Thủ tướng: “Hãy đến và tạo ra các sản phẩm 4.0 tại Việt Nam”

Ngày đầu tiên ở Davos tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự nhiều hoạt động bên lề. Ông gặp gỡ các tập đoàn lớn, thúc đẩy đầu tư, hợp tác với Việt Nam.

Theo Cổng thông tin của Chính phủ, lần thứ 2 tới Davos dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự nhiều hoạt động bên lề, trong đó có việc gặp gỡ và đối thoại với hơn 30 tập đoàn lớn nhất trên thế giới.

Tại đây ông cho biết Việt Nam đang khởi động chương trình “made in Vietnam 4.0” để tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hãy đến và tạo sản phẩm “Made in Vietnam 4.0” ở Việt Nam

Tối 23/1, giờ địa phương (rạng sáng 24/1, giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đối thoại với lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu về kinh tế Việt Nam với chủ đề “Thúc đẩy sự năng động và sáng tạo trong cách mạng 4.0”. Cùng dự có Giám đốc điều hành WEF Olivier Schwab, lãnh đạo các tập đoàn của Việt Nam, và 30 tập đoàn quốc tế.

Mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia mở cửa, là đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế. Độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn, Việt Nam có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch thương mại đạt 185% GDP; GDP tăng cao liên tục, bình quân gần 6,7%/năm.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: WTF.
Thủ tướng cũng cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 đang “gõ cửa” từng doanh nghiệp, đem đến những thay đổi sâu sắc, mà không quốc gia nào có thể đứng ngoài. Nỗ lực vượt qua khó khăn, hạn chế, thách thức, Việt Nam coi đây là cơ hội to lớn khi các quốc gia cạnh tranh bằng sáng tạo, mà không phải chỉ bằng các yếu tố truyền thống như tự do thương mại, quy mô, kinh nghiệm, lao động, vốn đầu tư.

Ông cũng cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ là về công nghệ mà còn là cuộc cách mạng về chính sách. Việt Nam đã khởi động Chương trình “Made in Vietnam 4.0”. Đây là sáng kiến thúc đẩy các ngành công nghiệp dựa trên chính sách mới, tư duy quản lý mới và những công nghệ mới.

Qua đó, ông đề nghị các doanh nghiệp quốc tế: “Hãy đến và tạo ra các sản phẩm 4.0 tại Việt Nam”.

“Việt Nam sẵn sàng tạo thuận lợi và cùng các bạn hiện thực hóa chiến lược, chương trình, kế hoạch về thúc đẩy phát triển trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng một nền công nghiệp 4.0”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết Việt Nam sẽ đi đầu trong xây dựng khung chính sách chấp nhận, cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, áp dụng mạnh mẽ mô hình hợp tác công - tư để tạo ra các dịch vụ và sản phẩm đột phá, thân thiện với môi trường trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Trước đó vào chiều 23/1, giờ địa phương, (đêm 23/1, rạng sáng 24/1, giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc tiếp một số tập đoàn hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực như Apple, AB Inbev, Procter & Gamble, Adidas, Facebook, Sanofi, Carlsberg…

Tại buổi tiếp CEO Apple Tim Cook, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Apple về những thành công trong hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua. Ông cũng bày tỏ ủng hộ kế hoạch đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu của Apple tại Việt Nam.

Thủ tướng cũng mong muốn Apple tiếp tục đầu tư hiệu quả, minh bạch và lâu dài tại Việt Nam; là cầu nối cho doanh nghiệp Mỹ tăng cường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Tiếp Phó chủ tịch Facebook Nick Clegg, Thủ tướng mong muốn Facebook tăng cường hợp tác phát triển ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thông tin, phát triển kinh doanh qua các mạng xã hội.

Trước một số vụ việc liên quan đến việc phát tán thông tin sai lệch trên mạng xã hội, Thủ tướng đề nghị Facebook tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật Việt Nam, nâng cao chất lượng quản trị và dịch vụ cho khách hàng của Facebook tại Việt Nam, nhất là cơ chế xác thực thông tin để tránh vấn đề giả mạo.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp CEO Apple Tim Cook. Ảnh: TTXVN.

Tiếp giám đốc Adidas Kasper Rorsted, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn EU và cộng đồng doanh nghiệp EU, trong đó có Adidas đã hỗ trợ Việt Nam trong suốt quá trình đàm phán Hiệp định EVFTA.

Tại buổi tiếp Chủ tịch, CEO Carlsberg Cees’t Hart, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh việc tham gia của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài, trong đó có Carlsberg vào quá trình cổ phần hóa của ngành bia - rượu - nước giải khát tại Việt Nam đã có nhiều kết quả tích cực.

Tiếp Chủ tịch P&G Mages-vanran Suranjan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này tại Việt Nam trong thời gian qua; đề nghị Tập đoàn P&G tiếp tục mở rộng các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới.

Đề nghị thành lập “Diễn đàn đối tác công - tư rộng mở về ứng phó với biển đổi khí hậu”
Vào trưa ngày 23/1 giờ địa phương (chiều 23/1, giờ Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu khai mạc phiên thảo luận với chủ đề “Cuộc gặp các nhà lãnh đạo về chương trình nghị sự hành động đại dương”.

Thủ tướng ghi nhận nhiều nỗ lực trong quản trị biển và đại dương, nhưng cho rằng rất cần phải có những đột phá, nhất là huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực để ứng phó với những thách thức nghiêm trọng của biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng và hỗ trợ cho các quốc gia bị tác động nặng nề nhất.

Thủ tướng đề nghị thành lập “Diễn đàn đối tác công - tư rộng mở về ứng phó với biển đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái biển” để tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác, chuyển giao công nghệ, huy động các nguồn lực và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp vào bảo vệ môi trường biển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) phối hợp với các đối tác nghiên cứu, thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển và đại dương; hoan nghênh cộng đồng quốc tế ủng hộ lập trường chung của ASEAN về việc cần phải bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên khu vực Biển Đông.

Cùng ngày, Thủ tướng có cuộc gặp Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevedo. Ông khẳng định Việt Nam coi trọng hệ thống thương mại đa phương dựa trên hệ thống các nguyên tắc và luật trong khuôn khổ WTO; nhấn mạnh sau hơn 10 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm cao.

Tổng giám đốc WTO bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội mọi mặt của Việt Nam; cảm ơn sự hỗ trợ, phối hợp hiệu quả của Việt Nam trong hệ thống thương mại đa biên; khẳng định WTO sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nhân lực về hội nhập, thương mại quốc tế.

Hiếu Công/Zing

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/thu-tuong-hay-den-va-tao-ra-cac-san-pham-4-0-tai-viet-nam-a67882.html