vấn đề nhân lực. Như ông đã nói ở trên, nguồn nhân lực trong nước được đánh giá rất cao, tuy nhiên, đa phần các công ty IT đều kêu khó trong việc tuyển dụng?
Năng lực, khả năng học hỏi của người Việt rất cao, điều này không có gì nghi ngờ cả. Tuy nhiên, như tôi nói, cần có kỹ năng. Chúng ta có nhiều học sinh giỏi nhưng hệ thống giáo dục làm thế nào để đào tạo những con người ấy với đầy đủ khả năng thích nghi, đáp ứng nhu cầu của thị trường lại là câu hỏi lớn.
Các công ty công nghệ lớn như Microsoft đều phải tìm cách giải bài toán nhân sự phù hợp cho các vị trí. Chính vì thế, Microsoft có chương trình và chỉ tiêu cho việc tuyển dụng nhân tài trẻ.
Ví dụ như công ty có chương trình tuyển dụng những người mới ra trường, có tài năng. Trong thời gian đầu, Microsoft không đưa ra những áp lực cho các newbie, thay vào đó, họ được xây dựng một lộ trình thành công. Những người này có thể được luân chuyển giữa các vị trí khác nhau, các nước khác nhau và đào tạo. Sau 2 – 3 năm, công ty sẽ đặt ra những mục tiêu cho những người trẻ này phát triển như thế nào.
Một chỉ tiêu nữa mà Microsoft đặt ra là sự cân bằng, phong phú của người lao động. Cụ thể như sự cân bằng giới tính. Một trong những KPI của chúng tôi là duy trì lực lượng lao động nữ tối thiểu là 35%, tại Việt Nam, tỷ lệ này đang là 43%.
Phong phú là việc đưa về công ty những người có nền tảng học tập, kinh nghiệm khác nhau. Không nhất thiết người này làm cho công ty tương tự trong ngành mà có thể đang làm trong lĩnh vực khác. Chúng tôi mời làm việc và đào tạo họ để họ có thể đóng góp cho công ty. Đấy là chiến lược phát triển.
Quá trình tìm kiếm, tuyển dụng nhân sự của Microsoft ở Việt Nam có gì đặc biệt?
Thực ra bất kỳ vị trí nào của Microsoft đều xây dựng được hệ thống những người sẵn sàng để thay thế. Việc này được chúng tôi theo dõi, định hình hàng quý.
Chúng tôi có những chỉ tiêu cứng về mặt tuyển dụng như đã nói ở trên, là giới tính, kỹ năng... Tuy nhiên, một trong những điều mà Microsoft cho rằng quan trọng hơn cả, là khả năng phát triển cá nhân. Điều này được thể hiện thông qua những cuộc phỏng vấn, chứ không phải bài thi giấy trắng, mực đen.
Do vậy, ở Microsoft, số lượng người phỏng vấn một ứng viên là rất nhiều so với công ty khác. Ví dụ như tôi, khi về Microsoft, dù họ là người tiếp cận trước và mất 1 năm để tôi nhận lời, nhưng tôi vẫn phải trải qua 1 tháng phỏng vấn với 6 – 7 người. Điều này giúp công ty đánh giá về một con người đầy đủ hơn.
Mất 1 năm để đưa ra quyết định về làm sếp Microsoft, vậy yếu tố nào là then chốt với ông?
Quan điểm của tôi khi làm trong một công ty đầu tiên là trách nhiệm, công ty đó phải thành công trong ngành. Bên cạnh đó còn là trách nhiệm với cộng đồng. Thú thực tôi cũng tự hào với một số kết quả nhất định và có sự gắn kết chặt chẽ về mặt con người trước đó.
Suy nghĩ đến 1 năm là vì tôi không quan tâm lắm. Tôi chỉ giữ liên lạc với bên Microsoft. Sau đó, tôi có cuộc trao đổi với một lãnh đạo rất lớn của Tập đoàn, ông ấy nói với tôi rằng những thông tin mà tôi biết về Microsoft chỉ là những điều cách đây 10 – 15 năm. Tập đoàn hiện nay đã khác hoàn toàn và tôi nên nghiên cứu trước khi có câu trả lời.
Tôi làm theo và dành 2 tháng để tìm hiểu mọi thứ về Microsoft. Tuy nhiên, có 2 điểm lớn nhất khiến tôi quyết định đầu quân cho Tập đoàn này.
Thứ nhất là công nghệ mà Microsoft mang đến cho cộng đồng, xã hội. Rất hiếm công ty có khả năng thay đổi diện mạo của cả một đất nước hay một ngành cụ thể như Microsoft.
Thứ hai, cũng là điều tôi thích nhất, là việc Microsoft tuyên bố không muốn để lại ai ở phía sau. Tập đoàn đã hiện thực hóa điều này thông qua những khoản đầu tư lớn, khoảng 20 triệu USD trong 20 năm hoạt động ở Việt Nam, để phục vụ các mục đích xã hội.
Nhiều năm trước, TGĐ và các vị trí quan trọng trong các công ty đa quốc gia đều là người nước ngoài. Giờ mọi việc đang thay đổi và việc chuyển giao quyền cho người Việt đang trở thành xu hướng lớn. Bản thân cũng là một ví dụ, ông nghĩ sao về điều này?
Đó là dấu hiệu đáng mừng và tự hào. Trước nay đúng là chúng ta luôn có băn khoăn là làm thế nào để người Việt phát triển được trong các công ty đa quốc gia dù có không ít nhân tài.
Điểm hạn chế ở đây, theo tôi, là bộ kỹ năng cần thiết cho việc lãnh đạo. Bản thân các nhân sự làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia thường có trình độ, nhưng để trở thành sếp, đầu tiên bạn phải có kỹ năng phát triển được nhân viên. Thứ hai, bạn phải hiểu được mục tiêu, chiến lược kinh doanh của công ty. Cuối cùng, trong các tập đoàn đa quốc gia, tính tuân thủ là một trong những thứ không thể đánh đổi. Họ rất nghiêm khắc trong vấn đề này. Nếu đạt được đầy đủ 3 yếu tố này, sẽ có được niềm tin và được trao quyền.
Như vậy, với hiện tượng số lượng người Việt được bổ nhiệm làm sếp lớn được xem bước tiến, minh chứng rằng chúng ta đã làm được, đã có được sự tin tưởng từ lãnh đạo nước ngoài.
Tôi cũng cho rằng khi người Việt được nắm quyền trong các công ty này, họ sẽ làm được nhiều hơn cho đất nước.
Theo Trí Thức Trẻ