Trong đúng 1 năm trở lại đây, người hâm mộ bóng đá Việt Nam được thưởng thức 4 giải đấu lớn với những trận đấu mãn nhãn và kết quả cũng rất tuyệt vời. Chúng ta giành ngôi á quân U23 Châu Á ở Trung Quốc, vào top 4 đội mạnh nhất tại Asiad trên đất Indonesia, lên ngôi vương đầy thuyết phục tại AFF Cup và khởi động năm 2019 bằng cách đang tạm thời lọt vào top 8 đội mạnh nhất châu Á.
Cho dù là đội bóng có tuổi đời trẻ nhất tại Asian Cup, Việt Nam vẫn lọt vào top 8 đội mạnh nhất châu lục. Trước mắt sẽ là khó khăn rất lớn khi đối thủ là Nhật Bản, đội tuyển giàu truyền thống nhất giải đấu này và có trình độ vượt trội khi tất cả các cầu thủ đều đang được thi đấu tại Châu Âu.
Tuy nhiên, dù cho kết quả trận đấu sắp tới có thế nào đi nữa, thì những gì bóng đá Việt Nam làm được trong 1 năm qua cũng đã khiến người hâm mộ rất tự hào. Và có thể khẳng định rằng, thành quả ngày hôm nay không phải nhất thời, mà chúng ta đang hái những trái ngọt nhờ một loạt các lò đào tạo được xây dựng bài bản nhiều năm qua.
CLB Hà Nội
Không quá khi nói rằng, đội bóng thủ đô đang là xương sống của đội tuyển bóng đá Việt Nam. Liên tiếp trong các giải đấu gần đây, CLB Hà Nội là đội tuyển góp nhiều cầu thủ nhất, dù là đội trẻ hay đội tuyển quốc gia.
Tại Asian Cup 2019, CLB Hà Nội góp 7 cầu thủ: Đoàn Văn Hậu, Đỗ Duy Mạnh, Phạm Đức Huy, Nguyễn Quang Hải, Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Thành Chung, Ngân Văn Đại. Trong đó, 5 cái tên đầu tiên thường xuyên được ra sân thi đấu. Bên cạnh đó, Hà Nội còn nhiều cầu thủ chất lượng khác, mà tiêu biểu là Trần Đình Trọng, một cầu thủ không thể thay thế trong hàng phòng ngự của ông Park Hang Seo suốt 1 năm qua, nhưng không may gặp chấn thương và đang phải điều trị tại Hàn Quốc.
Đình Trọng, Quang Hải và Văn Hậu trong đội hình U17 T&T cách đây 5 năm
Với sự đầu tư từ Tập đoàn T&T của Bầu Hiển, "lò" T&T của Hà Nội đang rất mạnh tay trong việc thu hút nhân tài. T&T hiện có một chi nhánh tại Cửa Lò có tên T&T VSH do cựu tuyển thủ quốc gia Văn Sỹ Hùng đào tạo. Đây là nơi đào tạo các tài năng trẻ dưới 15 tuổi, sau đó các cầu thủ triển vọng sẽ được chuyển ra Hà Nội để tiếp tục quá trình đào tạo cao hơn.
Bên cạnh đó, T&T còn được nhận nguồn cầu thủ trẻ từ Trung tâm TDTT Hà Nội và lò đào tạo này cũng sẵn sàng nhận, mua lại 'măng non' từ các lò đào tạo khác, chẳng hạn như Viettel, Ninh Bình hay PVF.
Nhờ lực lượng đào tạo trẻ dồi dào, "lò" T&T không chỉ cung cấp cầu thủ cho CLB Hà Nội mà còn nhiều câu lạc bộ khác có liên quan tới bầu Hiển, như SHB Đà Nẵng, Sài Gòn FC...
Những mùa giải vừa qua, các câu lạc bộ của Bầu Hiển vừa duy trì thành tích tốt tại V-League vừa đảm bảo công tác đào tạo trẻ. Những cái tên như Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Văn Hậu đều được đôn lên đội một và nhanh chóng trở thành cầu thủ chủ lực của câu lạc bộ. Mặc dù có đóng góp rất lớn với bóng đá nước nhà, nhưng bầu Hiển hiếm khi xuất hiện trước công chúng để nhận công lao về mình.
Hoàng Anh Gia Lai
Nhắc đến đào tạo trẻ tại Việt Nam, HAGL JMG có lẽ nổi tiếng nhất. Có thể nói, HAGL Arsenal JMG chính là lá cờ đầu của phong trào đào tạo bóng đá trẻ tại Việt Nam. Năm 2007, ông Đoàn Nguyên Đức đã sang tận London để bắt tay với CLB Arsenal và Nhà quản lý - HLV Arsene Wenger, để mang về Việt Nam quy trình đào tạo trẻ theo chuẩn châu Âu.
Trong suốt 10 năm qua, bầu Đức đã phải tiêu tốn khoảng 4-5 triệu USD mỗi năm cho học viện. Và cho dù hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai gặp rất nhiều khó khăn, bị nhiều người nói là chơi "ngông", làm chuyện vô bổ, bầu Đức vẫn nuôi quyết tâm theo đuổi tới cùng nghiệp bóng. Bầu Đức cho biết, niềm hạnh phúc của ông là có những chiều ngồi xem các em đá bóng, gác lại công việc bộn bề sang một bên.
Năm 2017, hợp đồng giữa 2 bên đã chấm dứt sau 10 năm hợp tác và điều thú vị là, sau đúng 1 thập kỷ đào tạo trẻ, bầu Đức bắt đầu hưởng trái ngọt với liên tiếp những thành công trong năm 2018.
