Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: "Hãy cho tôi trí tuệ nhân tạo, tôi sẽ đưa Việt Nam vào top 10"

Đó là cách mở màn hết sức hài hước của Chủ tịch HĐQT FPT với vai trò điều phối cuộc tọa đàm tại Hội thảo chuyên đề "Định hướng phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam" trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019 diễn ra sáng nay (17/1).


Đó là cách mở màn hết sức hài hước của Chủ tịch HĐQT FPT với vai trò điều phối cuộc tọa đàm tại Hội thảo chuyên đề "Định hướng phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam" trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019 diễn ra sáng nay (17/1).

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia trong nước và nước ngoài cùng đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu đã đưa ra những nhận định về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence), những tác động và thách thức mà nó đặt ra đối với nền kinh tế.

"Chúng ta đang ở trong mùa xuân của AI", ông Jeong Min-seong – Chuyên gia Kinh tế Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey nhận định, khi đầu tư vào AI nhận được sự quan tâm nhiều hơn bao giờ hết. Sự lớn mạnh của AI được thể hiện rõ ở việc chi phí lưu trữ thông tin giảm, lượng dữ liệu được gia tăng theo cấp số nhân, công nghệ thông tin đang được chú trọng phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Ông cũng đưa ra những dẫn chứng để làm sáng tỏ những luận cứ này.

Trước kia, sở hữu chiếc máy tính với ổ cứng 20MB đã là rất tự hào. Nhưng hiện nay, chỉ với vài trăm ngàn, bạn đã có thể có cả trăm Terabite trong lòng bàn tay, gói gọn trong một chiếc USB. Trước đây, máy móc dù có hiện đại đến đâu cũng không thể đạt đến trình độ của kỹ sư tạo ra nó. Nhưng chỉ trong vòng 5 năm từ 2011-2016, máy móc thậm chí còn làm tốt hơn con người. Nó đã có thể tự học và tự dạy cho chính mình thông qua việc thu thập dữ liệu và thực hiện các thuật toán.

Dưới góc độ của Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Bùi Thế Duy  cũng bày tỏ kỳ vọng đưa Việt Nam xếp thứ 29 vào năm 2030, xếp thứ 20 vào năm 2050 theo GDP. Ngoài ra, ông cũng đưa ra những kịch bản có thể xảy ra đối với nền kinh tế số Việt Nam. Có kịch bản theo hướng truyền thống và hiện đại, có thể theo hoặc trái với ý chí của các nhà quản lý nhưng tất cả đều hướng tới mục tiêu số hóa nền kinh tế một cách toàn diện nhất.

Ngoài ra tại hội thảo, buổi tọa đàm giữa đại diện Bộ Khoa học - Công nghệ, Tập đoàn FPT, TienphongBank, Microsoft Việt Nam, Viettel, Tập đoàn CMC và Google đã diễn ra hết sức sôi nổi. Các đại biểu đã đưa ra các ý kiến nhiều chiều về xu hướng số hóa, sự phát triển của AI và những khó khăn, thách thức đặt ra đối với sự phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Một số giải pháp được các đại biểu đưa ra là tăng cường đầu tư vào giáo dục đào tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực AI, cần xây dựng một lộ trình chuyển đổi hoàn chỉnh, tiếp thu các thành tựu về AI trên toàn thế giới để áp dụng vào thực tế Việt Nam một cách chọn lọc, xây dựng hệ sinh thái để góp phần thúc đẩy chuyển đối phát triển AI, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp,...


Theo Bùi Linh

Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chu-tich-fpt-truong-gia-binh-hay-cho-toi-tri-tue-nhan-tao-toi-se-dua-viet-nam-vao-top-10-a66747.html