Chiếc vé vào vòng 1/8 mà thầy trò HLV Park Hang-seo đoạt được nhờ vào "người bạn" Triều Tiên sẽ chẳng mấy ý nghĩa, nếu bản thân các cầu thủ không thấm bài học của riêng mình.
1. Đêm qua, người hâm mộ Việt Nam đắm chìm trong niềm vui - niềm vui không hẳn do Quang Hải và các đồng đội mang lại, mà từ trận đấu kiên cường của "người quen" Triều Tiên, chiến đấu kiên cường dẫu bị loại, để mang niềm vui cho thầy trò HLV Park Hang-seo .
Niềm vui ấy dẫu lớn, nhưng chắc hẳn không thể so sánh được với chiếc vé mà một "người láng giềng" khác từng tặng cho đội tuyển Việt Nam, dẫu chỉ là chiếc vé vào bán kết SEA Games rất nhiều năm về trước. Đấy là lần đầu tiên người hâm mộ Việt Nam xuống đường với không khí bùng nổ, say sưa và vỡ òa trong niềm vui sướng đến như thế. Niềm vui ngày ấy, giờ đã bước qua tuổi 20 khá lâu...
Ngày ấy, ở SEA Games 1997, đội tuyển Lào cũng chiến đấu hết mình để trao cho Huỳnh Đức, Hồng Sơn và các đồng đội cơ hội đặt chân vào vòng bán kết, bằng trận thắng 1-0 trước Malaysia. Kể từ đó, cái tên Keolakhone đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam.
Với chiếc vé vào bán kết được đội tuyển Lào "tặng", Việt Nam đoạt chiếc huy chương đồng SEA Games 1997.
Đội tuyển Việt Nam ngày ấy, dẫu cho thua Malaysia ngay trong trận ra quân, hòa với Indonesia ở trận thứ hai, vẫn lách mình qua khe cửa hẹp, đem về niềm vui vỡ òa cho người hâm mộ cả nước.
Hai mươi năm sau trận cầu cứu vớt đội tuyển Việt Nam ấy, ở SEA Games 2017, HLV Hữu Thắng và các học trò của mình gục ngã đớn đau, rời đấu trường khu vực ngay sau vòng bảng, đẩy bóng đá Việt Nam đối diện với một tương lai mông lung, vô định...
Một năm sau cái ngày Keolakhone "đẩy" Huỳnh Đức và các đồng đội vào bán kết SEA Games 1997, suýt chút nữa bóng đá Việt Nam đã có được cột mốc lịch sử, với trận chung kết Tiger Cup (tiền thân của AFF Cup) 1998 ngay trên sân Hàng Đẫy, để rồi phải chứng kiến cái lưng của Sasi Kumar cướp đi chức vô địch Đông Nam Á đầu tiên của bóng đá Việt Nam.
Hơn 20 năm trước, Sasi Kumar để lại tiếc nuối khôn nguôi cho bóng đá Việt Nam.
Hai mươi năm sau nỗi tiếc nuối khôn nguôi ấy, bóng đá Việt Nam có một năm rực rỡ cùng HLV Park Hang-seo, với ngôi vị Á quân U23 châu Á, cùng lần thứ hai vô địch Đông Nam Á trên đấu trường AFF Cup.
Hai mươi năm, bóng đá Việt Nam có những bước tiến dài, từ phấn đấu chật vật ở đấu trường khu vực, đến gây tiếng vang, thậm chí có khả năng đi sâu ở đấu trường châu lục. Vị thế bóng đá Việt Nam nay đã khác xa so với ngày ấy, thậm chí là đã ở một đẳng cấp cao hơn nhiều.
Chỉ có điều, bài học mang tên Hữu Thắng vẫn còn đó. Từ thành công đến thất bại, từ đỉnh cao đến vực sâu cách nhau đâu có xa. Từng con người, từng cho tiết nhỏ nhất, đôi khi cũng là yếu tố quyết định sự thành bại, được thua.
2. HLV Hữu Thắng thất bại, nhưng đâu phải chỉ đến khi HLV Park Hang-seo đến Việt Nam, với tài năng của mình mới xây dựng nên một thế hệ vàng rực rỡ của bóng đá Việt Nam như ngày hôm nay.