Công Phượng - "Sản phẩm" thành công nhất của lò đào tạo trẻ HAGL JMG
Trong danh sách cầu thủ được triệu tập cho Asian Cup 2019, HAGL có 5 gương mặt, gồm Nguyễn Phong Hồng Duy, Lương Xuân Trường, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Công Phượng, Trần Minh Vương. Cả 5 cầu thủ đều đã được ra sân tại giải đấu năm nay, trong đó đóng góp lớn nhất là Công Phượng khi liên tục được đá chính và có 2 bàn thắng, trong đó có bàn gỡ hòa vào lưới Jordan, mở ra chiến thắng giúp Việt Nam vào chơi trận tứ kết.
Không những góp công sức, tiền của vào đào tạo trẻ, bầu Đức còn là người đưa HLV Park Hang Seo về Việt Nam, để rồi vẫn với những cầu thủ ấy, đội tuyển Việt Nam lột xác, liên tục chinh phục những đỉnh cao mới. Theo những thông tin được tiết lộ thời gian gần đây, chính bầu Đức là người trả lương cho ông Park Hang Seo với mức khoảng 20 tỷ đồng cho 27 tháng lương, chứ không phải Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF.
Sông Lam Nghệ An
Dù đội tuyển Việt Nam có những lúc thăng trầm khác nhau, nhưng Sông Lam Nghệ An vẫn luôn có những gương mặt ưu tú được gọi lên đội tuyển. Truyền thống đào tạo trẻ tại câu lạc bộ xứ Nghệ này không có gì phải bàn cãi cho dù tài chính không quá dư dả.
Khác với T&T hay HAGL, Sông Lam Nghệ An không có ông bầu nào trực tiếp chống lưng, nên các khoản chi tiêu phải qua nhiều thủ tục và không thực sự thoải mái. Theo chính sách của tỉnh, lò đào tạo trẻ của Sông Lam Nghệ An có "gói" 20 tỷ đồng/năm và từ giữa năm 2016 được tăng thêm lên 25 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, mỗi lần muốn tiêu bất cứ số tiền nào trong đó, Sông Lam Nghệ An đều phải làm đề án, trình Sở Văn Hóa, Thể Thao và Du lịch Nghệ An và chờ phê duyệt. Thực tế, 25 tỷ đồng là mức trần, là con số tối đa và rất ít khi Sông Lam Nghệ An có thể tiêu hết số tiền này cho công tác đào tạo trẻ.
Trọng Hoàng, cầu thủ trưởng thành từ Sông Lam Nghệ An giờ đã đầu quân cho FLC Thanh Hóa
Mặc dù vậy, bất chấp những khó khăn, Nghệ An vẫn giữ được truyền thống và sự bài bản của mình. Trong đội hình của đội tuyển Việt Nam hiện nay, Sông Lam Nghệ An góp 2 gương mặt là Quế Ngọc Hải và Phan Văn Đức, 2 cầu thủ trụ cột và luôn có suất đá chính trong lối chơi của thầy Park.
Ngoài ra, "người không phổi" Trọng Hoàng mới chuyển sang thi đấu cho FLC Thanh Hóa cũng là sản phẩm của Sông Lam Nghệ An. Với 3 cầu thủ góp mặt và chiếm cả 3 suất đá chính trong đội hình, có thể thấy chất lượng của lò Sông Lam Nghệ An không hề bị mai một.
PVF
Ra đời muộn hơn các lò đào tạo trẻ khác, nhưng PVF của Tập đoàn Vingroup chắc chắn là lò đào tạo có cơ sở vật chất hiện đại nhất. Xây dựng PVF, tầm nhìn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng không chỉ là Sea Games hay Châu Á, mà là giấc mơ World Cup.
Cách làm bóng đá của vị tỷ phú này cũng khác hoàn toàn so với các ông bầu khác. Với tài sản hàng tỷ đô của mình, ông dư sức sở hữu riêng một câu lạc bộ để thi đấu tại V-League, nhưng ông không làm như vậy, mà chọn cách làm bóng đá trẻ.
PVF có chất lượng đào tạo hàng đầu khu vực
PVF của ông Phạm Nhật Vượng được thành lập từ cuối năm 2008 và bắt đầu tuyển chọn các tài năng trẻ từ năm 2009. Sau một thời gian đóng đô tại TPHCM, PVF đã chuyển về Văn Giang, Hưng Yên với cơ sở vật chất hiện đại. Thậm chí, Vingroup còn mới các huyền thoại bóng đá Paul Scholes, Ryan Giggs về huấn luyện cho đội bóng, bắt tay với nhiều người làm bóng đá chuyên nghiệp tại giải Ngoại Hạng Anh.
Các cầu thủ của PVF sau khi học tập, rèn luyện ở đây sẽ được thi đấu ở các câu lạc bộ của V-League và Giải hạng nhất quốc gia. Trong những năm tới, PVF hứa hẹn sẽ có nhiều gương mặt cạnh tranh suất lên tuyển của bóng đá Việt Nam.
Là đội tuyển trẻ nhất tại Asian Cup 2019, đội tuyển Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực và hiện đã vào top 8 đội mạnh nhất, xếp ngang hàng với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Australia... Có thể tin tưởng rằng, nếu công tác đào tạo trẻ vẫn được duy trì bài bản, bóng đá Việt Nam sẽ còn tiến xa hơn nữa trong tương lai.
Việt Nam đã vào top 8 đội mạnh nhất châu lục
*Trận đấu vòng tứ kết giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ diễn ra lúc 20h00 ngày 24/1.
Hà My
Theo Trí Thức Trẻ
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/1-nam-thanh-cong-cua-bong-da-viet-nam-cam-on-cac-ong-bau-cam-on-nhung-lo-dao-tao-tre-a67833.html