Các mỏ dầu khí chủ lực đã chuyển sang giai đoạn suy giảm sản lượng hay có độ ngập nước cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro, như mỏ Bạch Hổ, Tê Giác Trắng, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Rạng Đông...
Báo động về sản lượng
Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), sản lượng khai thác dầu trong nước năm 2018 đạt 12 triệu tấn, vượt 675 nghìn tấn, tương đương 6% so với kế hoạch Chính phủ giao đầu năm. Nhờ đó số nộp ngân sách nhà nước vượt 47,5 nghìn tỷ đồng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP cả nước 7,08%...
Doanh thu toàn tập đoàn vượt 18% kế hoạch, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017. Nộp ngân sách vượt tới 64% kế hoạch, tăng 24% so với năm 2017. Nguyên nhân chủ yếu là giá dầu tăng mạnh so với 2017.
Thế nhưng, sau những thành tích ấy, người làm dầu khí còn không ít nỗi lo, trong đó nổi lên là việc tìm kiếm các mỏ dầu mới.
Năm 2018 gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2018 vẫn đạt được 12 triệu tấn quy dầu (kế hoạch là 10-15 triệu tấn).
Gia tăng trữ lượng dầu khí tuy đạt kế hoạch đề ra năm 2018 song đây vẫn là năm thứ ba liên tiếp công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí gặp nhiều khó khăn. Nếu so với mục tiêu chiến lược phát triển mà ngành dầu khí đề ra ở trong nước là 20-30 triệu tấn/năm và ở nước ngoài là 8-12 triệu tấn/năm (tổng cộng là 28-42 triệu tấn/năm) thì không hoàn thành và đạt thấp hơn nhiều so với mục tiêu chiến lược đề ra.
Thực tế, điều kiện khai thác ở các mỏ dầu khí chủ lực đã chuyển sang giai đoạn suy giảm sản lượng hay có độ ngập nước cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro, như mỏ Bạch Hổ, Tê Giác Trắng, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Rạng Đông...
Theo PVN, việc gia tăng trữ lượng dầu khí, bù đắp vào sản lượng khai thác hàng năm, đảm bảo sự phát triển bền vững của tập đoàn “vẫn là thách thức vô cùng lớn”. Tiềm năng dầu khí chưa phát hiện còn lại được đánh giá tập trung chủ yếu ở vùng nước sâu, xa bờ, nhạy cảm về chính trị, nhưng khu vực này cần công nghệ khoan nước sâu, đầu từ lớn, rủi ro cao, thường xuyên bị nước ngoài gây sức ép, cản trở.
Trong khi đó, PVN cho rằng sự can thiệp của nước ngoài ở cụm phát hiện Cá Rồng Đỏ lô 07/03 đã “ảnh hưởng nặng nề” đến hoạt động phát triển mỏ của tập đoàn.
PVN nhận định tình hình biển Đông diễn biến phức tạp đã có tác động nặng nề đến công tác tìm kiếm thăm dò và phát triển chung của tập đoàn.
Báo cáo của PVN cho thấy: Hệ số gia tăng trữ lượng bù trừ vào sản lượng khai thác vẫn đang ở mức báo động (0,54 lần). Trong khi giai đoạn 2011-2015 hệ số này đạt 1,5 lần - mức an toàn phát triển bền vững thì tình hình dầu xấu đi. Năm 2016 đạt 0,65 lần. Riêng năm 2017 đạt 0,17 lần - là mức báo động nghiêm trọng.
Hết thời hoành tráng
Trước đây hàng năm, PVN khoan 30-40 giếng thăm dò, chi phí tốn từ 2-2,5 tỷ USD, gia tăng được 35-40 triệu tấn quy dầu. Thế nhưng, từ 2015 trở lại đây, đầu tư của ta và nước ngoài chỉ khoảng 400-500 triệu USD cho tìm kiếm thăm dò, giảm 5 lần so với trước.
Các phát hiện dầu khí giai đoạn gần đây phần lớn có trữ lượng nhỏ, do giá dầu thấp nên hiệu quả kinh tế không cao, dẫn đến số lượng công trình khai thác mới đưa vào để bổ sung sản lượng khai thác rất ít. Trong hai năm 2017 và 2018, chỉ có 3 mỏ/công trình mới vào khai thác (năm 2017 đưa giàn Thỏ Trắng - 3 mỏ Thỏ Trắng của VSP vào khai thác; năm 2018 đưa 2 mỏ vào khai thác là Bunga Pakma và Phong Lan Dại).
Một khó khăn khác ảnh hưởng đến công tác thăm dò, theo PVN, đó là nguồn vốn để thực hiện công tác tìm kiếm thăm dò gặp khó khăn do cơ chế trích lập, quản lý, và sử dụng Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí. PVN đã kiến nghị đề xuất trong Quy chế quản lý tài chính Công ty mẹ - Tập đoàn, đến nay vẫn chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Cụ thể hơn, những người làm công tác tìm kiếm thăm dò còn nỗi lo xử lý chi phí các mỏ thăm dò không thành công.
Năm ngoái, một lãnh đạo của PVN đã than thở: “Những năm qua ta tiêu tương đối nhiều tiền, có nơi thành công nơi chưa thành công. Đó là quy luật của tìm kiếm thăm dò. Cái này phải được đánh giá và hạch toán theo đúng thông lệ quốc tế. Số tiền này ngày càng tích lại, nếu không xử lý được thì giống như đang để một cái gông trên cổ”.
Việc tìm kiếm thăm dò khó khăn, còn ảnh hưởng đến loạt công ty khác của PVN. Đơn cử như Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí. Do có ít chương trình khoan nên giàn khoan PV Drilling V đã được đưa vào tình trạng cold stack (dừng hoàn toàn) tại cầu cảng PV Shipyard Vũng Tàu từ tháng 11/2016. Dự kiến, giàn PV Drilling V sẽ không có việc làm trong thời gian dài. Dự kiến số lượng giếng khoan tại Việt Nam năm 2019 ít nên các giàn khoan và dịch vụ của PVDrilling tiếp tục có ít việc làm. Sang năm 2019, các khó khăn và thách thức của PV Drilling sẽ ở mức độ cao hơn và phức tạp hơn so với năm 2018.
Tổng công ty Tư vấn Thiết kế dầu khí (PVE) cũng thiếu công việc trầm trọng bởi vì hầu hết các dự án dầu khí lớn tiếp tục giãn/dừng triển khai dẫn đến nhu cầu cung cấp dịch vụ và giá dịch vụ giảm mạnh. Lĩnh vực cốt lõi của đơn vị này là tư vấn thiết kế tuy nhiên khối lượng công việc chỉ khoảng 20%, ảnh hưởng đáng kể đến các chỉ tiêu kế hoạch của PVE trong các năm gần đây và những năm tiếp theo. Cụ thể, doanh thu năm 2018 của lĩnh vực này chỉ bằng khoảng 20% doanh thu năm 2015.
Theo Vietnamnet
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/mo-dau-can-kiet-tinh-huong-bao-dong-cua-viet-nam-a67022.html