Trước Hữu Thắng, những Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Văn Hậu, Tiến Linh, Đức Chinh... chẳng phải đã tỏa sáng rực rỡ trong màu áo U19 Việt Nam trên đấu trường châu Á, đoạt vé dự World Cup U20 ở Hàn Quốc đầu năm 2017 đó sao?
HLV Hoàng Anh Tuấn là người đặt nền móng cho thế hệ vàng của những Quang Hải, Văn Hậu... trên đấu trường quốc tế.
Trước Hữu Thắng, chẳng phải lứa U19 HAGL của bầu Đức cũng đã từng khiến người hâm mộ Việt Nam đặt niềm tin vào một thế hệ vàng, sẽ đưa bóng đá Việt Nam bay cao đó sao?
Bàn thua khiến thầy trò HLV Park Hang-seo bị Iraq "cướp đi" 1 điểm trong trận khai mạc Asian Cup, nhiều người trách Văn Lâm, trách Hồng Duy. Nhưng như cựu tuyển thủ Như Thành phân tích, "thủ phạm" chính trong bàn thua này, là sự thua sút về thể lực, bởi: "Một khi thể lực đã đến mức cạn kiệt, thì chuyện gì cũng có thể xảy ra, bởi khi đó cái đầu không thể điều khiển nổi đôi chân nữa rồi".
Trận thắng 2-0 trước Yemen, Xuân Trường bị chỉ trích khá nhiều. Thực ra tiền vệ người Tuyên Quang này không tệ, chỉ có điều thể lực của anh không thể đáp ứng trọn vẹn được những trận đấu ở đấu trường châu lục kiểu thế này, dẫn đến khả năng xoay trở, tổ chức tấn công bị hạn chế rất nhiều.
Cả bàn thua quyết định ở trận chung kết U23 châu Á một năm về trước, đến bàn thua thứ 3 trước Iraq hồi tuần trước, điểm chung là của nó là sự mất tập trung ở những thời điểm quyết định. Oman "cướp" chiếc vé của thầy trò HLV Việt Nam ở những giây cuối cùng của trận đấu, và Lebanon cũng suýt nữa thì "làm nên chuyện" trước Triều Tiên ở những phút cuối cùng.
Bàn thua quyết định trước U23 Uzbekistan một năm trước, hai bàn thua trước Malaysia ở bán kết AFF Cup 2018, cũng như bàn thua quyết định trước Iraq, chẳng phải đều có kịch bản chung là đến từ những tình huống cố định đó sao?
Chiếc vé vào vòng 1/8 của Việt Nam không thể thiếu sự may mắn, nhưng nó cũng là sự ghi nhận cho những nỗ lực, cho sự vươn lên của bóng đá Việt Nam với những ngôi sao trẻ, trong vòng tay của HLV Park Hang-seo. Nhưng hãy nhớ, trong bóng đá, khoảng cách giữa thành công và thất bại gần nhau lắm.
Một chiến tích huy hoàng trên đấu trường châu Á nữa, ở Asian Cup lần này sẽ là món quà quý giá cho bóng đá Việt Nam. Song nếu sẽ phải dừng chân sớm, thì các cầu thủ phải đọc ra được, phải thấm nhuần được những bài học được rút ra trong suốt hơn 1 năm qua, thậm chí là từ những thất bại trước đó cùng HLV Hữu Thắng, bởi những bài học đó không mua được bằng tiền đâu.
Và cũng bởi, không ai có thể vươn tới đỉnh cao nếu không thuộc nằm lòng những bài học mà chỉ có những đấu trường đỉnh cao, với những đối thủ sừng sỏ, sự cạnh tranh khốc liệt mới có thể đem lại trải nghiệm. Đấy mới là điều quý giá nhất, chứ không phải chiếc vé mà đội tuyển Triều Tiên "tặng" cho thầy trò HLV Park Hang-seo đâu.
Theo Ngô Trà
Trí Thức Trẻ
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/sau-chiec-ve-hi-huu-la-bai-hoc-tien-khong-mua-duoc-cua-cac-hoc-tro-hlv-park-hang-seo-a66985.html