Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội Viettel (Viettel) đã chia sẻ như vậy tại một hội thảo khoa học liên quan đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel.
Theo ông Hùng, trong một cuộc cách mạng, các doanh nghiệp mới sẽ thay thế các doanh nghiệp cũ. Mỗi cuộc cách mạng tạo cơ hội cho một số quốc gia, một số đơn vị bứt phá và phát triển. Tuy nhiên chỉ có một số ít là những đơn vị dám tiên phong đi đầu.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo nên một sự thay đổi toàn diện, mang lại cơ hội lớn cho sự đột phá và những người dám tiên phong.
Kể lại câu chuyện của Viettel 15 năm về trước khi công ty này vẫn còn là một công ty rất nhỏ với khoảng 2,3 tỷ đồng tiền vốn trong khi một số công ty khác như VNPT có trong tay một cơ sở hạ tầng hàng chục năm với nguồn vốn hàng chục ngàn tỷ đồng, ông Hùng chia sẻ, chính câu nói của một vị giáo sư người Malaysia “anh đã có tất cả mọi thứ vì anh không có gì cả” đã khai sáng cho ông trong việc phát triển tập đoàn bởi lẽ những người không có gì sẽ chẳng sợ đánh mất điều gì.
Ông Hùng cho biết khi đã có một sự nghiệp kinh doanh thành công, Viettel vẫn luôn tự đặt mình ở vị trí số 0 để không ngừng sáng tạo và phát triển.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra những cơ hội và kết quả bất ngờ cho sự đột phá, đặc biệt là cho những người đi sau, chẳng hạn như các nước nghèo, các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, lãnh đạo Viettel cho rằng những người đi sau cần có mong muốn không giống người đi trước vì nếu đi sau mà giống người đi trước thì mãi mãi chỉ là người đi sau. Công cụ 4.0 chủ yếu hỗ trợ cho những việc làm khác biệt tạo nên sự sáng tạo và mang tính phá hủy.
"Các quốc gia có nền tảng hoành tráng, đặc biệt những quốc gia đã rất thành công trong cuộc cách mạng 3.0 sẽ không có đủ can đảm để phá hủy vì họ sợ mất mát. Chỉ những ai chưa có gì trong tay mới sẵn sàng tiên phong", vị ông Hùng nhìn nhận.
Cần tạo sự đột phá và khác biệt
Ông Hùng nhận định, trước đây chúng ta thường học trước và làm sau nhưng xu hướng bây giờ là làm trước, trải nghiệm trước sau đó mới học.
Theo ông, tại các trường đại học, sinh viên cần làm nhiều hơn, thậm chí là làm trước rồi mới được dạy sau thì việc học mới có hiệu quả. Việc học hỏi cần thực hiện khi đã có sự nghiên cứu và tìm hiểu. Sinh viên cần được đào tạo để làm giám đốc của một công ty một người thay vì là một mắt xích trong một doanh nghiệp.
“Giờ đây học là để làm cái chưa ai làm chứ không còn làm cái đã học, điều này được gọi là sáng tạo. Việc học là để tạo sự đột phá chứ không còn để tốt lên từng ngày; học là để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi WHY, để có tư duy phản biện và tiếp cận thông tin từ đó sáng tạo chứ không chỉ học WHAT và HOW mang tính thuộc lòng”, lãnh đạo Viettel nhìn nhận.
Trước đây người giỏi nhất luôn là người giỏi nhất nhưng nay người giỏi nhất lại có thể là người dốt nhất. Người giỏi nếu không tiếp thu từ những người xung quanh thì có thể trở thàng người dốt nhất và ngược lại những người dốt biết đi khắp nơi để tìm kiếm những kiến thức, công nghệ mà mình không biết gì sẽ có thể trở thành những người giỏi nhất.
“Đây chính là cách mà Viettel trở thành một công ty hàng đầu về công nghệ tại Việt Nam”, người đứng đầu Viettel chia sẻ.
Dẫn ví dụ về sự phát triển mạnh mẽ của Singapore, ông Hùng còn cho rằng nếu như trước đây người thay đổi thế giới là người nói thì nay người khai sáng thế giới lại có thể là một người đặt ra câu hỏi.
Theo đó, khoảng 7 - 8 năm về trước, một câu hỏi đã được đặt ra liệu rằng Singapore là một quốc gia hay một thành phố. Nếu xét từ góc độ của một nước, Singapore gần như không có cửa để tăng trưởng vì trong vòng khoảng 10 năm từ thời điểm đó trở về trước, Singapore là 1 trong 5 quốc gia có GDP cao nhất thế giới.
Nhưng nếu nhìn từ góc độ là một thành phố, Singapore thời điểm bấy giờ có GDP đầu người đứng thứ 63 trên thế giới. Điều này đã tạo ra một giai đoạn phát triển mới cho Singapore mà phải trong 20 năm tiếp theo, thành phố Singapore may ra mới đưa được GDP đầu người vào top 5 thế giới. Như vậy, chính câu hỏi đó đã mở ra một giai đoạn phát triển mới cho Singapore trong vòng 20 năm.
Người đứng đầu Viettel cho rằng nhờ sự đột phá của công nghệ, con người có thể tiết kiệm rất nhiều chi phí và thời gian nhờ thực hành nghiên cứu và thí nghiệm trong một môi trường ảo và mô phỏng thay vì các phòng thí nghiệm. Bên cạnh đó, việc học không chỉ mang tính lý thuyết ở trong trường mà còn cần gắn với thực hành; nhiều trường đại học còn liên kết với các doanh nghiệp.
Việc liên kết còn thể hiện rõ hơn trong bối cảnh của hội nhập khi việc tìm kiếm nhân sự không chỉ gói gọn trong quy mô của hơn 90 triệu người Việt Nam mà đã vượt ra quy mô của hơn 7 tỷ người trên thế giới.
Bên cạnh đó, ông cho rằng 30% những người thầy hiện nay là các doanh nhân, chuyên gia. Thầy không chỉ là những giáo viên như trước đây nữa mà giờ đây họ còn đóng vai trò của các huấn luyện viên; cái hay của mô hình này là trò bao giờ cũng giỏi hơn huấn luyện viên.
Ông Hùng cũng nhận định trước đây, chúng ta chỉ cần biết ngôn ngữ giữa người với người nhưng nay cần biết thêm loại ngôn ngữ để trao đổi giữa người với máy vì trong tương lai, máy móc sẽ thay thế con người trong sản xuất và con người sẽ chỉ cần ra lệnh cho máy móc.
Lãnh đạo Viettel đồng thời nhấn mạnh, người thắng cuộc và người đi đầu sẽ hưởng mọi thành quả, người đi theo sau chẳng được bao nhiêu; do đó, dù đi sau nhưng cần phải cố gắng để đi trước và vượt trội, cần đặt mục tiêu cao hơn, làm những việc khó hơn, giúp bản thân vượt ra khỏi vùng an toàn và giới hạn của bản thân bởi lẽ điều duy nhất không thay đổi là chính sự thay đổi.
theo TheLEADER
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tong-giam-doc-viettel-nguyen-manh-hung-lam-truoc-sau-do-moi-hoc-a67392.html