Xin làm sân vận động 25.000 tỷ: Doanh nghiệp tính toán gì?

Quyết định thận trọng, tính toán kỹ lưỡng, giải thích rõ ràng mục đích, tính hiệu quả của dự án phải được kiểm tra, đánh giá khách quan.

Quyết định thận trọng, tính toán kỹ lưỡng, giải thích rõ ràng mục đích, tính hiệu quả của dự án phải được kiểm tra, đánh giá khách quan.

Một tập đoàn kinh tế trong nước vừa đề xuất với Hà Nội cấp 1.000-2.000 ha đất tại huyện Đông Anh, Mê Linh hoặc Sóc Sơn để xây dựng một tổ hợp vui chơi, giải trí, du lịch, trong đó có sân vận động sức chứa 100.000 chỗ ngồi. Sân vận động dự kiến thiết kế hiện đại bậc nhất, và có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến khoảng 25.000 tỷ đồng.

Mô hình sân vận động nhà đầu tư đưa ra. Ảnh: Zing

Ngoài sân vận động còn có các hạng mục cụm sân golf liên hoàn; đường đua công thức 1; cụm khách sạn, resort tiêu chuẩn 5 sao; khu liên hợp đa phương tiện phục vụ các hội nghị quốc tế; khu dịch vụ vui chơi giải trí; khu trung tâm thương mại - tài chính; tổ hợp các khu chăm sóc sức khỏe kết hợp nghỉ dưỡng (bệnh viện nghỉ dưỡng).

Đánh giá về đề xuất trên, GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng việc đầu tư xây dựng một khu liên hợp thể thao lớn, có cơ sở hạ tầng kết nối đồng bộ nhằm phục vụ nhu cầu phát triển thể thao trong nước và khu vực là điều cần thiết.

Nhu cầu thể thao đang lên trong khi cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn thiếu, yếu và lạc hậu, vì thế, có thêm một khu phức hợp đa chức năng nhằm phục vụ yêu cầu phát triển chung của quốc gia sẽ rất tốt. Tuy nhiên, phát triển như thế nào? Làm sao để phát huy được hiệu quả mà không rơi vào tình trạng lãng phí, lợi ích, thì lại là câu hỏi vị GS đặt ra.

GS Đặng Đình Đào lưu ý, Việt Nam đã có Sân vận động Mỹ Đình, một khu phức hợp được đầu tư với quy mô lớn, ngay từ đầu được kỳ vọng sẽ để lại cho con cháu sau này một công trình văn hóa quy mô, tầm cỡ, nhưng kết quả thì sao: Dự án xuống cấp, hỏng hóc, không được khai thác hiệu quả, sân chủ yếu cho thuê bán cafe, phòng hát... Rất lãng phí.

Câu hỏi cũng được vị GS đặt ra tương tự với đề xuất trên. Theo đó, GS Đặng Đình Đào cho rằng, nếu dự án được thực hiện bằng nguồn vốn hoàn toàn của doanh nghiệp trong nước hoặc thu hút từ vốn nhà đầu tư nước ngoài nhưng cần phải làm rõ mấy vấn đề sau:

Thứ nhất, GS Đặng Đình Đào cho rằng, nhu cầu có khu phức hợp thể thao hiện đại, đồng bộ là cần thiết nhưng có nên thực hiện dự án hay không lại phải cân nhắc trong bối cảnh thực tế. Nhất là với khâu thẩm định, đánh giá phải chắc chắn, khách quan tránh tình trạng dựng lên hàng loạt những dự án nghìn tỉ rồi bỏ hoang, lãng phí. Bên cạnh đó, khâu tổ chức thực hiện, quản lý, khai thác dự án cũng rất quan trọng.

"Nhà đầu tư tự bỏ tiền nhưng địa phương cấp đất. Dự án không hiệu quả không những nhà đầu tư bị ảnh hưởng mà địa phương cũng chịu thiệt hại lớn do quỹ đất lớn dành cho dự án đã không phát huy được hiệu quả.

Chúng ta có rất nhiều đại dự án nghìn tỷ, các công trình thể thao, sân vận động, nhà văn hóa nhưng đa số là bỏ không hoặc chỉ khai thác được chưa đến 1/3 công suất, vậy thì phải tính toán với dự án này thế nào?", GS Đặng Đình Đào đặt câu hỏi.

Thứ hai, dự án có được bảo đảm sẽ xây dựng và hoạt động đúng mục đích không?

"Tôi lo ngại, dự án được dựng lên với danh nghĩa là xin làm sân vận động để phục vụ mục tiêu phát triển thể thao quốc gia nhưng mục tiêu chính lại là phục vụ lợi ích của chủ đầu tư. Xin làm sân vận động nhưng chủ yếu phát triển BĐS, khu nghỉ dưỡng, xin đất để chia lô, bán nền, kiếm lợi. Đây cũng là lo ngại chung của rất nhiều địa phương.

Ví dụ, xin 1.000-2.000 ha đất nhưng chỉ dành 200-300 ha làm sân vận động còn lại ưu tiên các dự án nhà ở, nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải tí thì có ổn không? Do đó, vấn đề này phải lưu ý và phải được quy định rất rõ", vị GS nói.

Theo GS Đặng Đình Đào, các doanh nghiệp đầu tư cần phải thay đổi tư duy, cách làm ăn kiểu chạy theo lợi ích, có bằng được dự án rồi lách luật chia đất, phục vụ mục đích khác là không ổn. Việc này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của nhà đầu tư. Về phía chính quyền địa phương và cơ quan quản lý phải tỉnh táo thận trọng, tránh bị doanh nghiệp "dẫn dắt", cuối cùng lợi không thấy đâu mà những tác động tiêu cực để lại thì đang thấy rõ.

Thứ ba, nguồn vốn đầu tư dự án lấy từ đâu?

"Câu hỏi này cũng cần phải làm rõ, tránh tình trạng nhà đầu tư hô thì to nhưng vào đầu tư lại không có đồng nào hoặc chủ yếu là tiền vay ngân hàng. Phải khẳng định rõ, dự án huy động vốn từ xã hội thì phải là tiền của nhà đầu tư tư nhân đầu tư, không thể có kiểu "tay không bắt giặc", nhà đầu tư bỏ ra một số vốn rất hạn chế rồi lại đi vay ngân hàng để làm dự án là không được", GS Đặng Đình Đào nhấn mạnh.

Xây sân mới Hàng Đẫy: Đất công ưu tiên mục đích công

Cuối cùng, vị GS cho rằng, đề xuất của nhà đầu tư là rất đáng để quan tâm, tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước không nên vì thế mà vội vàng trong quyết định của mình.

Quyết định thận trọng, tính toán kỹ lưỡng, giải thích rõ ràng mục đích, tính hiệu quả, tính khả thi của dự án phải được kiểm tra, đánh giá khách quan.

Cùng với đó, cũng phải xem xét dự án sẽ tác động thế nào tới đời sống, kinh tế, xã hội, tới điều kiện phát triển trên địa bàn địa phương.

"Phải thận trọng ngay từ khi dự án mới được thai nghén, không thể để dựng lên rồi mới tính, mới chạy theo để sửa, như thế là quá muộn", vị GS nhắc nhở.

Thái Bình

Theo Đất Việt

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/xin-lam-san-van-dong-25-000-ty-doanh-nghiep-tinh-toan-gi-a67387.html